Trẻ dùng nhiều đồ công nghệ cảnh giác với hội chứng Tic
Hội chứng Tic (rối loạn Tic) tuy không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng nó ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khiến trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt, quan hệ với bạn bè và gia đình. Đó là lý do gia đình, bố mẹ của trẻ cần có kiến thức để chủ động phòng tránh.
Trẻ dùng nhiều đồ công nghệ cảnh giác với hội chứng Tic
Hội chứng Tic (rối loạn Tic) tuy không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng nó ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khiến trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt, quan hệ với bạn bè và gia đình. Đó là lý do gia đình, bố mẹ của trẻ cần có kiến thức để chủ động phòng tránh.
Hội chứng Tic là gì?
Tic là những âm nói hoặc cử động của cơ thể, xảy ra đột ngột, nhanh và lặp đi lặp lại. Hành động này mang tính rập khuôn nhưng không ăn khớp với nhau. Đây là những hành động mà trẻ khó có thể cưỡng lại được, tuy nhiên trẻ có thể cố gắng kìm chế cử động hoặc phát ra âm thanh trong một khoảng thời gian.
Định nghĩa hội chứng Tic - rối loạn Tic (Tic disorder): là một loại rối loạn vận động, được định nghĩa như là sự sai lệch của những vận động không chủ ý. Dù độ nặng nhẹ của rối loạn khác nhau ở từng trẻ, rối loạn Tic có thể đi kèm bới nhiều rối loạn về thần kinh vận động khác.
Trẻ em và vị thành niên là hai nhóm đối tượng thường bộc lộ các hành vi Tic. Chúng thường xảy ra sau một nhân tố kích thích, hoặc do phản ứng lại với các tình huống từ bên trong.
Phân loại hội chứng Tic
Hội chứng Tic thường được phân biệt bởi một loạt triệu chứng đặc trưng của Tic, tần số và kiểu cách trong mỗi lần chúng xuất hiện tăng dần.
Theo Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA), các rối loạn được phân biệt với theo 3 tiêu chí: độ tuổi khởi phát, thời gian kéo dài rối loạn, số lượng và độ đa dạng các triệu chứng Tic.
Rối loạn Tic nhất thời ( rối loạn Tic lành tính thời thơ ấu)
Trẻ khởi phát triệu chứng trước 18 tuổi; các cử động Tic diễn ra nhiều lần trong ngày - gần như mỗi ngày - trong ít nhất 4 tuần nhưng không quá 12 tháng; trẻ không mắc hội chứng Tourette hay rối loạn Tic mãn tính.
Rối loạn Tic vận động và Tic âm thanh mãn tính
Các tiêu chí bao gồm trẻ phải dưới 18 tuổi; các cử động tic xảy ra gần như mỗi ngày hoặc không liên tục trong khoảng thời gian hơn 1 năm, giai đoạn không có triệu chứng không kéo dài quá 3 tháng; và trẻ không mắc hội chứng Tourette.
Theo đó có Tic vận động và Tic âm thanh được chia ra loại đơn thuần và phức tạp, tuy nhiên ranh giới của hai loại Tic này không rõ ràng.
Ví như, Tic vận động đơn thuần biểu hiện ở mặt (nháy mắt, nhăn mặt, nhếch mép, lè lưỡi, lắc cằm, cau mày), ở cổ (lắc cổ, quay cổ, gật đầu), ở tay (nhún vai, giơ cánh tay, giơ bàn tay hay ngón tay). Còn Tic âm thanh đơn thuần biểu hiện như ho, hắng giọng, hít, ngáp, hỉ mũi, khịt mũi, tặc lưỡi, gâu gâu, ụt ịt.
Tic vận động phức tạp biểu hiện như vỗ vào người mình, nhảy, ngắm vuốt, giậm chân. Còn Tic âm thanh phức tạp như nói các từ hay câu đặc biệt không đúng lúc đúng chỗ, thường là tục tĩu và nhại từ hay lời người khác.
Rối loạn Tourette (Hội chứng Tourette hay TS)
Đây được xem là dạng nghiêm trọng nhất trong 4 loại rối loạn tic. Các tiêu chí chẩn đoán trong DSM – IV đã chỉ ra rằng độ tuổi khởi phát của trẻ phải dưới 18 tuổi.
Các triệu chứng Tic bao gồm đồng thời cả Tic vận động và Tic phát âm, dù không nhất thiết phải xảy ra cùng lúc. Các cử động Tic phải xảy ra nhiều lần trong ngày, gần như mỗi ngày hoặc trong những thời kì kéo dài hơn 1 năm, giai đoạn không biểu hiện triệu chứng không kéo dài quá 6 tháng. Có sự biến đổi về số lượng, vị trí, mức độ nghiêm trọng, sự phức tạp và tần suất của các triệu chứng theo thời gian. Và các triệu chứng này không do nguyên nhân từ ảnh hưởng của một chất nào đó (như chất kích thích) hoặc bệnh về hệ thần kinh trung ương.
Rối loạn Tic không đặc hiệu
Bao gồm tất cả những trường hợp không hội đủ tiêu chí để chẩn đoán cho bất kì dạng rối loạn Tic cụ thể nào.
Các loại rối loạn Tic trên có thể xuất hiện đơn lẻ, kết hợp hay kế tiếp nhau trên cùng một người bệnh; khởi phát thường ở 6 - 7 tuổi.
Mức độ nặng nhẹ của các loại Tic cũng rất khác nhau. Có khi Tic biểu hiện gần giống hành vi bình thường (10% - 20% trẻ em ở thời điểm nào đó có các Tic nhất thời). Hãn hữu có thể là Tic rất nặng ảnh hưởng đến học tập, lao động như hội chứng Gilles de la Tourrette.
Triệu chứng của hội chứng Tic
Đôi khi, rối loạn Tic có thể được biểu hiện bằng các vận động đơn giản hoặc phức tạp. Tất cả các cử động tic đều diễn ra một cách vô thức và hầu như trẻ không thể kiểm soát chúng.
Các loại Tic vận động
Tic vận động đơn giản chỉ bao gồm sự hoạt động của một nhóm cơ với các triệu chứng thường thấy gồm:
- Nháy mắt hoặc nheo mắt
- Nhăn mũi
- Cử động lưỡi, ví dụ như trẻ thè lưỡi ra ngoài
- Xoay đầu hoặc giật đầu
- Nhảy hoặc đúng lên ngồi xuống liên tục
- Bẻ khớp ngón tay
- Nhún vai
Tic vận động phức tạp gồm có những hoạt động của nhiều hơn một nhóm cơ hoặc được tạo thành từ một nhóm các Tic vận động đơn giản. Tic vận động phức tạp thường chậm hơn, và biểu hiện giống như trẻ cố ý thực hiện những hành động này. Loại Tic vận động phức tạp có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày của trẻ, nhưng thường không gây nguy hại gì. Các triệu chứng thường có gồm:
- Nhăn mặt
- Cúi người xuống chạm đất
- Chỉnh thẳng quần áo
- Cắn môi
- Đập đầu
- Chạm vào người khác hoặc những đồ vật khác
- Những hành động hoặc cử chỉ khiêu dâm
Các loại hội chứng Tic phát âm
Tic phát âm đơn giản là khi trẻ tạo ra những âm thanh khi không khí đi qua mũi hoặc miệng của trẻ. Triệu chứng thường thấy là:
- Ho
- Lẩm bẩm
- Sủa
- Thở rít
- Khụt khịt mũi
- Ngáy
- Tằng hắng
Tic phát âm phức tạp là khi trẻ nói ra những từ, cụm từ hoặc câu. Tic phát âm phức tạp có thể ảnh hưởng đến mạch nói bình thường của trẻ, hoặc đôi khi được nói ngay đầu câu như một dạng nói lắp. Các triệu chứng bao gồm:
- Lặp lại một âm thanh, từ hoặc cụm từ
- Sử dụng những từ ngữ thô tục, gây mất lòng, hoặc những từ hay cụm từ không được xã hội chấp nhận (thường ít gặp).
Phương pháp điều trị hội chứng Tic
- Tư vấn cho gia đình bệnh nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị hội chứng Tic. Vì gia đình bệnh nhân có thể lo sợ Tic và có các phản ứng khác nhau. Do đó, cần giải thích cho các thành viên trong gia đình của bệnh nhân hiểu về Tic, nhận định được rõ và có cách làm dịu các phản ứng đó: không quá lo sợ Tic, không kìm nén Tic, không xem Tic là vấn đề gì lớn, đồng thời có thái độ đúng mực với bệnh nhân.
- Khi điều trị rối loạn Tic phải xem xét và tính đến các tâm bệnh lý kèm theo hay kết hợp.
- Liệu pháp hóa dược: Haloperidol (Haldol) là thuốc điều trị Tic được lựa chọn hàng đầu, sau đó đến Clonidin (Catapresan): là lựa chọn thứ hai nếu điều trị bằng Haloperidol không hiệu quả.
- Bên cạnh đó người bệnh còn được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và liệu pháp hành vi.
Rối loạn Tic là hội chứng không thể điều trị triệt để, với khả năng tái phát rất cao nên cha mẹ cần hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, xem ti vi và cần tạo môi trường lành mạnh về tinh thần và thể chất cho trẻ. Với những trẻ đã mắc hội chứng Tic, bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc để làm dịu thần kinh của trẻ. Tuy nhiên với một số trường hợp nặng phải điều trị tâm lý kèm theo.
Xem thêm:
- Tại sao không nên dùng đồ điện tử khi ở gần con?
- Người hay dùng điện thoại hãy ghi nhớ những nguyên tắc sau để không gây hại sức khỏe
- Sóng điện thoại ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh như thế nào?