Vì sao phải tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau khi sinh?

Viêm gan B là loại viêm gan virus nguy hiểm và là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, xơ gan ở người trưởng thành. Đáng chú ý là bệnh này hoàn toàn có thể phòng tận gốc bằng việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau khi sinh. Dưới đây là hướng dẫn của HoiBenh về việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh.

Vì sao phải tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau khi sinh? Vì sao phải tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau khi sinh?

Virus viêm gan B là gì? Đường lây truyền?

Virus viêm gan B (Hepatitis B virus - HBV) gây nên nhiều loại bệnh ở gan – điển hình là viêm gan B (hay còn gọi là viêm gan siêu vi B).

Loại virus này chủ yếu lây truyền qua các con đường như sau:

  • Lây truyền từ mẹ sang con: Đây là con đường lây nhiễm có tỉ lệ cao nhất trên thế giới. Nếu cơ thể người mẹ mang thai có virus viêm gan B – nguy cơ lây trong thai kỳ chỉ khoảng 2%. Nhưng trong lúc sinh con - thì nguy cơ lây truyền sang con trong lúc sinh lên tới 85-90%. Lý do: Lúc này tử cung người mẹ co thắt mạnh, các mạch máu nhau thai co thắt theo giúp máu của mẹ có thể tiếp xúc trực tiếp với máu của con (lúc chưa sinh thì máu con – máu mẹ không tiếp xúc trực tiếp mà chỉ trao đổi chất qua bánh nhau). Ngoài ra, lúc trẻ chui qua âm đạo và cọ xát mạnh – nguy cơ lây nhiễm lúc này là cao nhất.
  • Lây trực tiếp từ quá trình truyền máu/tiêm chích: Bất kể hoạt động tiêm truyền không an toàn nào đều có thể là nguyên nhân lây nhiễm virus viêm gan B (tiêm chung kim tiêm, không vệ sinh sát khuẩn đúng quy định, ...)
  • Lây truyền qua đường quan hệ tình dục: Nếu trong quá trình quan hệ tình dục xuất hiện vết trầy xước hoặc người lành không mang virus virus viêm gan B nhưng tiếp xúc trực tiếp với máu/chất dịch của bạn tình nhiễm virus viêm gan B thì khả năng bị lây bệnh là rất cao.
  • Lây trực tiếp từ trẻ qua trẻ: Trẻ ở nhà, đi học, đi chơi đều có thể bị lây nhiễm virus này nếu có tiếp xúc với vết thương/trầy xước/niêm mạc/dịch tiết/nước bọt....

Vì sao phải tiêm vắc xin viêm gan B?

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin viêm gan B là loại vắc xin bắt buộc phải tiêm bởi:

  • Số lượng người mắc virus viêm gan B trong cộng đồng rất cao: Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn cầu có khoảng hơn 4 tỷ người nhiễm virus viêm gan B (chiếm gần 50% dân số), trong đó có khoảng 400 triệu người bệnh ghi nhận tình trạng viêm gan mãn tính do virus này gây ra. Bệnh viêm gan mãn tính này có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
  • Tại Việt Nam: Tỉ lệ người mắc virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số (trong đó phụ nữ mang thai khoảng 10-16% còn ở trẻ nhỏ từ 2-6%)
  • Chưa có thuốc/biện pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, tiêm vắc xin phòng bệnh là giải pháp tối ưu tại tất cả các quốc gia.
vicare.vn-vi-sao-phai-tiem-vac-xin-viem-gan-b-cho-tre-trong-24-gio-dau-sau-khi-sinh-body-1

Vì sao phải tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau khi sinh?

Theo các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 24 giờ đầu sau khi sinh là “thời điểm vàng” để tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ, bởi:

  • Việc tiêm vắc xin viêm gan B được thực hiện càng sớm thì hiệu quả phòng bệnh càng cao. Các nghiên cứu và thống kê của WHO cho thấy nếu được tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh, hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt tốt nhất (khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con đạt tới 85-90%). Trong các giờ tiếp theo, khả năng phòng lây truyền từ mẹ sang con giảm dần về mức 50-55%. Nếu tiêm cho trẻ sơ sinh sau 7 ngày, vắc xin không còn hiệu lực bảo vệ. Tại nhiều nước phát triển có nền y tế vượt trội, thậm chí còn quy định bắt buộc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 12 giờ đầu sau sinh.
  • Không chỉ phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con, việc tiêm vắc xin viêm gan B càng sớm càng giúp trẻ tránh được sự lây truyền từ các thành viên khác trong gia đình hoặc những người xung quanh (nếu mang virus này trong cơ thể).
  • Với các trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với virus viêm gan B ngay sau khi sinh (do tiếp xúc với môi trường/chất dịch/...) thì vắc xin này càng cần thiết để giúp trẻ không nhiễm virus.

Nếu không kịp tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh thì phải làm gì?

Các chuyên gia về tiêm chủng khuyến cáo cách xử lý trong trường hợp này như sau:

  • Hãy tiêm sớm nhất có thể nếu không kịp tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh vì lý do nào đó (tiêm trong vòng 7 ngày sau sinh).
  • Vắc xin viêm gan B có thể tiêm cùng thời điểm với các loại vắc xin khác mà không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Vì vậy cha mẹ có thể yên tâm.

Mọi trẻ sơ sinh đều phải tiêm vắc xin viêm gan B? Nếu mẹ không nhiễm virus này thì con có cần tiêm sau sinh không?

Theo các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, vắc xin viêm gan B được khuyến cáo tiêm cho 100% trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh – kể cả khi người mẹ đó âm tính (không nhiễm) loại virus này. Lý do:

  • Có thể kết quả xét nghiệm của người mẹ là âm tính giả
  • Mẹ mới nhiễm virus trong giai đoạn đầu tiên (30-60 ngày đầu tiên) nên kết quả xét nghiệm chưa thể hiện được sự có mặt của virus
  • Virus viêm gan B có thể đột biến
  • Trẻ có thể bị lây truyền từ các nguồn khác ngoài mẹ (những đứa trẻ khác cùng sinh trong phòng, từ những người xung quanh mang virus trong cơ thể, ...)

Ngoài ra, những trẻ sau nên cân nhắc việc hoãn tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh:

  • Trẻ bị sốt, nhiễm trùng, viêm hô hấp,...
  • Trẻ sinh non (trước 37 tuần), trẻ bị ngạt trong lúc sinh, mẹ bị ốm trước khi sinh, trẻ bị dị tật bẩm sinh, trẻ sinh quá muộn (sau 42 tuần),...

Tất cả những trường hợp này cần được theo dõi chặt chẽ trước khi có chỉ định tiêm vắc xin viêm gan B.

Các phản ứng phụ có thể gặp ở trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin viêm gan B?

vicare.vn-vi-sao-phai-tiem-vac-xin-viem-gan-b-cho-tre-trong-24-gio-dau-sau-khi-sinh-body-2

Vắc xin viêm gan B rất lành tính và được sử dụng tại tất cả các nước trên thế giới, tỉ lệ sốc phản vệ rất thấp (1 trường hợp trên 600.000 đến 1.000.000 lượt tiêm). Các phản ứng có thể gặp sau tiêm cũng rất nhẹ, bao gồm: Sốt nhẹ (trên 37,7 độ); trẻ đau tại chỗ tiêm; có thể quấy khóc nhẹ;...

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, sau tiêm cha mẹ cần:

  • Theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau khi tiêm và tiếp tục theo dõi trong vòng 24 giờ tiếp theo
  • Nếu trẻ sốt cao, bỏ bú, quấy nhiều, thậm chí tím tái khó thở - cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất/gọi ngay cấp cứu để được xử lý kịp thời.

Vắc xin viêm gan B tiêm cho trẻ sơ sinh đều được miễn phí?

Tại tất cả các bệnh viện phụ sản/có chuyên khoa phụ sản – đều được trang bị vắc xin viêm gan B để tiêm cho trẻ sau khi sinh. Theo quy định của Bộ Y tế, vắc xin này được miễn phí 100% cho trẻ sơ sinh (trừ các bệnh viện tư nhân hoặc điểm tiêm chủng dịch vụ có bảng giá riêng).

Sau mũi tiêm sơ sinh trong 24 giờ đầu tiên, lịch tiêm viêm gan B cho trẻ sẽ diễn ra như sau:

  • Mũi 2: Tiêm cách mũi sơ sinh 1 tháng
  • Mũi 3: Tiêm cách mũi 2 6 tháng

Ngoài vắc xin đơn, cha mẹ có thể lựa chọn vắc xin phối hợp để giảm số lần tiêm cho trẻ mà không làm giảm hiệu lực bảo vệ.

Có thể nói viêm gan B là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm, vì nếu bệnh tiến triển thành mãn tính có thể gây xơ gan, ung thư gan. Trong khi đó, hiện nay chưa có thuốc/biện pháp điều trị đặc hiệu để chữa khỏi căn bệnh này. Vì vậy, tiêm vắc xin từ lúc sơ sinh là giải pháp triệt để tạo “hàng rào” miễn dịch an toàn cho trẻ, đảm bảo sức khỏe và tương lai lâu dài. Các bậc cha mẹ hãy chú ý phối hợp với các bệnh viện/đơn vị tiêm chủng để đưa con đi tiêm phòng đúng lịch, đủ liều.

Xem thêm:

  • Thời điểm 'vàng' nào để tiêm vắc xin viêm gan B?
  • Tiêm phòng viêm gan B có tác dụng bao lâu?