Vì sao người Việt có thói quen ăn mặn? Ăn mặn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?
Theo các chuyên gia, người Việt hiện nay đang ăn quá mặn và đi kèm với đó là hàng loạt những nguy cơ sức khỏe đáng lo ngại. Vậy thì vì sao người Việt có thói quen ăn mặn và họ đang phải đối mặt với những hệ lụy nào? Mời bạn đọc cùng HoiBenh tìm hiểu.
Vì sao người Việt có thói quen ăn mặn? Ăn mặn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?
Theo các chuyên gia, người Việt hiện nay đang ăn quá mặn và đi kèm với đó là hàng loạt những nguy cơ sức khỏe đáng lo ngại. Vậy thì vì sao người Việt có thói quen ăn mặn và họ đang phải đối mặt với những hệ lụy nào? Mời bạn đọc cùng HoiBenh tìm hiểu.
Thực trạng ăn mặn của người Việt
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo, một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ không quá 5 gram muối mỗi ngày. Thế nhưng, tại Việt Nam, các số liệu thống kê cho thấy, mỗi người trưởng thành tiêu thụ đến gần 9.4 gram muối mỗi ngày – gấp đôi so với khuyến cáo.
Một cuộc điều tra vào năm 2015 cũng cho kết quả: có đến gần 90% người nấu ăn tại Việt Nam luôn thêm mắm, muối và gia vị mặn vào thực phẩm mỗi khi chế biến và có khoảng 20% người thường xuyên ăn các món chế biến sẵn như cà muối, dưa chua, hạt điều mặn, lạc rang muối, dưa chuột muối, mì ăn liền...
Theo nghiên cứu ở TP. Hồ Chí Minh, có đến khoảng 73% gia đình có sử dụng mì ăn liền và 37% gia đình thường xuyên ăn đồ đóng hộp, 31% ăn xúc xích.
Tất cả những số liệu trên có thể kết luận 1 điều: Người Việt đang ăn quá mặn nhưng không hề nhận ra mối nguy hiểm này. Theo nhiều phỏng vấn, chỉ có khoảng 16% thừa nhận mình đang ăn mặn. Điều này là một dấu hiệu cảnh báo cực kỳ khẩn cấp!
Giải thích vì sao người Việt có thói quen ăn mặn
Để giải thích vì sao người Việt có thói quen ăn mặn, PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cho rằng, phong tục tập quán ăn uống của người Việt có một truyền thống lâu đời và từ ngàn xưa, người ta đã biết chế biến những món mặn như các loại mắm, dưa muối, cà muối... Những món này dường như đã trở thành hình ảnh dân dã mà đặc trưng của ẩm thực Việt Nam. Lâu dần, những thực phẩm trên đã ảnh hưởng đến vị giác hàng ngày của người Việt và hình thành thói quen ăn mặn. Thậm chí, một bát phở hay bát bún hiện nay cũng chứa đến 5 gram muối.
Bên cạnh đó, một số thực phẩm chế biến sẵn như mì ăn liền, thực phẩm đóng hộp với hàm lượng muối cao cũng đang trở thành món ăn quen thuộc của người Việt do nhiều nguyên nhân như điều kiện tài chính, hạn chế thời gian... Chính vì vậy, người ta đã vô tình tiêu thụ quá lượng muối cho phép nhưng vẫn không hề nhận ra.
Thói quen ăn mặn đem lại những hệ lụy nào cho sức khỏe?
Việc ăn mặn của người Việt không hề vô hại! Mọi chuyên gia đều khuyến cáo rằng, nếu bạn không điều chỉnh lại mức tiêu thụ muối mỗi ngày, bạn có khả năng đối mặt với hàng loạt các nguy cơ sau.
Bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp là một bệnh lý xảy ra khi áp lực máu lên thành động mạch tăng cao (140/90mmHg hay cao hơn nữa). Bệnh lý này ít có biểu hiện triệu chứng rõ rệt, nhưng nếu bệnh kéo dài sẽ gây ra bệnh đau tim và đột quỵ.
Theo thống kê từ Hội tim mạch học Việt Nam trên 8 tỉnh thành toàn quốc với số lượng mẫu là 5454 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên), cho thấy có đến 47.3% bị tăng huyết áp. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ở Việt Nam, có đến 100.000 – 150.000 người bị nhồi máu cơ tim hàng năm với nguyên nhân chủ yếu do tăng huyết áp.
Mất nước và cơ thể sưng phù
Ăn quá mặn sẽ làm thay đổi áp suất thẩm thấu trong cơ thể và làm cơ thể bị mất nước. Tình trạng này sẽ bắt buộc cơ thể hoạt động theo cơ chế tích nước và dẫn đến cơ thể sưng phù, đặc biệt là các bộ phận như chân, tay...Không chỉ vậy, việc tích nước lại ở những bộ phận trên sẽ khiến bên trong cơ thể không còn đủ nước cho các hoạt động sinh lý bình thường. Nếu diễn ra thường xuyên, bạn sẽ gặp nhiều bệnh lý khác.
Nguy cơ sỏi thận và suy thận
Thận là cơ quan thuộc hệ tiết niệu và nắm vai trò bài tiết chính của cơ thể. Chức năng chủ yếu của cơ quan này là lọc máu cũng như các chất thải, tiết chất thải ra ngoài dưới dạng dịch lọc (nước tiểu). Bên cạnh đó, thận cũng góp phần điều hòa thể tích máu và kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào trong cơ thể. Điều này giải thích vì sao khi chúng ta uống quá nhiều nước, thể tích nước tiểu sẽ tăng lên và ngược lại.
Việc ăn muối quá nhiều sẽ gây áp lực lớn cho thận và bắt nó phải hoạt động thường xuyên để lọc bỏ, đào thải chất cặn bã. Trong thời gian dài, nếu áp lực này cứ thường xuyên xảy ra, hoạt động của thận sẽ dần suy yếu và dẫn đến bệnh suy thận.
Không những vậy, natri và canxi dư thừa khi đi vào thận nếu không được lọc bỏ triệt để sẽ gây ra bệnh sỏi thận.
Dạ dày suy yếu
Theo nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, ăn mặn thường xuyên có liên quan đến nhiều bệnh lý về dạ dày. Ăn nhiều muối sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn H.pylori và dẫn đến viêm loét dạ dày. Vào năm 1996, tạp chí Quốc tế về Dịch tễ học cũng công bố một nghiên cứu chứng minh người ta có thể tử vong vì bệnh ung thư dạ dày do ăn quá mặn. Vì vậy, hãy cẩn thận.
Như vậy, bài viết đã khái quát hóa tình trạng ăn mặn hiện nay tại Việt Nam, đồng thời giải thích vì sao người Việt có thói quen ăn mặn và những hệ lụy to lớn đi kèm với đó. Vì thế, từ hôm nay, hãy điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày để bảo vệ sức khỏe cho bạn và cả gia đình.
Xem thêm:
- Nghiện ăn mặn! Có thể gen là một lý do
- Ăn mặn có làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày không?
- Ăn mặn không kiểm soát sẽ đối mặt với những nguy cơ gây bệnh