Triệu chứng bệnh sởi ở người lớn chớ coi thường
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn cũng có thể mắc bệnh. Dịch sởi 2019 đang trong giai đoạn cao điểm với ngày càng nhiều ca bệnh, cả ở trẻ em và người lớn. Để hạn chế biến chứng và lây lan cho cộng đồng, không nên coi thường những triệu chứng bệnh sởi ở người lớn.
Triệu chứng bệnh sởi ở người lớn chớ coi thường
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn cũng có thể mắc bệnh. Dịch sởi 2019 đang trong giai đoạn cao điểm với ngày càng nhiều ca bệnh, cả ở trẻ em và người lớn. Để hạn chế biến chứng và lây lan cho cộng đồng, không nên coi thường những triệu chứng bệnh sởi ở người lớn.
Dịch sởi 2019
Theo các nhà khoa học, dịch sởi diễn ra tại một khu vực theo chu kì, ở Việt Nam là 5 năm/ lần. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng kéo dài chu kì và từng bước đẩy lùi bệnh sởi. Tuy nhiên trong giai đoạn gần đây, bệnh sởi đang có dấu hiệu mạnh mẽ trở lại với số ca mắc và số ca tử vong, biến chứng tăng cao.
Năm 2014, dịch sởi diễn ra đã khiến hơn 100 trẻ tử vong, trong đó Hà Nội chiếm một nửa trong số những ca tử vong đó. Với chu kỳ 5 năm, dịch sởi 2019 đang bùng phát trở lại với nhiều ca bệnh được ghi nhận trên các tỉnh thành. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, những ngày đầu năm 2019, số ca mắc sởi đã tăng gấp 14 lần so với cùng kì năm 2018.
Đặc biệt, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận nhiều ca mắc bệnh sởi ở người lớn, trong đó có cả những thai phụ mắc sởi. Theo PGS. TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa: Phụ nữ mang thai mắc sởi thì tỉ lệ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao. Bên cạnh đó, nguy cơ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch cũng tăng hơn nhiều so với người bình thường mắc sởi.
Bệnh sởi ở người lớn
Nhiều người lớn nghĩ bệnh sởi chỉ có ở trẻ em nên chủ quan trước những triệu chứng của bệnh sởi. Theo PGS. Đỗ Duy Cường, bất cứ ai chưa có miễn dịch với sởi hoặc miễn dịch yếu đều có nguy cơ mắc sởi. Trong đó phải kể đến trẻ em và phụ nữ có thai.
Ở người lớn, có thể đã được tiêm phòng sởi hoặc đã mắc sởi từ bé nên có miễn dịch, do đó số ca bệnh sởi ở người lớn ít hơn ở trẻ em. Tuy nhiên, có nhiều người chưa được tiêm phòng, hoặc đã tiêm nhưng chưa có miễn dịch, hoặc ở phụ nữ có thai, khi hệ miễn dịch hoạt động yếu hơn, dễ bị lây nhiễm thì bệnh sởi vẫn xuất hiện với những triệu chứng và biến chứng khó lường.
Sản phụ X., 30 tuổi, ở Bắc Ninh, đang mang thai tuần 25, cho biết: Cách đây khoảng 1 tuần, chị xuất hiện sốt cao, sau nổi ban đỏ khắp người. Chị đi khám sản khoa và được giới thiệu đến khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, với các dấu hiệu như trên, cùng với ho, đau mắt, chảy nước mắt nhiều, chị được chẩn đoán mắc sởi và được chỉ định nhập viện ngay để theo dõi và điều trị.
Các triệu chứng ở thai phụ X. là điển hình cho triệu chứng bệnh sởi ở người lớn, bao gồm:
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao, 39 - 40 độ C, sốt liên tục
- Ho khan, hắt hơi, chảy mũi. Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với viêm đường hô hấp thông thường nên hay bị bỏ qua.
- Mi mắt sưng nề, có nhiều gỉ mắt dính, chảy nước mắt nhiều, liên tục
- Nhạy cảm hơn với ánh sáng, đôi khi nhìn mờ hoặc chói mắt
Các triệu chứng trên kéo dài 3 - 5 ngày, sau đó xuất hiện các dấu hiệu trên niêm mạc, đó là:
- Các hạt Koplik: Hạt nhỏ li ti với trung tâm màu trắng xanh, tập trung thành đám, xung quanh xung huyết đỏ, xuất hiện ở niêm mạc miệng phía má. Hạt Koplik tồn tại khoảng 24 - 48 giờ trước khi có ban sởi, là dấu hiệu chắc chắn của bệnh sởi.
- Ban sởi: Những chấm nhỏ li ti màu hồng nhạt, tập trung thành đám trên da, ấn tay vào màu đỏ biến mất. Ban mọc bắt đầu từ sau tai, lan lên mặt, rồi xuống cổ, thân mình, tay, chân. Ban nổi lên khoảng 3 ngày rồi bay dần. Vùng nào có ban trước thì ban bay trước.
- Mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy.
- Khi xuất hiện ban thì các triệu chứng như sốt, ho giảm dần rồi khỏi hẳn.
Khoảng 5% người lớn mắc sởi sẽ có những biến chứng như viêm phế quản - phổi, viêm loét giác mạc, đặc biệt là viêm não dẫn đến di chứng hoặc tử vong. Tỉ lệ này ở thai phụ lớn hơn rất nhiều. Thai phụ mắc sởi còn có nguy cơ sảy thai, đẻ non, sinh con nhẹ cân, thậm chí dị tật. Khi bị bệnh sởi, mẹ thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Thai phụ mắc sởi trong giai đoạn hình thành - phát triển nào của thai nhi thì sẽ có nguy cơ dị tật thai nhi ở giai đoạn đó.Cần phân biệt ban do sởi với ban do dị ứng: ban nổi theo mảng, ở nơi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, ngứa nhiều hay phát ban do các bệnh khác (như tinh hồng nhiệt, nhiễm trùng,...)
Dự phòng bệnh sởi
Bệnh sởi thường diễn biến tự khỏi, tuy nhiên vẫn có nguy cơ biến chứng, thậm chí tử vong. Việc dự phòng virus xâm nhập, ngăn dịch bùng phát là cực kì cần thiết đối với sức khỏe cộng đồng.
Tiêm vaccine là phương pháp phòng bệnh hiệu quả, đơn giản và phổ biến nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với bệnh sởi, nhờ tiêm vaccine hay do đã từng mắc bệnh, thì miễn dịch này sẽ bền vững suốt đời. Mẹ có kháng thể có thể truyền cho con trong thời gian mang thai, vì vậy trong 9 - 12 tháng đầu trước khi trẻ được tiêm phòng sởi, trẻ ít có nguy cơ mắc sởi. Như vậy, không chỉ trẻ em, mà người lớn, nếu chưa có miễn dịch với sởi đều nên tiêm phòng sởi.
Đối với phụ nữ đang cho con bú, có thể tiêm phòng sởi với sự đồng ý và theo dõi của bác sĩ sản khoa. Kháng thể tạo ra của mẹ có thể bài tiết một phần qua sữa, chuyển cho con.
Tuy nhiên, đối với phụ nữ có thai, KHÔNG NÊN tiêm vaccine phòng sởi mặc dù chưa có thống kê về tỉ lệ trẻ sinh ra bất thường ở những thai phụ tiêm vaccine trong thời kì mang thai. Cần tránh có thai 1 tháng sau khi tiêm phòng. Nếu tiêm xong mới phát hiện có thai, cần đi khám ngay để nhận lời khuyên của bác sĩ.
Vaccine sởi được ghi nhận là khá an toàn, với các phản ứng sau tiêm thường nhẹ hoặc không có. sốt nhẹ, phát ban, sưng đỏ chỗ tiêm,... thường hết sau tiêm 1 - 2 ngày.
Bên cạnh đó, để tránh bùng phát dịch sởi, cần lưu ý:
- Khi mắc sởi nên hạn chế tiếp xúc với người khác hoặc những nơi đông người. Đeo khẩu trang, che miệng khi ho hay hắt hơi, rửa tay bằng xà phòng kháng khuẩn sau khi che miệng,...
- Vệ sinh nhà cửa, lau chùi đồ chung sạch sẽ, nhất là khi trong gia đình có người mắc sởi hoặc sinh sống trong vùng có dịch.
- Khi nghi ngờ có bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và tư vấn điều trị.
Với tình hình dịch sởi 2019 đang diễn biến phức tạp và khó kiểm soát như hiện nay, bất kì ai cũng có thể nhiễm virus. Vì vậy các triệu chứng của bệnh sởi, ở cả trẻ em và người lớn đều không nên chủ quan, coi thường. Tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp phòng tránh tại cộng đồng là cách tốt nhất để dự phòng và ngăn chặn bệnh sởi.
Xem thêm:
- Giải đáp thắc mắc về bệnh sởi có lây không?
- Bệnh sởi có phải là bệnh thủy đậu không
- Bệnh sởi lây qua đường nào?