Ung thư, HIV có thể phòng bằng vắc xin trong thập kỷ tới
Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm ra vắc xin để phòng các căn bệnh nguy hiểm như lậu, HIV, ung thư, Zika, Ebola..., nhưng để được chấp thuận sử dụng trên người cần chứng minh được độ an toàn và có hiệu quả phòng ngừa. Quá trình này có thể kéo dài nhiều năm hoặc hàng thập kỷ.
Ung thư, HIV có thể phòng bằng vắc xin trong thập kỷ tới
Lậu
Bệnh lậu lây truyền qua đường tình dục, thường được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, một số trường hợp không điều trị được bằng kháng sinh, do tình trạng kháng kháng sinh. Các nhà nghiên cứu ở New Zealand đã phát hiện vi khuẩn gây viêm màng não và vi khuẩn gây bệnh lậu có mối liên hệ chặt chẽ. Loại vắc xin MeNZB được dùng để phòng bệnh viêm màng não B được dùng từ 2004-2006, nay không còn được sử dụng. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội để các nhà khoa học nghiên cứu để phát triển vắc xin này thành một loại vắc xin phòng bệnh lậu.
Ung thư
Một vài loại vắc xin giúp ngăn ngừa một số loại ung thư nhất định. Vắc xin chống virus HPV ở người có thể ngừa 6 chủng khác nhau, vắc xin phòng viêm gan B có tác dụng ngăn ngừa ung thư gan. Năm 2010, phương pháp điều trị bằng vắc xin đã được áp dụng với bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt. Theo đó, hệ miễn dịch của bệnh nhân được lập trình lại với một protein đặc biệt giúp các tế bào miễn dịch tấn công vào khối u ác tính. Các loại vắc xin khác đang được nghiên cứu với cách tiếp cận cá nhân hóa, giúp xác định đột biến ở từng người và kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại một số căn bệnh ung thư
Sốt rét
Triệu chứng của sốt rét là ớn lạnh, sốt, buồn nôn. Khi xảy ra biến chứng, người mắc có thể bị suy thận. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hiện nay không có một loại vắc xin phòng sốt rét nào được được sử dụng rộng rãi. Từ năm 2018, ba quốc gia sẽ tham gia thử nghiệm vắc xin phòng sốt rét. Trong những năm qua, nhờ nỗ lực diệt muỗi của cơ quan y tế và người dân, số người tử vong do căn bệnh này đã giảm xuống.
Ebola
Trong một cuộc thử nghiệm với 6.000 người, vắc xin phòng Ebola của công ty dược Merck cho thấy có hiệu quả 100%. Loại vắc xin này có thể tạm thời ngăn chặn các đợt bùng phát như giữa năm 2014 và 2016. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được chính thức sử dụng. Các nhà nghiên khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra giải pháp lâu dài nhằm ngăn chặn Ebola. Trong một thử nghiệm ở giai đoạn đầu với 75 tình nguyện viên khỏe mạnh, kết quả cho thấy vắc xin phòng Ebola đã đáp ứng miễn dịch trong một năm. Một cuộc thử nghiệm với quy mô lớn hơn sẽ phải chứng minh được liệu vắc xin có tác dụng phòng ngừa Ebola lâu dài hay không.
HIV
Trong vài thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu được thực hiện để tìm ra vắc xin phòng ngừa virus HIV, nhưng đều thất bại. Tháng 7/2017, công ty Johnson and Johnson tuyên bố đang trong giai đoạn đầu của quá trình thử nghiệm vắc xin HIV-1 ở người, kết quả cho thấy có thể tạo phản ứng miễn dịch và được "dung nạp tốt". Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài trước khi vắc xin phòng HIV được sử dụng rộng rãi. Bởi, vắc xin này phải chứng minh được hiệu quả trong ngăn ngừa HIV.
Norovirus
Norovirus là loại virus gây ngộ độc thực phẩm. Người bị nhiễm virus này có thể bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và nôn. Norovirus ảnh hưởng đến 21 triệu người Mỹ mỗi năm. Nhiều cách để ngăn ngừa Norovirus, nhưng vẫn chưa có vắc xin để ngừa được loại virus này.
Công ty Vaxart đang phát triển một loại vắc xin có thể ngăn ngừa Norovirus. Tháng 2/2017, công ty này thông báo đã thành công trong thử nghiệm vắc xin này ở người. Vắc xin này được chứng minh an toàn và có khả năng thúc đẩy phản ứng miễn dịch. Trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, vắc xin này phải chứng minh được tác dụng ngăn ngừa Norovirus, trước khi được chấp thuận sử dụng trên người.
Cúm
Hầu hết vắc xin chỉ cần tiêm một lần hoặc vài lần trong đời. Tuy nhiên, virus gây bệnh cúm thường xuyên có đột biến và thay đổi liên tục. Các nhà nghiên cứu tại công ty Sanofi đang bào chế một loại vắc xin phòng cúm phổ quát. Thay vì tiêm mỗi năm một lần, vắc xin này có thể giúp cơ thể chống lại virus cúm trong vài năm. Hiện, vắc xin cúm đang được sử dụng có thể ngăn ngừa 3-4 chủng sau khi tiêm. Loại vắc xin mới của Sanofi có thể giúp bảo vệ tốt hơn, chúng có thể chống chọi với bất kỳ đột biến nào của virus cúm. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn ở giai đoạn tiền lâm sàng.
Nghiện ma túy
Các nhà khoa học ở Mỹ đã nghiên cứu ra 2 loại vắc xin có tác dụng chống nghiện ma túy, nhưng đều chưa được thử nghiệm trên người. "Vắc xin này sẽ tiêu hủy ma túy được đưa vào cơ thể, trước khi nó tác động lên não và khiến người nghiện hưng phấn", Roger Crystal, công ty Opiant - nơi phát triển một trong hai loại vắc xin, cho hay. Ngoài ra, hai loại vắc xin này giúp người nghiện cải thiện, hồi phục sức khỏe.
Zika
Sau khi cả thế giới nhận thấy virus Zika có thể gây đại dịch toàn cầu vào năm 2016, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm kiếm một loại vắc xin ngăn ngừa virus này. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm trên người một loại vắc xin để kiểm tra hiệu quả phòng bệnh. Tháng 3/2017, quá trình thử nghiệm giai đoạn 2 được thực hiện với 2.490 người. Dự kiến quá trình thử nghiệm này sẽ kết thúc vào năm 2019.
Theo Zing