Trẻ sơ sinh bị táo bón - hãy bình tĩnh, bạn hoàn toàn có thể giải quyết được

Táo bón là bệnh lý tiêu hóa có thể gặp ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, dinh dưỡng và chế độ ăn, sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh cũng như đóng góp trong điều trị bênh. Vậy với trẻ sơ sinh – đối tượng vô cùng nhạy cảm, phải chăm sóc như thế nào mới đúng cách?

Trẻ sơ sinh bị táo bón - hãy bình tĩnh, bạn hoàn toàn có thể giải quyết được Trẻ sơ sinh bị táo bón - hãy bình tĩnh, bạn hoàn toàn có thể giải quyết được

Táo bón có thể là một vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh. Nếu không điều trị, nó có thể gây ra tắc nghẽn đường ruột có thể phải phẫu thuật. Táo bón ở trẻ sơ sinh cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế nghiêm trọng hơn. Vì vậy, việc phát hiện táo bón ở trẻ sơ sinh của bạn và xử trí là rất quan trọng. May mắn thay, có một số phương pháp mà các bậc phụ huynh có thể làm để giảm bớt táo bón của bé.

vicare.vn-huong-dan-cham-soc-tre-so-sinh-bi-tao-bon-body-1

1. Nhận biết các dấu hiệu của táo bón ở trẻ sơ sinh

Giảm số lần đi ngoài

Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài 2-3 lần/ ngày, nếu thấy trẻ đi ngoài ít hơn, mẹ có thể nghĩ đến khả năng trẻ bị táo bón. Tuy nhiên, có một số trẻ hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn các trẻ khác nên chỉ đi ngoài 1 lần/ ngày hoặc có ngày không đi. Do đó, mẹ hãy theo dõi thêm các dấu hiệu khác để nhận biết việc trẻ có bị táo bón hay không.

Đi ngoài khó khăn

Trẻ sơ sinh bị táo bón sẽ gặp nhiều khó khăn mỗi lần rặn đi ngoài. Trẻ thường ưỡn lên để rặn, mặt đỏ lên, vã mồ hôi, thậm chí trẻ khóc ré lên vì bị đau.

Phân khô, rắn

Trẻ sơ sinh bị táo bón sẽ đi ngoài phân rắn, có nhiều đường rạn hay khía trên bề mặt như xúc xích cũng có thể lổn nhổn như hạt. Đôi khi quan sát bỉm trẻ thay ra, mẹ thấy phân có lẫn máu do trẻ bị nứt kẽ hậu môn khi rặn.

Bụng chướng, sờ vào thấy cứng

Thức ăn sau khi tiêu hóa không được thải ra khỏi cơ thể sẽ khiến bụng trẻ bị chướng, sờ vào thành bụng có thể thấy khối phân cứng nổi gồ lên. Kèm theo là hiện tượng trẻ bị đầy hơi do hơi lưu thông trong đường tiêu hóa bị khối phân táo chặn lại, ăn khó tiêu, xì hơi nặng mùi.

Biếng ăn và quấy khóc vào ban đêm

Khi bị táo bón lâu ngày, các chất độc trong cơ thể trẻ không được thải ra ngoài mà còn có nguy cơ hấp thu ngược trở lại, khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn và quấy khóc về đêm vì khó chịu.
>>> Xem thêm: Cách nhận biết, nguyên nhân và cách điều trị táo bón ở trẻ nhỏ
vicare.vn-huong-dan-cham-soc-tre-so-sinh-bi-tao-bon-body-2

2. Chăm sóc trẻ sơ sinh bị táo bón

Bổ sung nước

Táo bón thường xuất hiện khi trẻ bị thiếu nước. Mẹ cần cho trẻ bú hoặc uống sữa (với những trẻ phải nuôi dưỡng bằng sữa công thức) thường xuyên hơn, khoảng cách giữa các lần bú rút ngắn xuống 2 tiếng/lần.

Sử dụng thuốc glycerin

Khi thay đổi chế độ ăn uống, bù nước cho trẻ không có hiệu quả, mẹ có thể thử sử dụng thuốc glycerin. Nhẹ nhàng đặt thuốc vào hậu môn của bé để giúp bôi trơn phân. Tuy nhiên, thuốc glycerin không tốt cho trẻ nếu mẹ sử dụng thường xuyên, lâu dài. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cho bé.

Mát xa vùng bụng

Nhẹ nhàng mát xa theo vòng tròn quanh rốn trẻ theo chiều kim đồng hồ sẽ phần nào hỗ trợ nhu động ruột của trẻ hoạt động tốt hơn, giúp tăng cường tiêu hóa sữa ở trẻ sơ sinh. Nên mát xa 3 - 5 phút sau mỗi lần mẹ cho bú.

Cho trẻ tắm nước ấm

Nước ấm sẽ giúp trẻ thư giãn đủ để kích thích nhu động ruột giúp quá trình đào thải phân tốt hơn. Hoặc mẹ có thể dùng khăn thấm nước ấm đặt lên bụng của trẻ để làm tăng hoạt động của ruột.

Đưa trẻ đi khám

Khi đã thử các phương pháp ở trên không hiệu quả, mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Trong một số trường hợp, táo bón có thể làm tắc nghẽn đường tiêu hóa hoặc là nguyên nhân của một bệnh lý thực thể nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Bác sĩ sẽ kiểm tra đầy đủ nguyên nhân gây táo bón và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ.
vicare.vn-huong-dan-cham-soc-tre-so-sinh-bi-tao-bon-body-3

Các dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay

Táo bón ở trẻ sơ sinh có thể là vấn đề nghiêm trọng nếu đi kèm với các triệu chứng như chảy máu trực tràng hay nôn trớ. Khi phát hiện trẻ có hiện tượng này, hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ khám và loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm. Ngoài ra một số dấu hiệu cảnh báo khác cần đi khám như:

- Ngủ quá nhiều hoặc khó chịu

- Bụng chướng

- Bú kém

- Tiểu ít

Vicare hi vọng với những thông tin trên đây, các bậc phụ huynh đang chăm sóc trẻ ở độ tuổi sơ sinh có thể xây dựng cho mình cách nhận biết các dấu hiệu của táo bón ở trẻ sơ sinh và cách chăm sóc,theo dõi khi trẻ bị táo bón.
>>> Xem thêm: Mách mẹ cách massage trị táo bón cho trẻ sơ sinh