Trẻ sinh non 8 tháng liệu có còn nguy hiểm?

Theo thống kê gần đây, số lượng trẻ sinh non ở Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng. Trong những năm gần đây tỉ lệ trẻ sinh non đã gần khoảng 7%. Điều đó tương ứng với mỗi năm cả nước có khoảng 100.000 - 110.000 trẻ sinh non. Vậy trẻ sinh non 8 tháng có còn nguy hiểm?

Trẻ sinh non 8 tháng liệu có còn nguy hiểm? Trẻ sinh non 8 tháng liệu có còn nguy hiểm?

Trẻ sinh non là trẻ có tuổi thai dưới 37 tuần và có khả năng sống được. Trẻ sinh non được chia thành 3 nhóm:

  • Sinh cực non: Trẻ được sinh trước tuần thai thứ 26.
  • Sinh non: Trẻ ra đời trong khoảng tuần thai thứ 32 - 35.
  • Non muộn: Trẻ ra đời trong khoảng tuần thai thứ 35 - 37.

Trẻ sinh non ở 8 tháng sẽ nằm trong nhóm trẻ sinh non. Đối với trường hợp trẻ sinh cực non sẽ có những nguy hiểm cần phải lưu ý, vậy còn đối với trẻ sinh non (trẻ sinh 8 tháng) liệu những nguy hiểm này có giảm bớt đi? Liệu trẻ sinh non 8 tháng thì có sao không ?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh non 8 tháng

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sinh non:

Nguyên nhân từ phía người mẹ

- Người mẹ có tuổi đời còn quá trẻ (< 16 tuổi) hay quá già (> 40 tuổi).

- Người mẹ sử dụng rượu, thuốc lá và chất kích thích trong quá trình mang thai.

- Hoặc người mẹ phải lao động nặng nhọc, không được chăm sóc và chưa có chế độ dinh dưỡng hợp lý khi có thai.

- Áp lực cuộc sống và công việc khiến tâm lý người mang thai không ổn định tốt sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý mang thai.

- Bên cạnh đó có thể do người mẹ mắc các bệnh:

  • Các bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính: cúm, sốt xuất huyết, viêm phổi.
  • Các bệnh lý nhiễm khuẩn mạn tính: lao, viêm gan, đái tháo đường, giang mai, bệnh tim, bệnh thận, bệnh thần kinh...
  • Các bệnh lý phụ khoa: nhiễm độc thai nghén; hở eo cổ tử cung, sản giật...
  • Các sang chấn ngoại khoa như mổ ruột thừa khi mang thai, tai nạn giao thông, ngã,...
  • Các bệnh lý miễn dịch, di truyền, nội tiết: bất đồng nhóm máu Rh, tiền sử đẻ non, sảy thai...
vicare.vn-tre-sinh-non-8-thang-lieu-co-con-nguy-hiem-body-1

Nguyên nhân từ phía thai nhi

  • Bất đồng nhóm máu Rh.
  • Đa thai
  • Thai dị dạng nặng.
  • Suy thai.
  • Suy dinh dưỡng bào thai

Những ảnh hưởng của việc sinh non 8 tháng tuổi

Thể trạng

Thông thường, trẻ khi sinh ra đủ tháng cân nặng trung bình 2,9 - 3 kg. Trẻ sinh non 8 tháng (tuần tuổi thứ 32) thường có cân nặng khoảng 1,4 - 3,2 kg. Ở trường hợp này thì khả năng về sự sống của trẻ sinh non ở tuần thứ 32 là 95%, khá cao hơn so với những trẻ thuộc nhóm sinh cực non. Điều này không đồng nghĩa với việc trẻ có thể phát triển hoàn toàn bình thường như trẻ đủ ngày đủ tháng. Những đứa trẻ này cần phải được nuôi dưỡng đúng cách và đầy đủ. Nếu được chăm sóc đầy đủ thì sau 2 - 3 tháng trẻ sinh non 8 tháng có thể đạt mức cân nặng như những đứa trẻ bình thường khác. Ngược lại, nếu tiếp tục bị suy dinh dưỡng, trẻ sẽ trở nên còi cọc, trí tuệ kém phát triển.

Thân nhiệt

Ở trẻ sinh non 8 tháng thì trẻ rất dễ rơi vào trường hợp bị hạ thân nhiệt.

Nguyên nhân:

  • Do trung tâm điều hòa nhiệt ở trẻ chưa được hoàn chỉnh dẫn đến chức năng hoạt động kém.
  • Lớp mỡ dưới da mỏng, diện tích da tương đối rộng.
  • Điều hòa hệ nội mô chưa thật sự hoàn chỉnh.

Vì vậy, trong trường hợp chăm sóc và điều trị trẻ sinh non 8 tháng phải chú ý luôn luôn giữ ấm cho trẻ bằng nhiều biện pháp như: ủ ấm bằng chăn, bằng giường sưởi ấm, hoặc bằng lồng ấp. Phòng sơ sinh của trẻ luôn phải giữ ấm nhiệt độ phòng 28 độ, không có gió lùa. Luôn đảm bảo cho thân nhiệt của trẻ >36°5C.

Hệ hô hấp

Trẻ sinh non 8 tháng thường khóc chậm, khóc yếu, thở không đều. Những trẻ ở trường hợp này rất dễ bị suy hô hấp. Nguyên nhân là do hệ hô hấp của trẻ không đủ khả năng duy trì sự trao đổi khí phù hợp với nhu cầu của cơ thể, do tình trạng xẹp phổi do thiếu chất surfactant – một chất làm giảm hoạt bề mặt có tác dụng duy trì tính ổn định của phế nang, giúp cho các phế nang không bị xẹp. Ở trẻ sinh non, các cơ hô hấp cũng chưa phát triển đầy đủ, lồng ngực mềm nên phổi dễ bị xẹp. Vì vậy, trẻ vẫn cần sự hỗ trợ của máy thở để cung cấp ôxy.

vicare.vn-tre-sinh-non-8-thang-lieu-co-con-nguy-hiem-body-2

Thị giác

Mạch máu võng mạc ở mắt là phần cuối cùng phát triển hoàn thiện cho đến khi thai nhi đủ tháng. Đối với trẻ sinh 8 tháng, mạch máu võng mạc thường chưa được hoàn thiện, khiến thị giác của trẻ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó khi nồng độ oxy trong máu quá cao (gặp nhiều trong thở oxy áp lực cao ) sẽ khiến võng mạc của trẻ giãn nở và co thắt bất thường, gây tổn hại thị giác, có thể khiến mù lòa nếu không kịp thời phát hiện và điều trị cho trẻ.

Tim mạch

Những trẻ sinh non ở 8 tháng tuổi thường rất dễ bị hạ huyết áp và rối loạn nhịp tim. Đó chính là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hoạt động thể chất của trẻ sau này.

Bệnh lý về da

  • Nhiễm trùng da: Da trẻ sinh non ở trường hợp 8 tháng tuổi vẫn còn rất mỏng nên trẻ dễ bị viêm da, đỏ da, nhiễm trùng có mủ, nhiễm trùng rốn.
  • Vàng da: cũng là một căn bệnh phổ biến ở nhóm trẻ này. Bilirubin là một sản phẩm được chuyển hóa từ hemoglobine. Chức năng gan của trẻ chưa hoàn chỉnh nên khó có khả năng chuyển hóa Bilirubin gián tiếp thành Bilirubin trực tiếp. Bilirubin trực tiếp tan trong nước rồi được đưa ra ngoài theo phân và nước tiểu. Nếu vàng da ở trẻ sơ sinh không được phát hiện và chữa trị thì sự tích tụ của bilirubin trong cơ thể sẽ tăng lên rất cao có thể gây ra tổn thương não.

Chuyển hóa các chất

Do các bộ phận trong cơ thể của trẻ sinh non 8 tháng chưa hoàn thiện nên quá trình chuyển hóa các chất cũng kém.

Trẻ rất dễ bị hạ canci dẫn đến tình trạng: Các ngón tay nắm chặt, chân duỗi thẳng, co giật các chi.

Trẻ sinh non 8 tháng thường thiếu vitamin K nên dễ bị xuất huyết, các yếu tố đông máu: plasminogen, proconvertin, proaccelerin... đều giảm, đặc biệt prothrombin giảm nhiều (15 – 20%); các vitamin như A, D, E, K, ... đều thiếu, cộng với sức bền thành mạch yếu vì thế trẻ rất dễ bị xuất huyết đặc biệt là xuất huyết não màng não.

Bên cạnh đó, trẻ sinh non 8 số lượng hồng cầu ít dẫn đến hiện tượng thiếu máu khiến trẻ xanh xao và chậm tăng cân. Thiếu hụt bạch cầu dẫn đến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Tiêu hóa

Các triệu chứng như hay nôn ói, trướng chụng, tiêu phân lỏng nhiều lần/ngày sẽ rất hay gặp phải ở những trẻ này. Nguyên dân là do dạ dày của trẻ còn nhỏ, men tiêu hóa còn hạn chế và ruột chưa phát triển hoàn thiện. Nếu nặng hơn sẽ dẫn đến tình trạng viêm ruột hoại tử ở trẻ.

Não bộ

Xuất huyết trong não thất là bệnh lý thường thấy ở nhóm trẻ sinh non 8 tháng này. Do các mạch máu trong não của trẻ chưa phát triển đầy đủ, chúng rất mỏng và có nguy cơ đứt làm chảy máu vào khu vực chứa dịch lỏng (não thất).

Nhiều người vẫn cho rằng trẻ sinh non ở tháng thứ 8 thì sẽ không có vấn đề gì nhưng thực thế thì vẫn luôn tồn tại rất nhiều nguy hiểm cho trẻ trong giai đoạn phát triển. Sinh non là việc không mọi ai mong muốn xảy ra, nhưng nếu chẳng may rơi vào trường hợp này thì các bậc cha mẹ phải nên hết sức lưu ý, nên theo dõi trẻ thường xuyên và phối hợp tốt với bác sĩ để trẻ sinh non nhưng vẫn có phát triển khỏe mạnh nhưng những trẻ đủ tháng khác.

Xem thêm:

  • Làm thế nào khi trẻ sinh non bị vàng da?
  • Mẹ nên ăn gì để lợi sữa cho sự phát triển của con sinh non?
  • Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sinh non mẹ bầu phải biết