Ung thư gan có nên mổ không?
Hiện nay tỷ lệ ung thư gan tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, được báo cáo xếp thứ 4 trên thế giới. Có rất nhiều phương pháp điều trị có thể thực hiện trên bệnh nhân ung thư gan, khiến các bệnh nhân thắc mắc liệu ung thư gan có nên mổ không? Nếu phẫu thuật cắt gan thì có thể gặp những nguy cơ gì?
Ung thư gan có nên mổ không?
Điều trị ung thư gan
Ung thư gan là gì?
Bệnh ung thư gan được coi là “sát thủ thầm lặng” bởi trong giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng. Chỉ đến giai đoạn tiến triển nặng, bệnh mới gây ra một số biểu hiện bất thường như: người mệt mỏi và có thể có sốt; ăn không ngon miệng; cơ thể gầy sút cân nhanh chóng; đặc biệt có thể xuất hiện các triệu chứng điển hình như vàng da, vàng mắt, bụng sưng cương cứng và đau vùng hạ sườn trái.
Các phương pháp điều trị ung thư gan
Hiện nay để điều trị ung thư gan, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh của bệnh nhân cũng như tình trạng sức khỏe của họ, các bác sĩ thường lựa chọn một trong các phương án sau:
- Phẫu thuật cắt bỏ phần gan bị ung thư là phương pháp điều trị triệt để nhất hoặc ghép gan.
- Phá hủy khối u bằng sóng cao tần (RFA), tiêm chất đông lạnh, cồn (PEI) hay chất phóng xạ.
- Phương pháp điều trị ung thư gan mới là phương pháp TACE hay TOCE.
Bệnh nhân lưu ý là trong điều trị ung thư gan, các phương pháp xạ trị, hóa trị đều rất ít hiệu quả.
Phẫu thuật là phương pháp quan trọng nhất trong điều trị ung thư, đặc biệt là ở giai đoạn sớm của bệnh. Phẫu thuật triệt căn giúp loại bỏ hoàn toàn khối u trong trường hợp chưa có biểu hiện xâm lấn, di căn. Trường hợp không thể điều trị triệt căn, phương pháp này vẫn có tác dụng loại bỏ phần lớn tế bào ác tính, từ đó giảm hiện tượng chèn ép do khối u, tăng thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Trong trường hợp bệnh nhân có thể phẫu thuật và được bác sĩ chỉ định, không nên trì hoãn việc phẫu thuật. Nguyên nhân là do việc điều trị càng sớm sẽ làm tăng tỉ lệ thành công. Đặc biệt khi bệnh được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật triệt căn.
Tuy nhiên, nếu bệnh phát hiện đã ở giai đoạn muộn hoặc thể trạng cơ thể không cho phép, bệnh nhân ung thư gan vẫn có thể điều trị bằng các phương pháp khác cho hiệu quả điều trị khá cao, như tiêm cồn tuyệt đối, đốt nhiệt khối u bằng sóng cao tần,...
Phẫu thuật cắt gan
Phẫu thuật cắt gan (mổ gan) là phẫu thuật cắt bỏ một phần của gan, được chia ra thành phẫu thuật cắt gan trái hoặc phẫu thuật cắt gan phải. Phẫu thuật cắt gan được thực hiện nhằm loại bỏ các khối u trong gan và mô gần đó để điều trị ung thư gan.
Những ai được phẫu thuật cắt gan?
Để điều trị ung thư gan, phẫu thuật cắt gan chỉ có thể được thực hiện với bệnh nhân có ít hơn hai khối u nhỏ trong gan (kích thước 5cm hoặc nhỏ hơn) và không có sự xâm lấn vào các mạch máu. Do đó, rất ít bệnh nhân bị ung thư tế bào gan đủ tiêu chuẩn để có thể thực hiện cắt gan. Một yếu tố cần đặc biệt quan tâm là sau khi phẫu thuật, tình trạng suy gan (như xơ gan,...) có thể xảy ra nếu phần gan còn lại không đủ để đảm nhiệm chức năng trong cơ thể.
Quá trình thực hiện phẫu thuật cắt gan
Phẫu thuật cắt gan có thể được thực hiện theo một trong hai cách sau:
Phẫu thuật gan mở (phương pháp truyền thống): Bác sĩ sẽ thực hiện một vết rạch lớn phía dưới lồng ngực, bên phải vùng bụng trên của bệnh nhân. Tiếp theo, tìm kiếm các khối u bằng cách sử dụng thiết bị siêu âm. Sau đó, cắt loại bỏ một phần gan bị bệnh.
Phẫu thuật nội soi (phương pháp xâm lấn tối thiểu). Với cách này, bác sĩ sẽ thực hiện các vết rạch nhỏ hơn để có thể đưa ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào bụng. Ưu điểm của phương pháp là bệnh nhân thường ít đau hơn, vết sẹo nhỏ hơn, thời gian nằm viện và phục hồi nhanh hơn.
Ung thư gan có nên mổ không?
Đối với câu hỏi này, theo các bác sĩ cho biết, không phải trường hợp ung thư gan nào cũng nên mổ. Dựa vào giai đoạn bệnh và tình trạng gan các bác sĩ mới đưa ra lời khuyên về phương pháp điều trị. Trước tiên, để xác định gan có hoạt động tốt không, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm chức năng gan để đảm bảo phần gan không chứa tế bào ung thư hoàn toàn khỏe mạnh, có thể thực hiện các chức năng bình thường.
Đối với những bệnh nhân có xơ gan thì không nên mổ, vì gan đã bị xơ hóa không thể đảm nhiệm chức năng bình thường sau phẫu thuật. Nếu tế bào ung thư đã lan rộng trên gan hoặc bệnh nhân thuộc nhóm bị ung thư tế bào nội mạc mạch gan, ung thư tế bào biểu mô dạng sợi thì cần cắt bỏ toàn bộ gan và thực hiện phẫu thuật cấy ghép gan khi có người hiến tặng gan thích hợp.
Một số điểm cần lưu ý khi tiến hành mổ ung thư gan
Các bác sĩ phẫu thuật phải loại bỏ gan chứa tế bào ung thư và cố gắng đảm bảo để lại đủ khối lượng gan để có thể đảm nhiệm các chức năng cần thiết cho cơ thể. Do đó, mổ ung thư gan cần được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao và đã có nhiều năm kinh nghiệm.
Sau khi thực hiện ca mổ, thường có vấn đề về gan bên cạnh bệnh ung thư gan. Vì thế, bệnh nhân cần được chú ý theo dõi để kịp thời phát hiện và xử lý các biến chứng sau phẫu thuật như: biến chứng gây mê, nhiễm trùng, xuất hiện cục máu đông hoặc viêm phổi... Bạn hãy đến gặp các bác sĩ để kiểm tra tình trạng gan nếu nhận thấy bất kì dấu hiệu bất thường nào để kịp thời loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn. Thực tế cho thấy có những trường hợp cho hiệu quả điều trị khá tốt, và bệnh nhân tuân thủ lời khuyên và lịch tái khám của bác sĩ, thì thời gian sống có thể kéo dài thêm từ 5-7 năm.
Các biến chứng sau mổ gan
Việc cắt gan có thể mang lại những rủi ro nhất định cho bệnh nhân bao gồm:
- Chảy máu – nguy cơ thường gặp nhất
- Xuất hiện cục máu đông
- Tổn thương gan - điều này có thể dẫn đến tình trạng chảy máu gan nghiêm trọng hơn
- Nhiễm trùng
- Viêm phổi
- Tác dụng phụ của thuốc gây mê
- Ung thư gan mới (phát triển từ các tế bào tiềm ẩn ở phần còn lại của gan)
Xem thêm :
- Người béo phì, đái tháo đường đề phòng ung thư gan
- Ung thư gan và 4 hiểu lầm thường gặp?
- Phát hiện ung thư gan chỉ sau 10 phút