Trào ngược dạ dày nên kiêng ăn gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh khá phổ biến ở nước ta và có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Bệnh thường gặp ở trẻ em và người lớn. Để việc điều trị đạt kết quả cao nhất, cần có sự kết hợp giữa các phương pháp điều trị bệnh cùng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Vậy trào ngược dạ dày nên ăn gì và kiêng ăn gì để bệnh nhanh khỏi?

Trào ngược dạ dày nên kiêng ăn gì? Trào ngược dạ dày nên kiêng ăn gì?

Bài viết sau đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên.

1. Trào ngược dạ dày là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay còn gọi là viêm thực quản trào ngược là bệnh lý xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản (ống tiêu hóa nối giữa miệng với dạ dày) gây ra triệu chứng của bệnh.

2. Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản là gì?

  • Ợ hơi:

Ợ hơi là một trong những dấu hiệu đầu tiên của trào ngược thực quản. Trong quá trình tiêu hóa thức ăn, khí sinh ra trong dạ dày và thường thoát ra ngoài theo đường hậu môn. Nhưng khi cơ vòng thực quản không đóng kín, hơi bị đẩy ngược lên miệng, làm cho người bệnh ợ hơi liên tục. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp không phải do trào ngược dạ dày thực quản chúng ta vẫn có ợ hơi gọi là ợ hơi sinh lý như khi uống nước có ga hoặc uống nhiều nước khi ăn. Còn khi bị trào ngược thực quản, người bệnh sẽ bị ợ hơi ngay cả khi chưa ăn, uống gì.

Ợ hơi
Ợ hơi là một trong những dấu hiệu đầu tiên của trào ngược thực quản
  • Ợ nóng, ợ chua:

Ợ chua khi dịch dạ dày thoát lên miệng, người bệnh có cảm giác chua ở cuống họng. Ợ nóng là cảm giác nóng rát từ dạ dày hay vùng ngực dưới, lan hướng lên cổ, xuất hiện khi người bệnh sau ợ chua, axit trào ngược lên, tiếp xúc với niêm mạc thực quản sẽ gây ra cảm giác nóng rát ở thực quản. Thông thường hiện tượng này xảy ra khoảng 30 phút- 1 tiếng sau ăn.

  • Buồn nôn, nôn:

Triệu chứng này thường xuất hiện khi người bệnh ăn no hoặc nằm ngay sau khi ăn. Người bệnh dễ bị nôn, buồn nôn hoặc có cảm giác mắc nghẹn thức ăn.

  • Đau, tức ngực:

Đau tức ngực là triệu chứng của rất nhiều bệnh như các bệnh về tim mạch, phế quản và dạ dày, nên thường khiến người bệnh nhầm lẫn. Trong trào ngược dạ dày, người bệnh cảm thấy đau ở đoạn thực quản phần chạy qua ngực do axit trào ngược lên kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, gây ra cảm giác đau giống đau ở ngực.

Đau tức ngực
Axit trào ngược lên kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, gây ra cảm giác đau giống đau ở ngực
  • Khó nuốt:

Khi axit dạ dày trào lên với tần suất lớn sẽ gây phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản làm cho bệnh nhân có cảm giác khó nuốt, vướng ở cổ.

  • Tiết nhiều nước bọt:

Đây là phản xạ tự nhiên của miệng. Khi gặp acid chua trào lên sau khi ợ chua, nước bọt sẽ tiết ra nhiều hơn để trung hòa acid.

  • Ho, khản tiếng:

Người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể bị khản giọng, ho liên tục do dây thanh quản khi tiếp xúc với acid dạ dày làm cho sưng tấy.

  • Đắng miệng:

Khi dịch dạ dày trào lên kèm theo dịch mật khiến người bệnh cảm thấy đắng miệng.

3. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên kiêng ăn gì?

Thực phẩm kiêng khi bị trào ngược dạ dày
Những thực phẩm người bị trào ngược dạ dày thực quản kiêng ăn

Những thực phẩm người bị trào ngược dạ dày thực quản kiêng ăn là:

  • Thực phẩm có vị chua: Người bị bệnh trào ngược nên hạn chế ăn các loại quả có vị chua như cam, chanh, xoài chua, dấm... Mặc dù các loại trái cây trên có chứa nhiều vitamin nhưng chúng làm tăng tiết acid trong dạ dày, việc này sẽ khiến cho ảnh hưởng đến lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày cũng như quá trình điều trị bệnh.
  • Các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,... Các đồ uống này làm tăng tiết dịch dạ. Hơn nữa chúng còn làm giảm một số nhân tố bảo vệ dạ dày kèm theo khiến cho hiện tượng trào ngược thực quản tăng cường lên và mức độ nghiêm trọng hơn.
  • Thực phẩm, gia vị cay nóng như ớt, tiêu, tỏi... Các chất cay nóng này kích thích tăng cảm giác đau, rát tại vị trí viêm loét, làm tăng tiết dịch vị và làm giãn mở cơ thắt thực quản dưới. Ăn nhiều gia vị có thể tăng hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.
  • Các đồ uống có ga vì chúng làm trầm trọng thêm triệu chứng đầy hơi.
  • Thức ăn lạnh, có tính hàn như ốc, ngao, sò, thức ăn khó tiêu, khô cứng đều không tốt cho dạ dày.

4. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì?

Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm cho người bị trào ngược dạ dày thực quản là những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, có tác dụng trung hòa axit dạ dày, cụ thể như sau:

Bánh mỳ, bột yến mạch

Đây là một trong những lựa chọn hàng đầu cho người bị trào ngược, đặc biệt khi người bệnh đói. Cả bánh mỳ và bột yến mạch đều có khả năng giảm bớt lượng acid dư thừa trong dạ dày nên giúp giảm nhanh hiện tượng ợ nóng, đau rát. Sử dụng yến mạch vào buổi sáng giúp cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào mà còn chứa nhiều chất xơ tự nhiên và giúp hấp thụ tốt lượng acid dư thừa sau thời gian ngủ dài.

Gừng

Trào ngược dạ dày nên ăn gừng

Gừng được xem là một trong những thực phẩm tốt cho bệnh trào ngược acid dạ dày. Gừng là một chất chống viêm tự nhiên, giúp nhanh liền vết thương, được dùng nhiều để điều trị bệnh tiêu hóa. Các món ăn kết hợp gia vị gừng sẽ giúp người bệnh trào ngược dạ dày thực quản giảm bớt các triệu chứng và chống viêm cho thực quản cũng như hạn chế vết viêm loét dạ dày.

Sữa, sữa chua

Sữa là thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, ngoài ra còn giúp trung hòa acid trong dạ dày, sữa cũng rất dễ tiêu hóa. Vì vậy sữa rất tốt cho người trào ngược dạ dày thực quản. Tốt nhất bạn nên uống sữa vào khoảng 2h sau khi ăn.

Trong sữa chua có chứa các men tiêu hóa, lợi khuẩn giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, từ đó đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày giúp cải thiện nhanh bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Các loại đậu đỗ

Các loại đậu đỗ chứa nhiều chất xơ, các amino acid cần thiết, do đó chúng rất tốt cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản. Để đạt được tác dụng tốt nhất, trước khi sử dụng các loại đậu này, bạn nên ngâm các hạt đậu khô qua đêm để làm mềm hạt và ăn từng lượng nhỏ để cơ thể thích nghi dần.

Đu đủ

Đu đủ cung cấp các loại vitamin như vitamin A, K, C, E; sắt, đồng,... Các loại khoáng chất này giúp thực quản tiết ra axit chống lại hiện tượng trào ngược, bảo vệ thực quản, từ đó điều trị hiệu quả trào ngược axit dạ dày. Ngoài ra đu đủ còn chứa nhiều loại men tiêu hủy được protein, giúp phân giải protein trong đường tiêu hóa thành axit amin, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn nhiều tinh bột. Chất kali trong loại quả này cung cấp vi khuẩn có lợi cho dạ dày, ngăn tác nhân xấu xâm hại thành ruột.

Như vậy qua bài viết trên các bạn đã biết được những loại thực phẩm nào nên kiêng và nên ăn để tốt cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên các bạn nên nhớ rằng thực phẩm chỉ cải thiện một phần. Để điều trị triệt để bệnh các bạn nên tới các cơ sở khám chữa bệnh để bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị hợp lý và nên tạo cho mình thói quen tốt, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ăn ngủ điều độ đúng giờ để đạt được hiệu quả cao nhất.

Xem thêm:

  • Dấu hiệu trào ngược dạ dày bạn nhất định phải biết
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Nên ăn gì và kiêng ăn gì?
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Điều trị như thế nào?