Trò chơi kích thích trí thông minh cho bé từ 9-10 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, mẹ có thể áp dụng những trò chơi kích thích trí thông minh cho bé từ 9-10 tháng tuổi để hỗ trợ bé phát triển hoàn thiện từng ngày về não bộ và trí tuệ, khiến cho bé thông minh nhanh nhẹn hơn ngay từ tấm bé.
Trò chơi kích thích trí thông minh cho bé từ 9-10 tháng tuổi
Khi trẻ được 9-10 tháng tuổi, não bộ đang phát triển rất nhanh để bắt đầu với hành trình khám phá thế giới xung quanh. Lúc này, trẻ đã tự có những suy nghĩ và phán đoán riêng của mình rồi chứ không còn như hồi bé nữa. Trong độ tuổi từ 9-10 tháng tuổi, lúc này khả năng tư duy của bé đã có thể dần dần được nâng cao, vậy nên cha mẹ có thể cho con chơi một số trò chơi đơn giản có sự kết hợp tương tác giữ hình ảnh đi kèm với âm thanh để bé cảm nhận mọi vật xung quanh một cách tốt hơn. Dưới đây là 4 trò chơi kích thích trí thông minh cho bé từ 9-10 tháng tuổi cha mẹ có thể áp dụng cho bé yêu nhà mình.
1. Trò chơi với album ảnh
Bé từ 9 – 10 tháng tuổi đã bắt đầu thích nhìn những album ảnh nhiều màu sắc và hình ảnh sinh động. Bạn có thể chọn một số bức ảnh hoặc bưu thiếp có nhiều màu sắc phong phú và hình ảnh rõ ràng để cho bé xem. Bạn cũng có thể treo, dán các bức ảnh này lên trên tường ở trong phòng của bé hoặc những nơi dễ thấy ở trong nhà để bé có thể nhìn thấy được bất cứ lúc nào.
Khi chỉ cho bé các hình ảnh này, bạn nên cho bé biết chính xác tên người, đồ vật, con vật xuất hiện trong bức ảnh. Ví dụ, trong ảnh có một chú mèo con, bạn nên chỉ và nói với bé: “Đây là con mèo” thay vì nói “meo meo” sẽ khiến cho bé lầm tưởng đây là meo meo.
Sau khi bé đã nhớ rõ và thuộc tên các sự vật trong ảnh, bạn nên thay thế bằng một loạt ảnh mới để bé không cảm thấy nhàm chán, đồng thời giúp cho bé biết thêm nhiều sự vật khác.2. Trò chơi bắt chước động tác
Trò chơi này rèn luyện cho bé khả năng bắt chước theo động tác của người khác và khám phá các chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Khi mới chơi lần đầu, bạn hãy làm mẫu trước để cho bé làm theo với những động tác đơn giản như mỉm cười, lè lưỡi, phồng má, lắc đầu, gật đầu... Sau khi thực hiện xong các động tác, bạn hãy khuyến khích, cổ vũ để cho bé làm theo. Khi bé lặp lại được những động tác này, bạn vỗ tay hoan hô và khen ngợi để khích lệ tinh thần bé. Trong khi chơi trò này, bạn nên giữ thái độ thoải mái, vui vẻ để tạo không khí hứng thú tham gia trò chơi của bé, tránh việc bực tức hay mắng bé vì bé làm sai hay tỏ thái độ không muốn làm theo nữa.
3. Trò chơi kích thích trí thông minh cho bé: Hình ảnh gắn liền âm thanh
Các em bé 9-10 tháng tuổi thường thích các đồ chơi có nhiều màu sắc tươi sáng, hình thù sống động, đặc biệt bé đã bắt đầu thích chơi với búp bê, ô tô hoặc những con vật nhỏ ngộ nghĩnh và những đồ vật có phát ra âm thanh khi cầm hoặc chạm tay vào. Khi cho bé chơi những đồ chơi như thế, bé sẽ phát triển được khả năng nhận thức đồ vật xung quanh. Bố mẹ nên nói cho bé biết tên gọi của từng món đồ vật khác nhau hoặc tốt nhất là gắn liền món đồ chơi đó với một âm thanh đặc trưng của nó. Ví dụ, khi cho bé chơi với chú chó bông, bạn nên chỉ vào đồ chơi và đọc rõ từ “chó” hoặc “con chó” cùng với tiếng kêu “gâu, gâu”. Sau nhiều lần như vậy và đến khi tư duy đã phát triển đến mức độ nhất định, bé sẽ tự hiểu rằng chó thì sủa “gâu, gâu”, mèo thì kêu “meo, meo” và ô tô, xe máy thì sẽ kêu “brưm, brưm”...
Trong lúc chơi với bé, bạn cũng có thể kết hợp dạy cho bé các chi tiết của đồ chơi, như đôi mắt, miệng, tai, đuôi của chó bông hay bánh xe, vô lăng của ô tô...
4. Trò chơi nhận biết các bộ phận trên cơ thể
Đối với trò chơi này, mẹ sẽ ngồi trên sàn nhà và để bé ngồi trong lòng mẹ. Hai mẹ con cùng nhìn về một cái gương lớn trước mặt (gương nên đặt sát mặt sàn là tốt nhất). Mẹ chạm vào đầu, tai, mắt, mũi và cằm của bé, chạm đến bộ phận nào thì nói rõ tên bộ phận ấy, ví dụ: “Đây là đầu của... (tên bé)”, “Đây là mũi của... (tên bé)”... Bài tập này sẽ phát huy hiệu quả một cách rõ rệt khi mẹ kết hợp trò chơi với một bài hát nào đó có nhắc đến các bộ phận trong cơ thể. Điều này sẽ làm cho bé nhớ lâu hơn và thích thú mỗi khi mẹ hỏi bé về các bộ phận trên cơ thể hơn.