Vì sao trẻ em dễ mắc viêm phổi? Cách phòng tránh viêm phổi ở trẻ em
Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do viêm phổi lên tới 75% trong các bệnh lý về hô hấp. Nhóm trẻ dưới 5 tuổi chiếm 70 – 80% số lượng trẻ mắc bệnh viêm phổi. Viêm phổi ở trẻ em luôn là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh. Vậy tại sao trẻ lại hay bị viêm phổi và cách phòng tránh viêm phổi ở trẻ em như thế nào là tốt nhất?
Vì sao trẻ em dễ mắc viêm phổi? Cách phòng tránh viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi là bệnh gì?
Viêm phổi (hay còn gọi là viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ) là căn bệnh hình thành do sự thương tổn ở các phế nang, phế quản nhỏ, các tổ chức quanh phế nang trong phổi. Đa phần các trường hợp bị viêm phổi đều do sự tấn công của các vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng hoặc có thể thời tiết, khói bụi, ...
Viêm phổi ở trẻ em thường là nhiễm trùng phổi (các túi khí có nhiều chất nhầy) khiến bệnh nhân khó thở, oxy đi vào máu bị rối loạn, trường hợp nặng có thể gây thiếu dưỡng khí vùng não. Vì vậy, việc nhận biết sớm tình trạng viêm phổi ở trẻ em nhằm điều trị kịp thời là rất cần thiết.
Viêm phổi ở trẻ em có đặc điểm gì?
- Trẻ có biểu hiện ho vừa đến ho dữ dội. Tuy nhiên, không nhất thiết mọi trẻ em bị viêm phổi phải có triệu chứng này. Bệnh có thể diễn tiến âm thầm mà ít ai phát hiện được. Trẻ thường ho khan ở những ngày đầu và sau đó khoảng vài ngày sẽ chuyển sang tình trạng ho có đàm. Ho là phản xạ tự vệ của cơ thể giúp đẩy chất nhầy ra khỏi túi phế nang.
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao đến 40 độ C. Các cơn sốt đôi khi có kèm theo trạng thái lạnh run ở trẻ.
- Một số trường hợp viêm phổi ở trẻ em có thể có hiện tượng chảy nước mũi (nước mũi màu xanh, vàng hoặc trong tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh). Sổ mũi khiến trẻ khó chịu, gây nghẹt mũi làm trẻ khó khăn trong ăn uống, ngủ và bú sữa mẹ.
- Thở nhanh liên tục, gắng sức. Trường hợp nặng có dấu hiệu rút lõm lồng ngực. Tình trạng kéo dài sẽ rất nguy hiểm vì trẻ bị suy hô hấp, kiệt sức và dẫn đến ngưng thở. Bố mẹ có thể quan sát nhịp thở của trẻ bằng cách đếm. Nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi thở 60 lần/ phút là thở nhanh, từ 2 – 12 tháng là 50 lần/ phút, từ 1 – 5 tuổi là 40 lần/ phút.
Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi nặng là ho, sốt, rút lõm lồng ngực, đau ngực, sắc môi tím tái. Nếu trẻ có biểu hiện trên cần đưa trẻ đến ngay phòng khám cấp cứu.
Tại sao trẻ em lại dễ mắc bệnh viêm phổi?
Dưới đây là những nguyên nhân chính dẫn đến viêm phổi ở trẻ em là căn bệnh phổ biến nhất ở lứa tuổi dưới 5:
- Hệ hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn non nớt, chưa được hoàn thiện: do lúc này đường hô hấp của trẻ vẫn còn bé, hẹp và ngắn, số lượng phế nang ít. Khi bị vi khuẩn tấn công dễ dẫn đến viêm, nhiễm trùng, gây phù nề niêm mạc của đường thở. Chính vì vậy viêm phổi ở trẻ em thường tiến triển nhanh, lan rộng ra xung quanh khiến cho bệnh trở nặng, cần nhập viện điều trị.
- Sức đề kháng kém: hệ miễn dịch của trẻ khi còn nhỏ chưa mạnh mẽ trong việc bảo vệ cơ thể, ngăn chặn và đẩy lùi các tác nhân gây hại, tránh được bệnh tật. Đồng thời hệ miễn dịch thích ứng của trẻ tấn công vi sinh vật lạ xâm nhập chưa hoàn thiện nên hiệu quả còn hạn chế.
- Ở một vài trẻ, tình trạng viêm phổi xuất hiện ngay khi vừa sinh ra. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh hít phải phân su, nước ối đã bị nhiễm khuẩn hoặc bị lây từ dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ đều làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi ở trẻ. Hoặc có thể sự ô nhiễm của môi trường bệnh viện, dụng cụ hoặc người chăm sóc, ... là những yếu tố cần lưu ý.
- Bên cạnh đó, viêm phổi ở trẻ em sở dĩ luôn ở mức báo động là vì trẻ còn nhỏ, chưa biết nói, hiểu được vấn đề cơ thể mình đang gặp phải. Đôi khi những thói quen chăm sóc sai cách của bố mẹ, người thân vô tình khiến trẻ bị nhiễm lạnh, cảm lạnh dẫn đến viêm phổi như: không ủ ấm cho trẻ hoặc ủ quá ấm, tắm nước lạnh, khi ngủ không đắp chăn và bật quạt sưởi, cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp, ...
Cách phòng tránh viêm phổi ở trẻ em
Chế độ dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho trẻ
Một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý và đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh. Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên đa dạng và đảm bảo đầy đủ bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, muối khoáng, ... để trẻ có thể phát triển toàn diện. Các loại cá hồi, cá trích, cá thu rất tốt vì chúng giàu hàm lượng acid béo omega-3 có tác dụng chống viêm. Nên cho trẻ uống bổ sung kẽm và vitamin C hàng ngày theo khuyến cáo của bác sĩ. Chia nhỏ bữa ăn để trẻ ăn nhiều và cơ thể hấp thu tốt hơn. Nhóm thực phẩm nên sử dụng nhiều như tôm, cua, hàu, hến, thịt gà, cà chua, bông cải xanh, cà rốt, cam quýt, các loại ngũ cốc, ...
Cho bé bú sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hệ miễn dịch khỏe mạnh quyết định chất lượng cuộc sống về sau này. Do đó, việc bảo vệ và phát triển hệ miễn dịch trong 2 năm đầu đời rất quan trọng. Một trong những biện pháp giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch chính là nguồn sữa mẹ an toàn và giàu dưỡng chất.
Các chuyên gia khuyên rằng, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên. Thành phần Human Milk Oligosaccharide có trong sữa mẹ là nguồn thức ăn cho các vi khuẩn có lợi, chống lại các tác nhân gây bệnh bám dính (gây nhiễm trùng, viêm nhiễm). Trẻ được bú sữa mẹ sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn, có khả năng chống lại vi khuẩn cảm lạnh hiệu quả, ngăn chặn sự phát triển của bệnh cảm lạnh, từ đó giảm nguy cơ bị viêm phổi ở trẻ em.
Chăm sóc trẻ đúng phương pháp
Trẻ cần được bảo vệ trước những tác động từ môi trường bên ngoài khi còn nhỏ. Chính vì vậy, bố mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ một cách cẩn thận và khoa học nhất. Giữ ấm cơ thể vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Cho trẻ vận động, vui chơi ở nơi có không khí trong lành. Không nên đưa trẻ đến khu vực đông người bởi sẽ dễ lây các bệnh truyền nhiễm trong không khí, từ người sang người. Điều này sẽ giúp trẻ hạn chế bệnh tật và phát triển khỏe mạnh hơn.
Chủng ngừa bằng vắc xin
Khá nhiều cha mẹ đã và đang chăm sóc trẻ bị viêm phổi sai cách khi lạm dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ. Thói quen này không chỉ gây hại tới sức khỏe mà còn tước mất đi cơ hội rèn luyện hệ miễn dịch của trẻ. Một cách phòng tránh viêm phổi ở trẻ em được khuyến cáo hiệu quả và an toàn hơn chính là vắc xin chủng ngừa viêm phổi phế cầu. Tiêm vắc xin chủng ngừa giúp trẻ có cơ chế miễn dịch tự động, sinh ra kháng thể chống lại phế cầu khuẩn.
Hiện nay, vắc xin phế cầu khuẩn có 2 loại là PCV 10 (Synflorix) và PPSV23 (Pneumo23). PCV 10 có thể chủng ngừa đến 10 loại phế cầu khuẩn khác nhau và được tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi. Trong khi đó PPSV23 chỉ tiêm 1 mũi duy nhất và cho đối tượng trẻ em trên 2 tuổi.
Tùy thuộc vào độ tuổi và loại vắc xin sẽ có liều lượng khác nhau:
- Trẻ dưới 7 tháng tuổi: tiêm 3 mũi chính và 1 mũi nhắc lại
- Trẻ từ 7 tháng – dưới 12 tháng: tiêm 2 mũi và 1 mũi nhắc lại
- Trẻ từ 1 tuổi trở lên: tiêm 1 – 2 mũi và 1 mũi nhắc lại
Bố mẹ cần lựa chọn bệnh viện, cơ sở tiêm phòng uy tín để được tư vấn và tiến hành tiêm chủng cho bé.
Xem thêm:
- 8 sự thật về viêm phổi ở trẻ nhỏ mẹ nên biết
- Điều trị viêm phổi cho trẻ trong bao lâu?
- Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ