Vì sao gia tăng người trẻ mắc bệnh ung thư?
Tỷ lệ bệnh ung thư ở độ tuổi thanh thiếu niên – độ tuổi dưới 40 tăng cao đột biến, các bệnh ung thư chủ yếu là ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng... Vậy vì sao gia tăng người trẻ mắc bệnh ung thư?
Vì sao gia tăng người trẻ mắc bệnh ung thư?
Có một hiện tượng đáng báo động trong những năm gần đây là bệnh ung thư trẻ hóa hơn. Tỷ lệ bệnh ung thư ở độ tuổi thanh thiếu niên – độ tuổi dưới 40 tăng cao đột biến, các bệnh ung thư chủ yếu là ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng... Vậy vì sao gia tăng người trẻ mắc bệnh ung thư?
Ung thư trẻ hóa – số ca ung thư tăng 5 – 10% / năm
Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh – PGĐ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đa phần những người trẻ (dưới 30 tuổi) mắc bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư vùng đầu cổ, hốc miệng tăng nhanh hơn các loại ung thư khác. Số người dưới 30 tuổi mắc bệnh ung thư chiếm 7% tổng số bệnh nhân ung thư điều trị Bệnh viện Ung bướu.
Trước đây ung thư vú rất hiếm gặp ở phụ nữ dưới 30 tuổi – đây là khuyến cáo của giới chuyên môn từ 15-20 năm trước. Nhưng hiện nay, tỷ lệ phụ nữ dưới 30 tuổi mắc ung thư vú gia tăng. Có những cô gái chỉ mới 25 tuổi đã mắc bệnh. Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, năm 2017 bệnh viện đã điều trị cho 40 trường hợp mắc bệnh ung thư vú dưới 30 tuổi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, năm 2012 trên thế giới có 14,1 triệu ca ung thư mắc mới, 8,2 triệu ca tử vong. Dự báo đến năm 2030 sẽ có 21,7 triệu ca mắc mới, 13 triệu ca tử vong. Con số này gia tăng chủ yếu ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đứng thứ hai chỉ sau bệnh tim mạch. Số ca ung thư tăng cao, hằng năm ở nước ta có khoảng 150.000 ca ung thư mắc mới, hơn nửa trong số này tử vong. Ước tính số ca ung thư hằng năm tăng từ 5-10%.
Ngoài ra, các bác sĩ gặp những người trẻ mắc bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến giáp, ung thư xương nhưng độ tuổi này không thay đổi nhiều so với trước đây.
Ung thư tuổi 20 – ám ảnh những giấc mơ còn dang dở
Đến với bệnh viện K ( Cơ sở Tân Triều) chúng ta dễ dàng bắt gặp những bệnh nhân ung thư tuổi 20 – ám ảnh của những giấc mơ còn dang dở.
Nguyễn Bảo Ngọc (22 tuổi) – còn là sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ còn nửa kỳ nữa Ngọc sẽ tốt nghiệp. Hiện giờ, thay vì đăng ký tín chỉ, làm khóa luận, ôn thi... cậu lại nằm trên giường bệnh. Kết quả sinh thiết, Ngọc được chẩn đoán ung thư ruột non, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật. Trước đó cậu thấy hiện tượng đau vùng bụng, đi tiểu khó, ăn không ngon miệng.
Ngọc đã chuẩn bị tâm lí cho trường hợp xấu nhất là tử vong ngay trên bàn mổ. Điều cậu mong mỏi nhất là bố mẹ luôn được khỏe mạnh, mong một lần được đi chơi xa với bạn bè, mong một lần được lang thang Hà Nội về đêm, mong một lần được cầm tay bạn gái.
Cũng như Ngọc, Kiều Văn Hải (24 tuổi, quê Vĩnh Phúc) bị chẩn đoán là ung thư não trong một lần từ Nhật Bản về thăm bố mẹ. Tin sốc này khiến cả nhà Hải rơi vào khủng hoảng. Thật trớ trêu khi Hải đi xuất khẩu lao động Nhật Bản 2 năm, không về thăm nhà vì sợ tốn kém, đến khi về được gặp bố mẹ thì đổ bệnh.
Hải còn rất nhiều điều tiếc nuối, Hải chưa kịp lấy vợ, làm nhà, chưa được ở với bố mẹ lâu, đến giờ vẫn để bố mẹ phải rơi nước mắt.
Hà Ngọc Ánh ( 19 tuổi) sắp trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Khoa học – Xã hội Nhân văn gương mặt xinh đẹp, khả ái. Nhưng chưa kịp nhập học, ánh đã phải nhập viện vì bệnh ung thư xương quái ác. Suốt 4 tháng, trải qua 4 đợt điều trị, mỗi ngày truyền 4 chai hóa chất, 3 chai dịch, người ánh gầy gò, chi chít vết bầm do kim tiêm. Mái tóc dài, đen nhánh 10 năm chưa cắt nay chỉ còn 1 nhúm, 1 tuần Ánh sút 6kg thịt.
19 tuổi, Ánh có quá nhiều điều tiếc nuối, chưa được chạm tay vào giấc mơ ngồi trên giảng đường, mất cả niềm đam mê bóng chuyền vì sắp phải cưa chân.
Ngọc, Hải, Ánh chỉ là 3 trong rất nhiều trường hợp ung thư trẻ hóa ở bệnh viện K – Tân Triều đang chiến đấu với bệnh ung thư, tiếc nuối những giấc mơ còn dang dở. Đa phần họ đều phát hiện ung thư khi đã ở giai đoạn cuối, điều trị thì đã quá muộn, đau đớn về thể xác, tinh thần, tốn kém về tiền bạc.
Không ai biết nguyên nhân cụ thể khiến mình mắc bệnh nhưng họ biết rằng nếu được quay lại cuộc sống bình thường, họ tắt điện thoại, đi ngủ sớm hơn, ăn nhiều rau xanh hơn, sinh hoạt điều độ, vận động chăm chỉ hơn...
Vì sao người trẻ gia tăng mắc bệnh ung thư?
Có rất nhiều nguyên nhân làm gia tăng hiện tượng người trẻ mắc bệnh ung thư như hiện nay. Cụ thể là:
- Số lượng bệnh nhân ung thư chiếm 20% nguyên nhân do di truyền. Với những người trẻ hiện nay, giới chuyên môn cho rằng yếu tố di truyền là quan trọng nhất. Hoặc bản thân nội tại của những người này gặp những đột biến bất thường về gen.
- 80 % số lượng ung thư trẻ hóa là do ô nhiễm môi trường, hóa chất độc hại có trong thực phẩm có thể là lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép còn tồn dư , hàn the, chất formol làm thức ăn dai, tươi màu, phẩm màu công nghiệp dùng để nhuộm màu thức ăn là những tác nhân gây ung thư. Yếu tố này không gây bệnh ung thư ngay nhưng về lâu về dài có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, hệ hô hấp gây ung thư.
- Người trẻ hút thuốc lá sớm, uống bia rượu sớm hơn. Yếu tố này không gây bệnh ung thư ngay, nhưng sẽ tác động về lâu về dài.
- Ngoài ra, bệnh ung thư do người trẻ có lối sống bất hợp lí. Thói quen thức khuya, sức khỏe suy giảm, sức đề kháng giảm, không thể chống đỡ, cơ thể dễ mắc bệnh.
- Người trẻ nhịp sống hiện đại, làm việc căng thẳng, không có nhiều thời gian nấu nướng, thường ăn nhiều thức ăn nhanh, ăn ít rau xanh, ít trái cây. Việc ăn nhiều loại thức ăn nhanh, nước ngọt lâu dài sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú.
- Ngoài ra, việc sử dụng các loại ngũ cốc ẩm mốc có độc chất aflatoxin gây ung thư gan mạnh. Thực phẩm muối mặn, bảo quản lâu ngày có thể sinh ra nitrosamine là chất gây ung thư mạnh.
Làm sao để phòng ngừa bệnh ung thư?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 1/3 các loại ung thư có thể phòng ngừa được bằng những cách sau:
- Biết cách ăn uống hợp lý, tiêu thụ ít chất béo, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Kiểm soát tốt được an toàn thực phẩm giúp phòng ngừa bệnh ung thư hiệu quả
- Hạn chế thuốc lá, rượu bia, tiêm vắc xin phòng ngừa HPV và viêm gan siêu vi B.
- Thay đổi lối sống sinh hoạt, không thức khuya thường xuyên, không làm việc căng thẳng. Vận động nhiều hơn, chăm chỉ chạy bộ, tập gym, tập yoga để cơ thể dẻo dai.
- Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, để tầm soát bệnh ung thư, phát hiện bệnh điều trị sớm, kéo dài tuổi thọ.
Xem thêm:
- 7 sai lầm tai hại về căn bệnh ung thư
- Ăn nhiều mì tôm có nguy cơ bị ung thư dạ dày
- Dấu hiệu ung thư vòm họng giai đoạn đầu bạn cần biết