Vết thương hở bao nhiêu thì phải khâu?
Nhiều người trong chúng ta thường bị thương do những sơ ý trong cuộc sống hàng ngày hoặc công việc. Nhưng không phải ai cũng biết sơ cứu cho vết thương để tránh nhiễm trùng hoặc nguyên tắc khâu vết thương khi cần thiết. Vậy vết thương hở bao nhiêu thì phải khâu, trong bài viết bên dưới HoiBenh sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Vết thương hở bao nhiêu thì phải khâu?
Các sơ cứu an toàn cho vết thương
- Rửa tay sạch sẽ trước khi xem xét vết thương. Nếu vết thương chảy máu thì cần phải ngăn lại bằng một miếng băng gạc hay khăn sạch cho đến khi máu ngừng chảy. Nếu máu không ngừng chảy sau 10 phút thì cần tới bệnh viện ngay.
- Sau khi máu ngừng chảy, kiểm tra xem có dị vật hay bụi bẩn nào trong vết thương. Nếu có thì cần xối vết thương dưới nước mát. Nếu không hiệu quả thì dùng nhíp gắp ra.
- Sau đó rửa vết thương nhẹ nhàng với xà phòng và nước ấm, thấm khô nhẹ nhàng hoặc ngâm vết thương vào nước muối loãng.
- Đừng thổi vào vết thương, điều đó sẽ khiến nguy cơ nhiễm khuẩn gia tăng.
Băng bó vết thương như thế nào?
- Với vết thương nhỏ thì để mở và tiếp xúc với không khí là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu vết thương dễ bị nhiễm bẩn và cọ xát với quần áo thì cần phải băng lại.
- Đối với vết thương sâu hơn, bạn có thể dùng băng dính y tế để băng vết thương. Lưu ý là phần bông gạc chỉ phủ vừa đủ vết thương và không được băng quá chặt vì sẽ có thể ảnh hưởng tới tuần hoàn máu.
- Nhớ thay băng hằng ngày hoặc khi băng bị ướt.
- Sau khi miệng vết thương khép lại, thì không cần phải băng bó nữa. Trong trường hợp có xu hướng gãi vì ngứa, bạn cần băng nhẹ lại để bảo vệ quá trình lên da non.
- Một số bác sĩ cho rằng nên để mở vết thương vào ban đêm để vết thương nhanh khô hơn. Tất nhiên nếu vết thương không quá nặng.
Vết thương hở bao nhiêu phải khâu?
Tầm quan trọng của việc khâu vết thương
Nguyên tắc khâu vết thương an toàn sẽ mang đến những tác dụng sau đây:
- Đóng miệng của vết thương khi nó quá rộng để tự hồi phục. Dùng mũi khâu để giữ miệng của vết thương sát lại với nhau có thể giúp đẩy nhanh quá trình liền da.
- Ngăn chặn sự nhiễm trùng. Nếu bạn bị một vết thương lớn và hở rộng (nơi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bạn) thì việc đóng miệng vết thương bằng chỉ khâu có thể giúp giảm tới mức thấp nhất nguy cơ nhiễm trùng.
- Ngăn chặn hoặc giảm sẹo sau khi vết thương lành. Điều này thật sự rất quan trọng nếu vết cắt nằm ở khu vực quyết định tính thẩm mĩ cao như trên mặt.
Vết thương hở bao nhiêu phải khâu?
Xem xét độ sâu của vết thương
Nếu nó sâu hơn nửa cm thì nên được khâu lại. Nếu nó sâu đến mức bạn có thể thấy mô mỡ màu vàng hay thậm chí là xương, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được xử lý.
Đánh giá độ rộng của vết thương
Miệng của vết cắt có khép lại với nhau hay nó cần được kéo lại để các mô bị cắt tiếp xúc với nhau? Nếu nó cần được kéo lại để che phủ khoảng cách giữa các mô bị cắt, thì đó chính là dấu hiệu cho bạn biết rằng cần phải khâu vết thương lại. Những mũi khâu kéo hai bên miệng của vết cắt gần lại đủ để chúng có thể chạm vào nhau giúp đẩy nhanh thời gian phục hồi.
Nhìn vào vị trí của vết thương
Nếu vết thương hở nằm ở những vùng đặc biệt trên cơ thể nơi thường xuyên hoạt động, nó sẽ cần được khâu lại để ngăn chặn việc vết thương tái phát bởi sự vận động và kéo căng của da. Ví dụ, một vết thương hở trên đầu gối hoặc trên ngón tay (đặc biệt là những nơi có khớp nối) có thể cần khâu lại trong khi một vết thương hở trên bắp chân thì lại không thực sự cần thiết phải khâu.
Hỏi bác sĩ về tiêm phòng uốn ván
Tiêm phòng uốn ván tác dụng trong 10 năm và sau đó bạn phải đi tiêm ngừa một lần nữa. Nếu bạn bị một vết thương hở và đã quá 10 năm kể từ khi bạn tiêm phòng uốn ván, hãy đến bệnh viện kiểm tra.
Trên đây là một số nguyên tắc khâu vết thương và lưu ý sơ cứu vết thương, hy vọng đã mang đến những thông tin cần thiết giúp bạn giải đáp thắc mắc vết thương hở bao nhiêu thì phải khâu.
Xem thêm:
- Vết thương hở không chảy máu có lây HIV không?
- Thực hư chuyện bôi vitamin E lên vết thương hở
- Vết thương hở mấy ngày cắt chỉ