Triệu chứng lâm sàng của sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, kéo theo đó là những chuyển dịch về gánh nặng bệnh tật, trong đó có chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Đây là hội chứng điển hình nhất mà người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc phải. Vậy triệu chứng lâm sàng của sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là gì? Có những phương pháp điều trị ra sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin cho bạn.

Triệu chứng lâm sàng của sa sút trí tuệ ở người cao tuổi Triệu chứng lâm sàng của sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Sa sút trí tuệ là gì?

Sa sút trí tuệ là một hội chứng lâm sàng gây ra bởi những tổn thương ở não bộ. Biểu hiện đặc trưng của sa sút trí tuệ là sự suy giảm các lĩnh vực nhận thức như giảm chú ý, mất trí nhớ, mất định hướng, ngôn ngữ, suy luận, điều hành, trí giác và suy giảm khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục. Sa sút trí tuệ có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhau, trong đó Alzheimer chiếm khoảng 60 - 80% tổng số bệnh nhân.

Triệu chứng lâm sàng của sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Người bị sa sút trí tuệ sẽ có những biểu hiện lâm sàng như sau:

Suy giảm trí nhớ

  • Giảm khả năng học và lưu trữ thông tin mới: lặp đi lặp lại các đoạn hội thoại.
  • Giảm khả năng lấy lại thông tin: Người bệnh không thể nhớ tên, nhớ danh sách từ.
  • Không nhớ được các sự kiện cá nhân: quên vị trí của đồ vật,...
  • Trí nhớ khai báo bị nặng hơn trí nhớ thủ tục.

Giảm ngôn ngữ

  • Không nhớ được danh sách từ, đặc biệt là với những người bị bệnh Alzheimer
  • Khó khăn trong việc tìm từ.
  • Khả năng nói kém lưu loát, không nói được những câu phức tạp.

Giảm thị giác không gian

  • Giảm nhận biết hình ảnh: Không nhận ra khuôn mặt của những người quen.
  • Giảm khả năng định hướng không gian: đi lạc đường kể cả những địa điểm quen thuộc, không thể vẽ được hình không gian 3 chiều.

Giảm chức năng điều hành

  • Giảm khả năng lên kế hoạch, trừu tượng hóa, dự đoán, liên hệ.
  • Giảm chức năng điều hành thường biểu hiện ở những người có học vấn cao, thông minh.

Giảm hoạt động chức năng

  • Những hoạt động hàng ngày như sử dụng công cụ, dụng cụ như quản lý chi tiêu, mua bán, lên lịch hẹn, lái xe, làm việc, sử dụng thuốc,... bị suy giảm.
  • Tần suất và kiểu biểu hiện giảm hoạt động chức năng có thể thay đổi tùy từng người và thể bệnh. Những trường hợp ở giai đoạn muộn có thể giảm cả những hoạt động hàng ngày như ăn mặc, chải chuốt, đi vệ sinh,....

Các rối loạn về hành vi

Đây là triệu chứng thường gặp nhất và là mục tiêu chính của điều trị. Bao gồm:

Thay đổi nhân cách

  • Thụ động, thờ ơ, cách ly với xã hội, có hành vi tình dục bất thường hoặc nói năng lung tung.
  • Tính trẻ con, tự cho mình là trung tâm, thiếu sự đại lượng.
  • Kích động trong lời nói, hành động: là biểu hiện thường hay gặp và có thể tiến triển nặng thêm.

Trầm cảm: Chiếm khoảng 40 - 50% trường hợp bệnh, đặc biệt là những người bị Alzheimer và sa sút trí tuệ do mạch máu.

Có biểu hiện tâm thần như hoang tưởng, ảo giác thị giác, thường gặp ở sa sút trí tuệ thể Lewy.

Rối loạn giấc ngủ.

vicare.vn-trieu-chung-lam-sang-cua-sa-sut-tri-tue-o-nguoi-cao-tuoi-body-1

Những yếu tố làm tăng thêm nguy cơ mắc sa sút trí tuệ

Thông thường, hội chứng sa sút trí tuệ sẽ xuất hiện ở những người trên 65 tuổi. Ngoài ra, những yếu tố sau đây có thể sẽ làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh:

  • Tuổi tác: Những người trên 65 tuổi sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này. Tuy nhiên, đây không phải là quá trình bình thường của lão hóa cho nên những người trẻ tuổi hơn vẫn có thể mắc phải hội chứng này.
  • Hội chứng Down: Những người có hội chứng Down sẽ phát bệnh sớm hơn khi ở tuổi trung niên.
  • Những người có vấn đề về trí nhớ nhưng không mất đi chức năng sinh hoạt hàng ngày cũng sẽ tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.
  • Lạm dụng quá nhiều rượu, bia: khi uống quá nhiều rượu, đồ uống có cồn, bạn sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh.
  • Người mắc các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, cholesterol trong máu cao, xơ vữa động mạch và béo phì.
  • Trầm cảm
  • Đái tháo đường, đặc biệt là khi kiểm soát đường huyết không tốt.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ: Những người thường xuyên ngáy và ngưng thở khi ngủ có thể sẽ bị mất trí nhớ nghịch (quên những sự kiện mới trước, sự kiện cũ sau).

Điều trị bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

vicare.vn-trieu-chung-lam-sang-cua-sa-sut-tri-tue-o-nguoi-cao-tuoi-body-2
Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc ức chế acetylcholinesterase để làm chậm tiến triển của bệnh

Sử dụng thuốc: Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc ức chế acetylcholinesterase để làm chậm tiến triển của bệnh, cải thiện khả năng nhận thức với những người mắc Alzheimer, bao gồm rivastigmin năm 2000, donepezil năm 1997, galantamine năm 2001. Các loại thuốc này đều có tác dụng kháng cholinesterase trong bệnh Alzheimer, đồng thời làm tăng chức năng điều hành, tăng trí nhớ cho người bệnh.

Điều trị không sử dụng thuốc: trị liệu kiểm soát hành vi và giảm lú lẫn, liệu pháp thư giãn bằng nghe nhạc, nuôi thú cưng, massage có thể sẽ giúp cải thiện tâm trạng và hành vi.

Thay đổi chế độ sinh hoạt:

  • Tăng cường giao tiếp với mọi người.
  • Tập thể dục để tăng cường sức khỏe, ăn uống lành mạnh.
  • Duy trì một lối sống cân bằng, tham gia những hoạt động tập thể như vẽ tranh, khiêu vũ, nấu ăn, hát hoặc bất cứ điều gì bạn thích.
  • Ngủ đủ giấc, đảm bảo ngủ đủ 7 - 8 tiếng một ngày.
  • Lên lịch cho bản thân để nhắc nhở những sự kiện sắp tới, lịch uống thuốc hay thói quen hàng ngày.

Xem thêm:

  • Cách trị bệnh đãng trí hay quên cho người trẻ lẫn người già
  • Khám thần kinh ở đâu tốt nhất tại Hà Nội và TP HCM
  • Cảnh giác trước bệnh mất trí nhớ ở trẻ em