Tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh
Con tôi mới chào đời đã rụng tóc. Như vậy có bình thường không? Hãy cùng xem bài viết dưới đây để tìm câu trả lời
Tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh
Con tôi mới chào đời đã rụng tóc. Như vậy có bình thường không? Là thắc mắc của rất nhiều mẹ. Hãy cùng xem bài viết dưới đây để tìm câu trả lời.
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh như thế nào
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là điều hoàn toàn bình thường và không có gì đáng phải lo ngại. Trẻ thường rụng tóc trong khoảng sáu tháng đầu đời. Loại rụng tóc này được gọi là telogen effluvium.
Nguyên nhân là vì sự mọc tóc chia ra làm 2 giai đoạn: giai đoạn phát triển và giai đoạn nghỉ. Giai đoạn phát triển kéo dài khoảng 3 năm, giai đoạn nghỉ diễn ra trong khoảng 3 tháng (thông thường kéo dài từ 1-6 tháng). Trong giai đoạn nghỉ, tóc vẫn nằm trong nang tóc cho tới giai đoạn phát triển.
Khoảng 5 – 15% tóc thường xuyên ở trạng thái nghỉ, nhưng khi có tác động của sự căng thẳng, sốt hoặc thay đổi hormone, rất nhiều tóc sẽ ngừng phát triển cùng một lúc. Tóc bắt đầu rụng cho tới 3 tháng sau, khi giai đoạn phát triển tóc được “khởi động” trở lại.
Hormone của trẻ sơ sinh giảm ngay sau khi sinh, do đó trẻ sẽ bị rụng tóc ở giai đoạn này. (Các bà mẹ trẻ thường rụng rất nhiều tóc cũng vì lý do này.)
Nhiều phụ huynh ngạc nhiên khi biết rằng khi trẻ mọc tóc mới, lứa tóc này có màu và cấu trúc tóc khác hoàn toàn so với tóc trẻ từ khi sinh ra. Jill là một độc giả trung thành của BabyCenter, con trai cô lúc mới sinh tóc rất đen và dày. “Trông thằng bé giống như Elvis ấy, hai bên tóc mai nó cũng dài nữa. Cả tôi và chồng cùng tóc vàng, nên tôi chả hiểu sao thằng bé lại tóc đen, dù tóc nó rụng gần như ngay sau khi sinh. Rồi thằng bé móc lại màu tóc vàng rất đẹp”.
Nếu bạn thấy con mình có những khoảng hói tóc, hãy quan sát cách bé ngồi và ngủ. Nếu bé chỉ ngủ ở một tư thế duy nhất hoặc thường hay ngồi tựa đầu, tóc bé ở những chỗ đó sẽ bị rụng. Bé cũng sẽ bị rụng tóc nếu dụi đầu vào đệm.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng rụng tóc hói đầu ở trẻ, nhưng những khả năng này không thường xảy ra với trẻ dưới 12 tháng tuổi:
- Bé rụng tóc từng mảng kèm với vảy đỏ nhỏ (thỉnh thoảng còn có những chấm đen ở nơi tóc trẻ bị gãy) : rất có thể bé đã bị nấm da đầu, hay còn gọi là bệnh ecpet mảng tròn.
- Buộc tóc quá chặt hoặc những tác động nhân tạo khác đều có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc ở trẻ hay còn gọi là traction alopecia.
- Nghịch tóc, kéo tóc cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến đầu trẻ xuất hiện những khoảng hói. Hiện tượng này có tên khoa học là Hội chứng nghiện giật tóc (trichotillomania).
- Nếu trên đầu trẻ có những khoảng hói hoàn toàn nhẵn, mượt, có thể trẻ đã bị chứng rụng tóc từng mảng (alopecia areata), xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nang tóc, cản trở sự mọc tóc. Kiểu rụng tóc này thường chỉ xảy ra ở những khoảng nhất định trên da đầu, mặc dù nó cũng có thể tác động đến lông tóc ở các bộ phận khác trên cơ thể.
- Một số bệnh như bệnh nhược tuyến giáp (một dạng rối loạn tuyến giáp) hoặc suy giảm tuyến yên (tuyến yên kém hoạt động) có thể gây rụng tóc hoàn toàn ở trẻ.
Tôi có thể làm gì để ngăn tình trạng rụng tóc của con?
Bạn chẳng thể làm gì để giảm sự rụng tóc của con vì đây là vấn đề liên quan đến hormone, trừ việc bạn có thể theo dõi những hoạt động của con để xem đó có phải là nguyên nhân gây rụng tóc hay không.
Nếu những mảng hói xuất hiện là do trẻ nằm quá lâu hoặc quá thường xuyên ở 1 ví trí duy nhất thì bạn hãy thử lật bé nằm ở một tư thế khác khi bé ngủ. Nếu bạn thường để trẻ nằm ở một đầu cũi thì hãy đặt trẻ nằm quay sang đầu còn lại của cũi. Con bạn tự nhiên sẽ quay đầu sang phía còn lại để có thể ngắm nhìn khung cảnh quen thuộc phía ngoài cũi và ngủ ở tư thế mới.
Hãy để cho bé ngủ ở tư thế nằm sấp vài giờ mỗi ngày. Ngoài việc đổi tư thế như vậy sẽ giúp cho phần gáy tóc của bé có thời gian nghỉ ngơi, nằm sấp cũng rất cần thiết cho sự phát triển thể trạng toàn diện ở trẻ.
Kể với bác sĩ việc bé bị rụng tóc, đặc biệt là khi bé đã hơn 6 tháng tuổi. Thông thường việc rụng tóc là tương đối bình thường ở trẻ, tuy nhiên bác sĩ có thể giúp phát hiện và điều trị sớm cho trẻ trong trường hợp trẻ có bất kỳ bệnh lý ngầm nào khác. Nếu trẻ bị vảy nến, bác sĩ sẽ kê đơn trị nấm cho trẻ. Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ có hiện tượng rụng tóc từng mảng, bạn có thể đưa trẻ tới các chuyên khoa gia liễu để có những điều trị chuyên sâu hơn. (Nhiều trẻ không đi điều trị mà cứ để tình trạng này kéo dài. Những trẻ lớn hơn thường sẽ đến bác sĩ để điều trị cho tóc mọc trở lại.)
Nếu trẻ bị rụng tóc do gãy tóc, hãy nhẹ nhàng khi chăm sóc tóc và da đầu trẻ cho tới khi tóc mọc lại. (Bạn hãy luôn nhớ rằng tóc bé mảnh và dễ gãy dễ rụng hơn tóc người lớn rất nhiều, vì vậy hãy gội và chải đầu cho trẻ thật nhẹ nhàng).
Thông thường hiện tượng rụng tóc hói đầu ở trẻ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Rất có thể tóc con bạn sẽ “thi nhau mọc” chỉ trong vòng một năm.
Nếu con tôi hói thật thì sao?
Nhiều trẻ khi mới sinh không có tóc, mặc dù nếu quan sát kỹ bạn sẽ vẫn thấy tóc tơ mỏng nhỏ trên da đầu trẻ. Tình trạng này có thể kéo dài cho tới khi trẻ 1 tuổi. Từ giờ cho tới lúc đó, bạn hãy cứ bình tĩnh và thoải mái đi!
Theo BabyCenter