Tìm hiểu về bệnh u dây thần kinh thính giác

Ù tai, nghe kém, chóng mặt là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải. Chúng có thể là thoáng qua hoặc kéo dài, nhưng nói chung thường bị bỏ qua. Đôi khi những triệu chứng này chính là dấu hiệu đầu tiên của bệnh u dây thần kinh thính giác. Cùng HoiBenh tìm hiểu về căn bệnh này nhé

Tìm hiểu về bệnh u dây thần kinh thính giác Tìm hiểu về bệnh u dây thần kinh thính giác

Bệnh u dây thần kinh thính giác là gì?

U dây thần kinh thính giác, chính xác hơn là u dây thần kinh số VIII. Thần kinh số VIII là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ, bao gồm 2 phần riêng biệt là thần kinh tiền đình và thần kinh ốc tai. Chúng bắt đầu từ các hạch tiền đình, hạch ốc tai, chạy qua rãnh giữa hành não và cầu não, điểm tận cùng ở các nhân tiền đình, nhân ốc tai trong não. Thần kinh số VIII có vai trò trong hoạt động nghe và duy trì tư thế thăng bằng ở con người.

Bệnh u dây thần kinh thính giác là bệnh lý khi có một khối u lành tính phát sinh và phát triển, thường từ dây thần kinh tiền đình, đôi khi là từ ốc tai của ống tai trong. Khối u thường xuất hiện ở một bên, có ghi nhận trường hợp u ở cả hai bên, không quá to, kích thước thông thường chỉ bé hơn quả trứng gà hoặc bằng đầu ngón tay, lớn lên chậm, có thể từ vài tháng đến nhiều năm, trung bình khoảng 2 năm. U không phát triển thành ung thư.

Với một khối u lành tính như vậy, nếu xuất hiện ở một vị trí khác trong cơ thể như tay, chân thì tiên lượng khá tốt. Tuy nhiên, vì phát sinh và phát triển tại não, trung ương thần kinh với rất nhiều tổ chức có vai trò đặc biệt quan trọng, nên bệnh u dây thần kinh thính giác nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Theo thống kê, bệnh u dây thần kinh thính giác chiếm tới 8% các bệnh lý liên quan đến khối u xuất hiện trong não. Bệnh thường bắt đầu và diễn biến ở những người 30 - 60 tuổi. Ở độ tuổi này, những triệu chứng ban đầu như nghe kém, ù tai, chóng mặt rất dễ bị nhầm lẫn với quá trình lão hóa, hay các vấn đề tâm lý mà bị bỏ qua.

Nguyên nhân của bệnh u dây thần kinh thính giác, hay nguyên nhân phát sinh khối u hiện vẫn đang được nghiên cứu làm rõ. Theo những phát hiện mới nhất, cơ thể sản sinh ra quá nhiều tế bào Schwann xung quanh dây thần kinh số VIII dẫn đến hình thành u. Tuy nhiên vì sao cơ thể lại sản sinh nhiều tế bào Schwann, vì sao chúng lại tập trung quanh dây thần kinh số VIII thì vẫn đang được các bác sĩ đi tìm câu trả lời.

Trường hợp u dây thần kinh thính giác ở cả hai bên, có thể do rối loạn di truyền u sợi thần kinh. Rối loạn này hiếm khi gây ra u một bên, và u một bên cũng không phải bệnh lý di truyền.

Bệnh u dây thần kinh thính giác không phải bệnh truyền nhiễm, không lây lan. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để dự phòng phát sinh khối u tại vị trí này.

Triệu chứng của bệnh u dây thần kinh thính giác

vicare.vn-tim-hieu-ve-benh-u-day-than-kinh-thinh-giac-body-1

Biểu hiện của bệnh u dây thần kinh thính giác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, kích thước khối u, sự lan rộng của khối u và đáp ứng của người bệnh.

Thông thường, triệu chứng đầu tiên của bệnh u dây thần kinh thính giác là ù tai, nghe kém, đặc biệt là nghe kém một bên.Triệu chứng này thường diễn biến âm thầm, trong khoảng thời gian dài. Hơn nữa thính lực của bệnh nhân còn được bù trừ bởi bên không bệnh nên rất khó để phát hiện triệu chứng này từ sớm. Chỉ khi tình cờ bệnh nhân nghe từng bên, hoặc khi sự bù trừ không đủ, thì bệnh nhân mới cảm nhận được. Khối u làm giảm hoặc mất thính lực bằng việc gây tổn thương trực tiếp, dần dần lên dây thần kinh số VIII (bệnh nhân nghe kém từ từ), đôi khi gây điếc đột ngột hoặc điếc thoáng qua và lặp lại do chèn ép mạch máu nuôi dưỡng cho thần kinh tiền đình - ốc tai. Theo thống kê, có khoảng 90% trường hợp mắc bệnh u dây thần kinh thính giác có nghe kém từ từ, 5 - 10% điếc đột ngột, còn lại một số ít bệnh nhân không có biểu hiện về thính lực, tức là khả năng nghe vẫn bình thường tại thời điểm phát hiện bệnh.

Một số triệu chứng thường gặp khác giúp bạn nghĩ đến bệnh u dây thần kinh thính giác là:

  • Chóng mặt, mất thăng bằng do khối u chèn ép dây thần kinh tiền đình của thần kinh số VIII.
  • Đau đầu theo cơn, cơn đau dữ dội, đau tai.
  • Tê bì, đau nhói hoặc yếu mặt, liệt cơ mặt do khối u phát triển chèn ép các dây thần kinh lân cận.
  • Đau đầu liên tục, phối hợp động tác kém chính xác, đi đứng vụng về do u chèn ép một phần não.
  • Rối loạn vị giác, thông thường là bệnh nhân luôn có cảm giác có vị kim loại trong miệng, đôi khi có rối loạn tuyến lệ, chảy nước mắt hoặc khô mắt.
  • Nuốt khó, nuốt đau vùng tai hoặc đầu.
  • Nếu khối u phát triển lớn hơn gây choán chỗ góc cầu - tiểu não, thậm chí chèn ép vào thân não, tiểu não, cản trở sự lưu thông của dịch não tủy, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
vicare.vn-tim-hieu-ve-benh-u-day-than-kinh-thinh-giac-body-2

Chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh u dây thần kinh thính giác

Chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm là cực kì quan trọng. Khi nghi ngờ mắc bệnh u dây thần kinh thính giác, bác sĩ sẽ chỉ định một số đánh giá cận lâm sàng như:

  • Thính đồ lực để kiểm tra thính giác.
  • Chụp X quang thường quy.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc cắt lớp vi tính (CT scan) não.

Nếu đã chẩn đoán đúng bệnh u dây thần kinh thính giác, tùy vào từng vị trí, tính chất, giai đoạn của khối u và điều kiện sức khỏe, tâm lý,.., của bệnh nhân mà bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Các phương pháp phổ biến hiện nay đó là:

  • Phẫu thuật: Với khối u nhỏ, thính lực chưa hoặc ít bị ảnh hưởng, phương pháp này đem lại hiệu quả gần như triệt để nhất. Khối u kích thước càng lớn khả năng phẫu thuật và tiên lượng càng khó khăn. Vì vậy, một lần nữa, các bác sĩ luôn mong muốn bệnh nhân đến khám và phát hiện bệnh sớm. Có thể phẫu thuật một thì hoặc nhiều thì, với thì cấp cứu ban đầu và các thì loại bỏ tồn dư tiếp sau. Hiện nay đang phát triển một phương pháp phẫu thuật hiệu quả là phẫu thuật bằng dao gamma. Các tia bức xạ gamma năng lượng cao được nhắm trúng đích là khối u, ít gây ảnh hưởng đến các tổ chức lân cận. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi kĩ thuật cao và chỉ định đúng, cần tham khảo kĩ ý kiến của bác sĩ.
  • Xạ trị: giúp làm giảm kích thước của khối u hoặc làm chậm quá trình phát triển của nó. Phương pháp này thường được chỉ định với bệnh nhân cao tuổi, sức khỏe kém, khó đáp ứng được điều trị phẫu thuật, khối u ảnh hưởng đến cả hai tai hoặc tai nghe được duy nhất của bệnh nhân. Đôi khi bác sĩ yêu cầu xạ trị để khối u nhỏ lại, ngừng tiến triển tạm thời như một bước chuẩn bị ban đầu cho phẫu thuật.
  • Điều trị bảo tồn hay điều trị theo dõi: với những khối u kích thước bé, trên bệnh nhân cao tuổi, không muốn can thiệp, thông thường được chỉ định theo dõi tiến triển bằng tái khám định kì.

Dự phòng bệnh u dây thần kinh thính giác

vicare.vn-tim-hieu-ve-benh-u-day-than-kinh-thinh-giac-body-3
Dự phòng bệnh u dây thần kinh thính giác bằng cách khám sức khỏe định kỳ

Hiện nay chưa có biện pháp dự phòng triệt để bệnh u dây thần kinh thính giác. Các biện pháp được khuyến cáo chủ yếu nhằm giúp mọi người nhận thức tốt về bệnh và tầm quan trọng của phát hiện và điều trị bệnh sớm, từ đó thực hiện theo.

Đó là:

  • Khám sức khỏe định kì.
  • Đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường. Không nên chủ quan, bỏ qua triệu chứng ban đầu.
  • Đặc biệt lưu ý khi trong gia đình có người mắc bệnh u dây thần kinh thính giác hai bên, hoặc mang rối loạn gen thần kinh type 2.
  • Luyện tập thể thao, duy trì lối sống lành mạnh để nâng cao thể trạng, tăng phản ứng miễn dịch và đáp ứng của cơ thể nếu cần điều trị tích cực bệnh u dây thần kinh thính giác.
  • Nếu đã được chẩn đoán bệnh, cần thực hiện đúng theo phác đồ điều trị. Không tự ý bỏ điều trị hoặc điều trị bằng phương pháp khác chưa được kiểm chứng hoặc chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Như vậy, bệnh u dây thần kinh thính giác không phải bệnh ung thư, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề đối với bệnh nhân và gia đình.

Xem thêm:

  • Đau dây thần kinh liên sườn gây khó thở
  • Viêm khớp cùng chậu - nỗi lo của phụ nữ sau sinh có thể hóa giải bằng phương pháp Đông y không?
  • Bệnh đau thần kinh liên sườn là gì và điều trị đông y có hiệu quả không?