Tình trạng trẻ sơ sinh bị còi xương và cách khắc phục
Khi sinh con ra bất cứ bậc làm cha mẹ nào cũng đều mong muốn trẻ bụ bẫm và phát triển bình thường, tuy nhiên có nhiều trường hợp các bậc phụ huynh phải đối mặt với tình trạng trẻ mới sinh ra đã bị còi xương.
Tình trạng trẻ sơ sinh bị còi xương và cách khắc phục
Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ bị mắc phải vấn đề này và cách khắc phục ra sau? Hãy cùng chuyên mục Sống khỏe kỳ này của HoiBenh tìm hiểu ngay sau đây.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị còi xương
Tình trạng còi xương ở trẻ sơ sinh hiện nay khá phổ biến, nguyên nhân chính gây ra vấn đề này là do thiếu hụt lượng vitamin D. Từ đó làm ảnh hưởng đến việc hấp thu và chuyển hóa canxi và photpho trong cơ thể. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp bệnh còi xương này ở những trẻ dưới 3 tuổi.
Có thể bệnh lý này là do bẩm sinh từ trong bụng mẹ, hay cũng có thể là do chế độ chăm sóc sau khi trẻ chào đời. Việc thiếu ánh nắng mặt trời, hay trẻ không được bú mẹ, chế độ ăn uống kiêng cữ quá mức... là những nguyên nhân hàng đâu khiến con bạn bị còi xương.
Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị còi xương
Tình trạng còi xương ở trẻ sơ sinh có thể rất dễ nhận biết nếu bố mẹ quan tâm và quan sát kỹ sự phát triển của con trong vòng 6 tháng đầu đời. Khi đó trẻ có thể biểu hiện các vấn đề như:
- Tóc mọc ít, do bị thiếu nhiều can xi và photpho
- Bé hoạt động kém, tay chân không linh động như những đứa trẻ khác
- Xương mềm, vùng tóc ở trên đầu có thể bị hói
- Hình dạng đầu có thể biến đổi méo mó, dân gian hay gọi là đầu cá trê
- Răng mọc chậm
- Chậm biết bò, lật, ngồi, đi...
- Nếu nặng hơn sẽ khiến lồng ngực bị biến dạng, chân vòng kiềng
- Ảnh hưởng đến chiều cao
Khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh còi xương như thế nào?
Theo Bác sĩ Nguyễn Mai Hương - Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Bộ Y tế có chia sẻ trên HoiBenh rằng tình trạng trẻ sơ sinh bị còi xương thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi với các triệu chứng điển hình như trẻ bị rụng tóc theo hình vành khăn, ra nhiều mồ hôi khi ngủ. Đồng thời còi xương thường xảy ra ở những trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa ngoài mà không bú mẹ, còi xương do thiếu vitamin D và canxi.
Tuy nhiên để được chỉ định dùng vitamin D và canxi trên trẻ nhỏ phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám cụ thể tình trạng cơ thể. Điều trị còi xương đòi hỏi phải tuân thủ đúng về liều lượng, thời gian sử dụng vitamin D và canxi mới có hiệu quả. Bạn có thể tham khảo cách điều trị còi xương, bổ sung vitamin D và canxi cho trẻ như sau:
- Uống 1.200-5.000 IU mỗi ngày trong 4 tuần, sau đó tiếp tục dùng liều dự phòng.
- Dùng 500 mg canxi/ngày đối với trẻ dưới 2 tuổi; 1.000 mg canxi/ngày đối với trẻ trên 2 tuổi, uống 7-10 ngày.
- Trong quá trình điều trị, cần chú ý phát hiện các dấu hiệu ngộ độc vitamin D như chán ăn, buồn nôn, tăng canxi máu.
- Những tình huống có biến dạng xương như chân vòng kiềng, vẹo cột sống thì sau khi điều trị ổn định, phải đưa trẻ đến khoa Chỉnh hình để điều trị phục hồi.
- Trong dự phòng còi xương có thể có 2 cách sử dụng vitamin D: dùng một liều cao tức thì hoặc dùng liều nhỏ hằng ngày. Nếu có điều kiện bà mẹ theo dõi được trẻ thì dùng vitamin D liều hằng ngày là tốt nhất.
- Trẻ từ 6 tuần tuổi đến 18 tháng tuổi dùng liên tục mỗi ngày 800 - 1.000 IU nếu khỏe mạnh, 1.500 IU nếu ít được ra nắng và 2.000 IU nếu có màu da thẫm. Trẻ 18 - 60 tháng tuổi chỉ sử dụng liều trên trong mùa sương mù, ít ánh nắng. Nếu trẻ không có điều kiện được chăm sóc chu đáo thì nên dùng liều cao cách nhau một thời gian (6 - 18 tháng). Cứ 6 tháng cho uống 1 liều 200.000 IU. Trẻ 18-60 tháng dùng liều duy nhất vào đầu mỗi mùa đông trong năm. Với trẻ sinh thiếu tháng, từ ngày thứ 8 sau sinh cần cho uống 1.500 IU/ngày cho tới 18 tháng. Sau đó tiếp tục phác đồ bình thường.
Kinh nghiệm điều trị trẻ sơ sinh bị còi xương
Làm sao để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh bị còi xương luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc làm cha mẹ, đây cũng chính là câu hỏi của một độc giả có tên phuchang gửi đến HoiBenh.vn như sau: Con gái em được 5 tháng. Lúc mới sinh cháu hay nôn trớ, nấc cục, đổ mồ hôi gáy nhiều, chân bé hơi cong vòng kiềng, tóc bị rụng hình vành khăn, đầu dẹp. Đây là những dấu hiệu bệnh còi xương nhưng do không kinh nghiệm nên em không biết làm sao để điều trị cho bé. Đến hơn 2 tháng, bé bị cảm, lúc đó em có hỏi thuốc bổ sung cho bé thì được bác sĩ kê cho bé uống 1 giọt vitamin D3 mỗi ngày. Từ đó em thấy bé có vẻ đỡ hơn, không nấc cục và ít trớ hẳn nhưng bé vẫn đổ mồ hôi nhiều và chân hơi cong. Em muốn trị cho bé thì phải làm sao?
Trao đổi về vấn đề này, Bác sĩ Vũ Thị Lừu - Bác sĩ tại Bệnh viện E đưa ra lời khuyên: Con bạn có triệu chứng của bệnh còi xương mà lí do là do thiếu canxi. Canxi chiếm 1,5% - 2% trọng lượng cơ thể, trong đó 99% tồn tại trong xương, răng, móng tay, móng chân, chỉ có 1% tồn tại trong máu, trong tổ chức tế bào và dịch ngoài tế bào nhưng vai trò của nó lại vô cùng quan trọng, nhất là đối với trẻ em. Khi thiếu canxi, trẻ bị còi xương, răng không đều, chất lượng răng kém và bị sâu răng.
Những triệu chứng thường gặp ở bệnh còi xương: trẻ quấy khóc, ngủ không ngon giấc, ra nhiều mồ hôi, tóc rụng thành đường hình vành khăn sau gáy, ra nhiều mồ hôi khi ngủ (mồ hôi trộm), thóp chậm liền, đầu bẹt. Lồng ngực dô, chân vòng kiềng hoặc chữ bát là những di chứng của còi xương nặng.
Những dấu hiệu của con bạn chỉ là dấu hiệu của bệnh còi xương nhẹ, chỉ cần bổ sung vitamin D một đợt, các biểu hiện sẽ giảm dần. Vitamin D là chất dẫn truyền canxi, giúp cơ thể hấp thu canxi một cách hiệu quả nhất. Nếu cháu bú mẹ, bạn chỉ cần tăng cường canxi trong chế độ ăn của bạn. Sữa mẹ sẽ là nguồn cung cấp canxi đầy đủ và dễ hấp thụ nhất cho bé. Khi bé trên 6 tháng, nếu cho bé ăn dặm, có thể bổ sung canxi cho cơ thể bé thông qua bữa ăn hằng ngày. Các loại rau xanh như bắp cải, cần tây... hay hải sản đều có lượng canxi cao, rất tốt cho cơ thể bé. Bạn cũng có thể cho bé ăn phô mai, sữa chua hoặc uống các loại sữa công thức để bổ sung thêm canxi cho bé.
Còn hiện tượng chân cháu hơi cong thì bạn không nên lo lắng vì phần lớn, các bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đều bị cong chân do tư thế nằm ở trong bụng mẹ. Điều đó được gọi là cong chân sinh lý và không cần xoa bóp, ảnh hưởng gì. Cho đến khi bé 1 tuổi, chân bé sẽ tự thẳng bởi khi đó bé vận động và đi nhiều, nên xương tự điều chỉnh.