Tìm hiểu về bệnh viêm gân gấp ngón tay (ngón tay lò xo)

Ở tuổi trung niên, các bệnh về đau nhức xương khớp là khá phổ biến. Một trong số đó là bệnh viêm gân gấp ngón tay, khi khớp ngón tay của người bệnh sưng và đau đớn, không thể gập duỗi dễ dàng và gặp nhiều trở ngại lúc cầm nắm.

Tìm hiểu về bệnh viêm gân gấp ngón tay (ngón tay lò xo) Tìm hiểu về bệnh viêm gân gấp ngón tay (ngón tay lò xo)

1. Tổng quan về bệnh viêm gân gấp ngón tay

Gân là một bộ phận nằm gần xương và cơ, có tính chất co giãn và đàn hồi. Chức năng của của gân là giúp các khớp có thể cử động thoải mái và trơn tru theo ý muốn điều khiển của chúng ta. Gân có mặt ở nhiều nơi trên cơ thể, ở mỗi nơi đảm nhiệm một chức năng khác nhau. Trong đó có thể kể đến gân gấp ngón tay, có nhiệm vụ giúp con người co duỗi các ngón tay để cầm nắm đồ vật dễ dàng. Bao xung quanh gân là một lớp hoạt dịch.

Tuy nhiên khi lớp bao gân bị viêm, chúng sẽ sưng và dày lên, làm hẹp bớt khoảng trống để gân có thể hoạt động bình thường. Đôi khi, bạn còn nhìn thấy những nốt sần hay hạt xơ chạy dọc trên gân bàn tay của mình. Lúc này bạn sẽ thấy đau khi cử động ngón tay, ngoài ra còn gặp khó khăn trong việc cầm nắm đơn thuần và phải nhờ đến sự hỗ trợ của bàn tay còn lại. Cụ thể, bệnh nhân sẽ bị trở ngại trong việc điều khiển ngón tay mình bật ra hay gập lại và phải dùng bàn tay kia kéo ra, khi ấy sẽ nghe những tiếng bật kèm theo cảm giác đau nhói. Đây là dấu hiệu của căn bệnh viêm gân gấp ngón tay, hay còn có các tên khác là ngón tay lò xo, ngón tay cò súng hoặc ngón tay bật.

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân của căn bệnh khiến ngón tay bị co cứng này đến từ nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác: Người ở độ tuổi trung niên thường dễ mắc chứng ngón tay cò súng, trong số đó phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới.
  • Đặc thù nghề nghiệp: Một số người phải sử dụng ngón tay của họ rất nhiều trong công việc như nông dân, giáo viên, thợ thủ công hay bác sĩ phẫu thuật,... lâu dần sẽ khiến viêm cơ ngón tay.
  • Chấn thương: Đôi khi các chấn thương bất ngờ mà người bệnh gặp phải cũng làm mất đi chức năng bình thường của ngón tay.
  • Một số bệnh lý: Viêm khớp các loại, đái tháo đường, hay gút là những căn bệnh có thể dẫn đến biến chứng khó khăn và đau đớn khi cử động ngón tay.
HoiBenh.vn-tim-hieu-ve-benh-viem-gan-gap-ngon-tay-body-2
Nghề giáo viên sử dụng ngón tay nhiều có nguy cơ mắc bệnh viêm gân gấp.

3. Chẩn đoán

Các bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng mà bạn mô tả cũng như quan sát được tại chỗ để chẩn đoán bệnh viêm gân gấp ngón tay. Các dấu hiệu của chứng ngón tay lò xo bao gồm:

  • Gấp duỗi ngón tay không còn linh hoạt, phải cố gắng lắm mới điều khiển được và kèm theo cảm giác đau đớn.
  • Ngón tay bị giữ ở tình trạng duỗi thẳng hoặc co gấp vào lòng bàn tay.
  • Nhìn thấy sưng ở chỗ bị viêm, hoặc sờ thấy các nốt sần dọc theo đường gân. Khi cử động ngón tay thì các hạt xơ này cũng di chuyển.
  • Nếu bác sĩ thực hiện siêu âm thì có thể nhìn thấy bao gân dày lên, gân bị chít hẹp và có các nốt sần.

Sau khi xem xét các triệu chứng lâm sàng trên kết hợp cùng hình ảnh siêu âm, các bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân khiến ngón tay người bệnh bị co cứng, sưng và đau có phải là do bệnh viêm gân gấp ngón tay gây ra hay không. Cần có chẩn đoán phân biệt các biểu hiện trên với các bệnh như gút, viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp vẩy nến để có phương hướng điều trị thích hợp nhất.

4. Điều trị

Có nhiều cách điều trị viêm bao gân ngón tay khác nhau, chẳng hạn như uống thuốc, tiêm thuốc chống viêm hay tập vật lý trị liệu. Trong một số trường hợp bệnh nhân cũng có thể không cần nhờ đến sự can thiệp y tế. Do đó, khi nghi ngờ mắc chứng ngón tay cò súng, nên đến cơ sở chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị kết hợp hiệu quả nhất.

4.1. Phương pháp không dùng thuốc

  • Tránh và giảm tối đa cử động ở vùng gân tay đang bị tổn thương.
  • Nếu bị viêm khiến khớp ngón tay sưng tấy thì có thể chườm lạnh để làm dịu bớt cơn đau.
  • Chiếu tia hồng ngoại cũng là một lựa chọn của các bác sĩ vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng ngón tay

4.2. Phương pháp có dùng thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng một trong số các loại thuốc sau tùy vào từng trường hợp:

  • Thuốc giảm đau: Ví dụ như Paracetamol, Acetaminophen, Floctafenine.
  • Thuốc chống viêm không có chất steroid: Dùng bôi tại vùng sưng và đau.
  • Tiêm thuốc kháng viêm corticoid: Tiêm trực tiếp vào khớp ngón tay bị viêm.

Có một lưu ý là để điều trị viêm bao gân ngón tay không cần thiết phải chụp Xquang. Tuy nhiên các xét nghiệm đường máu, chức năng gan thận cần phải được thực hiện trước khi kê toa thuốc hay tiêm corticoid.

4.3. Điều trị ngoại khoa

Nếu đã uống thuốc và tiêm kháng viêm nhiều lần nhưng bệnh vẫn tái phát, các bác sĩ có thể cân nhắc đến biện pháp phẫu thuật. Đây là một thủ thuật không quá phức tạp, giúp loại bỏ hẳn vùng bị viêm và các hạt xơ, giải phóng bao gân và gân không bị chèn ép. Chi phí cho một ca mổ cũng không quá đắt, thời gian thực hiện nhanh chóng và tỷ lệ thành công, khỏi hẳn bệnh là gần như tuyệt đối. Do đó, bệnh nhân không nên bỏ qua mà sống chung với các ngón tay lò xo bị viêm lâu dài, gây ra cảm giác khó chịu và sinh hoạt thường ngày gặp trở ngại.

HoiBenh.vn-tim-hieu-ve-benh-viem-gan-gap-ngon-tay-body-3
Có thể cần đến phẫu thuật nếu như các biện pháp nội khoa không hiệu quả.

5. Phòng bệnh tái phát

Dù là trước khi mắc bệnh hay sau khi đã điều trị, cần tuân thủ là khuyến cáo sau đây để các khớp ngón tay luôn được linh hoạt và khỏe mạnh:

  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập về khớp ngón tay.
  • Thận trọng trong sinh hoạt để tránh nguy cơ chấn thương ảnh hưởng đến chức năng các chi.
  • Theo dõi và chữa trị các bệnh lý khác như viêm khớp, thoái hóa khớp, viêm cột sống, gút, và đái tháo đường.
  • Không nên dùng thuốc giảm đau tùy ý và đến thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh viêm gân gấp ngón tay.
  • Tuân thủ chế độ sinh hoạt nhẹ nhàng, lao động vừa phải, uống thuốc và tập vật lý trị liệu và theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bệnh viêm gân gấp ngón tay, hay còn gọi là ngón tay lò xo hoặc ngón tay cò súng không chỉ gây đau đớn và khó khăn trong sinh hoạt của bệnh nhân, mà về lâu dài còn sẽ có thêm nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, phát hiện và tích cực điều trị dứt điểm căn bệnh là điều bệnh nhân cần làm song song với lối sống khỏe mạnh để phòng ngừa bệnh.

Xem thêm:

  • Bạn có đang bị căn bệnh viêm khớp hành hạ?
  • Thực đơn 7 ngày giúp ngăn ngừa viêm khớp
  • 7 bài tập giãn khớp cho người viêm khớp vảy nến