U nang tuyến giáp có nên mổ không?
Trong điều trị y học ngày nay, một trong những biện pháp chính để điều trị u tuyến giáp là phẫu thuật. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân lo lắng, băn khoăn rằng u nang tuyến giáp có nên mổ không? Mổ có nguy hiểm không? Để hiểu hơn những ưu, nhược điểm của phương pháp này, bạn có thể tìm hiểu qua bài viết sau.
U nang tuyến giáp có nên mổ không?
U nang tuyến giáp có nên mổ không?
Để đi đến quyết định u nang tuyến giáp có nên mổ không, bác sĩ cần dựa trên nhiều yếu tố: vị trí, kích thước, tính chất của khối u, thể trạng sức khỏe của bệnh nhân,...Hơn tất cả, cần xét nghiệm xác định chính xác đó là u lành tính hay ác tính.
Trong trường hợp người bệnh có khối u tuyến giáp lành tính, bệnh nhân thường được chỉ định điều trị như sau:
- Nếu khối u có kích thước nhỏ (có đường kính từ 1-2 cm) thì bệnh nhân có thể chưa cần điều trị gì, chỉ cần khám, theo dõi định kỳ, chọc xét nghiệm tế bào định kỳ hàng năm. Khi khối u tăng kích thước nhanh hoặc xuất hiện tế bào ung thư, bác sĩ thường sẽ chỉ định phẫu thuật.
- Nếu u tuyến giáp có kích thước trung bình (có đường kính 2-3 cm), thông thường bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng hormone tuyến giáp L-T4 trong vòng ít nhất 6 tháng, sau đó kiểm tra, đánh giá lại. Nếu khối u nhỏ hơn so với trước (thường là u lành tính), sẽ tiếp tục điều trị và theo dõi, tái khám. Trong trường hợp khối u to lên hoặc không có dấu hiệu nhỏ đi, có thể sẽ phải phẫu thuật.
- Nếu người bệnh có những khối u kích thước lớn, trên 4 cm, gây sưng vùng cổ và gây chèn ép, gây khó nuốt, khó thở, thường bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật mổ u tuyến giáp
Với các trường hợp sau khi kiểm tra là u tuyến giáp ác tính, phương pháp phẫu thuật được chỉ định áp dụng phổ biến hơn.
Trong các loại ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến giáp thể nhú chiếm tỷ lệ 70 – 80%, khối u thể này thường tiến triển chậm và hay di căn hạch cổ, tuy nhiên K tuyến giáp dạng này có tiên lượng khá tốt. Phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp thường sẽ là lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ để điều trị K tuyến giáp biệt hóa (thể nhú hoặc nang) khi khối u còn nhỏ và không có dấu hiệu lây lan ra bên ngoài tuyến giáp.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo (Bác sĩ cao cấp – Trưởng khoa ngoại đầu mặt cổ, Bệnh viện K ) “Khi bác sĩ quyết định cắt u tuyến giáp cho bệnh nhân thì bệnh nhân cần phải nhớ trước đó có được chẩn đoán là ung thư tuyến giáp không. Thêm nữa, đối với những trường hợp không bị chẩn đoán là ung thư tuyến giáp nhưng có u nang quá to thì bác sĩ cũng phải cắt hết. Lý do là nếu để lại, những u nang đó sẽ ngày càng phát triển, nên bác sĩ vẫn cắt bình thường, kể cả đó là u lành, sau đó dùng hormones thay thế”, BS Bảo khẳng định.
Theo vị trưởng khoa này, đây là chuyện hết sức bình thường nếu thực sự nang tuyến đã bị hỏng. Cụ thể là khi mổ khối u ra, có những nang tuyến hoạt động thì có thể để lại được nhưng cũng có những trường hợp bị thoái hóa hết cũng cần cắt hết, sau đó dùng hormones thay thế.
Mổ u tuyến giáp có nguy hiểm không?
Khi phẫu thuật u tuyến giáp hay bất cứ bệnh gì đều có thể xảy ra một số biến chứng, rủi ro cho nên bệnh nhân cần tham khảo kỹ lưỡng sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa rồi mới đưa ra quyết định nên mổ hay không.
- Khàn tiếng tạm thời hoặc vĩnh viễn, thậm chí có thể gây mất tiếng nói do bị dây thần kinh thanh quản bị chấn thương.
- Người bệnh bị tụt canxi do tuyến cận giáp bị tổn thương, rối loạn chức năng kiểm soát nồng độ canxi trong máu, dẫn đến nồng độ canxi xuống thấp, gây co thắt cơ bắp, bệnh nhân có biểu hiện tê tay và ngứa.
- Vết thương bị nhiễm trùng, chảy máu nhiều gây hình thành cục máu đông.
Do đó bệnh nhân cần tuân thủ đúng pháp đồ và chỉ dẫn của bác sĩ, không nên lạm dụng phẫu thuật tuyến giáp, chỉ nên phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.
Mổ u tuyến giáp kiêng gì?
Tuyến giáp nằm ở vùng cổ cho nên sau khi phẫu thuật tuyến giáp có thể gây ảnh hưởng tới việc ăn uống trong quá trình hồi phục. Vì thế, bệnh nhân và người nhà nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết được mổ u tuyến giáp kiêng ăn gì và nên bổ sung những thực phẩm gì.
Sau khi thực hiện phẫu thuật u tuyến giáp xong,phần lớn bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu và đau ở cổ. Một số người sẽ cảm thấy khó nuốt do bị kích ứng từ ống thở chèn vào cổ họng lúc gây mê. Vậy nên khi đó bệnh nhân chưa nên ăn gì, có thể ngậm một mẩu đá lạnh để đỡ khô miệng đồng thời làm dịu cổ họng. Đối với những bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn sau khi mổ nên bắt đầu uống nước từ từ. Người bệnh nên ăn các thức ăn mềm, dễ nuốt như súp, cháo, sữa, sinh tố hoa quả, bột yến mạch, các loại củ quả nghiền,... Nên uống nhiều nước trong và sau bữa ăn. Khi ăn nên nhai thật chậm, đối với những loại thức ăn dạng đặc có thể cho vào máy xay nhỏ để dễ nuốt hơn.
Sau khi mổ một thời gian, khi bệnh nhân đã có thể ăn uống bình thường trở lại, nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đa dạng các loại thực phẩm. Nên bổ sung vào bữa ăn hàng ngày các thực phẩm giàu vitamin C, đặc biệt là các loại trái cây như dâu tây, cà chua, quả việt quất, quả mâm xôi, ớt chuông, cam, bông cải xanh, rau bina,... Vitamin C rất tốt cho bệnh nhân sau phẫu thuật, giúp chữa lành vết thương và hình thành mô sẹo.
Xem thêm:
- Sự liên quan giữa tuyến giáp và tình trạng thừa cân của bạn
- Chữa ung thư tuyến giáp bằng ăn uống
- 4 bài thuốc đông y bí truyền điều trị ung thư tuyến giáp