Tuyến giáp phình lan tỏa, tăng sinh mạch máu có nguy hiểm không?

Chào Bác sĩ!

Năm nay tôi 27 tuổi, là nữ giới, có một đứa con gái được 4 tuổi. Hơn 1 năm trước, tôi thấy cổ mình to hơn bình thường, tôi đến bệnh viện Ung bứu thành phố Hồ Chí Minh khám (siêu âm cổ, thử máu), bác sĩ kết luận là tuyến giáp phình lan tỏa, tăng sinh mạch máu, suy giáp. Sau đó, bác sĩ cho thuốc uống 1 tháng, rồi lần sau cũng 1 tháng. Cách 3 tháng có lịch tái khám lại, tôi thấy cổ mình nhỏ hơn, và vì công việc quá bận nên tôi không đi khám nữa. Mới đây tôi thấy cổ mình cũng hơi to nên tôi đi khám bệnh viện tỉnh, bác sĩ cũng chẩn đoán như ở thành phố Hồ Chí Minh và cho thuốc uống. 

Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh của tôi có nặng không? Có cần phải mổ không? Tôi có người chị làm cùng cơ quan, khi đi khám bệnh cũng được các bác sĩ siêu âm, thử máu thì nói là bướu thường lành tính, rất nhỏ, không cần dùng thuốc và mổ. Chị cương quyết yêu cầu bác sĩ lấy dịch xét nghiệm thì bác sĩ nói chị bị ung thư giai đoạn đầu. Do vậy, tôi rất sợ bệnh của mình như thế nào. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa khẳng định: "Tuyến giáp là một tuyến nội tiết của cơ thể nằm ở vùng trước cổ. Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc điều hoà năng lượng của cơ thể, tác động đến các hoạt động của các cơ quan như tim mạch, thần kinh, nội tiết, trí óc, chuyển hoá thức ăn... Bướu giáp có ba dạng: bướu giáp lan tỏa, bướu giáp đa nhân và bướu giáp đơn nhân.

Bạn bị bướu giáp lan tỏa (hay còn gọi là tuyến giáp phình lan tỏa). Bạn cần biết đây là bệnh lành tính.

Nguyên nhân thường gặp:

  • Viêm mạn (viêm giáp Hashimoto – Chronic Lymphocytic Thyroiditis) thường gặp ở vùng có đầy đủ iode. TSH nên được đánh giá dù bệnh nhân có vẻ bình giáp trên lâm sàng, vì viêm giáp Hashimoto có thể gây suy giáp.

  • Bướu giáp lan tỏa dạng keo: thường gặp ở vùng thiếu iode.

Để yên tâm bạn có thể làm thêm xét nghiệm sinh thiết bướu giáp để xác định chính xác tính chất lành tính của bướu giáp.

Chúc sức khỏe!