Ung thư dạ dày có điều trị bằng liệu pháp miễn dịch hay không?

Hiện nay liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư dạ dày được cho là một phương pháp mạnh mẽ và đầy hứa hẹn để điều trị bệnh, phương pháp này đã được chứng minh thành công trong nhiều loại ung thư khác nhau.

Ung thư dạ dày có điều trị bằng liệu pháp miễn dịch hay không? Ung thư dạ dày có điều trị bằng liệu pháp miễn dịch hay không?

Ung thư dạ dày là loại ung thư có tỷ lệ tử vong phổ biến thứ hai trên toàn thế giới. Trong phần lớn các trường hợp ung thư dạ dày tiến triển được chẩn đoán và điều trị bằng nội khoa và phẫu thuật, tỷ lệ sống sót vẫn chưa cao.

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày

Các nhà khoa học chưa xác định chính xác vấn đề khiến các tế bào ung thư bắt đầu phát triển trong dạ dày nhưng họ đã tìm ra những vấn đề có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố này bao gồm:

  • Một số bệnh ở dạ dày ruột, bao gồm: viêm thực quản, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), loét dạ dày tá tràng, bệnh thực quản Barrett, viêm dạ dày mãn tính và polyp dạ dày.
  • Hút thuốc: Những người hút thuốc thường xuyên, trong thời gian dài có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp đôi so với những người không hút thuốc.
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: Vi khuẩn này vô hại đối với hầu hết mọi người, tuy nhiên nó có thể gây nhiễm trùng và loét dạ dày ở một số người. Tình trạng viêm loét dạ dày mãn tính có nguy cơ phát triển thành ung thư dạ dày
  • Tiền sử gia đình: Có người thân bị ung thư dạ dày hoặc có nguy cơ bị bệnh này.
  • Tiêu thụ thực phẩm có chứa nấm aflatoxin: Chúng có thể có trong dầu thực vật thô, hạt ca cao, hạt cây, lạc, quả sung và các loại thực phẩm và gia vị khô khác.
  • Chế độ ăn uống: Những người thường xuyên ăn cá muối, thức ăn mặn, thịt hun khói và rau củ muối có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
  • Yếu tố tuổi: Nguy cơ phát triển ung thư dạ dày tăng đáng kể sau 55 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp đôi so với phụ nữ.
  • Những người đã từng hoặc đang bị bệnh ung thư: người bệnh đã hoặc đang mắc ung thư thực quản, bệnh u lympho không Hodgkin có nhiều khả năng phát triển ung thư dạ dày. Nam giới có tiền sử hoặc hiện tại đang bị ung thư tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc tinh hoàn; nữ giới bị ung thư cổ tử cung, buồng trứng hoặc ung thư vú có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày cao hơn người khỏe mạnh.
  • Những người đã làm các loại phẫu thuật: Phẫu thuật dạ dày hoặc một bộ phận của cơ thể ảnh hưởng đến dạ dày như dây thần kinh phế vị, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Những vấn đề về sức khỏe, lối sống khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày bao gồm:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Người mang nhóm máu A
  • Nhiễm virus Epstein-Barr (một loại virus Herpes)
  • Cơ thể mang một số gen đặc biệt
  • Làm việc trong các ngành công nghiệp than, kim loại, gỗ hoặc cao su
  • Tiếp xúc nhiều với amiăng
vicare.vn-ung-thu-da-day-co-dieu-tri-bang-lieu-phap-mien-dich-hay-khong-body-1

Triệu chứng của ung thư dạ dày

Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày có thể gây ra các triệu chứng:

  • Khó tiêu, đầy hơi sau khi ăn
  • Chứng ợ nóng
  • Buồn nôn, ăn không thấy ngon

Nếu chỉ bị khó tiêu hoặc ợ nóng sau bữa ăn không có nghĩa là bạn bị ung thư, nhưng nếu những triệu chứng này xuất hiện thường xuyên, hãy đi khám bác sĩ. Họ sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ khác và kiểm tra sức khỏe tổng thể để tìm kiếm vấn đề bệnh lý.

Khi khối u dạ dày phát triển, có thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • Đau, sưng bụng
  • Vàng mắt, vàng da
  • Chán ăn, ợ nóng
  • Buồn nôn và nôn
  • Mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Có lẫn máu trong phân

Chẩn đoán ung thư dạ dày

Bệnh này không cần tầm soát định kỳ vì nó không phổ biến, nhưng nếu thấy mình có các yếu tố nguy cơ, hãy đi khám bác sĩ để xem xét và theo dõi tình hình sức khỏe.

Trong quá trình khám, bác sĩ có thể hỏi về tình hình bệnh sử, yếu tố tiền sử của gia đình để tìm yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư dạ dày. Nếu bác sĩ nghi ngờ có triệu chứng bệnh, họ sẽ chỉ định bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu ung thư
  • Nội soi dạ dày: bác sĩ dùng một ống mỏng, mềm, ở đầu có gắn một camera nhỏ, luồn từ miệng qua cổ họng, xuống dạ dày để quan sát.
  • Chụp X quang cản quang ống tiêu hóa trên với Barium: bệnh nhân được uống một loại chất lỏng tên là barium, nó sẽ bao phủ dạ dày và giúp bác sĩ quan sát dạ dày rõ hơn trên phim chụp.
  • Chụp CT hoặc PET: đây là cách chụp một loạt các hình ảnh để quan sát chi tiết bên trong cơ thể. Các hình ảnh này giúp bác sĩ xác định mức độ tiến triển của ung thư và vị trí của nó trong cơ thể. Những kiểu quét này cũng giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
  • Sinh thiết: bác sĩ lấy một mảnh mô nhỏ từ dạ dày, soi dưới kính hiển vi để tìm kiếm các tế bào ung thư. Việc lấy mẫu sinh thiết có thể tiến hành trong khi nội soi dạ dày.

Điều trị ung thư dạ dày

Có nhiều cách để điều trị bệnh ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh hoặc mức độ lây lan trong cơ thể (giai đoạn tiến triển của bệnh).

1.Phẫu thuật

Đây là phương pháp hiệu quả để điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Trong giai đoạn tiến triển của ung thư dạ dày, phẫu thuật vẫn có thể được sử dụng để làm giảm các biến chứng như tắc nghẽn dạ dày hoặc chảy máu do ung thư.

vicare.vn-ung-thu-da-day-co-dieu-tri-bang-lieu-phap-mien-dich-hay-khong-body-2

2. Xạ trị

Sau phẫu thuật, phương pháp xạ trị có thể được sử dụng cùng với hóa trị để tiêu diệt những tế bào ung thư còn lại không được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật. Ở những bệnh nhân bị ung thư dạ dày tiến triển, xạ trị có thể hữu ích để làm giảm tắc nghẽn dạ dày. Nó cũng có thể được sử dụng để cầm máu do ung thư không thể phẫu thuật.

3. Hóa trị

Hóa trị là việc sử dụng các loại thuốc giúp tiêu diệt các tế bào ung thư và thu nhỏ kích thước của khối u. Nó có thể được sử dụng riêng hoặc kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật. Nó cũng có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng hoặc kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân ung thư dạ dày tiến triển không thể phẫu thuật.

4. Các liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư dạ dày

Phương pháp này khác biệt với các cách trên là nâng cao vai trò hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại tế bào ung thư một cách tự nhiên. Nó tập trung vào việc làm cho các thành phần của hệ miễn dịch người bệnh nhận diện các tế bào ung thư dễ dàng hơn và tăng cường hiệu quả của các phản ứng miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này đã được chứng minh hiệu quả và vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng cho nhiều loại bệnh ung thư khác nhau.

  • Thuốc điều trị đích: các thuốc này được chứng minh có tác dụng tốt hơn thuốc hóa trị thông thường và có xu hướng ít các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Hiện nay vẫn đang nghiên cứu kết hợp các thuốc điều trị đích với nhau hoặc với hóa trị liệu.
  • Thuốc ngăn chặn HER2: Một số bệnh ung thư dạ dày có nhiều protein thúc đẩy tăng trưởng, gọi là HER2 trên bề mặt tế bào ung thư. Thuốc nhắm vào protein này có thể giúp điều trị các bệnh ung thư. Trastuzumab (Herceptin) đã được phê duyệt để sử dụng chống ung thư dạ dày tiến triển. Các loại thuốc khác nhắm vào HER2, như lapatinib (Tykerb®), pertuzumab (Perjeta®) và trastuzumab emtansine (Kadcyla®) hiện đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.
  • Thuốc ngăn chặn EGFR: EGFR là một loại protein khác được tìm thấy trên một số tế bào ung thư dạ dày giúp chúng phát triển. Panitumumab (Vectibix®) là một loại thuốc nhắm mục tiêu EGFR đang được thử nghiệm chống ung thư dạ dày. Thuốc này đã được FDA phê chuẩn để điều trị một số bệnh ung thư khác.
  • Các loại thuốc nhắm mục tiêu khác: Các loại thuốc khác nhắm vào các phần khác nhau của tế bào ung thư. Ví dụ, một loại thuốc nhắm mục tiêu đang được nghiên cứu chống ung thư dạ dày là apatinib.
  • Thuốc miễn dịch: năm 2017, hoạt chất pembrolizumab (Keytruda®) đã trở thành tác nhân trị liệu miễn dịch đầu tiên được chấp thuận để điều trị ung thư dạ dày ở một số bệnh nhân điều trị không có kết quả. Pembrolizumab là một chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và nhắm mục tiêu PD-L1, một loại protein được tìm thấy trên một số tế bào ung thư dạ dày.
  • Phương pháp trị liệu miễn dịch tự thân: Tumor-infiltrating lymphocytes (TILs) là những tế bào miễn dịch thâm nhiễm khối u được xác định trong vài loại ung thư. Các tế bào này gồm nhiều loại: lympho B, tế bào NK, tế bào APC, tế bào dendritic, đại thực bào, trong đó nhiều nhất là lympho T. Các tế bào này được nuôi cấy, nhân lên số lượng lớn và sử dụng cho người bệnh.

Ở Việt Nam, các liệu pháp miễn dịch vẫn là một kỹ thuật mới nên chưa thể áp dụng rộng rãi với giá cả hợp lý cho mọi bệnh nhân ung thư trong tương lai gần. Hiện nay, bệnh viện đại học Y Hà Nội và bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec đã được chuyển giao công nghệ từ viện nghiên cứu Nhật Bản cho kỹ thuật trị liệu miễn dịch tự thân, giúp điều trị cho nhiều loại ung thư trong đó có ung thư dạ dày. Đây là một bước tiến mới để đem lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bệnh nhân.

Xem thêm:

  • Tổng quan về bệnh ung thư dạ dày bạn cần biết
  • Tìm hiểu về liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân hỗ trợ điều trị ung thư