Trẻ sơ sinh ngủ giật mình khóc hoặc trớ sữa là do đâu?
Bất kì cha mẹ nào cũng mong muốn con mình có được những giấc ngủ thật ngon. Tuy nhiên, một vài trường hợp lại ghi nhận rằng trẻ sơ sinh ngủ giật mình khóc hoặc trớ sữa. Nguyên nhân là do đâu và phải làm sao để khắc phục vấn đề này?
Trẻ sơ sinh ngủ giật mình khóc hoặc trớ sữa là do đâu?
Giấc ngủ của bé, đặc biệt trong những tháng đầu đời, là rất quan trọng vì cơ thể trẻ phát triển trong khi ngủ, chính vì vậy mà bất kì cha mẹ nào cũng mong muốn con mình có được những giấc ngủ thật ngon. Tuy nhiên, một vài trường hợp lại ghi nhận rằng trẻ sơ sinh ngủ giật mình khóc hoặc trớ sữa. Nguyên nhân là do đâu và phải làm sao để khắc phục vấn đề này?
1. Trẻ sơ sinh đang ngủ thì giật mình khóc
Trẻ đang ngủ, bỗng nhiên giật mình khóc thét lên, hoặc hic hic kéo dài, là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh và điều này khiến nhiều cha mẹ lo lắng, không biết liệu bé nhà mình có gặp vấn đề gì không, mặc dù sức khỏe, cân nặng của bé vẫn đạt các chỉ số tiêu chuẩn.
Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, các bác sĩ nhi khoa lý giải rằng, do cơ thể mà trẻ có triệu chứng giật mình khi ngủ, cụ thể là:
Trẻ bị đầy hơi, chướng bụng khi ngủ
Chính cảm giác đầy hơi, chướng bụng khiến trẻ dù đang ngủ vẫn cảm thấy vô cùng khó chịu, sinh ra khóc thét lên. Mẹ hãy chú ý vấn đề dinh dưỡng cho bé, tránh cho bé ăn những thực phẩm khó tiêu hóa, hoặc bản thân mẹ ăn những thực phẩm khó tiêu, dễ dị ứng, khiến nguồn sữa bị ảnh hưởng.
Bé thiếu canxi
Không chỉ là nguyên nhân khiến trẻ giật mình khóc khi đang ngủ, mà tình trạng thiếu canxi còn khiến nhiều trẻ khóc dạ đề suốt đêm, không ngủ được. Thiếu canxi thì hệ xương của bé không phát triển tốt, và bé dễ bị nhức xương ban đêm dẫn đến khóc.
Do bé đói hoặc tè ướt tã, hoặc do bé đang bị bệnh nào đó
Viêm họng, viêm tai giữa, mẹ hãy xem bé có phải đang bị bệnh hay không nhé.
>>> Xem thêm: Phản xạ ngủ giật mình ở trẻ sơ sinh – Có đáng lo ngại?
Do yếu tố tâm lý mà trẻ cũng có thể bị giật mình khóc nửa đêm
Đó có thể là do trẻ bị ác mộng, hoặc tự dưng bị chuyển chỗ ngủ, hoặc không được ngủ chung với mẹ...Những hiện tượng này là rất bình thường và vô hại với bé, bạn không cần phải quá lo lắng nhé.
Ứng xử kịp thời khi trẻ đang ngủ bị giật mình khóc là rất quan trọng để trẻ lại có thể nhanh chóng ngủ lại. Trường hợp khi trẻ sơ sinh đang ngủ bị giật mình khóc, mẹ không nên ngay lập tức vỗ về bé mà hãy quan sát một tí. Nếu tình trạng giật mình khóc xảy ra rất nhanh, trẻ sẽ tự động ngủ lại mà không cần sự tác động của mẹ. Trường hợp trẻ giật mình và khóc dai dẳng, mẹ nên bế bé lên, vỗ về cho đến khi bé ngủ lại và đặt lại bé xuống nôi. Tuyệt đối không nên tập cho bé ngủ thường xuyên trên tay mẹ, vừa không đúng tư thế ngủ cho bé vừa khiến bé dễ quen hơi mẹ, sau này rất khó để mẹ tách bé ra nếu đi làm lại sau thời gian ở cữ.
Đồng thời với đó, hãy quan sát xem có phải trẻ đang mắc chứng bệnh nào đó hay không để có hướng mang bé đến bác sĩ kịp thời. Mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ canxi và tắm nắng cho bé mỗi ngày để bé không bị còi xương và cũng tránh được tình trạng giật mình khóc lúc nửa đêm nhé.2. Trớ sữa - nguyên nhân và cách khắc phục
Cùng với hiện tượng đang ngủ bị giật mình khóc, thì tình trạng nôn trớ sữa ở trẻ sơ sinh cũng khiến nhiều mẹ đau đầu. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu mẹ lưu ý những vấn đề sau đây:
Xác định nguyên nhân trẻ bị trớ sữa: thông thường, trẻ bị trớ sữa là do lượng sữa bú quá nhiều, bé bị đầy bụng dẫn đến dễ nôn ói, mặc khác, cũng là do cơ thể bé chưa phát triển toàn diện, trong quá trình bú sữa trẻ nuốt nhiều hơi vào dạ dày, lượng hơi dư thừa này khiến trẻ dễ bị ọc sữa hơn. Nguyên nhân khác, là do trr bị dị tật đường tiêu hóa hoặc mắc bệnh đường tiêu hóa, biểu hiện cụ thể là có thể trớ sữa bất cứ lúc nào, không chỉ là sau khi bú xong.Tìm cách khắc phục: hầu như trẻ sơ sinh nào cũng bị trớ sữa, làm thế nào để chấm dứt tình trạng này hầu như rất khó, bạn chỉ có thể thực hiện những mẹo vặt đơn giản để có thể hạn chế tình trạng này:
- Không nên quá đè nặng áp lực cho bé khi cho bé bú. Nếu bé có dấu hiệu không muốn bú nữa, không nên ép bé.
- Mỗi lần bú ít sữa hơn nhưng tăng cữ bú để đảm bảo bé không quá no trong mỗi lần bú nhưng vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng để phát triển.
- Sau mỗi lần cho bé bú, ôm thẳng người bé từ 20-30 phút, tránh để bé nằm nghiêng ngay sau khi bú vì dễ bị trớ sữa hơn
- Không chơi đùa mạnh tay với bé sau mỗi lần bú. Hoạt động mạnh có thể khiến trẻ bị nôn ói nhiều hơn.