Ung thư trực tràng: Biểu hiện điển hình, hướng dẫn tầm soát hiệu quả

Ung thư trực tràng là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hoá thường gặp nhất. Việt Nam có khoảng 19.000 bệnh nhân với số mắc mới hàng năm là 8.000 người. Đâu là dấu hiệu điển hình của bệnh? Cách tầm soát nào là hiệu quả?

Ung thư trực tràng: Biểu hiện điển hình, hướng dẫn tầm soát hiệu quả Ung thư trực tràng: Biểu hiện điển hình, hướng dẫn tầm soát hiệu quả

Ung thư trực tràng là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hoá thường gặp nhất. Mỗi năm, số ca ung thư trực tràng mới mắc ở Mỹ trung bình là 40.000 ca, ở châu Âu là 100.000 ca. Tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư trực tràng khoảng 19.000, hàng năm có thêm 8.000 ca mắc mới.

Các nghiên cứu tại Bệnh viện K tại Việt Nam cho thấy, bệnh thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, nhưng gần đây bệnh đang có xu hướng trẻ hóa với nhiều trường hợp mắc ở độ tuổi 18-20. Bệnh gặp ở cả hai giới nam và nữ.

Ở giai đoạn sớm với những triệu chứng nghèo nàn nên bệnh thường tiến triển âm thầm gây không ít khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.

Thực tế cho thấy, đã có không ít bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên không thể điều trị khỏi hoặc tuy đã khỏi nhưng phải mang hậu môn nhân tạo suốt đời cũng như để lại những di chứng nặng nề.

Giới thiệu về trực tràng

Trực tràng là một đoạn ruột thuộc hệ tiêu hoá đi từ đốt sống cùng 3 tới rìa hậu môn, gồm hai phần: phần trên phình ra để chứa phân gọi là bóng trực tràng dài 12-15cm nằm trong chậu hông bé, phần dưới hẹp hơn để giữ và tháo phân, dài 2-3cm gọi là ống hậu môn.

vicare.vn-ung-thu-truc-trang-bieu-hien-dien-hinh-huong-dan-tam-soat-hieu-qua-body-1

Nguyên nhân của ung thư trực tràng

Hiện chưa rõ đâu là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư trực tràng nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến ung thư trực tràng như sau:

  • Một số bệnh của trực tràng được coi là tổn thương tiền ung thư như: polype, u tuyến (adenome), u nhú (papillome) và đặc biệt là đa polype gia đình (FAP), đó là lý do các thành viên trong gia đình có cùng huyết thống với bệnh nhân nên đi tầm soát ung thư trực tràng.
  • Các bệnh nhiễm trùng của trực tràng, đặc biệt là viêm đại trực tràng mãn tính.
  • Chế độ ăn có vai trò quan trọng: ăn nhiều thịt, mỡ, ít chất xơ gây táo bón, ứ đọng phân, niêm mạc trực tràng thường xuyên tiếp xúc với các chất gây ung thư như nitrosamin, các muối mật bị thoái biến như coprostenol, coprosterol kết hợp với sự biến chất của hệ vi khuẩn trong phân, làm thay đổi men và môi trường gây nên đột biến của các tế bào ruột trong chuyển hoá.

Các giai đoạn của ung thư trực tràng

Thường được phân loại theo hệ thống TNM của Hiệp hội Phòng chống Ung thư Quốc tế (UICC) năm 2002:

  • Giai đoạn 0: Ung thư chỉ được tìm thấy ở lớp niêm mạc trong cùng của trực tràng. Ung thư biểu mô tại chỗ là một tên khác cho ung thư trực tràng giai đoạn đầu.
  • Giai đoạn 1: Khối u đã phát triển vào thành trong của trực tràng. Khối u chưa phát triển vượt qua thành.
  • Giai đoạn 2: Khối u phát triển sâu hơn vào trong hoặc xuyên qua thành trực tràng. Nó có thể đã xâm lấn các mô lân cận, nhưng các tế bào ung thư chưa lây lan đến các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 3: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó, nhưng chưa đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn 4: Ung thư đã lan ra các bộ phận khác của cơ thể, như gan hoặc phổi.

Ngoài ra còn có giai đoạn tái phát: Đây là giai đoạn mà sau khi ung thư đã được điều trị và tái phát trở lại sau một khoảng thời gian khi ung thư không thể được phát hiện. Bệnh có thể tái phát trở lại trong trực tràng hoặc trong một bộ phận khác của cơ thể.

vicare.vn-ung-thu-truc-trang-bieu-hien-dien-hinh-huong-dan-tam-soat-hieu-qua-body-2

Qua việc phân chia giai đoạn, ta có thể thấy rằng giai đoạn 0, 1, 2 là những giai đoạn sớm khi ung thư chưa di căn hạch và di căn xa. Đặc biệt, trong giai đoạn 0 và 1, do khối u chưa vượt qua thành trực tràng nên hầu như không gây triệu chứng để có thể phát hiện dễ dàng, chính vì thế mà hầu hết bệnh nhân thường phát hiện ung thư trực tràng từ giai đoạn 2 trở về sau. Mà giai đoạn 2 này lại chưa di căn nên tiên lượng sống sau năm 5 năm khá cao (72-85%).

Nếu bệnh di căn lên hạch (giai đoạn 3) thì tỉ lệ sống 5 năm của bệnh nhân sẽ thấp hơn, trung bình là 50%. Nếu bệnh di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể (giai đoạn 4) thì khả năng điều trị và sống trên 5 năm không quá 30%.

Các triệu chứng thường gặp của ung thư trực tràng

  • Thay đổi thói quen đại tiện.
  • Tiêu chảy, hay có cảm giác đi ngoài không hết.
  • Đi ngoài ra máu (đỏ tươi hoặc đen sẫm).
  • Phân có khẩu kính hẹp hơn bình thường.
  • Cảm thấy khó chịu khắp bụng (thường bị đau bụng vì trướng hơi, cổ trướng, đầy bụng kèm hoặc không kèm với co thắt).
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Thường xuyên mệt mỏi.
  • Thiếu máu.

Ở giai đoạn 0 và 1 thì ít xuất hiện các triệu chứng trên. Chỉ ở các giai đoạn sau thì các triệu chứng trên mới xuất hiện rõ ràng. Qua đó có thể thấy, phát hiện ung thư trực tràng thông qua các triệu chứng sớm nhất có thể là ở giai đoạn 2. Đòi hỏi bệnh nhân không được chủ quan vì nếu phát hiện sớm ở giai đoạn 2 này thì bệnh vẫn có tiên lượng tốt, nghĩa là khả năng khỏi bệnh cao và ít để lại di chứng như việc phải đặt hậu môn nhân tạo hoặc các di chứng khác.

vicare.vn-ung-thu-truc-trang-bieu-hien-dien-hinh-huong-dan-tam-soat-hieu-qua-body-3

Điều trị ung thư trực tràng

Điều trị ung thư trực tràng theo nguyên tắc đa mô thức. Cụ thể là kết hợp các phương pháp chủ yếu như: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Việc lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố: toàn trạng bệnh nhân, vị trí khối u, giai đoạn bệnh và các yếu tố nguy cơ. Hiện nay, với sự tiến bộ nhanh chóng của các phương pháp điều trị này, kết quả điều trị ung thư trực tràng đã được cải thiện đáng kể, nhất là ở các giai đoạn sớm.

Phẫu thuật có vai trò chính trong điều trị triệt căn ung thư trực tràng. Tuy nhiên, các bệnh nhân chỉ phẫu thuật đơn thuần có tỷ lệ tái phát cao do phẫu thuật không thể lấy hết được các tế bào di căn. Do đó cần kết hợp với các phương pháp khác như xạ trị và hoá trị.

Xạ trị và hoá trị cũng có vai trò quan trọng, hỗ trợ trước hoặc sau phẫu thuật nhằm giảm khả năng tái phát cũng như kiểm soát sự di căn cho bệnh nhân.

Tầm soát ung thư trực tràng giai đoạn sớm

Các nghiên cứu cho thấy rằng, việc tầm soát bắt đầu từ độ tuổi 50 (tốt hơn là từ 40 tuổi) kể cả khỏe mạnh hoàn toàn thì có thể giúp phát hiện được ung thư trực tràng giai đoạn sớm.

Các phương pháp tầm soát ung thư trực tràng được khuyến cáo bao gồm:

  • Hàng năm: Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT).
  • Mỗi 3 năm: Xét nghiệm DNA trong phân hoặc xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học liên quan đến ung thư trực tràng trong máu.
  • Mỗi 5 năm: Nội soi đại tràng sig-ma, chụp X-quang đại trực tràng cản quang hoặc chụp cắt lớp vi tính đại trực tràng.
  • Mỗi 10 năm: Nội soi đại trực tràng toàn bộ.

Xem thêm:

  • AI giúp phát hiện ung thư đại trực tràng, điều trị ngay từ sớm
  • Cách tự kiểm tra ung thư trực đại tràng: Phát hiện sớm 3 tháng, có thể sống thêm 30 năm
  • Đại tiện ra máu tươi nguy cơ bệnh ung thư đại tràng, trực tràng