Ung thư dạ dày: Dấu hiệu và phương pháp chữa bệnh
Thông tin của Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) khi công bố Gánh nặng ung thư 2018 (Globocan năm 2018) cho thấy: Cả thế giới có khoảng 1,03 triệu người mắc ung thư dạ dày và 782 ngàn người tử vong vì bệnh. Ở Việt Nam, ung thư dạ dày đang đứng thứ 3 trong top 5 những bệnh ung thư nguy hiểm, mỗi năm có hơn 17 nghìn ca bệnh, trong đó nam giới chiếm đa số.
Ung thư dạ dày: Dấu hiệu và phương pháp chữa bệnh
Thông tin của Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) khi công bố Gánh nặng ung thư 2018 (Globocan năm 2018) cho thấy: Cả thế giới có khoảng 1,03 triệu người mắc ung thư dạ dày và 782 ngàn người tử vong vì bệnh. Ở Việt Nam, ung thư dạ dày đang đứng thứ 3 trong top 5 những bệnh ung thư nguy hiểm, mỗi năm có hơn 17 nghìn ca bệnh, trong đó nam giới chiếm đa số.
Tỷ lệ bệnh tử vong cao là do bệnh được phát hiện muộn, người bệnh đến chữa trị đa số đang ở giai đoạn 3 hoặc 4. Do đó việc phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư dạ dày để phòng và có áp dụng phương pháp chữa bệnh hiệu quả là điều hết sức quan trọng.
Dấu hiệu của ung thư dạ dày
- Biểu hiện đầu tiên là cảm giác đầy tức vùng trên rốn.
- Đau bụng: đau vùng thượng vị (nằm trên rốn) do các khối u phát triển trong dạ dày, ban đầu triệu chứng đau giống với đau trong loét dạ dày tức là khi quá đói hay quá no sẽ đau, cơn đau giảm khi dùng các thuốc điều trị loét. Do đó bệnh nhân thường chủ quan và khám muộn. Đau bụng bắt đầu bằng những cơn đau từng đợt, dần dần thường xuyên và nặng hơn, không theo quy luật, đau bất cứ lúc nào.
- Luôn bị ợ chua, ăn không tiêu, đầy bụng: cũng là một trong những biểu hiện xuất hiện sớm của ung thư dạ dày, chiếm tỷ lệ 68% số người mắc bệnh. Triệu chứng ợ nóng xảy ra ở người loét dạ dày khi lượng acid tăng cao, nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày. Việc này làm người bệnh mất cảm giác hứng thú trong ăn uống, ăn không ngon ngay cả những món ăn yêu thích, ghét ăn thịt, nhất là thịt mỡ. Đầy bụng, tức bụng và buồn nôn sau ăn
- Nôn ra máu: do dạ dày bị tổn thương
- Đi ngoài ra phân đen: Đi ngoài ra máu có nhiều nguyên nhân như ăn nhiều tiết động vật hoặc sử dụng thuốc. Tuy nhiên cũng có thể là triệu chứng gợi ý ung thư dạ dày, người loét dạ dày biểu hiện đi ngoài phân đen hay phân lẫn máu có xu hướng biến chuyển thành ung thư dạ dày.
- Bọc u trong ổ dạ dày: Một số bệnh nhân viêm loét dạ dày có thể sờ thấy u cứng, khối u sẽ phát triển nhanh chóng và lan to, ấn cảm giác đau. Khối u ngày càng to, cảm giác buồn nôn cũng ngày càng tăng nghiêm trọng.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: sụt cân một phần do giảm cảm giác thèm ăn hoặc cũng là một dấu hiệu độc lập cảnh báo bệnh, cho thấy một sự bất ổn trong dạ dày.
Ngoài những dấu hiệu trên, người ung thư dạ dày còn có các biểu hiện khác thường gặp như: bị viêm tắc tĩnh mạch, viêm cơ, viêm da, có nổi nốt đen, màu da sẫm lại,...
Các giai đoạn của ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày chia làm 4 giai đoạn: từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4, cụ thể như sau:
- Giai đoạn 0: rất khó phát hiện do bệnh nhân không có nhiều biểu hiện bất thường. Vào thời điểm này, các tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện ở niêm mạc bên trong, còn gọi là ung thư biểu mô.
- Giai đoạn 1: bắt đầu xuất hiện những cơn đau nhẹ, có đầy bụng và ợ hơi,.. nguyên nhân do ở giai đoạn này các tế bào ung thư bắt đầu di căn dưới 6 hạch bạch huyết lân cận và các lớp cơ khác. Tuy nhiên người bệnh vẫn rất dễ bỏ qua các triệu chứng trên do tương đồng với các bệnh thông thường.
- Giai đoạn 2: đây là giai đoạn tế bào ung thư phát triển khá nhanh và có thể di căn qua thành dạ dày, khối u xâm lấn lớp dưới niêm mạc. Triệu chứng bệnh giai đoạn 2 bắt đầu biểu hiện rõ rệt, người bệnh ăn mất ngon, mới đầu chán ăn thịt mỡ, dần chán ăn. Biểu hiện đau bụng, khó tiêu xuất hiện liên tục làm cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược
- Giai đoạn 3: tế bào ung thư lan ra 7 đến 15 hạch bạch huyết, ảnh hưởng đến lá lách và gan.
- Giai đoạn 4: tế bào ung thư lan rộng hơn 15 các hạch bạch huyết, đồng thời tốc độ phát triển cực nhanh, thông qua hệ bạch huyết và mạch máu chúng dễ dàng xâm lấn vào hầu hết cơ quan trong cơ thể.
Giai đoạn muộn được xác định là giai đoạn 3 và 4, bệnh nhân đau bụng dữ dội và kéo dài, uống thuốc không đỡ.
Ung thư dạ dày thường xảy ra ở lứa tuổi nào?
Tất cả mọi người đều có thể bị ung thư dạ dày, trong đó nam giới trên 40 tuổi có nguy cơ mắc cao hơn. Tuy nhiên thực tế gần đây, các bệnh viện lại ghi nhận những ca ung thư dạ dày ở đối tượng còn rất trẻ chỉ trên 20 tuổi. Nguyên nhân có thể đến từ các yếu tố môi trường và chế độ ăn uống.
Thói quen dùng nhiều thức ăn có hại như: thức ăn chứa nhiều nitrorat, thức ăn khô, đồ nướng hun khói, bảo quản kém hoặc người có thói quen hút thuốc lá, bia rượu cũng có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư dạ dày
Để tìm ra nguồn gốc triệu chứng, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử theo bệnh án của bệnh nhân, khám thể chất, và có thể yêu cầu làm xét nghiệm như:
Nội soi dạ dày
Phương pháp sẽ cho hình ảnh bên trong dạ dày bằng cách sử dụng một camera sợi quang học đưa vào trong dạ dày, đây là phương pháp tốt nhất dùng để chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn sớm, xác định được phạm vi xâm lấn, phân loại ung thư dạ dày và có thể phân biệt được một ổ loét là lành tính hay ác tính. Phương pháp được ưu tiên ở những người bệnh có dấu hiệu nóng rát thượng vị và trào ngược dạ dày.
Chụp cắt lớp hay chụp CT bụng
Phương pháp được áp dụng cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn giữa và cuối để đánh giá mức độ di căn của khối u. CT Scaner cho hình ảnh hiển thị rõ ràng phạm vi phát triển của các tế bào ung thư để chẩn đoán ung thư dạ dày, nhưng được dùng nhiều để xác định khối u có xâm lấn không, cũng như đánh giá mức độ lây lan đến hạch bạch huyết của khối u.
Chẩn đoán X-quang
Phương pháp dùng để phát hiện các tế bào ung thư nằm ẩn trong niêm mạc hoặc lớp dưới màng nhầy. Chụp X-quang ung thư dạ dày thường thực hiện ở giai đoạn toàn phát.
Siêu âm nội soi
Đây là một kỹ thuật chẩn đoán cho phép bác sĩ có thể trực tiếp quan sát được các lớp của dạ dày, toàn diện khối u để chẩn đoán và phân chính xác giai đoạn bệnh.
Phương pháp điều trị ung thư dạ dày đang áp dụng hiện nay
Dựa vào từng giai đoạn bệnh và sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp sau:
Điều trị phẫu thuật
Đây không chỉ là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất cho bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn đầu và giữa, mà còn là phương pháp cơ bản và hiệu quả. Thông thường bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn 1 và 2 có thể điều trị khỏi bằng cách cắt bỏ triệt để khối u, khi bệnh phát triển tới giai đoạn 3 thì khả năng điều trị triệt để thấp hơn, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân cắt bỏ một phần và kết hợp với phương pháp điều trị khác sau phẫu thuật.
Hóa trị
Là liệu pháp bổ trợ sau phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể hoặc dùng để kiểm soát các tế bào ung thư phòng di căn trước phẫu thuật, giúp tăng cao tỷ lệ thành công của phẫu thuật. Tuy nhiên, tác dụng phụ của liệu pháp này khá lớn hoặc nhiều bệnh nhân còn kháng với hóa trị.
Xạ trị
Áp dụng cho bệnh nhân ung thư dạ dày trước hoặc trong quá trình phẫu thuật để nâng cao tỷ lệ cắt bỏ khối u như mong muốn.
Một số phương pháp điều trị ung thư dạ dày tiên tiến
Điều trị can thiệp
Nhằm mục đích ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư đồng thời cũng thúc đẩy làm hoại tử các tế bào ung thư dạ dày. Phương pháp chủ yếu thông qua việc làm thuyên tắc động mạch cung ứng máu cho khối u, ngăn chặn việc cung cấp máu đến các tế bào ung thư, làm khối u dạ dày bị thiếu máu, thiếu oxy, dần dần đi đến loại bỏ khối u. Phương pháp để lại vết thương nhỏ và phục hồi nhanh.
Liệu pháp quang động lực
Chất cảm quang được tiêm vào tĩnh mạch. Dựa vào đặc điểm các tế bào ung thư hấp thụ rất nhiều chất cản quang trong khi các mô bình thường hấp thụ rất ít, bác sĩ sẽ dùng tia lazer chuyên biệt chiếu vào khối u, chất cản quang sẽ phản ứng với các tế bào ung thư khiến các tế bào này bị đầu độc và hoại tử và khối u dần dần biến mất.
Đối với ung thư dạ dày giai đoạn sớm, khi áp dụng liệu pháp quang động lực có thể cho kết quả rất khả quan hơn. Do đó việc người bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị sớm là rất quan trọng để nâng cao hiệu quả điều trị.
Liệu pháp gen mục tiêu
Giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách tác động lên chính xác vào mục tiêu phát triển của ung thư dạ dày như: các enzym, protein, các thụ thể,.. do đó giảm tác động đến các tế bào bình thường, giảm tác dụng phụ.
Liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân
Đây là liệu pháp sinh học mới nhất (được trao giải Nobel 2018, dành cho nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản), cho phép kích hoạt các tế bào miễn dịch tự nhiên trong cơ thể, có khả năng “chống chọi” và tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp đặc biệt này sẽ giúp người bệnh nâng cao sức đề kháng, thể lực, hạn chế các tác dụng phụ trong quá trình điều trị bằng xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật. Tại Việt Nam, liệu pháp này đã được triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) và bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Xem thêm thông tin đầy đủ về liệu pháp TẠI ĐÂY.
Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư dạ dày
Trước khi tham gia trị liệu: bệnh nhân ung thư dạ dày cần giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, dinh dưỡng đảm bảo, nên uống thêm các thực phẩm như sữa, trứng, trà nhân sâm...để giảm nhẹ các triệu chứng chóng mặt, suy nhược, buồn nôn,.. trong lúc bệnh và tăng cường rèn luyện.
Trong và sau quá trình điều trị ung thư, người nhà bệnh nhân cần chú ý:
Chế độ dinh dưỡng
Nếu là bệnh nhân thực hiện phẫu thuật ung thư dạ dày, nhu động ruột tăng vào những ngày đầu sau phẫu thuật nên bệnh nhân cần được nuôi dưỡng bằng dịch truyền. Sau đó tùy vào mức độ phục hồi, bác sĩ sẽ chỉ định ăn theo đường nào và khi nào.
Những ngày đầu được ăn, bệnh nhân cần:
- Ăn thức ăn mềm và loãng như cháo, súp, canh,..thức ăn dễ tiêu sau đó mới tăng dần mức độ đặc.
- Khi ăn nên nhai kỹ, chia thành nhiều bữa nhỏ (5 - 6 bữa/ngày).
- Nếu cảm giác thèm ngọt, bệnh nhân ung thư dạ dày nên ăn kèm với một số thức ăn mặn dễ tiêu hoá.
- Nằm nghỉ 15 - 20 phút sau khi ăn
Bệnh nhân cần tránh:
- Những món quá chua, cay như ớt, tiêu, cóc, xoài, mơ... không ăn nhiều dưa muối, cà muối.
- Hạn chế đồ ăn hộp, đồ ăn nhiều chất bảo quản, đồ ăn sẵn, thức ăn chứa nhiều hương liệu gia vị. Tránh rượu, bia, cafe, những loại đồ uống có cồn nói chung.
Chế độ nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi thích hợp, tránh hoạt động mạnh, lao động quá sức, đặc biệt trong tuần đầu sau phẫu thuật bệnh nhân nên hạn chế đi lại.
Theo dõi biến chứng
Nếu thấy có dấu hiệu nhiễm trùng ở vết mổ, đầy hơi, chướng bụng... cần báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp khắc phục kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc.
Sau khi kết thúc quá trình điều trị, người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa và định kỳ kiểm tra sức khỏe (3 - 6 tháng/lần trong những năm đầu, sau đó ít nhất 1 năm/lần) để phòng khối u tái phát hay di căn.
Xem thêm:
- Tổng quan về bệnh ung thư dạ dày bạn cần biết
- Phát hiện ung thư dạ dày sớm tỷ lệ chữa khỏi đạt tới 100%