Vì sao són tiểu sau sinh?
Thông thường, chị em thường bị són tiểu trong suốt quá trình mang thai nhưng tình trạng này vẫn xuất hiện sau khi sinh. Vì sao són tiểu sau sinh? Nguyên nhân do đâu? Xử lý són tiểu sau sinh ra sao cho hiệu quả?
Vì sao són tiểu sau sinh?
Són tiểu sau sinh là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Són tiểu sau sinh là tình trạng nước tiểu rò rỉ ra bên ngoài mất kiểm soát. Đây là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong suốt quá trình mang thai và sau khi sinh con. Theo TS. Lễ Sĩ Trung, Chuyên gia thận – tiết niệu, Ủy viên BCH Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, són tiểu không phải là một bệnh lý nguy hiểm, đáng lo ngại nhưng lại làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của chị em sau sinh: Thường xuyên ẩm ướt vùng kín, phải dùng băng vệ sinh thường xuyên, gây mất tự tin, làm cản trở việc tham gia các hoạt động bên ngoài đòi hỏi sự vận động.
Vì sao són tiểu sau sinh?
Vì sao són tiểu sau sinh? Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến són tiểu sau sinh:
- Do sự mất kiểm soát của vùng xương chậu: Thông thường, các dây thần kinh, dây chằng và xương vùng chậu sẽ kết hợp lại với nhau để hỗ trợ bàng quang đồng thời giữ cho ống tiểu đóng vào để không bị rò rỉ nước tiểu ra ngoài có kiểm soát. Khi sinh con, các bộ phận này bị kéo dãn quá mức hoặc bị tổn thương dẫn đến việc kết hợp không “đồng nhất” và gây nên tình trạng són tiểu. Do đó, chỉ cần một kích thích nhỏ như cười, nấc cũng khiến chị em bị són tiểu.
- Do bàng quang bị ảnh hưởng bởi sự chèn ép của thai nhi trong quá trình mang thai: Trong suốt quá trình mang thai, tử cung và thai nhi sẽ lớn dần và chèn ép vào bàng quang gây nên tình trạng són tiểu. Hơn nữa, trong một thời gian dài bị chèn ép, bàng quang sẽ bị giảm trương lực cơ dẫn đến khả năng đàn hồi kém. Đồng thời, trong khi “vượt cạn sinh em bé”, mẹ bầu còn phải gắng sức để sinh em bé, dẫn tới cơ chậu, bàng quang gặp tổn thương.
Tuy nhiên, mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng vì khoảng từ 3 đến 4 tháng sau sinh bàng quang, xương chậu và tử cung sẽ quay trở lại bình thường và hiện tượng són tiểu sẽ biến mất.
Xử lý ra sao khi bị són tiểu sau sinh?
Khoảng 3 đến 4 tháng sau sinh, bàng quang, xương chậu và tử cung mới hoạt động trở lại bình thường; Do đó các chị em có thể thực hiện các biện pháp “giảm són tiểu sau sinh” thay vì chờ đợi cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường. Dưới đây là một số cách xử lý són tiểu mà chị em có thể tham khảo:
- Kiểm soát cân nặng ở mức ổn định để giảm áp lực cho bàng quang.
- Tránh các đồ ăn có tính kích thích như bia, rượu, cafe, đồ uống có ga vì chúng có thể làm cho tình trạng són tiểu xuất hiện thường trực hơn.
- Uống đủ nước: Nhắc đến uống đủ nước thì có vẻ vô lý vì sẽ khiến chị em són tiểu nhiều hơn. Nhưng tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra nếu chị em uống nước không đủ và khi đó bàng quang nhiễm trùng thì tình trạng rò rỉ nước tiểu lại càng nghiêm trọng hơn.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các chất xơ để phòng ngừa táo bón. Bởi vì táo bón sẽ gây nên tình trạng ứ đọng trong ruột, chèn ép trực tiếp nên bàng quang - nơi chứa nước tiểu.
- Cuối cùng, nếu có thể, chị em nên tham khảo bài tập khôi phục xương vùng chậu:
Bước 1: Chuẩn bị thảm nằm hoặc thảm tập yoga.
Bước 2: Nằm ngửa ra thảm, giữ cơ thể thoải mái, hai chân mở rộng, đầu gối gập nhẹ nhàng và bắt đầu thả lỏng cơ thể. Tư thế này sẽ giúp siết chặt phần nền xương chậu.
Bước 3: Sau đó, siết chặt phần hậu môn, tử cung và âm đạo rồi từ từ nâng phần sau của cơ thể lên rồi giữ cơ thể thư giãn. Tổng thời gian thực hiện bước 2 và bước 3 là 1 phút.
Bước 4: Lặp lại các động tác này từ 5 đến 10 lần trong 1 lần tập.
Lưu ý: Khi thực hiện, cần giữ cho vùng bụng, chân, thắt lưng được thư giãn nhất có thể.
Xem thêm:
- Tìm hiểu về chứng són tiểu sau sinh
- Bài tập chữa són tiểu hiệu quả
- Kinh nghiệm tuyệt vời cho mẹ bầu sau sinh