Ung thư gan - Triệu trứng, nguyên nhân và cách điều trị
Ung thư gan xếp vị trí “quán quân” về mức độ nguy hiểm trong bảng danh sách các loại bệnh ung thư. Việc nhận biết các triệu chứng của ung thư gan ở giai đoạn sớm trở nên đặc biệt quan trọng để kịp thời điều trị
Ung thư gan - Triệu trứng, nguyên nhân và cách điều trị
Xếp vị trí “quán quân” về mức độ nguy hiểm trong bảng danh sách các loại bệnh ung thư – ung thư gan mỗi năm cướp đinh sinh mạng của hàng chục ngàn người. Điều đáng lo là hầu hết bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, khiến những nỗ lực điều trị không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Việc nhận biết các triệu chứng của ung thư gan ở giai đoạn sớm trở nên đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, biết các nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị cũng giúp ích rất lớn cho quá trình chống chọi với căn bệnh nguy hiểm này.
Ung thư gan là gì? Có mấy dạng và mấy giai đoạn?
Ung thư gan là tình trạng các tế bào gan bị ung thư: Các tế bào phát triển không kiểm soát (không theo quy luật thông thường) dẫn tới những thay đổi về cấu trúc, chức năng của gan.
Ung thư gan có 2 dạng chính: Ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát
- Ung thư gan nguyên phát: Là tên gọi chỉ bệnh ung thư gan do tế bào ung thư bắt đầu xuất phát từ gan. Đây là dạng ung thư gan phổ biến nhất (chiếm khoảng 80% số bệnh nhân), trong đó nam có nguy cơ mắc cao hơn nữ. Nguyên nhân chưa được nghiên cứu đầy đủ song các kiểm nghiệm thực tế cho thấy bệnh nhân có tiền sử viêm gan virus hoặc gan nhiễm mỡ có nguy cơ bị ung thư gan nguyên phát cao hơn.
- Ung thư gan thứ phát (tên khác: Ung thư gan di căn): Là tên gọi chỉ bệnh ung thư gan do tế bào ung thư bắt đầu từ bộ phận khác trên cơ thể nhưng di căn đến gan.
Ung thư gan có 04 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1: Là giai đoạn đầu tiên của bệnh – lúc này các tế bào ung thư hình thành tại gan với kích thước nhỏ (dưới 2cm), chưa có dấu hiệu di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể. Nếu phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn này, khả năng khỏi bệnh lên tới 80%.
- Giai đoạn 2: Là giai đoạn mà khối u trong gan đã bắt đầu phát triển, xâm lấn sang các bộ phận tiếp xúc trực tiếp như thành mạch máu (chưa xâm lấn các hạch, bộ phận tiếp giáp khác). Lúc này khối u có kích thước trung bình khoảng 3-5cm.
- Giai đoạn 3: Lúc này khối u gan đã phát triển với kích thước trên 5cm – thậm chí không chỉ có 1 mà có thể có 2-3 khối u trong gan cùng phát triển (hoặc nhiều hơn nữa). Khối u bắt đầu xâm lấn các hạch bạch huyết trong cơ thể, xâm lấn vào các tĩnh mạch chính của gan khiến chức năng gan suy giảm rõ rệt. Ở cuối giai đoạn 3, khối u có thể đã phát triển vượt ra khỏi lớp vỏ bao quanh lá gan, tiệm cận túi mật.
- Giai đoạn 4 (giai đoạn di căn): Khối u phát triển với kích thước trên 7cm, xâm lấn các hạch và mạch máu. Ở cuối giai đoạn 4, khối u phát triển mạnh và lan rộng (không kiểm soát) tới bất kể cơ quan/bộ phận nào trên cơ thể. Chức năng gan gần như bị tê liệt khiến cơ thể không còn khả năng hoạt động bình thường. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn này, khả năng sống thêm chỉ dao động trong khoảng 3-6 tháng.
Sự nguy hiểm của ung thư gan
Các bệnh ung thư đều nguy hiểm và tuổi thọ của bệnh nhân ung thư phụ thuộc vào loại ung thư họ mắc/giai đoạn phát hiện cũng như các biện pháp điều trị. Nhưng riêng ung thư gan luôn được nhắc nhở là căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư và thời gian duy trì sự sống của bệnh nhân không nhiều.
Gan là một trong những bộ phận trọng yếu của cơ thể khi đóng vai trò là trung tâm chuyển hóa/đào thải của cơ thể. Khi gan khỏe mạnh, hoạt động trơn tru – các dưỡng chất được chuyển hóa khắp cơ thể giúp các cơ quan được nuôi dưỡng, bảo vệ. Đồng thời các chất độc được đào thải giúp cơ thể được thanh lọc, khỏe mạnh. Khi lá gan trục trặc, đặc biệt là bị tế bào ung thư tấn công, chức năng gan sẽ suy giảm, khả năng chuyển hóa/đào thải bị ảnh hưởng – dẫn tới những thay đổi đột ngột khiến cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 1% bệnh nhân ung thư gan có thể sống sót trên 5 năm nếu được phát hiện sớm. Hầu hết bệnh nhân có thể sống sót trong thời gian 6 tháng. Đặc biệt nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn (đã di căn) thì khả năng sống sót chỉ khoảng 3-6 tháng, thậm chí ngắn hơn. Vì thế, ung thư gan luôn là nỗi ám ảnh của tất cả mọi người khi bệnh chỉ cho người bệnh một thời gian rất ngắn để “xoay sở”.
Nguyên nhân quan trọng gây ung thư gan
Cũng như tất cả các bệnh ung thư khác – đến nay chưa có nghiên cứu hay thống kê khoa học nào cho thấy nguyên nhân chính xác dẫn tới bệnh ung thư gan. Tuy nhiên, dựa vào những kết quả trong quá trình sàng lọc, theo dõi và điều trị thực tế, các nhà khoa học đã rút ra 4 nguyên nhân chính gây ung thư gan phổ biến nhất, bao gồm:
- Viêm gan virus: Có nhiều virus gây viêm gan nhưng phổ biến và nguy hiểm nhất là viêm gan siêu vi B. Đây là loại virus có khả năng gây xơ gan, hủy hoại chức năng gan dẫn tới ung thư gan. Người mắc viêm gan siêu vi B nếu không được kiểm soát/điều trị/theo dõi đúng cách thì có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn gấp 200 lần so với người không mắc virus. Hầu hết người Việt Nam bị ung thư gan đều có liên quan đến loại virus này. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy: Có tới 6-20% người trưởng thành ở Việt Nam mắc virus viêm gan B.
- Sử dụng rượu bia nhiều: Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia hàng đầu thế giới – kéo theo đó là số người bị xơ gan do rượu tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của ngành y tế, bia rượu là nguyên nhân thứ 2 gây ra căn bệnh này – chỉ sau viêm gan virus.
- Sử dụng thực phẩm ẩm mốc: Trong các loại thực phẩm/hạt/hoa quả ẩm mốc có chứa một loại nấm có tên khoa học là nấm Aspergillus flavus. Loại nấm này sinh ra Aflatoxin - một trong những chất độc làm tăng khả năng mắc ung thư gan. Nếu sử dụng thực phẩm/hạt/hoa quả ẩm mốc trong thời gian dài – nguy cơ mắc ung thư gan sẽ tăng cao.
- Môi trường/hóa chất độc hại: Các chất như dioxin, các chất độc trong không khí, môi trường ô nhiễm,... cũng là tác nhân quan trọng gây biến đổi các chức năng trong cơ thể, bao gồm cả gan.
Đối tượng nào dễ mắc ung thư gan?
- Người nhiễm virus viêm gan siêu vi B: Virus này tàn phá gan bằng cách tồn tại trong gan, âm thầm làm suy giảm chức năng gan. Nếu kết hợp với các yếu tố khác (uống rượu bia, không điều trị kiểm soát kịp thời,...) thì virus viêm gan B sẽ có thể gây xơ gan – dẫn tới ung thư gan.
- Không có biện pháp bảo vệ khỏi việc nhiễm virus viêm gan B: Virus này có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con, lây truyền qua đường tình dục,... Vì thế, nếu không có kháng thể (tiêm vắc xin), người khỏe mạnh có thể nhiễm virus này và có nguy cơ mắc ung thư gan.
- Người uống nhiều rượu bia: Theo định nghĩa của Viện Nghiên cứu lạm dụng rượu và nghiện rượu Hoa Kỳ (NIAAA): Uống rượu bia nhiều có nghĩa là hơn 2 lần/tháng; nếu ngày nào cũng uống (hoặc uống đủ các ngày trong tuần) với liều lượng như dưới đây thì được gọi là uống quá nhiều:
Triệu chứng điển hình cảnh báo ung thư gan
Ung thư gan nguy hiểm ở chỗ hầu như không có dấu hiệu cảnh báo sớm ở giai đoạn đầu.
- Vàng da: Là biểu hiện đặc trưng/điển hình nhất cảnh báo các bệnh về gan – trong đó có ung thư gan. Khi tế bào ung thư xuất hiện khiến chức năng gan suy giảm và khả năng đào thải biliburin cũng giảm theo. Biliburin là một sắc tố vàng da và là chất thải sau khi hồng cầu bị vỡ trong máu, biliburin khi đào thải đều đi qua gan. Vì thế nếu chức năng gan suy giảm, lượng biliburin không được đào thải hết khiến sắc tố vàng trên da xuất hiện.
- Thay đổi màu nước tiểu: Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt. Tuy nhiên khi gan “không khỏe”, nước tiểu sẽ có màu tối hơn. Nguyên nhân: Do biliburin không được đào thải hết, không chỉ gây vàng da mà còn làm nước tiểu đổi màu.
- Ngứa/đau bụng: Biliburin ứ đọng trong gan còn gây hiện tượng ngứa toàn thân. Ngoài ra, người bệnh có biểu hiện đau bụng do khối u trong gan làm thể tích gan thay đổi (to hơn), gây chèn ép tới các bộ phận khác. Ở giai đoạn cuối, người bệnh có thể bị chướng bụng (dân gian hay gọi xơ gan cổ trướng).
- Sụt cân nhanh trong thời gian ngắn/mệt mỏi triền miên không rõ nguyên nhân: Đây là dấu hiệu quan trọng cảnh báo bệnh ung thư gan. Khi chức năng gan suy giảm, khả năng chuyển hóa/đào thải giảm theo dẫn tới việc cơ thể không hấp thu được dưỡng chất tốt/không đào thải được độc tố, khiến cơ thể mệt mỏi, sụt cân nhanh.
Làm gì khi thấy các triệu chứng ung thư gan?
Dù các triệu chứng cảnh báo ung thư gan khá điển hình – tuy nhiên điều đáng lo ngại là hầu hết người bệnh không chú ý, sàng lọc sớm để phát hiện kịp thời. Đến khi nhận diện được các triệu chứng trên – rất có thể người bệnh đã mắc bệnh ở giai đoạn muộn.
- Với người chưa có triệu chứng ung thư gan:
Cần khám sàng lọc định kì bắt đầu từ tuổi 40. Với những đối tượng có nguy cơ cao (viêm gan, hay uống rượu bia,...) thì cần sàng lọc sớm hơn – từ tuổi 35 – và sàng lọc 2 lần/năm.
Thay đổi hành vi/lối sống để giữ gìn sức khỏe. Ngừng ngay việc uống rượu bia.
Nâng cao sức khỏe bằng cách chăm chỉ tập thể dục, có chế độ dinh dưỡng phù hợp và lành mạnh để tăng cường chức năng gan (ăn ít chất béo, tăng cường rau xanh hoa quả, thịt trắng, sữa chua, ngũ cốc nguyên hạt,...)
- Với người đã thấy triệu chứng/nghi ngờ ung thư gan: Cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên sâu để phát hiện bệnh và xác định bệnh đang ở giai đoạn nào? Từ đó, bác sĩ sẽ xây phác đồ điều trị phù hợp để theo dõi/kiểm soát tình hình.
Các cách điều trị ung thư gan phổ biến hiện nay
Phẫu thuật
Thường được sử dụng trong giai đoạn 1 và 2 – khi khối u còn nhỏ. Các bác sĩ sẽ tiến hành mổ để cắt bỏ khu vực gan có khối u – ngăn chặn khối u phát triển và lan rộng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi chặt chẽ để phòng ngừa nguy cơ tái phát.
Ghép gan
Là giải pháp cuối cùng trong trường hợp khối u gan đã lớn, không thể phẫu thuật và chưa di căn. Lúc này, nếu có nguồn tạng phù hợp, người bệnh sẽ được phẫu thuật thay thế lá gan bị ung thư bằng lá gan mới từ người khỏe mạnh. Sau ghép gan, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo sự tiến triển và chức năng của lá gan mới.
Xạ trị
Là phương pháp dùng các tia bức xạ có năng lượng lớn để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị thường được áp dụng linh hoạt cho bệnh nhân ở các giai đoạn 1-2-3 (tùy cơ địa/tình trạng bệnh lý của từng người). Xạ trị có khả năng tiêu diệt tế bào ác tính nhưng đồng thời cũng phá hủy các tế bào khỏe mạnh xung quanh, gây ra các tác dụng phụ nhất định.
Hóa trị
Là phương pháp dùng hóa chất truyền vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư – đặc biệt phổ biến với bệnh nhân giai đoạn 3 – giai đoạn 4 (khi bệnh đã di căn, tế bào ung thư ác tính đã lan rộng ra các bộ phận khác). Phương pháp này có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, có khả năng tác động toàn thân, tiêu diệt nhiều tế bào khỏe mạnh, làm chức năng gan có thể tê liệt.
Liệu pháp miễn dịch
Là liệu pháp mới trong điều trị ung thư, hứa hẹn nhiều ưu việt song thực tế tại Việt Nam và cả các nước tiên tiến trên thế giới, liệu pháp này chưa được phổ biến do còn những rào cản về chuyên môn lẫn chi phí.
Phòng ngừa ung thư gan
Ung thư gan là căn bệnh nguy hiểm và phổ biến hiện nay. Độ tuổi mắc bệnh đang trẻ hóa do thói quen sinh hoạt hiện đại thiếu lành mạnh, ý thức và nhận thức về bệnh còn hạn chế, thói quen tầm soát sàng lọc bệnh chưa được hình thành tốt trong cộng đồng,... Vì thế, cách dự phòng tốt nhất được các chuyên gia khuyến cáo là:
- Tiêm ngừa các loại vắc xin còn thiếu để phòng bệnh
- Xây dựng chế độ sinh hoạt/dinh dưỡng hợp lý và khoa học
- Ngừng uống rượu bia
- Kiểm tra sức khỏe định kì
- Lắng nghe cơ thể để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường
Ngay khi phát hiện/nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo, hãy tới ngay cơ sở y tế uy tín để thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe.
Xem thêm:
- Ghép gan loại bỏ ung thư gan thành công cho bệnh nhân 50 tuổi
- Chặn mạch máu nuôi khối u ác tính, điều trị ung thư gan thành công