Vì những điều sau - Đừng tự ý sử dụng Hydrocortisone
Hydrocortisone là một trong những thuốc thiết yếu tại các cơ sở y tế và được bán khá phổ biến tại các nhà thuốc và quầy thuốc. Vậy hydrocortisone là gì và được dùng như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Vì những điều sau - Đừng tự ý sử dụng Hydrocortisone
Hydrocortisone là một trong những thuốc thiết yếu tại các cơ sở y tế và được bán khá phổ biến tại các nhà thuốc và quầy thuốc. Vậy hydrocortisone là gì và được dùng như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Hydrocortisone là gì?
Hydrocortisone là hormon tự nhiên được tiết ra từ tuyến vỏ thượng thận, thuộc nhóm glucocorticoid có tác dụng chống viêm, ngứa, dị ứng và ức chế miễn dịch.
Thuốc hydrocortisone được sử dụng để điều trị các tình trạng như viêm khớp, bệnh bạch cầu, u lympho bào ác tính, lupus ban đỏ hệ thống, một số vấn đề trên da, hô hấp, ung thư và phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Nó làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch với các bệnh khác nhau để giảm các triệu chứng như đau, sưng và phản ứng dị ứng.
Hydrocortisone cũng được sử dụng để điều trị khi nồng độ hydrocortisone thấp gây ra bởi các bệnh về tuyến thượng thận (như bệnh Addison, suy tuyến thượng thận). Chúng cần thiết để cơ thể hoạt động và có vai trò quan trọng đối với cân bằng muối và nước cũng như giữ cho huyết áp bình thường.
Một số tên thương mại của thuốc Hydrocortisone trên thị trường: Demasone aloe; Droxiderm; Enoti; Forsancort; Huhajo; Hydrocortisone - Teva; Hydrocortison-Richter; Hydromark 100; Lacticare-HC; Snerid Tab; Stacort; Sucotin Inj.
Dạng thuốc hydrocortisone và hàm lượng
- Dạng cream: 0,5%, 1%, 2,5%.
- Dạng gel: 0,5%, 1%.
- Dạng lotion: 0,25%, 0,5%, 1%, 2,5%.
- Thuốc mỡ: 0,25%, 1%, 2,5%.
- Dung dịch (dùng ngoài): 0,5%, 1%, 2,5%.
- Viên nén (uống): 5 mg, 10 mg, 20 mg.
Các dạng khác:
- Hỗn dịch hydrocortisone acetat để tiêm (trong khớp, trong bao hoạt dịch, mô mềm): 25 mg/ml và 50 mg/ml (tính theo acetat).
- Dung dịch hydrocortisone natri phosphat để tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền tĩnh mạch: 50 mg/ml (tính theo hydrocortisone).
- Bột hydrocortisone natri succinat để tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền tĩnh mạch: 100 mg, 250 mg, 500 mg và 1g (tính theo hydrocortisone).
Cách dùng hydrocortisone như thế nào?
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn hãy dùng thuốc hydrocortisone theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Bạn nên uống gần bữa ăn để ngăn ngừa đau dạ dày và nhớ uống cùng 1 cốc nước đầy (240 ml). Khi dùng thuốc theo đường uống trong thời gian dài, nên cân nhắc dùng chế độ liều cách ngày. Nếu ngừng thuốc phải giảm liều dần dần, không được tự ý ngừng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Điều trị dùng đường tiêm chỉ nên dùng hydrocortisone khi người bệnh không thể uống được hoặc các trường hợp cấp cứu. Sau khi đã đạt được đáp ứng mong muốn, nên giảm dần liều lượng đến liều thấp nhất để duy trì đáp ứng lâm sàng.
Liều dùng hydrocortisone như thế nào là phù hợp?
Tùy vào mỗi tình trạng bệnh sẽ có một chế độ liều dùng hydrocortisone khác nhau.
- Suy thượng thận tiên phát mạn, suy thượng thận thứ phát: Liều thông thường: 20 mg uống sáng sớm và 10mg uống buổi chiều tối.
- Tăng sản thượng thận bẩm sinh (hội chứng thượng thận - sinh dục): Liều uống hydrocortisone thông thường: 0,6 mg/kg/ngày, chia thành 2 hoặc 3 liều, cùng với fluorocortison acetat 0,05 - 0,2 mg/ngày.
- Tình huống cấp cứu: Dùng thuốc tiêm hydrocortisone tan trong nước như hydrocortisone natri succinat, hydrocortisone natri phosphat.
- Cơn hen phế quản cấp: Liều thông thường tiêm tĩnh mạch từ 100 mg cho đến 500 mg hydrocortisone, lặp lại 3 hoặc 4 lần trong 24 giờ, tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh và đáp ứng của người bệnh.
- Liều dùng hydrocortisone cho trẻ em cho tới 1 tuổi: 25 mg; 1 - 5 tuổi: 50 mg; 6 - 12 tuổi: 100 mg.
- Sốc nhiễm khuẩn: Liều rất cao ban đầu tiêm tĩnh mạch hydrocortisone 1g, nhưng lợi ích còn chưa rõ ràng. Khi sốc nguy hiểm đến tính mạng, có thể tiêm 50 mg/kg ban đầu và tiêm lặp lại sau 4 giờ và/hoặc mỗi 24 giờ nếu cần. Liệu pháp liều cao được tiếp tục đến khi tình trạng người bệnh ổn định và thường không nên tiếp tục dùng quá 48 - 72 giờ để tránh tăng natri huyết.
- Sốc phản vệ: sau khi tiêm adrenalin, có thể tiêm tĩnh mạch hydrocortisone với liều 100 - 300 mg.
- Suy thượng thận cấp: Liều đầu tiên 100mg hydrocortisone, lặp lại cách 8 giờ một lần. Liều này thường giảm dần trong 5 ngày để đạt liều duy trì 20 mg - 30 mg/24 giờ.
- Tiêm trong khớp: Tiêm với liều 5 - 50 mg hydrocortisone acetat phụ thuộc vào kích thước của khớp.
- Bôi tại chỗ: Kem, thuốc mỡ hoặc thuốc xoa hydrocortisone có nồng độ từ 0,1 - 2,5%: bôi 1 - 4 lần/ngày tùy vào tình trạng của bệnh nhân (bôi 1 lớp mỏng lên vùng bị bệnh).
Không được dùng hydrocortisone cho những đối tượng nào?
Hydrocortisone tuyệt đối không dùng cho bệnh nhân trong những trường hợp sau:
- Dị ứng với hydrocortisone: Trước khi dùng hydrocortisone, hãy nói với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn nếu bạn bị dị ứng với nó; hoặc nếu bạn có bất kỳ dị ứng khác.
- Người bệnh nhiễm khuẩn nặng (ngoại trừ sốc nhiễm khuẩn hoặc lao màng não), nhiễm virus, nhiễm nấm, lao da: trước khi được chỉ định dùng thuốc hydrocortisone hãy nói cho bác sĩ biết nếu bạn có tiền sử mắc những bệnh này.
- Người bệnh đang dùng vắc xin sống: Hydrocortisone có thể khiến vắc xin không hoạt động tốt. Do đó, không được tiêm chủng vắc xin sống trong khi dùng thuốc này. Đồng thời tránh tiếp xúc với những người gần đây đã nhận được vắc-xin sống (như vắc xin cúm hít qua mũi).
Hydrocortisone có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn
- Tác dụng phụ của hydrocortisone chủ yếu phụ thuộc vào liều lượng và thời gian dùng thuốc; tác dụng phụ không thường xuyên xảy ra với liều sinh lý hoặc liều thấp hơn.
- Các tác dụng phụ ngắn hạn do hydrocortisone bao gồm tăng cân liên quan đến giữ natri và tích tụ chất lỏng, tăng đường huyết/ không dung nạp glucose, hạ kali máu và rối loạn tâm lý. Ảnh hưởng lâu dài bao gồm ức chế trục dưới đồi-tuyến yên-thượng thận, hội chứng giả Cushing (tập trung phân bố mỡ ở đầu, mặt, cổ), liệt dương ở nam giới, rậm lông, kinh nguyệt không đều ở nữ, loét dạ dày tá tràng, bệnh đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp / glocom, bệnh cơ, loãng xương, gãy xương và nén đốt sống.
- Buồn nôn, ợ nóng, nhức đầu, chóng mặt, thay đổi kinh nguyệt, khó ngủ, tăng tiết mồ hôi hoặc mụn trứng cá có thể xảy ra khi dùng hydrocortisone. Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào trong số này, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được xử lý kịp thời.
- Hydrocortisone hoạt động bằng cách làm suy yếu hệ thống miễn dịch, nó có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của bạn, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng nghiêm trọng (hiếm khi gây tử vong) hoặc làm cho bất kỳ nhiễm trùng nào của bạn bị nặng hơn. Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng (như ho, đau họng, sốt, ớn lạnh). Sử dụng hydrocortisone trong thời gian dài hoặc lặp đi lặp lại có thể dẫn đến bệnh tưa miệng hoặc nhiễm trùng nấm men, bạn sẽ có thể thấy các mảng trắng trong miệng hoặc thay đổi dịch tiết âm đạo.
- Một số tác dụng không mong muốn nghiêm trọng có thể xảy ra như: mệt mỏi bất thường, sưng mắt cá chân, tăng cân bất thường, vấn đề về thị lực, dễ bị bầm tím, chảy máu, sưng húp, mọc tóc bất thường, tâm trạng trầm cảm hay kích động, đau yếu cơ, da mỏng, chậm lành vết thương, đau xương, dễ gãy xương.
- Hydrocortisone hiếm khi gây chảy máu nghiêm trọng (hiếm khi gây tử vong) từ dạ dày hoặc ruột. Tuy nhiên cần đề phòng với tác dụng phụ nghiêm trọng như: phân đen hoặc có máu, chất nôn trông giống như bã cà phê, đau bụng dai dẳng.
- Đau ngực, co giật là những tác dụng phụ hiếm gặp khi dùng hydrocortisone nhưng lại rất nghiêm trọng. Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có những biểu hiện này.
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với hydrocortisone cũng rất hiếm. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng: phát ban, ngứa, sưng (đặc biệt là ở mặt, lưỡi, cổ họng), chóng mặt, khó thở hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.
- Có thể giảm thiểu một số tác dụng phụ của hydrocortisone bằng cách chọn cẩn thận chế phẩm thuốc, chương trình dùng thuốc cách một ngày hoặc ngắt quãng; liệu pháp phụ trợ có thể có hiệu quả trong điều trị loãng xương (như bổ sung calci, vitamin D...). Phải thường xuyên quan tâm đến nhiễm khuẩn do vi khuẩn “cơ hội”. Nếu cần thiết, bạn phải dùng kháng sinh.
- Một số tác dụng phụ của hydrocortisone chưa được liệt kê đầy đủ vì vậy nếu bạn nhận thấy những biểu hiện bất thường không có ở trên, hãy liên hệ với bác sĩ nhanh nhất được xử lý kịp thời.
Tương tác thuốc của Hydrocortisone
Khi dùng hydrocortisone cần tránh kết hợp với một số thuốc dưới đây:
- Amphotericin: do làm tăng nguy cơ giảm kali huyết của bệnh nhân.
- Vắc xin sống: do hydrocortisone liều cao làm giảm đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin.
- Khi dùng đồng thời hydrocortisone với các thuốc lợi tiểu làm giảm kali như các thiazid, furosemid, càng tăng sự thiếu hụt kali.
- Dùng đồng thời hydrocortisone và các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, meloxicam, diclofenac, celecoxib...sẽ làm tăng tỷ lệ chảy máu và loét dạ dày - tá tràng.
- Dùng đồng thời hydrocortisone với các thuốc barbiturat, carbamazepin, phenytoin, primidon, rifampicin làm corticoid bị tăng chuyển hóa và giảm tác dụng điều trị.
- Hydrocortisone làm thay đổi đáp ứng của người bệnh với các thuốc chống đông máu. Vì vậy cần cân nhắc dùng hydrocortisone trên bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu.
- Hydrocortisone còn làm tăng nhu cầu thuốc chống đái tháo đường và thuốc chống tăng huyết áp.
- Hydrocortisone có thể làm giảm nồng độ salicylat trong huyết thanh và làm giảm tác dụng của thuốc giãn cơ loại chống khử cực.
- Ngoài ra, không dùng hydrocortisone trên bệnh nhân dùng Natalizumab.
Danh sách trên có thể chưa đầy đủ các loại thuốc có tương tác với hydrocortisone. Vì vậy hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm vitamin, khoáng chất, sản phẩm thảo dược và thuốc theo chỉ định của các bác sĩ khác. Không nên bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Thận trọng khi sử dụng hydrocortisone
Trước khi dùng hydrocortisone, hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn có tiền sử những bệnh sau:
- Loét đường tiêu hóa
- Mới nối ruột
- Tăng huyết áp
- Suy tim, nhồi máu cơ tim
- Người mắc bệnh tuyến giáp
- Suy gan
- Suy thận
- Đái tháo đường
- Lao
- Đục thủy tinh thể
- Nhược cơ
- Người có nguy cơ loãng xương
- Động kinh
Nếu dùng liều cao, kéo dài hoặc dùng cho trẻ nhỏ, phải quan tâm đến nguy cơ ức chế trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận làm giảm tổng hợp nhiều hormon quan trọng đối với cơ thể.
Khi dùng thuốc hydrocortisone ngoài da, tránh tiếp xúc với kết mạc mắt, tránh dùng cho vết thương hở, không nên băng kín (trừ viêm da nặng).
Không nên dùng dạng thuốc bôi cho trẻ em dưới 2 tuổi trừ khi có chỉ định và giám sát của bác sĩ.
Khi dùng các chế phẩm có chứa hydrocortisone cho mắt trong thời gian dài, cần lưu ý nguy cơ tăng áp lực nội nhãn và giảm thị lực. Không bao giờ được dùng thuốc này trong nhiễm khuẩn đang tiến triển, trừ trường hợp đã dùng thuốc chống nhiễm khuẩn trước đó. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ làm tăng nhiễm khuẩn do bị ức chế miễn dịch.
Không uống rượu khi đang dùng hydrocortisone, đặc biệt là nếu bạn có tiền sử bệnh dạ dày.
Nguy cơ của hydrocortisone với phụ nữ có thai và cho con bú
Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa kỳ - FDA phân loại nhóm thuốc dùng cho phụ nữ có thai, Hydrocortisone vào nhóm C. Các nghiên cứu sinh sản trên động vật đã cho thấy có gây tác dụng phụ và không có nghiên cứu đầy đủ kiểm chứng ở người vì vậy chưa biết chắc chắn hydrocortisone có gây hại cho thai nhi hay không. Trước khi dùng thuốc này, hãy nói với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai trong khi điều trị.
Bên cạnh đó, dùng trước khi chuyển dạ, hydrocortisone có tác dụng bảo vệ chống lại hội chứng suy hô hấp rất nguy hiểm cho trẻ đẻ non.
Điều trị hen cho người mang thai nên phối hợp hydrocortisone, vì bản thân hen là một nguy cơ lớn đối với thai. Đối với người mang thai, không khuyến cáo sử dụng các chế phẩm dùng tại chỗ trên diện rộng, với lượng lớn hoặc dùng trong thời gian dài.
Đối với phụ nữ đang cho con bú:
Về mặt lý thuyết, sự hiện diện của hydrocortisone ngoại sinh trong sữa mẹ có thể kìm hãm sự phát triển, cản trở sản xuất corticosteroid nội sinh hoặc gây ra các tác dụng không mong muốn khác ở trẻ bú mẹ. Người ta cho rằng trẻ sơ sinh bú sữa mẹ dùng hydrocortisone liều cao trong thời gian dài có thể có nguy cơ ức chế tuyến thượng thận làm giảm sản xuất nhiều hormon quan trọng cho sự phát triển của trẻ.
Quá liều hydrocortisone
Một liều lớn hydrocortisone có thể không gây ra các triệu chứng đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, dùng liều cao trong một thời gian dài có thể gây tăng cân, tròn mặt, tăng sự phát triển của lông mặt, bầm tím, sưng và đau hoặc yếu cơ.
Nếu bạn dùng quá nhiều hydrocortisone, hãy gọi trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc y tế.
Bảo quản Hydrocortisone như thế nào?
Bảo quản thuốc hydrocortisone ở nhiệt độ 20 - 25°C , tránh ánh sáng.
Dung dịch đã pha từ thuốc bột hydrocortisone được bảo quản dưới 25°C, tránh ánh sáng, chỉ dùng dung dịch trong suốt, không được dùng sau khi pha quá 3 ngày. Dung dịch và hỗn dịch hydrocortisone không bền với nhiệt nên không được hấp tiệt trùng.
Hydrocortisone là thuốc có hiệu quả rất tốt trong điều trị nhiều loại bệnh, tuy nhiên đó là khi nó được dùng đúng với chỉ định của bác sĩ yêu cầu. Nếu tự ý sử dụng Hydrocortisone không đúng bệnh, không đúng cách có thể sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
(HoiBenh chuyển ngữ từ Webmd)
Xem thêm:
- Có nên dùng Hydrocortisone khi nhiễm khuẩn đang tiến triển
- Viêm da tiết bã dùng thuốc gì cho nhanh khỏi?