Triệu chứng hen suyễn ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh hen suyễn là bệnh phổ biến ở đường hô hấp và trẻ sơ sinh là đối tượng dễ mắc phải. Khi bé thường xuyên ho liên tục, thở ngắn, gấp gáp và khó thở hay như bé bị dị ứng viêm da,...thì đây chính là một trong những triệu chứng hen suyễn ở trẻ sơ sinh mà nhiều bậc cha mẹ cần lưu ý.
Triệu chứng hen suyễn ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh hen suyễn là bệnh phổ biến ở đường hô hấp và trẻ sơ sinh là đối tượng dễ mắc phải. Khi bé thường xuyên ho liên tục, thở ngắn, gấp gáp và khó thở hay như bé bị dị ứng viêm da,... thì đây chính là một trong những triệu chứng hen suyễn ở trẻ sơ sinh mà nhiều bậc cha mẹ cần lưu ý.
Triệu chứng hen suyễn ở trẻ sơ sinh
Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc hen suyễn bởi sức đề kháng yếu, môi trường xung quanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Triệu chứng hen suyễn điển hình ở trẻ sơ sinh mà các bậc cha mẹ có thể nhận thấy, đó là:
Ho liên tục, ho kéo dài
Ho là phản ứng của cơ thể nhằm đẩy các chất gây dị ứng ra bên ngoài, nhưng nếu trẻ ho liên tục, kéo dài thì đó là triệu chứng hen suyễn ở trẻ sơ sinh các mẹ cần lưu ý. Bởi ho hen suyễn khác với những cơn ho khác là ho ngắn, rít, không kèm đờm dãi, ho như đang bị thiếu oxy.
Trẻ thở gấp, khò khè
Nếu trẻ thở gấp gáp, nhịp thở không đều, nặng nề, thậm chí cha mẹ có thể thấy rõ cơn co rít nơi cổ họng khi trẻ hít vào thở ra. Đó cũng là triệu chứng của bệnh hen suyễn.
Nếu trẻ hay hắng giọng, có thể đó là biểu hiện của bệnh hen suyễn bởi hành động hắng giọng là trẻ đang cố gắng đẩy những dịch nhầy trong cổ họng ra ngoài. Việc dịch nhầy bị mặc kẹt trong cổ họng và bị kích thích cũng được coi là một trong những triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ.
Trẻ bị dị ứng hoặc bị chàm
Trẻ bị dị ứng, viêm da, bị chàm, hay nổi ban ở trán, cằm và trên da đầu đều có liên quan tới triệu chứng hen suyễn ở trẻ. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, một đứa trẻ có tiền sử bị dị ứng rất dễ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, bởi khởi phát của bệnh hen suyễn ở trẻ thường bắt đầu từ chứng dị ứng có kèm các cơn hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở.
Còn những vết chàm, dù không phải là dấu hiệu của bệnh hen suyễn ở trẻ, nhưng tỷ lệ trẻ bị chàm và bị luôn cả hen suyễn rất cao.
Trẻ kém thích nghi với thời tiết lạnh
Trẻ khỏe mạnh thường ít ốm đau và đặc biệt thích nghi với đủ mọi loại hình thời tiết, nhưng triệu chứng hen suyễn ở trẻ thường là rất kém thích nghi với thời tiết khi trở lạnh, đi kèm với đó là nghẹt mũi, hắt hơi, xổ mũi, khó thở.
Nhất là với trẻ cứ trở trời là biết ngay khi liên tục bị các vấn đề hô hấp ghé thăm, lúc đó rất có thể trẻ đã mắc bệnh hen suyễn. Rồi với những trẻ nhỏ thường xuyên bị viêm phế quản mạn tính, đây cũng là nguyên nhân gia tăng nguy cơ mắc hen suyễn về sau.
Nhận biết các mức độ của bệnh hen
Mức độ 1 (có cơn hen ngắt quãng nhẹ): thỉnh thoảng mới xảy ra và các triệu chứng thường xảy ra vào ban ngày dưới 1 tuần/lần, trẻ vẫn hoạt động bình thường.
Mức độ 2 (cơn hen dai dẳng nhẹ): xảy ra ở cấp độ nhẹ, triệu chứng hen xuất hiện ban ngày dưới 1 tuần/lần.
Mức độ 3 (cơn hen dai dẳng trung bình): các triệu chứng xảy ra hàng ngày, cơn hen gây ảnh hưởng đến các hoạt động của trẻ.
Mức độ 4 (cơn hen dai dẳng nặng): các triệu chứng xảy ra thường xuyên và kéo dài, hạn chế các hoạt động thể lực của trẻ và thường xuất hiện cơn hen vào ban đêm.
Những trường hợp hen ác tính, các cơn hen liên tiếp xảy ra hàng ngày, thường nặng hơn về chiều và đêm. Trẻ bị mắc bệnh hen thường khó thở, không sốt, không lây. Bệnh hen tiến triển rất thất thường. Nếu bệnh được phát hiện sớm và được điều trị dự phòng hiệu quả thì sẽ làm giảm đáng kể tần suất hen khi lớn, nhất là các thể hen nặng.
Giải pháp kịp thời cho cơn hen của trẻ sơ sinh
Khi trẻ lên cơn hen cấp thì đưa trẻ ra chỗ thoáng, không khí trong lành, cho uống nhiều nước hoặc hít hơi nước làm đờm loãng ra sẽ dễ thở. Nếu trẻ lên cơn hen nhẹ, dùng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như: Ventolin, Atrovent, Bricanyl,... Các loại thuốc này có thể dùng ở dạng khí dung, bình xịt định liều, thuốc dạng viên hoặc siro. Liều lượng thuốc dùng tùy theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ, nhưng phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu cơn hen nặng phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. Bệnh hen phải chữa trị lâu dài, các cơn hen không giống nhau, có thể một năm xảy ra đôi lần, nhưng cũng có thể xảy ra nhiều lần trong một tháng, ảnh hưởng tới việc học hành và cuộc sống lâu dài của trẻ.
Cách phòng hen suyễn ở trẻ sơ sinh
Hen suyễn ở trẻ sơ sinh rất dễ trở thành bệnh mạn tính. Cách điều trị tốt nhất chính là có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Nếu bé bị chuẩn đoán là bị hen suyễn, mẹ cần có phương pháp điều trị để hạn chế cũng như kiểm soát bệnh. Bé sẽ được bác sĩ kê thuốc dạng hít để làm giãn khí quản giúp bé dễ thở, các loại thuốc kháng viêm để giảm viêm đường hô hấp. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cho mẹ những lời khuyên khác như:
Hạn chế sử dụng máy lạnh thay vào đó mẹ có thể sử dụng máy tạo hơi ẩm trong phòng bé, khi ngủ có thể kê đầu và cổ bé khoảng 30 độ để giúp bé dễ thở hơn.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Cho trẻ bú bằng sữa mẹ.
Giữ sạch sẽ môi trường sống xung quanh, giữ ấm cơ thể trẻ mùa lạnh và khi thời tiết chuyển mùa.
Tiêm phòng để phòng ngừa các bệnh cúm, viêm đường hô hấp cho trẻ sớm.
Cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ chủ động chống chọi lại các nguy cơ gây bệnh hen suyễn.
Cho trẻ sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng phù hợp với hệ miễn dịch của trẻ để tăng cường hệ miễn dịch chủ động trong cơ thể, chống lại các tác nhân gây bệnh.
Hạn chế cho bé ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, trứng, đậu phộng, sữa bò, lúa mì...
Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm công nghiệp có các chất bảo quản.
Phương Nguyễn