Vắc xin viêm não Nhật Bản có những tác dụng phụ gì?

Hiện nay có nhiều thông tin về tác dụng phụ của vắc xin viêm não Nhật Bản làm các bậc phụ huynh rất hoang mang, lo lắng khi cho trẻ đi tiêm phòng chủng. Nhưng thật ra bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh gì và có nguy hiểm không? Các phương pháp điều trị, phòng tránh? Có cần đi tiêm chủng vắc xin này cho trẻ không?

Vắc xin viêm não Nhật Bản có những tác dụng phụ gì? Vắc xin viêm não Nhật Bản có những tác dụng phụ gì?

Tỷ lệ gặp tác dụng phụ của vắc xin này là bao nhiêu? Các bậc huynh nên tìm hiểu thêm để có những chuẩn bị cần thiết cho mùa dịch sắp tới.

Những thông tin cần biết về virus viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus viêm não Nhật Bản (Japanese encephalitis virus) gây ra. Virus viêm não Nhật Bản thuộc họ Flaviviridae, cùng họ với virus gây sốt xuất huyết, sốt vàng da và cũng được truyền qua muỗi.

Virus viêm não Nhật Bản có ái lực với các tế bào thần kinh trung ương. Virus được muỗi truyền vào máu sẽ theo máu đi đến các tạng. Đặc biệt là não, virus gặp được các tế bào thần kinh thích hợp sẽ nhân lên ồ ạt, phá vỡ các tế bào đó. Nhiều trung khu ở não bị tổn thương, càng làm não phù nề thêm, làm cho bệnh nhân hôn mê và có thể dẫn tới tử vong.

Theo WHO, bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong lên tới 30%, tỷ lệ mắc các di chứng về thần kinh hoặc tâm thần vĩnh viễn là từ 30% - 50%.

vicare.vn-vac-xin-viem-nao-nhat-ban-co-nhung-tac-dung-phu-gi-body-1

Biểu hiện và triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản

Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, song chủ yếu là trẻ em, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi.

Biểu hiện của bệnh xuất hiện đột ngột với các triệu chứng như sốt cao, cứng gáy, trẻ em có thể co giật. Sau một vài ngày trẻ có các dấu hiệu tổn thương ở trung khu thần kinh như liệt, rối loạn cảm giác, ngôn ngữ. Trẻ bị nặng thường tử vong trong giai đoạn toàn phát (sau 10 ngày) với biểu hiện hôn mê, liệt cơ hô hấp, triệu tim mạch. Nếu trẻ qua khỏi thì để lại nhiều di chứng nặng nề như suy giảm trí tuệ, liệt vận động, động kinh,...

Dịch tễ học bệnh viêm não Nhật Bản

Tại các nước Đông Nam Á, lợn được coi là vật chủ mang mầm bệnh, tuy virus ký sinh trong lợn nhưng nó không gây bệnh cho lợn. Tại Việt Nam, tỷ lệ lợn có huyết thanh dương tính với virus là 44% - 93%. Muỗi là vector truyền bệnh chính, muỗi hút máu có nhiễm virus viêm não Nhật Bản như lợn, chim hoặc người mang virus, sau đó muỗi đốt vào người lành sẽ truyền virus cho người lành. Bệnh này không truyền từ người sang người.

Vì con đường duy nhất để gây bệnh là truyền qua muỗi nên mùa phát triển dịch trùng với mùa phát triển của muỗi. Ở Việt Nam, dịch bùng nổ chủ yếu vào mùa mưa (từ tháng 6 – 9).

Các biện pháp điều trị và phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản là gì?

Hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân viêm não Nhật Bản, chỉ có các biện pháp điều trị làm giảm triệu chứng, chống bội nhiễm và giúp ổn định bệnh nhân.

Phòng và điều trị viêm não Nhật Bản

Cách tốt nhất là phòng tránh bệnh là tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, ngoài ra còn cần các biện pháp tránh muỗi đốt, diệt muỗi và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

vicare.vn-vac-xin-viem-nao-nhat-ban-co-nhung-tac-dung-phu-gi-body-2

Các thông tin cần biết về vắc xin viêm não Nhật Bản

Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản là biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản. Trước đây virus viêm não Nhật Bản là nguyên nhân của khoảng 25-30% ca nhập viện do viêm não, nhiều trường hợp đã tử vong. Hiện nay, sau nhiều năm triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia thì tỷ lệ nhập viện do mắc virus viêm não Nhật Bản đã giảm (còn dưới 10%), với tỷ lệ tiêm duy trì ở mức cao.

Vắc xin có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi, được khuyến nghị cho trẻ em trên 12 tháng tuổi và người lớn. Các bậc phụ huynh cần chủ động cho con đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản từ dưới 15 tuổi.

Lịch tiêm chủng

  • Trẻ em từ đủ 12 tháng tuổi đến đủ 36 tháng tuổi thì sử dụng liều 0,5 ml.
  • Trẻ em từ trên 36 tháng tuổi và người lớn thì sử dụng liều 1 ml.
  • Phác đồ tiêm 3 mũi: mũi 1 cách mũi 2 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm thì hiệu quả phòng bệnh lên tới 90-95 % trong khoảng 3 năm. Sau đó cứ 3 đến 4 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi để duy trì khả năng miễn dịch.

Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ em độ tuổi từ 1 đến 5 được tiêm chủng miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản tại các trạm y tế xã phường với lịch tiêm 3 mũi.

Nếu quên một liều vắc xin viêm não Nhật Bản

  • Quên tiêm mũi 2 cho trẻ: mũi 2 cần được tiêm ngay sau mũi 1 từ 1-2 tuần, nếu quên chưa tiêm thì phụ huynh cần đưa trẻ đến trạm y tế hoặc cơ sở y tế phù hợp để tiêm lại kịp thời.
  • Quên chưa tiêm mũi 3 cho trẻ: tiêm mũi 3 cho trẻ sau 1 năm, nếu phụ huynh quên chưa cho trẻ đi tiêm mũi 3, quá mất 1-2 tháng thì vẫn có thể đưa trẻ đi tiêm nhắc lại mũi 3.

Nếu phụ huynh không nhớ là đã tiêm mũi 3 cho trẻ hay chưa thì vẫn có thể đưa trẻ đi tiêm ngừa mũi 3 bình thường.

vicare.vn-vac-xin-viem-nao-nhat-ban-co-nhung-tac-dung-phu-gi-body-3

Chống chỉ định

- Không tiêm cho đối tượng mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc xin.

- Mệt mỏi, sốt cao hoặc bệnh nhiễm trùng đang tiến triển.

- Mắc các bệnh bẩm sinh, tim mạch, thận, gan, tiểu đường, ung thư máu...và các bệnh ác tính nói chung.

- Trẻ suy dinh dưỡng

- Bệnh quá mẫn

- Phụ nữ có thai.

Tác dụng phụ của vắc xin viêm não Nhật Bản

Giống như các loại vắc xin khác, khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cũng có một tỷ lệ nhất định gặp tác dụng phụ:

  • Có thể có các phản ứng tại chỗ tiêm như: đỏ vùng tiêm, sưng vùng tiêm, thường gặp ở 5-10 % người được tiêm.
  • Một số rất ít có phản ứng toàn thân như: ớn lạnh, sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi,...
  • Các phản ứng phụ này có thể xuất hiện vài giờ sau khi tiêm và sẽ hết trong vòng 1-2 ngày sau khi tiêm xong.
  • Phản ứng sốc phản vệ rất hiếm gặp, tỷ lệ chưa đến 1/ 1.000.000 liều, xảy ra vài phút hoặc vài tiếng sau khi tiêm. Khi gặp trường hợp này cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.

Hiện nay, có nhiều thông tin về trường hợp trẻ em bị sốt cao sau khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, hay trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản khiến phụ huynh lo lắng và không đưa con đi tiêm phòng đúng hạn, đầy đủ hoặc không tiêm. Điều này là hoàn toàn không đúng. Bất cứ loại vắc xin nào cũng có tỷ lệ gặp tác dụng phụ nhất định, tai biến trong tiêm chủng vẫn có nhưng với tỷ lệ rất rất rất nhỏ.

Nguyên nhân có thể do cơ thể trẻ quá mẫn với vắc xin dẫn đến sốc phản vệ; trẻ có bệnh sẵn như tim bẩm sinh, viêm phổi... phụ huynh cần cung cấp những thông tin về sức khỏe của trẻ cho nhân viên y tế trước khi tiêm để được tư vấn.

Nhưng nếu vì những thông tin được phóng đại như trên mạng xã hội mà phụ huynh không cho con tiêm phòng đúng hạn, đầy đủ hoặc không tiêm thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, một căn bệnh nguy hiểm khi tỷ lệ trẻ mắc bệnh bị để lại di chứng thần kinh rất cao, bên cạnh đó tỷ lệ tử vong cũng lên tới 10-20%.

Xem thêm:

  • Bệnh viêm não Nhật Bản có thể nhận biết sớm không?
  • Bé đang bị ho, sổ mũi có được tiêm ngừa viêm não Nhật Bản mũi 2 không?
  • Thời điểm nào nên tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản?