Trẻ bị ho gà, bố mẹ nên làm gì?

Ho gà là căn bệnh có diễn biến phức tạp nhưng lại rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng ho thông thường. Do vậy, các bậc cha mẹ nên nắm rõ về dấu hiệu nhận biết, cách chăm sóc trẻ bị bệnh và biện pháp phòng ngừa.

Trẻ bị ho gà, bố mẹ nên làm gì? Trẻ bị ho gà, bố mẹ nên làm gì?

Ho gà là bệnh gì?

Ho gà (Whooping cough) là bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn ho gà (Bordetella pertussis) gây ra. Tiếng ho gà giống tiếng rít cổ ở gà. Đây là căn bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết ở đường hô hấp từ niêm mạc mũi, họng của người mang mầm bệnh khi ho, hắt hơi.

Ho gà có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai nhưng tệ nhất là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là đối tượng chính rất dễ mắc bệnh bởi sức đề kháng của các bé còn yếu hoặc do chưa được tiêm phòng vắc-xin ho gà. Bệnh diễn ra quanh năm và cách thức truyền bệnh rất dễ dàng nên rất nguy hiểm, có khả năng bùng phát thành dịch.

Thời tiết ẩm ướt, thất thường là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Người lớn và trẻ lớn bị bệnh thường đỡ biến chứng trong khi trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong cao và cần được theo dõi chặt chẽ.

vicare.vn-tre-bi-ho-ga-bo-me-nen-lam-gi-body-1

Các triệu chứng nhận biết của bệnh ho gà

Ho dữ dội

Vi khuẩn ho gà gây kích thích cực độ đến đường hô hấp, dẫn tới xuất hiện các cơn ho dữ dội, kéo dài và không thể tự kiềm chế được. Bệnh thường tồn tại trong vòng vài tuần tùy vào độ tuổi, thể trạng, mức độ bệnh, thời gian phát hiện, phương pháp điều trị, ...

Sốt nhẹ ở giai đoạn đầu

Trẻ bị ho gà giai đoạn khởi phát thường có dấu hiệu sốt nhẹ, kèm theo đó là ho và cảm thông thường.

Các dấu hiệu điển hình của ho gà giai đoạn muộn

  • Các cơn ho kéo dài hơn, lặp lại nhiều lần, xuất hiện một cách tự nhiên hoặc do một kích thích nhỏ gây ra
  • Bệnh nhi phải gắng sức mới thở được và có thể nôn ói sau khi ho (nôn ra thức ăn, nước dãi trong suốt, đờm đặc quánh)
  • Trẻ ho rũ rượi, đỏ mặt, sau cơn ho trẻ có lúc ngừng thở, tím tái
  • Thở rít vào sau mỗi cơn ho
  • Sau khi ho, trẻ mệt bơ phờ, thở gấp và mình đẫm mồ hôi
  • Ngoài ra, một số trẻ còn thấy một số triệu chứng như: xuất huyết kết mạc mắt, chảy máu cam, bầm tím quanh mi mắt dưới
  • Càng về sau cơn ho càng ngắn lại và giảm số lần ho, đồng thời cũng giảm bớt nguy cơ lây nhiễm. Trẻ mất khoảng 2 – 3 tuần để hồi phục.

Phân biệt ho gà với ho thường, viêm phế quản

Phân biệt ho gà với ho thông thường: cách nhận biết thường dựa vào cơn ho của trẻ. Ở trẻ sơ sinh, cơn ho biểu hiện không rõ nhưng có thể ngừng thở, mặt tím tái do thiếu oxy nặng. Còn đối với trẻ lớn từ 5 tuổi trở lên các cơn ho sẽ là một tràng dài, sau đó hít một hơi rồi bắt đầu cơn ho khác. Sau đó có kèm theo nôn ọe và nước dãi chảy ra.

Phân biệt ho gà với viêm phế quản: các biểu hiện của hai bệnh này khá tương đồng nhưng viêm phế quản có cảm giác đau tức ngực, thở khò khè, ho có đờm màu vàng hoặc xanh. Viêm phế quản thường gây ho vào sáng sớm lúc mới ngủ dậy.

Để biết chính xác loại bệnh trẻ mắc phải, phụ huynh không nên tự chẩn đoán mà cần đến bệnh viện chuyên khoa Nhi để có các bác sĩ khám, điều trị đúng bệnh.

vicare.vn-tre-bi-ho-ga-bo-me-nen-lam-gi-body-2

Một số biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc ho gà

  1. Viêm não: đây là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, có tỷ lệ tử vong cao. Trẻ có biểu hiện co giật, hôn mê, sốt cao li bì.
  2. Viêm phổi nặng: trẻ sơ sinh và trẻ bị suy dinh dưỡng rất hay gặp phải biến chứng hô hấp này.
  3. Biến chứng cơ học: trẻ bị sa trực tràng, lồng ruột hoặc thoát vị. Một vài trường hợp nặng có thể dẫn đến vỡ phế nang, tràn khí màng phổi hoặc tràn khí trung thất.
  4. Biến chứng khác: khả năng cao bị xuất huyết võng mạc, rối loạn nước điện giải, kết mạc mắt, bội nhiễm các vi khuẩn khác. Bên cạnh đó, ho dai dẳng kéo dài dễ làm cho trẻ kiệt sức, mệt mỏi, không ăn được, bỏ bú, nhất là đối với trẻ sơ sinh.

Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh để xử lý và điều trị là rất quan trọng đối với trẻ bị ho gà.

Cách chăm sóc trẻ bị ho gà

Đối với những trẻ mắc bệnh thể nhẹ (cơn ho ít và ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường, không bị tím mặt) thì phụ huynh có thể chăm sóc bệnh nhân ho gà tại nhà bên cạnh sự tư vấn của bác sĩ.

  • Cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, tránh kích thích bởi khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất, ...
  • Duy trì cho trẻ bú sữa mẹ bình thường sau khi cơn ho đã ổn định. Trường hợp trẻ đã ăn dặm và trẻ lớn cần cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, dạng lỏng (nước cháo loãng, nước ép trái cây), chia ra nhiều bữa ăn và mỗi lần ăn ít từng chút một.
  • Vệ sinh mũi miệng và cơ thể cho trẻ. Trẻ lớn có thể tự súc miệng, đánh răng. Trẻ nhỏ thì dùng khăn mềm nhúng nước ấm lau sạch miệng, đờm. Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%.
  • Cách ly trẻ và cho uống thuốc theo đơn của bác sĩ (nếu có).

Lưu ý về chế độ dinh dưỡng dành cho trẻ bị ho gà:

  • Bổ sung nguồn thực phẩm giàu chất sắt, kẽm và sinh tố A như gà, trứng, thịt bò, rau xanh thẫm, đỏ
  • Tránh cho trẻ ăn đồ đông lạnh bởi có khả năng gây ra tắc khí ở phổi hoặc các triệu chứng bệnh nặng hơn
  • Nếu trẻ bị sốt cần bù nước nước bằng cách uống dung dịch oresol, ...
vicare.vn-tre-bi-ho-ga-bo-me-nen-lam-gi-body-3

Khi nào cần đưa trẻ đi viện?

Nếu việc điều trị ngoại trú không cải thiện triệu chứng bệnh, trẻ ho kèm theo một trong các dấu hiệu sau thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện, cơ sở y tế để kiểm soát tình trạng bệnh tốt nhất.

  • Ngủ ít
  • Thở nhanh hoặc thở khó khăn
  • Ăn kém, nôn trớ nhiều lần
  • Các cơn ho của trẻ liên tục, kéo dài, mặt đỏ hay tím tái

Cách phòng và điều trị bệnh ho gà cho trẻ

Tiêm phòng vắc xin ho gà

Tiêm chủng vắc-xin cho trẻ là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh ho gà, giảm tỷ lệ tử vong.

  • Khi Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia được triển khai, trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch bằng 3 mũi vắc-xin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Sau đó có thể tiêm mũi 4 nhắc lại khi trẻ trên 18 tháng tuổi.
  • Hiện nay, phụ huynh có thể lựa chọn tiêm vắc xin tổng hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 cho trẻ để phòng ngừa cùng lúc nhiều bệnh khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do Haemophilus Influenzae, bại liệt (chỉ có trong vắc-xin 6 trong 1).

Giữ vệ sinh môi trường, tránh lây nhiễm

  • Cha mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường. Nhà ở, lớp học, vườn trẻ phải thông thoáng, đủ ánh sáng. Hạn chế cho trẻ đến những vùng ổ dịch hay có nguy cơ gây bệnh. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh không nên cho trẻ tiếp xúc.
  • Trong gia đình có người mắc ho gà phải điều trị dứt điểm, mọi người đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.
  • Trước khi tiếp xúc với trẻ phải rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng, răng miệng đề phòng truyền bệnh.

Biện pháp chống dịch

  • Trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà nhẹ, có thể theo dõi, cách ly và điều trị tại nhà dưới sự giám sát, hướng dẫn của bác sĩ.
  • Khi thấy trẻ có dấu hiệu nặng, bội nhiễm cần cách ly và đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ khám, điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ bị biến chứng.
  • Xử lý môi trường dịch bệnh bằng cách sát trùng, tẩy uế cẩn thận.

Biện pháp điều trị bệnh ho gà

  • Có nhiều loại thuốc đặc hiệu để điều trị ho gà ở trẻ em như: erythromycin với liều 50mg/kg/ngày. Chống bội nhiễm bằng cephalosporin hoặc amoxicillin.
  • Ngoài ra, cách chữa bệnh ho gà còn kết hợp điều trị biến chứng chống co giật, suy hô hấp, chống phù, co giật. Điều quan trọng là phải dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ.
  • Không được dùng thuốc trị ho cho trẻ uống khi không có chỉ dẫn của bác sĩ.

Xem thêm:

  • Biến chứng nguy hiểm bệnh ho gà ở trẻ em
  • Bệnh ho gà có điều trị tại nhà được không?
  • Bệnh ho gà ở trẻ em: Nguy hiểm nhưng có thể ngăn chặn sớm