Triệu chứng điển hình cảnh báo viêm màng não mô cầu và cách điều trị

Viêm màng não mô cầu là một bệnh lý nghiêm trọng: lớp màng bao quanh não và tủy sống bị viêm và sưng tấy. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất và gây nguy hiểm đến tính mạng nhất là do vi khuẩn não mô cầu. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng xuất hiện nhiều hơn vào mùa đông và mùa xuân.

Triệu chứng điển hình cảnh báo viêm màng não mô cầu và cách điều trị Triệu chứng điển hình cảnh báo viêm màng não mô cầu và cách điều trị

Viêm màng não là một bệnh lý nghiêm trọng: lớp màng bao quanh não và tủy sống bị viêm và sưng tấy. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất và gây nguy hiểm đến tính mạng nhất là do vi khuẩn não mô cầu. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng xuất hiện nhiều hơn vào mùa đông và mùa xuân. Bệnh rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng ban đầu của bệnh tương tự như cảm cúm. Các triệu chứng viêm màng não mô cầu là gì?

Thông tin cơ bản về bệnh

Bệnh viêm màng não nói chung có thể do nhiều nguyên nhân: vi khuẩn (viêm màng não do vi khuẩn) vi rút (viêm màng não do virus), nấm (viêm màng não do nấm) và các sinh vật khác như amip (viêm màng não ký sinh), 2 nguyên nhân sau ít phổ biến hơn.

Viêm màng não do vi khuẩn có thể do một số loại vi khuẩn khác nhau nhưng phổ biến nhất là vi khuẩn não mô cầu. Viêm não mô cầu gây tử vong ở 10-20% trường hợp. Trong số những người sống sót sau bệnh viêm màng não mô cầu, 10-20% sẽ bị những dị tật nghiêm trọng, ví dụ như:

  • Bị thiếu da, mất ngón tay, ngón chân hoặc cẳng chân
  • Mất thính lực
  • Động kinh (co giật)
  • Tổn thương não
  • Suy thận
  • Chậm phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
vicare.vn-cac-trieu-chung-dien-hinh-canh-bao-viem-mang-nao-mo-cau-va-cach-dieu-tri-body-1

Đối tượng bị viêm màng não mô cầu

Bệnh viêm màng não mô cầu ảnh hưởng nhiều đến các đối tượng: trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và thanh niên. Số liệu thống kê cho thấy hơn 80% các trường hợp bệnh xảy ra ở lứa tuổi từ 0 - 19 tuổi. Trong nhóm này, khoảng 50% trường hợp bệnh xảy ra ở trẻ em dưới năm tuổi.

Những người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như người già và những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài (ví dụ như corticosteroid) cũng có thể dễ mắc bệnh. Những khu vực có điều kiện kinh tế xã hội thấp, hoặc dân cư sống quá đông đúc là một yếu tố góp phần vào sự lây lan của căn bệnh này.

Đường lây truyền của bệnh

Vi khuẩn não mô cầu rất phổ biến và sinh trưởng tự nhiên trong mũi và cổ họng (đường hô hấp trên), một người bình thường có thể mang vi khuẩn này trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tháng mà không hề bị bệnh. Các vi khuẩn hiện diện trong nước bọt và sẽ lây lan khi có sự tiếp xúc gần gũi với chất dịch này của người mang vi khuẩn. Các tình huống lây truyền bao gồm:

  • Hắt xì
  • Ho
  • Hôn nhau
  • Dùng chung chai hoặc cốc uống nước
  • Dùng chung bát đĩa, thìa đũa hoặc ăn chung thức ăn
  • Dùng chung bàn chải đánh răng
  • Dùng chung núm vú giả.

Khi xảy ra các tình huống này, đối với số ít người, vi khuẩn não mô cầu có thể vượt qua sự phòng vệ của cơ thể và gây viêm màng não. Vi khuẩn cũng có thể nhân lên trong máu, gây bệnh nhiễm trùng máu. Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi vi khuẩn xâm nhập vào máu đến khi xuất hiện triệu chứng) là từ hai đến mười ngày.

Các vi khuẩn không thể sống lâu bên ngoài cơ thể người, do đó chúng không thể bị lây từ các nguồn nước hoặc khu vực công cộng, ví dụ như bể bơi.

Các triệu chứng viêm màng não mô cầu

Bệnh viêm màng não mô cầu có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng ban đầu thường tương tự như cảm lạnh hoặc cúm. Bệnh có thể tiến triển chậm trong vài ngày hoặc có thể xấu đi nhanh chóng chỉ trong vài giờ. Sau đây là các triệu chứng thường gặp của bệnh, tuy nhiên chúng xuất hiện không theo bất kỳ thứ tự nào và không phải ai cũng gặp hết tất cả các triệu chứng bệnh này.

Các triệu chứng viêm màng não mô cầu có thể gặp ở người lớn và trẻ em bao gồm:

  • Tăng thân nhiệt (sốt), có thể đi kèm với bàn tay và bàn chân lạnh
  • Đau đầu từ mức độ nhẹ đến nặng
  • Cứng gáy, biểu hiện không thể chạm cằm vào ngực
  • Đau các cơ và khớp
  • Nhạy cảm với ánh sáng (chứng sợ ánh sáng)
  • Nôn và đôi khi tiêu chảy
  • Lơ mơ
  • Co giật, động kinh.

Các triệu chứng có thể gặp ở trẻ nhỏ bao gồm:

  • Tăng thân nhiệt (sốt) đi kèm tay, chân lạnh
  • Không muốn ăn
  • Nôn
  • Quấy khóc không dỗ được
  • Quằn quại cơ thể
  • Người mềm oặt
  • Tránh các loại ánh sáng
  • Da nhợt nhạt, tái dại
  • Ngủ li bì, khó đánh thức
  • Biểu hiện nhìn chằm chằm vào khoảng không
  • Thóp phồng
  • Co giật, động kinh.
vicare.vn-cac-trieu-chung-dien-hinh-canh-bao-viem-mang-nao-mo-cau-va-cach-dieu-tri-body-2

Các dạng bệnh viêm màng não mô cầu

Các thể bệnh thường gặp và nguy hiểm là: viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết, trong đó nhiễm trùng huyết do não mô cầu được chia thành ba thể là: nhiễm trùng huyết cấp (nặng nhất, hay gặp nhất), tối cấp và mãn tính. Nhiều trường hợp cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện các nốt ban nhiễm trùng huyết.

Các nốt ban nhiễm trùng huyết của bệnh viêm màng não do mô cầu có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể và có khả năng lây lan rất nhanh. Nó có thể gặp ở trẻ nhỏ, trẻ lớn và người lớn, được gọi là tử ban (để phân biệt với các dạng phát ban khác). Đặc điểm của tử ban là: ban đầu xuất hiện rải rác như một đám các đốm máu nhỏ, nếu không được điều trị, các đốm sẽ tụ lại giống như vết thâm, các nốt này không mờ đi khi ấn vào. Người ta dùng “glass test” để kiểm tra xem nốt phát ban có phải là do nhiễm trùng máu hay không (cách làm: dùng miệng ly nước ấn chặt vào các nốt ban trên da, nếu các nốt này không mờ đi, nó có thể là ban nhiễm trùng huyết).

Chẩn đoán bệnh

Nếu nghi ngờ bị bệnh viêm màng não mô cầu, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức. Nếu được nhập viện kịp thời và điều trị tích cực bằng kháng sinh, người bệnh có thể được cứu sống và giảm các biến chứng của bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra những dấu hiệu bất thường ở người bệnh, ghi lại các triệu chứng họ gặp phải, nếu nghi ngờ người đó mắc bệnh viêm màng não mô cầu, có thể bác sĩ sẽ chỉ định tiêm kháng sinh ngay lập tức.

Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán bệnh bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: được chỉ định để xác định vi khuẩn gây bệnh, kiểm tra chức năng của cơ thể, kiểm tra xem có nhiễm trùng máu hay bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào ở nơi khác không.
  • Chọc dò tủy sống (hay lấy dịch tủy): bác sĩ sẽ đưa một cây kim vào vùng cột sống dưới, lấy một lượng nhỏ chất lỏng dịch não tủy (CSF- cerebrospinal fluid) dẫn lưu qua kim và gửi đi xét nghiệm. Bình thường dịch não tủy là một chất lỏng trong suốt, nếu mẫu xét nghiệm bị đục, có nghĩa là nó đang bị nhiễm khuẩn, các xét nghiệm tiếp theo sẽ được thực hiện để tìm ra loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT não để xem có tổn thương gì không, đôi khi người bệnh được chỉ định tiêm thêm thuốc nhuộm đặc biệt cho tia X để bác sĩ xem thêm các thông tin khác về tình trạng cơ thể. Người lớn được yêu cầu nằm yên trên giường chụp, còn trẻ em có thể cần dùng thêm thuốc an thần nhẹ để bé nằm yên trong khi chụp.

Phương pháp điều trị bệnh

Nếu xác định được loại vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ có thể điều trị cho người bệnh bằng loại kháng sinh chính xác. Hầu hết các loại kháng sinh được truyền trực tiếp vào máu qua đường tiêm tĩnh mạch. Trong trường hợp cần có thể phải sử dụng kháng sinh liều cao, hoặc dùng thêm loại kháng sinh khác để ngăn ngừa/ điều trị nhiễm trùng thứ cấp.

Ngoài ra có thể truyền tĩnh mạch bổ sung cho người bệnh các chất dinh dưỡng, thuốc giảm đau và các loại thuốc khác (ví dụ như corticosteroid).

Trong trường hợp bệnh nặng, người bệnh không thể tự thở được, họ sẽ được đặt máy trợ thở và dùng thêm thuốc an thần nếu cần thiết.

Trong trường hợp có biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị, ví dụ như: cắt bỏ phần da, ngón tay chân bị hoại tử, và sử dụng phương pháp ghép da. Nếu xuất hiện các biến chứng nặng, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhập viện để điều trị và phục hồi chức năng trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng.

vicare.vn-cac-trieu-chung-dien-hinh-canh-bao-viem-mang-nao-mo-cau-va-cach-dieu-tri-body-3

Biến chứng của bệnh

Mất thính giác là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh viêm màng não mô cầu, nó xảy ra ở 1/10 người bị bệnh. Mất thính giác có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bác sĩ sẽ làm bài kiểm tra thính giác cho bệnh nhân, đặc biệt là đối với những trẻ em nhỏ bị điếc rất khó phát hiện.

Tổn thương não, động kinh và giảm thị lực là những biến chứng nghiêm trọng khác có thể xảy ra do bệnh não mô cầu. Về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của trẻ.

Những bệnh nhân gặp phải các biến chứng nặng rất cần được chăm sóc, hỗ trợ liên tục và điều trị thêm nếu cần. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm:

  • Vật lý trị liệu, để lấy lại sức mạnh của cơ và khả năng vận động
  • Trị liệu ngôn ngữ
  • Lắp các thiết bị hỗ trợ như máy trợ thính
  • Phẫu thuật thêm trong trường hợp mất da hoặc cắt cụt chi
  • Lắp chân tay giả.

Bệnh viêm màng não mô cầu cũng để lại những hậu quả về vấn đề thay đổi cảm xúc, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các vấn đề xảy ra ở các em có thể là:

  • Hay nổi nóng
  • Quấy khóc
  • Đái dầm
  • Khó ngủ, dễ giật mình tỉnh giấc và gặp ác mộng
  • Đòi sự chú ý của bố mẹ.

Ở người lớn có thể bị hậu quả: thay đổi tâm trạng, tính tình hung hãn, hoặc trầm cảm.

Hậu quả về thể chất có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Nhức đầu
  • Đau, cứng khớp
  • Vấn đề về thị lực
  • Mất trí nhớ ngắn hạn
  • Vấn đề giữ thăng bằng.

Những vấn đề này có được cải thiện qua thời gian, và bằng việc nghỉ ngơi. Trong giai đoạn hồi phục bệnh, cần tránh căng thẳng để đạt kết quả phục hồi nhanh, có thể sử dụng thêm các liệu pháp như tâm lý trị liệu, châm cứu và vi lượng đồng căn để hỗ trợ phục hồi.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Cần thận trọng để tránh truyền vi khuẩn não mô cầu từ người này sang người khác, chủ yếu qua việc ho và hắt hơi, đó là: phải che mũi, miệng trong khi hắt hơi hoặc ho; phải rửa tay và lau khô sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn; không dùng chung chai, cốc uống nước với người khác.

Người bị nhiễm bệnh là người có vi khuẩn trong cơ thể hoặc 48 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Các thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc chăm sóc người nhiễm bệnh đều nên dùng kháng sinh để phòng ngừa bị lây bệnh. Người bị nhiễm bệnh có thể cũng cần dùng kháng sinh sau khi ra viện để tiêu diệt hết vi khuẩn trong cổ họng.

Cách phòng bệnh hiệu quả là tiêm phòng vaccin viêm màng não mô cầu, hiện đã có nhiều loại vaccin cho bệnh này, tuy nhiên nó chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên khi có nhu cầu tiêm chủng mọi người cần đến các phòng tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn và tiêm phòng. Một điểm lưu ý là hiệu quả của vaccin viêm màng não mô cầu không kéo dài, thường chỉ có tác dụng bảo vệ trong vòng 2- 5 năm, do vậy thường chỉ định tiêm vaccin trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Medical Library - Southerncross)

Xem thêm:

  • Tiêm phòng viêm màng não mô cầu A C
  • Các con đường lây lan của viêm màng não mô cầu
  • Nguy cơ tử vong nhanh của bệnh viêm màng não mô cầu