Ung thư dạ dày có biểu hiện gì?

Ung thư dạ dày là loại ung thư thường gặp nhất trong số các loại ung thư của đường tiêu hoá. Việt Nam là một trong những nước có xuất độ ung thư dạ dày cao. Vậy bệnh ung thư dạ dày có biểu hiện gì? Triệu chứng và diễn biến của bệnh thế nào và cách điều trị nào là hiệu quả?

Ung thư dạ dày có biểu hiện gì? Ung thư dạ dày có biểu hiện gì?

Đây là một bệnh nguy hiểm. Trên thế giới hàng năm có khoảng 600.000 đến 700.000 trường hợp ung thư dạ dày mới được phát hiện và là nguyên nhân gây chết hàng đầu với 25.000 đến 35.000 người mỗi năm.

Ung thư dạ dày là gì?

Dạ dày hay còn gọi là bao tử có nhiệm vụ chứa đựng và tiêu hoá thức ăn. Thức ăn sau khi được nhai, nuốt sẽ đi qua thực quản rồi xuống dạ dày. Tại đây, thức ăn sẽ lưu lại vài tiếng để dạ dày co bóp làm thức ăn mềm và nhuyễn hơn bằng những những bó cơ rất khoẻ và dày.

Lớp niêm mạc dạ dày (lớp lót trong lòng dạ dày) có những tế bào tiết ra acid làm biến đổi thức ăn. Các tế bào này gọi là tế bào biểu mô tuyến. Ung thư dạ dày đa phần bắt đầu từ lớp tế bào tuyến này, y khoa gọi là carcinoma tuyến (adenocarcinoma). Loại này chiếm 85% trong các dạng giải phẫu bệnh ung thư dạ dày. Rất hiếm khi ung thư bắt đầu từ những tế bào cơ của dạ dày.

Khi các tế bào tuyến của dạ dày trở thành tế bào ung thư, chúng phân chia rất nhanh để tạo thành khối bướu. Ung thư dạ dày có ba loại hình dạng: dạng loét, dạng chồi sùi như bông cải, dạng nhiễm cứng.

vicare.vn-ung-thu-da-day-co-bieu-hien-gi-body-1

Ung thư dạ dày có biểu hiện gì?

Ung thư dạ dày giai đoạn sớm thường khó phát hiện

Do bệnh giai đoạn này thường không có các triệu chứng đặc hiệu. thường bệnh nhân sẽ than phiền với các triệu chứng: Ăn uống kém, chán ăn, ăn không ngon miệng, khó chịu hoặc đau ở bụng, đặc biệt vùng bụng trên với cảm giác đau âm ỉ vùng thượng vị, đau không rõ ràng, không đau nhiều, có thể có cảm giác buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu .

Các triệu chứng thường xuất hiện sớm nhất, tuy vậy nó không đặc hiệu, xuất hiện từ từ làm cho bệnh nhân không để ý đến và dễ nhầm lẫn với các triệu chứng viêm loét dạ dày.

Khối bướu ung thư dạ dày rất hay gây chảy máu

  • Khối bướu ung thư dạ dày khi xuất hiện sẽ tăng kích thước nhanh và tăng sinh mạch máu nuôi nó, những mạch máu này khiến cho khối bướu dễ chảy máu.
  • Nếu máu chảy ít, bệnh nhân sẽ bị thiếu máu dần dần, gọi là thiếu máu mãn. Triệu chứng của thiếu máu mãn tính bao gồm: mệt mỏi, suy nhược, da xanh xao, chóng mặt. Vì thiếu máu mãn tính có rất nhiều nguyên nhân cho nên sẽ khiến các bác sĩ sẽ mất nhiều thời gian mới tìm ra nguyên nhân là do ung thư dạ dày.
  • Nếu khối bướu chảy máu nhiều hơn, máu sẽ nằm lâu trong dạ dày và ruột nên sẽ chuyển màu từ đỏ tươi sang đen. Do đó bệnh nhân sẽ có triệu chứng đi cầu ra phân đen và kèm theo các triệu chứng của thiếu máu mãn tính.
  • Nếu khối bướu chảy máu rất nhiều trong một thời gian ngắn, lượng máu có thể đến hàng lít, làm đầy dạ dày nhanh khiến bệnh nhân nôn ra máu tươi, có khi ngất xỉu vì máu mất quá nhanh và làm hạ huyết áp đưa đến thiếu máu não. Những trường hợp này, bệnh nhân cần phải được đưa đến bệnh viện để được cấp cứu.

Khối bướu ung thư dạ dày sẽ gây cản trở lưu thông thức ăn

  • Thức ăn sau khi được acid dạ dày biến đổi sẽ được đưa xuống tá tràng (đoạn đầu tiên của ruột non). Chỗ tiếp nối giữa dạ dày và tá tràng gọi là hang môn vị. Ung thư rất hay xuất hiện tại vị trí này làm hẹp lòng dạ dày khiến thức ăn khó lưu thông xuống tá tràng.. Y khoa gọi là hẹp môn vị
  • Nếu hẹp môn vị ít, bệnh nhân sẽ chỉ có cảm giác rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, chán ăn.
  • Nếu hẹp môn vị hoàn toàn, thức ăn và nước uống sẽ ứ đọng lại ở dạ dày rất nhiều làm cho bệnh nhân phải nôn ra. Điểm đặc biệt của nôn do hẹp môn vị là bệnh nhân sẽ nôn ra thức ăn mà bệnh nhân đã ăn từ 2-3 ngày trước. Việc ứ đọng thức ăn ở dạ dày còn làm cho bệnh nhân trở nên thiếu dinh dưỡng,thiếu nước và điện giải. Bệnh nhân sẽ nhập viện với tình trạng “da bọc xương”.

Khối bướu ung thư dạ dày có thể gây thủng dạ dày

Khối bướu ban đầu xuất phát từ lớp niêm mạc trong lòng dạ dày rồi xâm lấn đến lớp cơ, khi bướu phá hủy hết lớp cơ, dạ dày sẽ bị thủng. Khi dạ dày bị thủng, thức ăn và acid của dạ dày sẽ lan tràn khắp ổ bụng. Acid dạ dày gây phá hủy các cơ quan. Thức ăn sẽ gây tình trạng nhiễm trùng khắp bụng. Triệu chứng thủng dạ dày rất dữ dội: Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau đột ngột và nhiều ở vùng trên rốn, y khoa gọi là đau thượng vị. Cơn đau dữ dội đến mức có thể làm cho bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc và phải nhập viện để cấp cứu và mổ khẩn cấp.

Khối bướu dạ dày có thể gieo rắc các tế bào ung thư theo dòng máu hoặc bạch huyết di căn đến gan, phổi, hạch trên đòn...

Do đó bệnh nhân có thể có biểu hiện triệu chứng của những cơ quan bị di căn:

  • Di căn phổi: ho, khó thở ...
  • Di căn gan: bụng căng to, đau dưới bờ sườn phải, vàng mắt, vàng da
  • Di căn hạch trên đòn: bệnh nhân sờ thấy một khối ở vùng trên xương đòn.

Như vậy bệnh nhân ung thư dạ dày có thể đến gặp bác sĩ trong tình trạng rất nặng hoặc cấp cứu: thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày; hay trong tình trạng ít nghiêm trọng và khẩn cấp hơn: hẹp môn vị, thiếu máu, rối loạn tiêu hoá, ho, đau bụng, vàng da, hạch trên đòn...

Chẩn đoán ung thư dạ dày

Chụp X quang dạ dày có cản quang Barium

Trước khi chụp X quang, bệnh nhân sẽ uống chất barium. Chất này sẽ tráng lên toàn bộ niêm mạc dạ dày. Vì barium là chất cản quang (chất ngăn cản sự xuyên thấu của tia X) cho nên khi chụp X quang, hình ảnh toàn bộ niêm mạc dạ dày (trong lòng dạ dày) sẽ được hiện rõ trên phim, nếu có khối bướu ở trong lòng dạ dày, hình ảnh của khối bướu cũng sẽ hiện rõ trên phim.

Trong trường hợp có hẹp môn vị, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh một dạ dày giãn lớn hơn bình thường vì nước và thức ăn bị ứ đọng.

Nội soi dạ dày

Một ống soi mềm dẻo, nhỏ sẽ được đưa vào miệng, qua thực quản vào đến dạ dày. Đầu ống nội soi có đèn và camera để quan sát. Camera này được nối tiếp với một màn hình để bác sĩ nội soi có thể quan sát được trong lòng dạ dày. Nếu thấy bướu, bác sĩ sẽ dùng kềm sinh thiết để cắt một mảnh bướu trong lúc nội soi. Mảnh bướu này sẽ được gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định chắc chắn là ung thư.

vicare.vn-ung-thu-da-day-co-bieu-hien-gi-body-2

Xét nghiệm giải phẫu bệnh

Mảnh bướu sinh thiết được xử lý qua nhiều công đoạn: nhuộm màu, cắt lát mỏng, trải trên mặt kính... Các bác sĩ chuyên về giải phẫu bệnh sẽ quan sát bằng kính hiển vi để tìm hình ảnh những tế bào ung thư.

Ngoài ra người ta cũng sử dụng những phương pháp khác để đánh giá mức độ lan tràn của khối bướu (đánh giá giai đoạn): PET-CT, MRI, CT, siêu âm...

Tại sao bị ung thư dạ dày ?

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày hiện nay vẫn chưa được biết rõ. tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy bệnh có liên quan đến các yếu tố nguy cơ sau:

Do mắc một số bệnh

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori - HP): Loại vi khuẩn này ban đầu gây viêm dạ dày, sau đó vùng viêm có thể chuyển thành vết loét rồi dần dần sẽ hoá thành ung thư.
  • Viêm dạ dày mãn tính xơ teo
  • Thiếu máu do kém hấp thu vitamin B12
  • Polyp dạ dày

Do bẩm sinh

Hay nói cách khác một số bệnh nhân có sẵn các gen dễ mắc bệnh ung thư dạ dày. Nếu một người có một trong các tình trạng sau đây sẽ dễ mắc ung thư dạ dày hơn những người khác ( gọi là yếu tố nguy cơ):

  • Có cha mẹ, anh, chị. em mắc bệnh ung thư dạ dày
  • Có nhóm máu A. Trong một nghiên cứu trước đây của Tạp chí Dịch tễ học của Mỹ đã đi đến kết luận rằng: Nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở những người mang nhóm máu A cao hơn những người mang nhóm máu khác khoảng từ 15-20%. Nguyên nhân: Ung thư dạ dày liên quan mật thiết tới vi khuẩn HP (H.pylori) và những người mang nhóm máu A có khả năng miễn dịch kém với vi khuẩn HP. Vì thế, nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở người mang nhóm màu này cao hơn. Tuy nhiên đến nay kết quả này mới chỉ được khẳng định trong phạm vi nghiên cứu trên, chưa có công bố hoặc xác nhận chính thức nào về nguyên nhân nay.
  • Có bệnh polyp di truyền

Do ăn uống

  • Ăn ít rau, trái cây
  • Ăn nhiều thức ăn như thịt muối, thịt xông khói

Do môi trường

  • Tiếp xúc môi trường có chất phóng xạ
  • Nhà máy sản xuất cao su, khu khai thác than đá
vicare.vn-ung-thu-da-day-co-bieu-hien-gi-body-3

Điều trị ung thư dạ dày như thế nào?

Ung thư dạ sẽ được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật. Điều trị bằng thuốc (nội khoa) đóng vai trò hỗ trợ, còn xạ trị ít được sử dụng.

Phẫu thuật

Dù cho khối bướu còn rất nhỏ nhưng phẫu thuật lại rất lớn: dạ dày sẽ được cắt toàn bộ hoặc gần toàn bộ sau đó nối hai đầu cắt trên và dưới lại với nhau. Các chuỗi hạch quanh dạ dày cũng sẽ được lấy đi toàn bộ để đề phòng những hạch này bị di căn.

Nhưng cũng có khi không thể phẫu thuật cắt dạ dày được vì khối bướu đã xâm lấn và dính chặt các cơ quan khác, bướu lại gây hẹp môn vị khiến thức ăn từ dạ dày không thoát xuống ruột non được. Trong trường hợp này bác sĩ sẽ thực hiện một phẫu thuật tạm bợ nối dạ dày với ruột non để thức ăn có thể đi từ dạ dày đến ruột non mà không qua môn vị.

Điều trị bằng thuốc (nội khoa)

Hoá trị hay các thuốc nhắm trúng đích có thể diệt các tế bào ung thư dạ dày. Tuy nhiên các phương pháp này không phải là phương pháp điều trị chính mà chỉ sử dụng trong hai tình huống:

  • Ung thư dạ dày giai đoạn sớm đã mổ, điều trị hỗ trợ sau mổ nhằm ngăn ngừa bệnh di căn xa.
  • Ung thư dạ dày giai đoạn trễ, không phẫu thuật triệt để được. Hoá trị nhằm làm giảm kích thước bướu nhờ đó sẽ làm giảm thiểu triệu chứng.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất của đường tiêu hóa. Bệnh thường gây ra nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có vai trò của vi khuẩn gây viêm dạ dày H. pylori. bệnh thường phát hiện ở giai đoạn trễ do các triệu chứng giai đoạn sớm không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Tầm soát và phát hiện sớm ung thư dạ dày là một vấn đề quan trọng, đặc biệt với những người trên 50 tuổi để việc điều trị được hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tử vong và những hậu quả nặng nề do bệnh gây ra.

Xem thêm:

  • Ung thư dạ dày có chữa được không?
  • Xét nghiệm ung thư dạ dày gồm những gì?
  • Ung thư dạ dày giai đoạn cuối kéo dài sự sống được bao lâu?