Ung thư gan nguyên phát nguy hiểm như thế nào?
Ung thư gan nguyên phát - được nhiều người biết đến là bệnh ung thư gan, bệnh khá phổ biến trong các thể ung thư tại Việt Nam. Vậy bệnh ung thư gan nguyên phát nguy hiểm như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Ung thư gan nguyên phát nguy hiểm như thế nào?
Ung thư gan nguyên phát là gì?
Gan là tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong quá trình sống của con người. Theo thống kê, gan thực hiện tới hơn 500 nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, có thể kể đến như:
- Các phân tử đường được cơ thể hấp thụ tổng hợp thành glycogen dự trữ ở gan. Khi cần, glycogen chuyển hóa thành glucose vào máu, cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động.
- Túi mật đổ dịch mật vào gan, giúp hòa tan và chuyển hóa chất béo và chất đạm từ thức ăn.
- Thải độc: Chuyển hóa và loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể, đặc biệt là rượu, thuốc, độc tố.
- Sản xuất các yếu tố đông máu.
Ung thư gan nguyên phát hay ung thư biểu mô tế bào gan là thể bệnh mà có một hoặc nhiều khối u ác tính phát sinh và phát triển không kiểm soát tại gan, xâm lấn và gây tổn thương cho gan cũng như các tổ chức lân cận. Ở giai đoạn muộn, chúng tiếp tục tăng sinh và hình thành các khối u thứ phát tại những vị trí khác trong cơ thể, gọi là di căn. Ở mỗi cá nhân, mỗi giai đoạn, bệnh có những tiến triển và tiên lượng điều trị khác nhau. Vì vậy ung thư gan nguyên phát có nguy hiểm hay không, ung thư gan nguyên phát có chữa được không, tại từng thời điểm, ở từng người bệnh, câu trả lời sẽ không giống nhau.
Ung thư gan nguyên phát là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Năm 2010 - ung thư gan nguyên phát đứng hàng đầu về tỉ lệ tử vong do ung thư. Hiện nay bệnh đang có xu hướng gia tăng, trong đó tỉ lệ mắc cao nhất là châu Phi, Trung Quốc và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, ung thư gan nguyên phát có tỉ lệ đứng đầu trong các loại ung thư ở nam giới. Mỗi năm có khoảng 10.000 ca bệnh được chẩn đoán ung thư gan nguyên phát, với tỉ lệ nam mắc bệnh cao gấp 4 lần nữ. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về tỉ lệ mắc ung thư gan nguyên phát theo giới tính nam.
Nguyên nhân gây ung thư gan nguyên phát
Ung thư, nói chung có phụ thuộc vào bộ gen, khi còn người có mang gen gây ung thư. Tuy nhiên, cùng với yếu tố môi trường, với các tác động từ bên trong và bên ngoài, gen ung thư có thể bị kích hoạt hoặc không. Khi gen bị kích hoạt, chính là lúc bệnh nhân mắc bệnh.
Tại Việt Nam, khoảng 80 - 90% các ung thư gan nguyên phát đều xuất hiện trên nền bệnh nhân xơ gan mất bù. Xơ gan càng nặng thì khả năng dẫn đến ung thư càng cao.
Một số nguyên nhân khác gây ung thư gan nguyên phát, đó là:
- Bệnh nhân nhiễm một hoặc nhiều loại virus viêm gan như viêm gan B, viêm gan C.
- Người nghiện rượu lâu năm: Dẫn đến xơ gan, từ xơ gan có nguy cơ ung thư gan nguyên phát. Hoặc rượu cũng kết hợp với các virus viêm gan làm tăng khả năng mắc ung thư gan của người bệnh. Còn lại, chưa có nghiên cứu chỉ ra tác động trực tiếp của rượu dẫn đến ung thư gan nguyên phát.
- Aflatoxin B1 (hay AFB1): Là độc tố gây ung thư mạnh, được tạo ra bởi nấm Aspergillus phát triển trong lương thực, thực phẩm ẩm mốc như gạo, ngô, khoai, sắn, chuối,...
- Các yếu tố liên quan: Gan nhiễm mỡ, tiểu đường, béo phì, hút thuốc lá, sử dụng thuốc tránh thai,... đang được nghiên cứu cụ thể.
Biểu hiện của ung thư gan nguyên phát
Ung thư gan nguyên phát, cũng như nhiều bệnh ung thư khác, thường diễn biến âm thầm, đến khi biểu hiện thành triệu chứng rầm rộ thì bệnh cũng đã bước sang giai đoạn muộn. Vì vậy, việc tầm soát, khám sàng lọc ung thư gan là cực kì quan trọng và cũng rất khó khăn.
Một số dấu hiệu có thể nghĩ tới bệnh ung thư gan nguyên phát, đó là:
- Người trung niên, khoảng trên 40 tuổi, đặc biệt là nam giới, có tiền sử nghiện rượu lâu năm hoặc người nhiễm một hay nhiều loại virus viêm gan.
- Ở giai đoạn đầu, khi chưa có triệu chứng rõ rệt, ung thư gan nguyên phát thường được phát hiện tình cờ trong một lần đi khám sức khỏe định kì hoặc thăm khám chuyên khoa khác có liên quan. Những biểu hiện ban đầu thường rất nhẹ, thoáng qua, rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh viêm gan mãn tính hay các bệnh lý toàn thân khác: Mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, đau nhẹ vùng hạ sườn phải, sốt nhẹ, đau xương khớp.
- Ở giai đoạn sau, khi các triệu chứng đã rõ rệt và đặc trưng hơn, cũng là lúc người bệnh lo lắng và đi khám, thường bệnh đã ở giai đoạn muộn. Bệnh nhân gầy, sút cân nhanh, đau nhiều, đau âm ỉ, có những cơn đau dữ dội vùng hạ sườn phải, mệt mỏi, kém ăn, trướng bụng.
- Bệnh nhân vàng da, sạm da, có thể vàng củng mạc (lòng trắng) mắt.
- Có các vùng xuất huyết, tụ máu dưới da không rõ nguyên nhân: không phải do va đập, xô xát gây ra.
- Bụng trướng to, ấn căng tức.
- Có thể phù tùy mức độ.
- Ngứa một vùng hoặc toàn thân.
Ung thư gan nguyên phát có chữa được không?
Khi đã được chẩn đoán ung thư gan nguyên phát, tùy mức độ và giai đoạn đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị và tiên lượng bệnh. Ung thư gan nguyên phát có chữa được không, có nguy hiểm hay không phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân.
Dựa vào kích thước khối u, hoạt động chức năng của gan và thể trạng của bệnh nhân, các bác sĩ chia ung thư gan nguyên phát thành 5 giai đoạn:
- Giai đoạn rất sớm (giai đoạn O): Thể trạng bệnh nhân tốt, có 1 khối u, kích thước dưới 2cm, chưa xâm lấn vào mạch máu, chưa di căn.
- Giai đoạn sớm (giai đoạn A): Bệnh nhân thể trạng tốt, có 1 - 3 khối u, kích thước không quá 3cm, chưa xâm lấn vào mạch máu hoặc chưa di căn.
- Giai đoạn phát triển (giai đoạn B): Bệnh nhân thể trạng tốt, u lớn hoặc nhiều khối, chưa xâm lấn vào mạch máu hoặc chưa di căn.
- Giai đoạn muộn (giai đoạn C): Bệnh nhân thể trạng trung bình, u xâm lấn tĩnh mạch cửa, đã có di căn.
- Giai đoạn cuối: Bệnh nhân thể trạng kém, có xâm lấn mạch và di căn xa.
Nhìn chung, ở các giai đoạn đầu (giai đoạn O, A, B), khi khối u chưa di căn, thể trạng bệnh nhân còn tốt, tiên lượng điều trị sẽ tốt hơn. Còn ở giai đoạn cuối, giai đoạn muộn, khi khối u đã di căn và xâm lấn mạch, điều trị chỉ làm giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư, dù rất khó khăn.
Ung thư gan nguyên phát có chữa được không? Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị, tùy theo giai đoạn bệnh và tình trạng bệnh nhân mà có quyết định điều trị phù hợp.
- Phẫu thuật cắt u: Khi khối u ở giai đoạn sớm, còn khu trú, chưa xâm lấn sang các tổ chức kế cận, kích thước càng nhỏ càng dễ loại bỏ. Phương pháp này có tỉ lệ tái phát là 50 % sau 3 năm và khoảng 70% sau 5 năm. Đây là con số đáng mừng đối với một bệnh nhân ung thư gan nguyên phát.
- Phẫu thuật ghép gan: Vì còn nhiều khó khăn đối với nguồn tạng hiến, giá thành, phương tiện kĩ thuật, đòi hỏi chuyên môn cao nên hiện chưa quá phổ biến trong điều trị ung thư gan nguyên phát tại Việt Nam.
- Phá hủy khối u bằng tiêm cồn hoặc nhiệt của sóng cao tần
- Hóa trị
- Xạ trị
- Liệu pháp phân tử đích: Là một hướng đi mới trong điều trị ung thư nói chung, điều trị ung thư gan nguyên phát nói riêng. Hiện đã có một số loại thuốc được công nhận và đưa vào sử dụng. Thuốc tác động lên sự phát triển của tế bào ung thư gan và ức chế sự tăng sinh mạch, hay ức chế sự phát triển của khối u. Thường chỉ định cho các ung thư gan ở giai đoạn muộn.
Trên thực tế, các bác sĩ có thể chọn 1 hoặc phối hợp nhiều phương pháp điều trị để cho kết quả tốt nhất. Một số hướng điều trị theo giai đoạn bệnh của bệnh ung thư gan nguyên phát, đó là:
- Ở giai đoạn rất sớm: Phẫu thuật cắt u
- Ở giai đoạn sớm: Phá hủy khối u bằng tiêm cồn hoặc nhiệt của sóng cao tần
- Ở giai đoạn phát triển: Hóa trị, xạ trị
- Ở giai đoạn muộn: Liệu pháp phân tử đích
- Ở giai đoạn cuối: Điều trị triệu chứng, giảm đau đớn cho bệnh nhân
Bệnh nhân nên làm gì khi bị ung thư gan nguyên phát?
- Đầu tiên là phải tuân thủ điều trị. Nếu có vấn đề thắc mắc hay khó khăn trong quá trình điều trị, bệnh nhân hoặc người nhà cần trao đổi kịp thời với bác sĩ để có biện pháp giải quyết phù hợp, tránh tự ý dừng thuốc, bỏ thuốc, đổi thuốc,...
- Bỏ các thói quen xấu làm tăng nặng bệnh như: Uống rượu hay đồ uống có cồn, hút thuốc,...
- Nghỉ ngơi hoặc lao động nhẹ nhàng vừa sức.
- Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục và ăn uống điều độ.
- Khám sức khỏe thường xuyên, định kì.
Đối với người chưa phát hiện bệnh, nhưng có các yếu tố nguy cơ, cũng không nên chủ quan hay bỏ qua các dấu hiệu ban đầu. Phải nhắc lại rằng, bệnh ung thư gan nguyên phát, càng được phát hiện sớm càng có tiên lượng tốt. Vì vậy, cần tạo thói quen, lối sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, đồ uống có cồn, đặc biệt cần khám sức khỏe định kì hoặc bất cứ khi nào cảm thấy bất thường.
Như vậy, ung thư gan nguyên phát là một thể bệnh nguy hiểm, nhưng không phải hoàn toàn không chữa được. Nếu được phát hiện và điều trị phù hợp, tỉ lệ bệnh nhân tử vong vẫn có thể giảm xuống. Do đó, mọi người luôn được khuyến cáo khám sức khỏe thường xuyên, tầm soát ung thư nói chung và ung thư gan nguyên phát nói riêng.
Xem thêm:
- Ung thư gan nguyên phát có chữa được không?
- Bệnh viện 108 nơi chữa ung thư gan đáng tin cậy
- Ung thư gan và 4 hiểu lầm thường gặp?