Trẻ bị cúm, cha mẹ cần biết dấu hiệu bệnh trở nặng sau
Sốt cao, khó thở, thở gấp, co giật, ăn kém, mệt mỏi... là những dấu hiệu bất thường cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Đặc biệt, khi trẻ bị cúm cha mẹ cần biết 4 dấu hiệu bệnh trở nặng sau để tránh nguy hiểm tới tính mạng.
Trẻ bị cúm, cha mẹ cần biết dấu hiệu bệnh trở nặng sau
1. Thời tiết thay đổi, nhiều trẻ bị cúm
Cúm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra với triệu chứng thường gặp như: Đau đầu, sốt, sổ mũi, đau họng, ho và mệt mỏi. Bệnh cúm ở mức độ nhẹ thường sẽ hồi phục trong vòng 2-7 ngày, tuy nhiên bệnh có khả năng lây lan và dễ phát thành dịch lớn.
Thống kê từ các bệnh viện, tính từ đầu năm 2018 đến nay tỉ lệ trẻ em bị cúm ngày càng gia tăng. PGS, TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: Chỉ trong vòng ba tuần bệnh viện tiếp nhận hơn 1000 trẻ bị cúm tới khám bệnh, trong đó có 220 trẻ phải nhập viện điều trị. Ngoài ra, số trẻ nhập viện do mắc bệnh cúm cũng được ghi nhận rải rác ở Bệnh viện Đống Đa, Hà Đông, Xanh-pôn.
2. Cảnh giác với dấu hiệu bệnh trở nặng này khi trẻ bị cúm
Triệu chứng bệnh cúm rất đa dạng, đặc biệt thường dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác. Cúm thường tự khỏi nhưng nếu bệnh trở nặng có thể dẫn đến một số biến chứng như suy hô hấp, viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn.
Dấu hiệu cảnh báo cúm trở nặng cần đưa trẻ đi viện:
- Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi: Trẻ có các dấu hiệu như ho, sốt, bú kém, quấy khóc nhiều...
- Trẻ trên 3 tháng tuổi: sốt cao từ 39 độ C trở lên và sốt quá 2 ngày, đi tiểu ít hơn, đau tai, quấy khóc, vò tai, ho kéo dài hươn 3 ngày, nước mũi có màu xanh đặc, thở nhanh, khò khè. Trẻ thậm chí có các triệu chứng ngủ li bì, bỏ bú hay không uống được, co giật, nôn trớ nhiều, tím tái, thở rít khi nằm yên, khó thở, thở nhanh...
3. Chăm sóc trẻ như thế nào khi bị cúm?
Hạ sốt
Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C cần mặc quần áo thoáng mát cho bé. Chườm vùng nách, bẹn, trán và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc.
Vệ sinh đường hô hấp
Lau sạch mũi cho trẻ rồi vứt đi, không nên dùng khăn tái lại vì virus vẫn còn bám lại trên khăn. Nhỏ dung dịch nước muối sinh lý natriclorid 9 phần nghìn vào mắt mũi cho bé, súc miệng bằng nước muối pha loãng hay nước muối sinh lý nếu trẻ lớn. Vệ sinh sạch sẽ tay và tránh đưa tay lên mũi, mắt và miệng.
Dinh dưỡng
Cho trẻ bú nhiều hơn mọi ngày nếu như còn bú mẹ. Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, món ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, uống nhiều nước, các loại trái cây.
Để phòng bệnh cúm cha mẹ cần tuân thủ cho bé đi tiêm phòng đầy đủ. Cách ly trẻ bị bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ. Vệ sinh sạch sẽ nơi ở và nhà cửa. Nắm rõ những triệu chứng bất thường khi trẻ bị cúm sẽ giúp cha mẹ phòng tránh và chăm sóc trẻ tốt hơn khi bé mắc phải căn bệnh này.
Xem thêm:
- Triệu chứng cảm cúm ở trẻ và biến chứng không mong muốn
- Cảm cúm ở trẻ sơ sinh và cách điều trị dứt điểm
- Phân biệt giữa cảm cúm và cảm lạnh ở trẻ sơ sinh