Từ 1/1/2018, người lao động có hợp đồng từ 1 - 3 tháng được đóng BHXH bắt buộc
Người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Từ 1/1/2018, người lao động có hợp đồng từ 1 - 3 tháng được đóng BHXH bắt buộc
Để khắc phục tình trạng trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ bằng hình thức chỉ ký kết Hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng đối với công việc có tính chất thường xuyên trên 12 tháng, Luật BHXH năm 2014 đã quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người làm việc theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, Hợp đồng lao động xác định thời hạn, Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả Hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động và người làm việc theo Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, người làm việc theo Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ được tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp NLĐ sau khi kết thúc hợp đồng lao động có thời hạn kể trên, doanh nghiệp sử dụng lao động có thể tiến hành ký kết Hợp đồng lao động mới vẫn là hợp đồng xác định thời hạn nhưng cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Doanh nghiệp sử dụng lao động không được giao kết Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế NLĐ đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác...
Đây là một trong những quy định mới, được áp dụng từ ngày 1/1/2018 theo quy định của Luật BHXH sửa đổi. Ông Điều Bá Được - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, Luật BHXH sửa đổi cũng quy định về đóng, hưởng cho phù hợp nhằm bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH trong dài hạn. Cụ thể, về đóng BHXH: Từ ngày 1/1/2018 trở đi, quy định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động, ghi trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; từ ngày 1/1/2018 trở đi, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
Về hưởng BHXH, từ ngày 1/1/2018 trở đi, quy định điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu đối với người nghỉ hưu trước tuổi tăng lên so với Luật BHXH năm 2006. Theo đó, NLĐ khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61 - 80% thì phải đủ điều kiện về tuổi đời như: Đối với lao động nam để được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng thì khi nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, mỗi năm tăng thêm 1 năm cho đến khi tròn 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45%. Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, quy định đủ 15 năm đóng BHXH tương ứng với 45%. Sau đó, cả lao động nam và nữ đều được tính thêm 2% cho mỗi năm đóng BHXH nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa chỉ bằng 75%.
Với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì phải giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi quy định: Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm 2% (cả nam và nữ); khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với trường hợp tuổi nghỉ hưu có tháng lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ %. Tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là 1 năm.
Theo SK&ĐS
>>>Xem thêm: BHXH Hà Nội yêu cầu BV Bưu điện không thu thêm tiền chênh của người khám BHYT
>>>Xem thêm: Nghỉ thai sản có phải đóng bảo hiểm xã hội không?