Tràn khí màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Triệu chứng của tràn khí màng phổi có nhiều nét đặc trưng của bệnh về đường hô hấp, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh nếu không phân biệt được sẽ rất khó có thể điều trị kịp thời, hiệu quả.

Tràn khí màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị Tràn khí màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tràn khí màng phổi chính là sự xuất hiện khí giữa lá thành và lá tạng của màng phổi xảy ra ở bất kì độ tuổi nào với những nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng của bệnh lại có nhiều nét đặc trưng của bệnh về đường hô hấp, nếu không phân biệt được sẽ rất khó có thể điều trị kịp thời.

Định nghĩa

Tràn khí màng phổi là tình trạng khí lọt vào giữa hai lá màng phổi làm xẹp phổi. Phổi có hai lá phổi thành và lá phổi tạng. Giữa hai lá này là khoang màng phổi. Bình thường trong khoang màng phổi có một ít dịch để cho màng phổi hoạt động dễ dàng, nhịp nhàng, trơn tru, nhưng đây là một khoang có áp lực âm (không có khí). Vì một lý do nào đó không khí lọt vào được trong khoang màng phổi gây tràn khí màng phổi và đưa tới các tình trạng bệnh lý khác.

Khí có thể vào trong khoang màng phổi bằng 1 trong 3 con đường sau:

  • Không khí đi vào qua đường thở, phế nang vào màng phổi do rách màng phổi tạng.
  • Qua thành ngực, cơ hoành, trung thất hoặc thực quản (trong vết thương thấu ngực) .
  • Do các vi sinh vật trong khoang màng phổi sinh khí .

Nguyên nhân

  • Một trong những nguyên nhân chủ yếu (chiếm đến 40%) gây tràn khí màng phổi là do bệnh lao phổi.
  • Do nhiễm trùng ở phổi (áp-xe phổi, lao phổi, viêm phế nang do virus, bụi phổi, bệnh khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, vỡ bóng khí phế nang...).
  • Do cơn hen suyễn nặng, hoặc do chấn thương lồng ngực gây xuyên thủng phổi, chấn thương gãy xương sườn làm thương tổn phổi hoặc áp-xe ở cơ quan khác vỡ tràn vào màng phổi (ví như áp-xe cơ hoành...).
  • Ngoài ra, tràn khí màng phổi có thể do một số thủ thuật y tế liên quan đến phổi: chọc dò, nội soi phế quản, dẫn lưu màng phổi...

Cơ chế bệnh sinh

  • Bình thường áp lực trong khoang màng phổi là âm (-3 đến -5cm H2O), tràn khí màng phổi gây tăng áp lực màng phổi làm cho phổi bị xẹp xuống (xẹp phổi là khả năng co đàn hồi của nhu mô phổi).
  • Mức độ rối loạn chức năng hô hấp do tràn khí màng phổi phụ thuộc vào mức độ tràn khí (xẹp phổi) và chức năng của phổi trước khi tràn khí. Có thể có tràn máu màng phổi sau tràn khí do thương tổn dây chằng giữa 2 màng phổi.
  • Thông thường thì không khí lọt vào màng phổi khi hít vào và thoát ra khi thở ra, nếu thở ra mà khí không thoát ra được là tràn khí có van. Gây nên khó thở tăng dần và đưa đến suy hô hấp trầm trọng, đẩy lệch trung thất.
  • Bệnh có thể xuất hiện do vết thương xuyên thành ngực hay qua lá tạng do thủng, vỡ phế nang, vỡ bóng khí, vỡ áp xe phổi...
  • Nếu bít lỗ dò của màng phổi lại thì tràn khí sẽ tiêu dần.
vicare.vn-tran-khi-mang-phoi-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-body-1

Triệu chứng tràn khí màng phổi

Đầu tiên là cảm giác đau ngực dữ dội như xé phổi làm bệnh nhân không dám thở sâu.
Bệnh nhân ho dữ dội khiến cảm giác đau thêm trầm trọng.

Bệnh nhân có thể bị choáng (người tái xanh, vã mồ hôi, mạch đập nhanh, nông, huyết áp tụt, tay chân lạnh, vã mồ hôi, tinh thần hốt hoảng, lo âu), sau vài giờ triệu chứng này giảm dần.
Những triệu chứng này giảm dần cùng với các triệu chứng đau khu trú ở vùng xương bả hay dưới núm vú.

Ngoài ra, bệnh nhân có cảm giác khó thở, người bệnh thường ở trong tình trạng sốc. Nếu tràn khí màng phổi không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến nguy kịch do xẹp phổi, suy hô hấp.

Phân loại

Phân loại theo nguyên nhân

  • Tràn khí màng phổi tự phát: Không phải do chấn thương, hoặc vết thương ngực gây ra. Nó được chia làm 2 nhóm nhỏ:

Nguyên phát

Tràn khí màng phổi xuất hiện ở những người trước đó khỏe mạnh, hay gặp ở nam giới, trẻ tuổi, thường do vỡ các bóng khí ở đỉnh phổi. Cơ chế hình thành các bóng khí còn chưa rõ (có thể do bẩm sinh hoặc do viêm tiểu phế quản tận). Thường xuất hiện ở người cao, gầy vì ở cơ địa này áp lực đỉnh phổi thấp hơn dễ gây vỡ các bóng khí. Khoảng 30% số trường hợp tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát dễ tái phát.

Thứ phát

Xuất hiện ở những người bị bệnh phổi trước đó, có biến chứng tràn khí màng phổi, tiên lượng xấu. Thường gặp ở người trên 30 tuổi. Các bệnh về phổi cũng có thể gây biến chứng như:

  • Nhiễm khuẩn: lao phổi có hang hoặc không hang, viêm phổi tụ cầu vàng, và một số vi khuẩn gram (-).
  • Do phổi tắc nghẽn mạn tính: vỡ các bóng khí thũng dưới màng phổi.
  • Hen phế quản: thường là trong cơn hen, có thể kèm theo tràn khí trung thất.
  • Nguyên nhân khác gây tắc nghẽn phế quản gây bệnh như: ung thư khí phế quản. Ngoài ra có thể gặp do một số bệnh: xơ hoá kén, xơ phổi kẽ lan toả, bệnh bụi phổi, Sarcoidosis, AIDS.

Tràn khí màng phổi do chấn thương vùng phổi: gồm chấn thương, vết thương, hoặc do các thủ thuật y tế: chọc và sinh thiết phổi-màng phổi, hồi sức tim phổi, đặt catheter tĩnh mạch dưới đòn.

Phân loại dựa vào đo áp lực khoang màng phổi

Đo áp lực khoang màng phổi bằng máy chia tràn khí màng phổi ra làm 3 thể:

  • Kín: Chỗ rách của màng phổi đã được bịt lại, đo áp lực khoang màng phổi âm tính, tiên lượng tốt. Tràn khí màng phổi ít (dưới 10% ở một bên phổi) khí có thể tự hấp thu.
  • Hở: Chỗ rách của màng phổi vẫn tồn tại (vết thương ngực làm mất một phần tổ chức thành ngực), áp lực khoang màng phổi = 0 (tương đương áp lực khí quyển).
  • Tràn khí dạng van (đây là dạng ít gặp): Chỗ rách vẫn tồn tại, tạo van 1 chiều, đo áp lực khoang màng phổi dương tính. Ngực bên tràn khí căng phồng, đẩy trung thất sang bên đối diện, dễ suy hô hấp cấp và suỵ tim mạch, cần phải cấp cứu khẩn cấp.
vicare.vn-tran-khi-mang-phoi-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-body-2

Biến chứng thường gặp và cách điều trị

Biến chứng

  • Tràn khí màng phổi có thể gây xẹp phổi, suy hô hấp, tràn khí dưới da nhưng đáng lo ngại nhất là tràn khí màng phổi trung thất. Bởi vì, các động mạch, tĩnh mạch phổi, quai động mạch chủ, các dây thần kinh, tim trong khu vực này bị khí trực tiếp đè ép gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Đặc biệt, là tràn khí trung thất gặp ở bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc hen suyễn
  • Nồng độ oxy trong máu thấp: Do bệnh gây căng hoặc xẹp và có thể nén phổi, không khí có trong phổi ít hơn và ít oxy đi vào máu, khiến cho oxy máu thấp hơn so với oxy trong máu bình thường. Thiếu oxy có thể phá vỡ hoạt động cơ bản của cơ thể, ở mức nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
  • Chèn ép tim: Nếu phổi tiếp tục bị tràn khí, áp lực ngày càng tăng có thể đẩy tim và mạch máu, nén cả phổi lành và tim. Tràn khí màng phổi căng có thể ảnh hưởng đến vận chuyển trở lại của máu đến tim và dẫn đến mất đột ngột chức năng tim. Chèn ép tim sẽ gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.
  • Suy hô hấp: Điều này xảy ra khi mức oxy trong máu giảm quá thấp, và mức độ carbon dioxide trở thành quá cao. Oxy máu quá thấp có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim và bất tỉnh, đồng thời mức carbon dioxide cao gây lẫn lộn, buồn ngủ và hôn mê. Cuối cùng, suy hô hấp có thể gây ra tử vong.
  • Shock: Là tình trạng nguy kịch xảy ra khi huyết áp giảm xuống rất thấp và các cơ quan quan trọng của cơ thể bị tước mất oxy và chất dinh dưỡng. Shock là một cấp cứu y tế phức tạp và đòi hỏi phải được chăm sóc ngay lập tức.

Điều trị

  • Nếu xác định bị tràn khí màng phổi, đầu tiên phải chống khó thở cho bệnh nhân bằng cách để họ nằm các tư thế nửa nằm nửa ngồi. Bệnh nhân tránh vận động mạnh nằm im tại giường, tránh lo âu, xúc động và phải được yên tĩnh, ăn những món dễ tiêu, nhai kỹ.
  • Với trường hợp nặng, bệnh nhân cần được đặt ống dẫn lưu vào ngực để hút khí ở màng phổi ra ngoài làm cho các nhu mô phổi giãn ra, tránh xẹp phổi gây suy hô hấp.
  • Nếu các phương pháp trên vẫn không thể cứu vãn tình hình, có thể bệnh nhân sẽ cần tiến hành phẫu thuật. Thủ tục phẫu thuật thường dùng là phẫu thuật nội soi. Vì nội soi phẫu thuật ít đau hơn và thời gian hồi phục ngắn hơn so với phẫu thuật mở khoang ngực.
  • Mặc dù chúng ta thường không thể ngăn chặn tràn khí màng phổi, nhưng ngừng hút thuốc lá là một trong những cách quan trọng đầu tiên để giảm nguy cơ tràn khí màng phổi và tránh tái phát. Khi bị tràn khí màng phổi cũng cần tích cực điều trị, tránh chủ quan để bệnh tiến triển xấu.

Xem thêm:

  • Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng của tràn khí màng phổi
  • Những người cao tuổi khi bị tràn dịch màng phổi?