Ung thư thực quản từ A đến Z: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị

Trong các loại ung thư – ung thư thực quản được coi là loại ung thư “khó chịu” nhất vì khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa, lại khó điều trị. Bài viết này giải đáp nguyên nhân, triệu chứng, các giai đoạn và cách chữa trị ung thư thực quản theo từng giai đoạn.

Ung thư thực quản từ A đến Z: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị Ung thư thực quản từ A đến Z: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị

Trong các loại ung thư – ung thư thực quản được coi là loại ung thư “khó chịu” nhất vì khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa, lại khó điều trị. Bài viết dưới đây giải đáp nguyên nhân, triệu chứng, các giai đoạn và cách chữa trị ung thư thực quản theo từng giai đoạn.

Vị trí và vai trò của thực quản

Thực quản là bộ phận chủ chốt của hệ thống tiêu hóa, nằm ở đoạn đầu của ống tiêu hóa, nối cổ họng với dạ dày. Thân thực quản là một ống rỗng có độ dài trung bình từ 20 đến 30 cm.

Chức năng của thực quản là tiếp nhận và đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày, đồng thời ngăn không cho thức ăn trào ngược trở lại (bằng một bộ phận nhỏ có tên gọi là cơ vòng thực quản). Nếu thức ăn trào ngược từ dạ dày trở lại thực quản – lúc này sẽ xảy ra hiện tượng trào ngược dạ dày.

Ung thư thực quản là gì?

Ung thư thực quản là tình trạng các tế bào ác tính xuất hiện ở thực quản. Các tế bào phát triển không theo quy luật thông thường/ phát triển không có kiểm soát dẫn tới việc hình thành các khối u. Ung thư thực quản có thể xuất hiện ở mọi vị trí trong thực quản – nhưng vị trí được các tế bào ung thư “ưa thích” nhất chính là đoạn giữa và đoạn cuối của thực quản (vị trí tiếp giáp với dạ dày).Thống kê năm 2018 của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ cho thấy:

  • Có khoảng gần 18 ngàn ca ung thư thực quản được chẩn đoán mới (gần 80% ở nam)
  • Có khoảng gần 16 ngàn ca tử vong vì ung thư thực quản (gần 80% là nam giới)
vicare.vn-ung-thu-thuc-quan-tu-den-z-nguyen-nhan-trieu-chung-va-bien-phap-chua-tri-body-1

Nguyên nhân và đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản

Chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ nguyên nhân cụ thể gây ung thư thực quản. Nhưng thống kê thực tế cho thấy các yếu tố dưới đây tác động đến việc hình thành và phát triển ung thư thực quản:

Bệnh viêm thực quản barrett

Viêm thực quản barrett là tình trạng viêm loét kéo dài của thực quản, gây nguy cơ tiến triển thành ung thư. Bệnh này thường xảy ra với người bị trào ngược dạ dày – thực quản. Dưới tác động của các dịch/ chất trào ngược từ dạ dày, các tổ chức/ tế bào ở đáy thực quản (khu vực tiếp giáp dạ dày) có thể bị viêm nhiễm/ hoại tử. Các tế bào ở vị trí này có thể thay đổi/ tiến triển thành ung thư thực quản. Vì thế, nếu mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản – cần can thiệp sớm để giảm nguy cơ ung thư.

Thuốc lá/ rượu bia

Các chất độc có trong thuốc lá/ rượu bia khi đi qua thực quản sẽ làm tổn thương thành thực quản, kích thích các tế bào phát triển bất thường gây nguy cơ ung thư. Đặc biệt nếu lạm dụng rượu bia/ thuốc lá ở người bị trào ngược dạ dày – thì nguy cơ sẽ càng cao.

Tuổi tác/ giới tính

Những người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn. Ngoài ra, bệnh này xảy ra với nam nhiều hơn nữ (do thói quen sinh hoạt, hút thuốc, ăn uống, ...). Người ăn thực phẩm/ đồ uống quá nóng cũng rất hại thực quản.

Tiền sử gia đình

Ung thư thực quản không phải bệnh di truyền, tuy nhiên giống như các bệnh ung thư khác – nếu trong gia đình có bố/mẹ/anh em ruột/ông bà nội ngoại từng mắc căn bệnh này hoặc các bệnh ung thư đầu cổ - thì khả năng mắc bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn các đối tượng khác.

Triệu chứng điển hình cảnh báo ung thư thực quản

Nuốt vướng/ nuốt nghẹn

Đây là dấu hiệu đặc biệt/ khó nhầm lẫn cảnh báo bệnh ung thư thực quản. Cảm giác nuốt nghẹn/ nuốt vướng xuất hiện ở khu vực xương ức. Bệnh nhân có thể cảm thấy tình trạng cố nuốt nhưng thức ăn không trôi. Nếu cố sức nuốt trôi có thể gây đau tức ngực. Thức ăn càng đặc/ sệt thì biểu hiện càng rõ rệt. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, ngay cả thức ăn lỏng/ thậm chí nước uống cũng có thể bị chặn lại.

Trớ

Khi khối u phát triển sẽ cản trở thức ăn, khiến người bệnh gặp tình trạng trớ ngay sau khi ăn. Triệu chứng trớ không đi kèm nóng rát (như viêm loét thông thường). Khi trớ có thể kèm theo dịch tiết từ thực quản. Dịch trớ/ thức ăn có thể gây viêm hô hấp do lạc vào đường thở. Đặc biệt lưu ý bệnh ung thư thực quản hầu như không gây cảm giác buồn nôn.

Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân

Đây là dấu hiệu điển hình của ung thư thực quản. Do tác động trực tiếp tới khả năng ăn uống, người bệnh bị sụt cân rất nhanh, có trường hợp 1 tháng có thể sụt tới 5kg mà không rõ nguyên nhân. Nếu bị sụt cân đột ngột kèm các triệu chứng đau vùng xương ức, da sạm khô và thiếu sức sống, hãy nghĩ ngay tới việc đi khám để phát hiện bệnh kịp thời.

vicare.vn-ung-thu-thuc-quan-tu-den-z-nguyen-nhan-trieu-chung-va-bien-phap-chua-tri-body-2

Các giai đoạn của ung thư thực quản

Cũng như các loại ung thư khác – ung thư thực quản được chia làm 4 giai đoạn tiến triển chính:

Giai đoạn 0-1 (giai đoạn tiền ung thư)

Tế bào ung thư hình thành và có mặt tại lớp tế bào trên cùng của thành thực quản. Lúc này các tế bào xuất hiện rải rác, chưa khu trú thành khối u và các triệu chứng khá mờ nhạt - có thể gần giống với viêm họng/ viêm thực quản/ ung thư vòm họng. Giai đoạn này là lý tưởng để thực hiện các biện pháp điều trị (triệt để là cắt thực quản – đoạn có tế bào ung thư) và kết hợp hóa trị để tiêu diệt tận gốc, ngăn tế bào phát triển mới. Tuy nhiên đáng tiếc là chỉ khoảng 5% bệnh nhân ung thư thực quản được phẫu thuật để điều trị tận gốc – vì hầu hết đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn/ rất muộn (giai đoạn 3-4, tiền di căn và di căn).

Giai đoạn 2

Là giai đoạn tế bào ung thư phát triển, lan tới các khu vực xa hơn của thành thực quản hoặc bắt đầu xâm lấn vào các hạch bạch huyết ở những khu vực lân cận. Lúc này các dấu hiệu đã điển hình hơn như xuất hiện các triệu chứng ho, buồn nôn/ nôn, đau tức khu vực ngực khi ăn, ...

Giai đoạn 3

Lúc này tế bào ung thư xâm lấn vào các lớp bên trong của thành thực quản, khối u phát triển với kích thước lớn và lan vào các hạch bạch huyết lân cận. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có triệu chứng khó nhầm lẫn như nuốt nghẹn hoặc thức ăn bị mắc kẹt/ không nuốt trôi, ăn không ngon, đau ở ngực, nôn nhiều và đặc biệt là sụt cân không kiểm soát (gầy đi rất nhanh) ...

Giai đoạn 4

Tế bào ung thư di căn, lan rộng tới các bộ phận khác trong cơ thể, một số vị trí “ưa thích” bao gồm não, xương, phổi, gan, .... Tình trạng tụt cân nhanh tiếp tục diễn ra, bệnh nhân không ăn uống được nhiều, sức khỏe suy kiệt nhanh chóng.

Cách phát hiện ung thư thực quản

  • Khám lâm sàng để bác sĩ khai thác các triệu chứng biểu hiện qua lời kể của bệnh nhân
  • Thực hiện chụp X-quang có thuốc cản quang để phát hiện hình ảnh, vị trí khối u trong thành thực quản
  • Chụp CT (cắt lớp vi tính) để xác định tình trạng biến đổi của thực quản do khối u gây ra, đánh giá chính xác các mức độ tổn thương và khả năng di căn
  • Nội soi khối u để đánh giá mức độ lan rộng, vị trí khối u trong thực quản kết hợp sinh thiết tế bào để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
vicare.vn-ung-thu-thuc-quan-tu-den-z-nguyen-nhan-trieu-chung-va-bien-phap-chua-tri-body-3

Vì sao ung thư thực quản nguy hiểm và khó điều trị?

Hiệu quả điều trị của các bệnh lý ung thư nói chung – và ung thư thực quản nói riêng - phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn phát hiện bệnh. Càng phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị càng cao, thời gian sống của bệnh nhân càng dài.

Tuy nhiên với ung thư thực quản, mức độ nguy hiểm và sự khó khăn trong điều trị còn đến từ những lý do khác. Điều quan trọng nhất trong điều trị ung thư thực quản là phối hợp nâng đỡ về dinh dưỡng. “Đường vận chuyển thức ăn” gặp vấn đề khiến người bệnh hầu như không ăn uống được. Các giải pháp như ăn qua đường xông (mở đường thông trực tiếp vào dạ dày) hoặc ăn qua đường tĩnh mạch hầu như không đáp ứng được đáng kể nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể - nhất là trong điều kiện người bệnh phải đối mặt với các biện pháp điều trị độc hại (xạ trị, phẫu thuật, ...). Từ đây, cơ thể người bệnh suy kiệt nhanh – nhiều giải pháp như phẫu thuật không thể thực hiện do thể lực bệnh nhân không đủ để chịu đựng cuộc mổ.

Chính vì thế, có rất nhiều bệnh nhân ung thư thực quản tử vong do suy kiệt vì bị nguồn dinh dưỡng bị gián đoạn/ thậm chí cắt đứt hoàn toàn (ngay cả thức ăn lỏng/ nước uống cũng không trôi). Trước khi điều trị cho bệnh nhân ung thư thực quản, các bác sĩ thường lên phác đồ dinh dưỡng và áp dụng linh hoạt các biện pháp để đảm bảo sự hài hòa về sức khỏe – thể lực – khả năng chịu đựng các cuộc điều trị cho người bệnh.

Các cách điều trị ung thư thực quản phổ biến nhất

Phẫu thuật

Là biện pháp phẫu thuật tối ưu với bệnh nhân ung thư thực quản – nhất là trong giai đoạn đầu. Phẫu thuật lúc này cho phép cắt bỏ hoàn toàn khu vực có tế bào ác tính với nhiều lựa chọn phẫu thuật khác nhau (cắt thực quản qua đường mổ ở bụng/ngực; mở ngực cắt thực quản và tạo ống dạ dày; phẫu thuật nội soi; ...) Tuy nhiên, phẫu thuật trong ung thư thực quản khá phức tạp do các nguy cơ về viêm mối nối, viêm màng phổi, ... Khoảng 80-90% bệnh nhân ung thư thực quản không có chỉ định phẫu thuật.

Hơn nữa, phẫu thuật thường được chỉ định với bệnh nhân ung thư thực quản ở 1/3 đoạn cuối thực quản. Nếu tế bào ung thư xuất hiện ở 1/3 đoạn đầu thực quản – phương pháp này ít được chỉ định do nguy cơ viêm nhiễm cao; nếu ở 1/3 đoạn giữa – các bác sĩ sẽ cân nhắc dựa vào các điều kiện thực tế. Phẫu thuật cũng thường được kết hợp hóa trị để tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư.

Xạ trị

Thường được áp dụng với bệnh nhân giai đoạn 2 hoặc chớm giai đoạn 3. Dưới tác động của tia xạ, các tế bào ung thư được tiêu diệt, ngăn chặn tái phát tại chỗ hoặc lây lan. Xạ trị cũng có thể kết hợp với hóa trị để khoanh vùng khối u, hạn chế xâm lấn, giảm các triệu chứng nghẹn/ đau tức, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Hóa trị

Biện pháp này thường có thể áp dụng với mọi giai đoạn một cách linh hoạt và tùy mục đích/ phác đồ. Tuy nhiên hóa trị thường được dùng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhằm giảm tốc độ lây lan, di căn. Khi hóa trị cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ để giảm tác dụng phụ, bởi hóa trị gây tác động toàn thân, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh.

Cách phòng bệnh ung thư thực quản hiệu quả

  • Ngừng ngay việc hút thuốc lá/ uống rượu bia
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học/ hợp lý: Không ăn nhiều chất béo động vật/ không ăn đồ quá nóng/ không ăn đồ cay chua quá nhiều ... Ưu tiên thực phẩm lành mạnh (các loại hạt, ngũ cốc, rau xanh, trái cây,... bổ sung nhiều nước và chất xơ). Nhai kĩ khi ăn để giảm tổn thương khi thức ăn cọ xát vào thực quản.
  • Duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục đều đặn để tăng cường trao đổi chất trong cơ thể.
  • Chia nhỏ bữa ăn, không ăn quá no khiến thực quản hoạt động cao độ đột ngột. Nên ăn đúng giờ để thực quản có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục.
  • Khám sàng lọc định kì: Vai trò của khám sàng lọc cực kì quan trọng. Ung thư thực quản không có dấu hiệu cảnh báo ở giai đoạn sớm. Vì thế, thực hiện các biện pháp sàng lọc, chụp chiếu định kì là cách tốt nhất để dự phòng bệnh.
  • Chữa triệt để các bệnh lý nguy hiểm khác như trào ngược dạ dày – ngăn chặn nguy cơ tế bào viêm loét tiến triển thành tế bào ung thư.
vicare.vn-ung-thu-thuc-quan-tu-den-z-nguyen-nhan-trieu-chung-va-bien-phap-chua-tri-body-4

Những hiểu lầm về ung thư thực quản

  • Ung thư thực quản có thể lây: Không đúng. Ung thư thực quản không lây, trên thế giới chưa từng ghi nhận ca lây nhiễm nào liên quan đến ung thư thực quản.
  • Ung thư thực quản không thể chữa trị: Không đúng. Có nhiều biện pháp điều trị nhưng hiệu quả phụ tthuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Có thể thấy ung thư thực quản là căn bệnh phức tạp, khó điều trị. Những dấu hiệu của bệnh thường không xuất hiện sớm. Bệnh có liên quan mật thiết tới việc ăn uống, sinh hoạt – vì thế, ngay từ hôm nay hãy bỏ ngay rượu bia/ thuốc lá, thực hiện lối sống lành mạnh, chăm chỉ tập thể thao, ăn uống điều độ và có chọn lọc. Đặc biệt cần chú ý sàng lọc định kì để phát hiện sớm – đây là điều cốt lõi quyết định tới hiệu quả chữa trị, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Xem thêm:

  • Ung thư thực quản có đau không?
  • Ung thư thực quản: Dấu hiệu nhận biết là gì?
  • Nội soi thành công ung thư thực quản phức tạp
  • Một lần thử máu phát hiện 8 loại ung thư: cơ hội lớn, thách thức nhiều