Trào ngược dạ dày từ A đến Z: Nguyên nhân, biến chứng, cách điều trị
Nếu có con đường nào ngắn nhất dẫn tới các bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày, xa hơn là ung thư dạ dày (hoặc ung thư thực quản) - thì đó chính là “con đường tắt” mang tên “trào ngược dạ dày”. Bệnh gây ra vô vàn khó chịu và biến chứng, nếu không chữa trị dứt điểm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của hệ thống tiêu hóa.
Trào ngược dạ dày từ A đến Z: Nguyên nhân, biến chứng, cách điều trị
Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu đầy đủ về những nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và biến chứng của căn bệnh rất phổ biến này.
1. Trào ngược dạ dày là bệnh gì?
Đúng như tên gọi của nó - trào ngược dạ dày là hiện tượng các chất và dịch trong dạ dày như thức ăn chưa tiêu hóa, mật, HCl,... vì lý do nào đó mà trào ngược lên phía trên thực quản (thông qua cơ vòng thực quản), tạo ra các tổn thương lớn tại họng, thực quản, hệ thống tiêu hóa nói chung. Trào ngược dạ dày rất dễ trở thành bệnh mãn tính vì bệnh có khả năng tái đi tái lại nhiều lần rất cao, người bệnh thường không đánh giá hết sự nguy hiểm của bệnh nên có tâm lý chủ quan, không điều trị dứt điểm.
2. Đối tượng dễ bị trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày có thể xảy ra với tất cả mọi người nhưng những người thuộc nhóm dưới đây có nguy cơ mắc cao hơn:
Béo phì
Người bị béo phì (đặc biệt là nữ) có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày cao hơn hẳn nam giới. Khi bị béo phì (IBM >4), lượng mỡ trong cơ thể cùng sự hoạt động của các hormone nội tiết tố sẽ khiến tình trạng ợ chua/nóng rát cổ họng tăng lên, kích thích các cơn trào ngược.
Ăn uống thiếu lành mạnh
Ăn quá nhiều hoặc quá ít/ ăn quá nhanh/ ăn xong không nghỉ ngơi/ ăn không đều (bỏ bữa)/ ăn thực phẩm cay chua nóng/ ... đều là các thói quen xấu góp phần gây nên bệnh trào ngược dạ dày.
Căng thẳng/lo âu kéo dài
Khi cơ thể ở trạng thái căng thẳng kéo dài, dạ dày sẽ tiết ra nhiều loại axit hơn thông thường, gây mất cân bằng pH trong dạ dày/ đầy bụng/ khó tiêu, làm tăng nguy cơ trào ngược.
Bất thường cơ vòng thực quản
Cơ vòng thực quản là “van” ngăn cách dạ dày – thực quản. Rất ít người gặp bất thường ở vị trí này, nhưng nếu bị - sẽ là nhân tố gây bệnh trào ngược dạ dày.
3. Dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày
Bệnh trào ngược dạ dày rất dễ nhận biết với các triệu chứng điển hình như:
- Ợ nóng, trớ, khó nuốt: Các triệu chứng này thường xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc sau ăn một thời gian rất ngắn. Nhiều lúc người bệnh sẽ cảm thấy vướng, có cảm giác nghẹn ở cổ họng do thức ăn không được đẩy từ thực quản xuống dạ dày một cách thuận lợi.
- Có cảm giác đau rát/nóng rát ở vùng xương ức/cổ họng. Nhiều trường hợp cảm thấy vị chua ở mọi loại thức ăn khi đưa vào miệng (do axit trong thực quản)
- Viêm họng/họng có nhiều đờm dãi (không đi kèm cảm cúm, sốt)
- Ứa nước bọt trong họng/ khó thở/ thở khò khè/ khàn giọng/ nấc nhiều/ viêm xoang/ nghẹt mũi,...
4. Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày
Gây viêm loét thực quản
Các axit trào ngược từ dạ dày đọng lại tại thực quản lâu ngày gây viêm loét, tạo các ổ trú ngụ cho vi khuẩn, ảnh hưởng tiêu cực tới thực quản. Các ổ viêm loét có thể tiến triển và lan rộng ra cổ họng hoặc các vùng lân cận khác.
Viêm hô hấp
Thực phẩm/ chất dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản có khả năng tác động tiêu cực tới hệ hô hấp (do tai – mũi – họng có các đường thông nhau). Vì vậy nếu trào ngược kéo dài với cường độ mạnh có thể gây các nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp, đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ.
Nguy cơ tiền ung thư thực quản (barrett thực quản)/ung thư thực quản
Các tế bào thực quản bị bào mòn/ tổn thương trong quá trình trào ngược dạ dày sẽ gây ra các biểu mô bất thường (dị sản/tiền ung thư). Đây là yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh ung thư thực quản. Nếu trào ngược dạ dày trở thành mãn tính, không được can thiệp và chữa trị dứt điểm, các triệu chứng như nôn, nuốt nghẹn, đau rát ngực và cổ họng sẽ gia tăng. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 10% người bị trào ngược dạ dày có khả năng tiến triển sang giai đoạn tiền ung thư thực quản.
5. Chẩn đoán để phát hiện bệnh bằng cách nào?
Để xác định mức độ trào ngược dạ dày – các phương pháp được sử dụng phổ biến bao gồm:
- Đo độ pH của thực quản (đo tức thời hoặc đo liên tục trong 24 giờ) bằng dụng cụ chuyên biệt để xác định khối lượng axit dạ dày đi vào thực quản
- Nội soi dạ dày thực quản để xác định tình trạng hoạt động của dạ dày – thực quản, đánh giá mức độ trào ngược
- Đo áp lực thực quản để đánh giá khả năng vận động và chức năng của cơ vòng thực quản, xác định khả năng chống đỡ sự tấn công của các cơn trào ngược từ dạ dày.
- Chụp X-quang dạ dày tá tràng để xác định chính xác tình trạng/cơ chế gây trào ngược
6. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thế nào thì hiệu quả?
Dùng thuốc
Phương pháp hiệu quả nhất với người bị trào ngược dạ dày mãn tính là dùng thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc kháng axit - ức chế việc sản xuất axit dạ dày, hỗ trợ giảm tình trạng trào ngược các chất trong dạ dày. Sau khi khám và được chỉ định, việc dùng thuốc này khá đơn giản (mỗi ngày uống 1 lần theo liều lượng được kê trong đơn, theo dõi tại nhà có thể thấy các triệu chứng suy giảm rõ rệt).
Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ là làm giảm vitamin B12 (một loại vitamin có tác động tới quá trình trao đổi chất, kích thích sự hình thành các tế bào máu và tế bào thần kinh). Vì vậy, khi điều trị trào ngược dạ dày bằng thuốc bơm proton – cần chú ý các biện pháp cân đối lượng vitamin B12 để đảm bảo sức khỏe cơ thể.
Phẫu thuật nội soi bao đáy vị
Dùng thuốc có thể ngăn chặn nguy cơ tức thời nhưng khó có thể điều trị triệt để bệnh trào ngực dạ dày. Do đó, để tối ưu hóa hiệu quả chữa trị, các bác sĩ có thể dựa vào tình trạng của người bệnh để đưa ra chỉ định phẫu thuật phù hợp – trong đó phẫu thuật nội soi bao đáy vị là một trong những biện pháp phổ biến và hiệu quả hàng đầu hiện nay.
Bằng cách tăng chênh lệch áp suất giữa thực quản và dạ dày để tạo ra “van”/hàng rào ngăn cách giữa dạ dày và thực quản, phương pháp này có thể ngăn ngừa lượng axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản, giúp hỗ trợ điều trị tích cực cho bệnh nhân.
Đây là biện pháp điều trị đang được áp dụng khá phổ biến tại Việt Nam. Các bệnh viện đang triển khai kỹ thuật này chủ yếu là các bệnh viện công lập lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, ...
Ngoài ra, trong hệ thống y tế tư nhân có rất ít đơn vị có thể làm chủ kỹ thuật này. Hiện nay mới chỉ có các đơn vị lớn như bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có thể thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi để điều trị trào ngược dạ dày với tỉ lệ thành công cao. Kỹ thuật này được thực hiện chủ yếu bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm Nguyễn Ngọc Khánh (Trưởng Đơn nguyên Ngoại tiêu hóa - Tiết niệu - Phẫu thuật Robot & Ngoại Nhi, bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, Hà Nội).
7. Phòng bệnh trào ngược dạ dày hiệu quả
- Không ăn quá no, nên chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa để dạ dày không quá tải đột ngột
- Không nằm nghỉ ngay sau khi ăn (tránh kích thích trào ngược). Nên nằm nghỉ 3 giờ sau ăn
- Không mặc đồ quá bó sát
- Giảm cân nếu đang béo
- Không lạm dụng chất béo/thuốc lá/rượu bia làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu hóa
- Tránh ăn quá nhiều đồ chua/cay để tăng lượng axit trong dạ dày hoặc các đồ uống có ga kích thích trào ngược. Nên ăn các tinh bột lành mạnh (lúa mì, các loại hạt, mật ong, nghệ,...)
- Gối đầu cao vừa phải (khoảng 15-20cm) để tránh dạ dày nằm ngang với thực quản hoặc thực quản cao hơn hẳn dạ dày.
- Có chế độ sinh hoạt tập thể dục lành mạnh để điều hòa hoạt động cơ thể
Dễ phát hiện, dễ mắc nhưng việc điều trị lại không đơn giản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh hiểm nghèo (như viêm loét dạ dày, ung thư thực quản,...) – vì thế người bệnh không nên thờ ơ, chủ quan. Cần theo dõi các triệu chứng bất thường ngay sau khi ăn để có kế hoạch khám, điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Có nên phẫu thuật khi bị trào ngược dạ dày?
- Hôi miệng do bệnh trào ngược dạ dày và cách khắc phục
- Đừng chủ quan với trào ngược dạ dày thực quản