Ung thư dạ dày giai đoạn 3: Dấu hiệu và phương pháp điều trị
Ung thư dạ dày có tốc độ phát triển bệnh qua từng giai đoạn rất nhanh. Khi phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn 3, bệnh sẽ có diễn tiến như thế nào, biện pháp điều trị cho giai đoạn này ra sao?
Ung thư dạ dày giai đoạn 3: Dấu hiệu và phương pháp điều trị
Mỗi năm tại Việt Nam, ung thư dạ dày gây ra cái chết cho khoảng 8.000 người và hơn 11.000 trường hợp phát hiện mới. Ung thư dạ dày đứng thứ 2 trong các nhóm bệnh ung thư về mức độ phổ biến. Ung thư dạ dày có tốc độ phát triển bệnh qua từng giai đoạn rất nhanh. Khi ung thư dạ dày chuyển sang giai đoạn 3, bệnh sẽ có diễn tiến như thế nào, biện pháp điều trị cho giai đoạn này ra sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về ung thư dạ dày giai đoạn 3.
Vị trí và chức năng của dạ dày
Dạ dày thuộc về hệ tiêu hóa và là chỗ phình to nhất. Phía trên dạ dày là thực quản, phía dưới dạ dày là tá tràng
Chức năng của dạ dày nơi chứa thức ăn, co bóp để nghiền, trộn thức ăn cùng với các dịch vị do dạ dày tiết ra. Sau đó, thức ăn sẽ tiếp tục chuyển xuống ruột non để thực hiện công đoạn tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng và đào thải cặn bã ra ngoài.
Dạ dày đóng vai trò quan trọng nhưng có một điều đặc biệt là con người vẫn có thể sống khi cắt bỏ toàn bộ dạ dày. Nhưng việc này làm giảm chất lượng cuộc sống và phải dùng thuốc hỗ trợ.
Ung thư dạ dày là bệnh gì?
Ung thư dạ dày là bệnh hình thành ở phía bên trong dạ dày. Tại đây, các tế bào gây ung thư phát triển và chuyển sang khối u ác tính làm tổn thương niêm mạc và các lớp cơ bên dưới. Sau đó, các khối u ung thư này sẽ tạo ra các vết loét, xâm lấn ra các bộ phận khác như gan, đại tràng, tuyến tụy, phổi, buồng trứng. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.
Ung thư dạ dày có 5 giai đoạn tương ứng với từng mức độ phát triển của tế bào ung thư. Giai đoạn 0 (ung thư biểu mô) là giai đoạn nhẹ nhất khi bệnh mới được phát hiện và khối u chỉ mới hình thành ở niêm mạc dạ dày. Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 1 với sự xâm lấn của khối u qua lớp dưới niêm mạc của dạ dày. Giai đoạn 2, ung thư dạ dày còn được gọi là ung thư dưới cơ niêm, tế bào ung thư đã vượt qua lớp niêm mạc. Ung thư dạ dày giai đoạn 3 đã ở mức độ nặng với việc di căn đến các hạch bạch huyết và các bộ phận lân cận. Cuối cùng, giai đoạn 4 có tỷ lệ tử vong cao bởi các tế bào ung thư xâm lấn khắp cơ thể, đa tổn thương và rối loạn chức năng hoạt động của các cơ quan duy trì sự sống.
Biểu hiện và mức độ nguy hiểm của ung thư dạ dày giai đoạn 3
Ung thư dạ dày giai đoạn 3 thường được chia thành 3 giai đoạn nhỏ hơn với mức độ biểu hiện bệnh khác nhau:
- Giai đoạn 3A: thông thường, ở giai đoạn này các khối u ác tính đã xâm nhập qua niêm mạc và đi tới lớp cơ dưới niêm mạc dạ dày. Có trường hợp đã đi tới lớp thanh mạc (lớp ngoài cùng của dạ dày) và bắt đầu xâm lấn các bộ phận xung quanh. Ngoài ra, ở mỗi người sẽ có tình trạng tổn thương các hạch bạch huyết (hạch lympho, gồm các tuyến nhỏ hình tròn) do polyp ác tính tấn công khác nhau (khoảng 7 hạch bạch huyết).
- Giai đoạn 3B: đây là giai đoạn nối tiếp của giai đoạn 3A khi các tế bào ung thư phát triển không ngừng ở lớp thanh mạc dạ dày. Việc xâm lấn tới các cơ quan xung quanh có thể có hoặc chưa diễn ra. Tương tự các hạch bạch huyết có thể bị ảnh hưởng hoặc chưa bị ảnh hưởng.
- Giai đoạn 3C: đây là giai đoạn bệnh nặng nhất khi ung thư dạ dày ở giai đoạn 3. Lúc này các tế bào ung thư đã lan ra khỏi lớp thanh mạc và các hạch bạch huyết lân cận. Đồng thời tình trạng di căn ra các cơ quan xung quanh dạ dày sẽ diễn ra.
Bước vào giai đoạn 3, các triệu chứng do ung thư dạ dày gây ra sẽ nhiều hơn với mức độ nặng hơn. Những cơn đau dữ dội liên tục ở vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới mũi xương ức) khiến bệnh nhân đau đớn. Các khối u lan rộng trong dạ dày ở giai đoạn 3 làm cho việc co bóp thức ăn tạo ra các va chạm và tác động đến các khối u, có thể gây mất máu, xuất huyết dạ dày. Vì vậy, người bệnh sẽ đi đại tiện kèm máu (phân đen) hoặc ho ra máu. Vấn đề rối loạn tiêu hóa trầm trọng hơn khi ung thư dạ dày đã ở giai đoạn 3. Bệnh nhân nuốt khó, chán ăn, buồn nôn, sụt cân. Cơ thể bị suy nhược, thiếu máu khiến sức đề kháng, hệ miễn dịch đi xuống. Ung thư dạ dày giai đoạn 3 tuy chưa phải là giai đoạn cuối nhưng mức độ tổn thương và phát triển của bệnh đã chuyển sang tình trạng nặng. Dạ dày bị tế bào ung thư tấn công khiến cho mọi hoạt động tiêu hóa của cơ thể bị ảnh hưởng. Sự lây lan của khối u diễn ra phức tạp và khó xử lý, khả năng tái phát cao, nguy cơ tử vong có thể xảy ra. Bệnh nhân cần được điều trị và chăm sóc tích cực để kéo dài thời gian sống.
Thời gian sống của ung thư dạ dày giai đoạn 3
Các chuyên gia về hệ tiêu hóa cho rằng, thời gian sống của bệnh nhân ung thư dạ dày tùy thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, tâm lý, khả năng đáp ứng thuốc và phác đồ điều trị, điều kiện kinh tế, tuân thủ chỉ định, khuyến cáo từ bác sĩ.
Trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn 3, khoảng 38% bệnh nhân sẽ sống tối thiểu thêm 5 năm với giai đoạn 3A. Khi bệnh đã ở giai 3B thì tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ còn khoảng 16%.
Khi phát hiện bị bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ về tình trạng bệnh, hướng điều trị. Đặc biệt cần có thái độ tích cực, tin tưởng vào phác đồ trị bệnh để đẩy lùi bệnh tật hiệu quả nhất.
Các phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn 3
Đối với ung thư dạ dày giai đoạn 3, các biện pháp điều trị nhằm mục đích để các tế bào ung thư không di căn ra các bộ phận xung quanh, kiểm soát mức độ bệnh, giảm nhẹ triệu chứng đau đớn và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Tùy thuộc vào thể trạng và khả năng kinh tế, điều kiện đáp ứng của cơ thể để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Phẫu thuật:
Các bác sĩ dựa trên sự xâm lấn của tế bào ung thư sẽ đưa ra quyết định cắt một phần hay toàn bộ dạ dày (trừ tâm vị và đáy vị). Đồng thời các hạch bạch huyết cũng sẽ được loại bỏ trong lúc phẫu thuật để bảo toàn sự sống cho bệnh nhân. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật nội soi được ưu tiên điều trị cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn 3. Bác sĩ sử dụng kính soi có gắn camera và nguồn sáng lạnh đưa vào cổ họng bệnh nhân xuống dạ dày để quan sát rõ các cấu trúc bên trong. Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi là ít gây xâm lấn và mất máu, giảm đau, giảm biến chứng sau phẫu thuật, hồi phục sau mổ nhanh, ...
Việc phẫu thuật cắt bỏ dạ dày có nguy cơ phát sinh các khối u mới nên cần theo dõi. Ngoài ra, cũng sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến người bệnh vì khả năng hấp thụ dinh dưỡng, khoáng chất từ dạ dày không còn do dạ dày bị cắt bỏ. Lúc này thực quản kết nối trực tiếp với ruột non thông qua tá tràng. Bệnh nhân trong thời gian sau phẫu thuật sẽ được nuôi sống qua đường tĩnh mạch và đối diện với nguy cơ trào ngược dạ dày – thực quản.
- Hóa - Xạ trị:
Để nâng cao tính hiệu quả điều trị đối với ung thư dạ dày giai đoạn 3, giảm thiểu sự di căn của các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân kết hợp thêm các phương pháp hóa trị hoặc xạ trị. Hóa trị là dùng hóa chất đưa vào cơ thể còn xạ trị là hình thức dùng các tia năng lượng cao chiếu vào. Cả hai phương pháp này nhằm mục đích khoanh vùng khối u không cho nó phát triển hoặc xâm lấn, thu nhỏ kích thước hỗ trợ trước và sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, do không có cơ chế phân biệt đối tượng để tác động lên các tế bào lành tính cũng bị tiêu diệt khiến cơ thể gặp nhiều vấn đề: rụng tóc, suy nhược, sức đề kháng yếu, nôn ói, ...
Ngoài ra, nhiều người còn dùng thuốc Đông y để hỗ trợ điều trị như bài thuốc can vị bất hòa, tỳ vị hư hàn, âm dương lưỡng hư, ... Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ và không ngưng điều trị theo phác đồ của chuyên gia đưa ra. Cần dùng đúng liều lượng, nguồn gốc thuốc đảm bảo để không gây hại hơn cho sức khỏe.
Cách phòng tránh và chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn 3
Khi chăm sóc người bị ung thư dạ dày ở giai đoạn 3, người nhà cần chú ý về chế độ dinh dưỡng và cách chế biến đồ ăn. Thức ăn cần chế biến ở dạng lỏng và mềm như súp, cháo để người bệnh dễ nuốt. Không kiêng cữ quá dẫn đến tình trạng suy kiệt sức khỏe cho bệnh nhân mà cần đảm bảo nguồn thực phẩm có hàm lượng dưỡng chất cao như sữa, cá, thịt nạc, ... Có thể chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần. Cần quan tâm, động viên và truyền suy nghĩ tích cực để bệnh nhân vui vẻ và lạc quan chiến đấu với bệnh tật.
Xem thêm:
- Tổng quan về bệnh ung thư dạ dày bạn cần biết
- Cảnh báo: Bệnh nhân ung thư dạ dày, đại tràng ngày càng tăng và trẻ hóa