Ung thư dạ dày có điều trị bằng liệu pháp miễn dịch không?

Bệnh ung thư dạ dày là bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao trong số các bệnh ung thư đường tiêu hóa, và cũng là một trong số các bệnh ung thư hay gặp nhất. Bệnh ung thư là một bệnh nguy hiểm, có các phương pháp điều trị chính là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Ung thư dạ dày có điều trị bằng liệu pháp miễn dịch không? Ung thư dạ dày có điều trị bằng liệu pháp miễn dịch không?

Bệnh ung thư dạ dày là bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao trong số các bệnh ung thư đường tiêu hóa, và cũng là một trong số các bệnh ung thư hay gặp nhất. Bệnh ung thư là một bệnh nguy hiểm, có các phương pháp điều trị chính là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Song các phương pháp này vẫn còn có những hạn chế nhất định, đặc biệt là ở những bệnh nhân ung thư đã di căn. Mới đây, hai nhà khoa học người Mỹ và Nhật Bản đã giành được Giải Nobel Y học và Sinh lý học năm 2018 do phát hiện ra phương pháp điều trị ung thư mới - liệu pháp miễn dịch. Vậy bệnh ung thư dạ dày có điều trị bằng liệu pháp miễn dịch hay không?

Bệnh ung thư dạ dày là gì?

Bệnh ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào dạ dày phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo thành các khối u, các tế bào ung thư có thể lan sang các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể.

Bệnh ung thư dạ dày vẫn đang là một loại ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới. Theo tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (IARC) mỗi năm có thêm khoảng 870.000 người mới mắc bệnh và có khoảng 650.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Bệnh ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư ở nam giới và đứng thứ 4 trong các bệnh ung thư ở nữ giới trên toàn thế giới. Còn ở Việt Nam, bệnh ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư ở cả nam giới và nữ giới. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới nước ta là 19,3/100.000 người, ở nữ giới nước ta là 9,1/1000.000 người. Căn bệnh này thường gặp ở độ tuổi từ 40 - 60 tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày

Cho đến ngày nay, nguồn gốc của bệnh ung thư dạ dày vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng và chính xác. Các nhà khoa học đã đưa ra những yếu tố liên quan có thể là nguyên nhân gây bệnh đó là:

Các tổn thương tiền ung thư tại dạ dày

Các bệnh nhân bị viêm dạ dày mạn tính trong một thời gian dài sẽ khiến cho niêm mạc dạ dày bị viêm teo mạn tính. Từ đó các tế bào biến đổi dị sản, sau đó là các biến đổi loạn sản của tế bào qua các giai đoạn và cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày.

vicare.vn-ung-thu-da-day-co-dieu-tri-bang-lieu-phap-mien-dich-khong-body-1

Các yếu tố môi trường

  • Tập quán sinh sống: Chế độ ăn uống, những người có thói quen ăn các loại thức ăn như thịt hun khói, rau muối, dưa muối, cá ướp muối... có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cao hơn. Còn những người có thói quen ăn nhiều hoa quả tươi nhiều vitamin A, C có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày thấp hơn. Ngoài ra thói quen hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
  • Nhiễm vi khuẩn - virus:
  • Virus Epstein - Barr có liên quan đến khoảng 5- 10% bệnh nhân bị ung thư dạ dày trên toàn thế giới.
  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây viêm dạ dày mạn tính, đặc biệt là thể teo đét được cho là thay đổi tiền ung thư dạ dày. Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng có một typ vi khuẩn HP có thể gây ra biến đổi một số loại thức ăn thành các chất hóa học gây tổn thương gen của các tế bào niêm mạc dạ dày.
  • Yếu tố kinh tế - xã hội:
  • Theo thống kê, những người có mức kinh tế xã hội thấp sẽ có tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày vùng thân vị cao hơn cộng đồng dân cư 2 lần.
  • Những người có mức kinh tế xã hội cao có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày vùng tâm vị cao hơn.
  • Chỉ số BMI: là chỉ số cơ thể, dựa vào chiều cao và cân nặng để đánh giá xem ai đó có bị thiếu cân, thừa cân hay béo phì không. Người béo phì dễ mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường, đặc biệt là ung thư ở phần tâm vị dạ dày. Theo thống kê, có đến gần một nửa bệnh nhân bị ung thư tâm vị dạ dày có liên quan đến béo phì và thuốc lá.
  • Phẫu thuật dạ dày: những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Khoảng 15 - 20 năm sau khi phẫu thuật là thời điểm phát triển ung thư cao nhất. Mỗi loại phẫu thuật lại có nguy cơ mắc bệnh khác nhau.
  • Tuổi và giới tính: đây là hai yếu tố nguy cơ quan trọng. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh gấp đôi nữ giới. Từ 50 tuổi trở lên, tuổi càng cao thì khả năng mắc ung thư dạ dày càng cao.

Yếu tố nhóm máu

Theo một số nghiên cứu cho thấy những người nhóm máu A có khả năng bị ung thư dạ dày cao hơn những người có nhóm máu khác do nhóm máu A ít có khả năng miễn dịch với vi khuẩn HP (nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày).

Yếu tố di truyền

Gen di truyền viêm teo dạ dày mạn tính có thể di truyền từ mẹ sang con với tỷ lệ lên tới 48%.

Gần đây, các nhà khoa học phát hiện sự thay đổi gen CDH1 có ở 50% các bệnh nhân mắc ung thư dạ dày.

Phân loại ung thư dạ dày như thế nào?

Việc phân loại ung thư dạ dày có nhiều cách khác nhau như:

  • Dựa theo giải phẫu bệnh người ta chia bệnh ung thư dạ dày thành các loại sau:
  • Ung thư biểu mô hay ung thư tuyến: chiếm tỷ lệ cao nhất 85 - 90%.
  • Ung thư tổ chức liên kết.
  • Các loại khác.
  • Dựa theo tổn thương phân thành 2 loại:
  • Ung thư dạ dày sớm: là tổn thương chỉ khu trú ở lớp niêm mạc hoặc mới xuống tới lớp hạ niêm mạc. Giai đoạn này có thể đã hoặc chưa di căn hạch.
  • Ung thư dạ dày tiến triển: là tổn thương đã ăn sâu xuống lớp cơ dạ dày và đa phần đã di căn hạch. Đa phần các trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn này.
  • Phân loại theo giai đoạn theo hiệp hội ung thư Hoa Kỳ.

Cách phân loại này dựa theo 3 chỉ số:

  • Chỉ số T: đánh giá khối u nguyên phát và mức độ xâm lấn của khối u.
  • Chỉ số N: đánh giá mức độ di căn tới các hạch bạch huyết ở các vùng lân cận.
  • Chỉ số M: đánh giá mức độ di căn xa.

Căn cứ vào 03 chỉ số này, chia bệnh ung thư dạ dày thành các giai đoạn:

  • Giai đoạn 0
  • Giai đoạn IA, IB
  • Giai đoạn II
  • Giai đoạn IIIA, IIIB
  • Giai đoạn IV
vicare.vn-ung-thu-da-day-co-dieu-tri-bang-lieu-phap-mien-dich-khong-body-2

Triệu chứng bệnh ung thư dạ dày:

Ở giai đoạn sớm của bệnh ung thư dạ dày, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng sau:

  • Bệnh nhân thấy chán ăn, ăn kém. Đây là triệu chứng đầu tiên, song nó diễn ra từ từ nên nhiều bệnh nhân không để ý tới.
  • Bệnh nhân có cảm giác đau bụng, đau ậm ạch ở vùng thượng vị, khó chịu khác với đau trong viêm loét dạ dày.
  • Hiện tượng đầy chướng bụng sau khi ăn.
  • Bệnh nhân có thể có cảm giác buồn nôn, hoặc nôn.
  • Bệnh nhân thấy mệt mỏi, giảm khả năng làm việc, sụt cân nhanh.

Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng sau:

  • Triệu chứng đau bụng, đau không có chu kỳ, không liên quan đến việc ăn uống, thường đau liên tục, khiến cho bệnh nhân khó chịu.
  • Bệnh nhân nôn và buồn nôn do khối u phát triển to làm hẹp môn vị khiến cho thức ăn không đi xuống được.
  • Bệnh nhân tự sờ thấy khối u vùng thượng vị, khối u thường dễ di động, sờ vào không đau. Khi khối u to, khả năng di động sẽ hạn chế hơn.
  • Triệu chứng dịch cổ trướng (trong bụng chứa đầy dịch) thường xuất hiện ở giai đoạn quá muộn của bệnh.
  • Bệnh nhân có thể xuất hiện hạch ở hố thượng đòn bên trái, hạch to, cứng, di động và thường không đau.

Chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày như thế nào?

Việc chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày dựa vào các yếu tố sau đây:

  • Triệu chứng lâm sàng có tính chất gợi ý rất quan trọng đó là:
  • Bệnh nhân trên 40 tuổi.
  • Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, người gầy, sút cân nhanh.
  • Bệnh nhân chán ăn, cảm giác ăn không ngon miệng.
  • Bệnh nhân đau vùng thượng vị, đau ậm ạch.
  • Bệnh nhân có biểu hiện nuốt nghẹn, nôn hoặc buồn nôn.
  • Cận lâm sàng: dựa vào X-quang hoặc Nội soi dạ dày sinh thiết để chẩn đoán xác định bệnh.

Bệnh ung thư dạ dày có điều trị bằng liệu pháp miễn dịch hay không?

Trước đây, việc điều trị bệnh ung thư dạ dày nói riêng và bệnh ung thư nói chung, chủ yếu bằng các phương pháp đó là:

  • Phương pháp phẫu thuật: đây là phương pháp điều trị đem lại hiệu quả cao nhất với ung thư dạ dày.
  • Phương pháp hóa trị.
  • Phương pháp xạ trị.

Mới đây, hai nhà khoa học đã được trao giải thưởng Nobel Y học và Sinh lý học 2018 do phát hiện ra phương pháp điều trị ung thư mới đó là liệu pháp miễn dịch. Phương pháp mới này được xem như một loại vũ khí giúp cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn di căn.

Tại Việt Nam đã triển khai sử dụng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư tại một số bệnh viện lớn trên cả nước. Đa phần bệnh nhân ung thư dạ dày thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị của các phương pháp cũ không cao, thì việc phát hiện và ứng dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị đã mở ra một cơ hội mới cho các bệnh nhân.

Điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch có 02 cách sau:

  • Sử dụng thuốc miễn dịch.
  • Sử dụng liệu pháp miễn dịch tự thân (chiết tách máu).

Tuy nhiên chi phí cho việc điều trị bằng thuốc miễn dịch cao từ 60 - 120 triệu đồng/ chu kỳ, và chưa được bảo hiểm xã hội thanh toán nên không phải ai cũng có đủ tiền để sử dụng. Ngoài ra, không phải bệnh nhân nào cũng được chỉ định phương pháp này, mà phải tùy theo giai đoạn và đặc điểm của khối u.

Bệnh nhân bị ung thư dạ dày có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch ở đâu?

Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư đã được áp dụng tại một số bệnh viện lớn ở nước ta. Bệnh nhân bị ung thư dạ dày hay các bệnh ung thư khác có thể đến khám và điều trị tại các bệnh viện sau:

  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
  • Bệnh viện Bạch Mai.
  • Bệnh viện K Trung ương.
  • Bệnh viện Bình Dân.
  • Bệnh viện Chợ Rẫy.
  • Bệnh viện Ung bướu Thành bố Hồ Chí Minh.
  • Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Đây là một trong những bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép sử dụng liệu pháp miễn dịch tự thân (dùng máu người bệnh). Để biết thêm về liệu pháp miễn dịch tự thân hỗ trợ điều trị ung thư tại Vinmec, khách hàng có thể xem TẠI ĐÂY hoặc liên hệ qua SĐT 0913 589 266 (Bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, trưởng khoa Nội ung bướu); 090 444 2232 (Bác sĩ Quách Thanh Dung, bác sĩ Nội ung bướu).

Như vậy bệnh ung thư dạ dày có thể được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Tuy nhiên, việc sử dụng hay không, sử dụng như thế nào còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, đặc điểm khối u. Không phải bệnh nhân nào cũng có thể sử dụng liệu pháp này. Chính vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám đầy đủ, từ đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Xem thêm:

  • Tổng quan về bệnh ung thư dạ dày bạn cần biết
  • Bạn biết gì về phương pháp điều trị ung thư dạ dày bằng xạ trị?