Tìm hiểu quá trình mọc răng của trẻ
“Cái răng cái tóc là góc con người”. Để giúp trẻ có hàm răng đẹp và tự tin hơn, chúng ta cần thiết phải có những hiểu biết về quá trình mọc răng của trẻ để chăm sóc răng miệng cho trẻ thật tốt.
Tìm hiểu quá trình mọc răng của trẻ
Răng đóng vai trò quan trọng với quá trình ăn nhai, giúp trẻ tiêu hóa thức ăn cũng như quá trình phát âm và góp phần tạo nên thẩm mỹ của khuôn mặt. Vì vậy, hiểu về các đặc điểm sinh lý của quá trình mọc răng là rất quan trọng đối với các bậc phụ huynh để giúp trẻ bảo vệ hàm răng luôn khỏe mạnh và trắng đẹp.
Quá trình mọc răng của trẻ được chia làm 2 giai đoạn: mọc răng sữa và thay răng sữa bằng các răng vĩnh viễn hay mọc răng vĩnh viễn.
Răng sữa là bộ răng tồn tại ở giai đoạn quan trọng nhất của sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ em. Mầm răng sữa được hình thành từ tuần thứ 7 đến tuần thứ 10 khi trẻ còn là bào thai trong bụng mẹ, sau đó được lắng đọng chất men và ngà (sự khoáng hóa) từ tháng 4 đến tháng thứ 6 sau khi sinh . Bên cạnh chức năng ăn nhai, phát âm, răng sữa còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của xương hàm và giữ đúng vị trí cho răng vĩnh viễn mọc lên sau này không lệch lạc.
Những chiếc răng sữa đầu tiên mọc trong khoang miệng của bé khoảng tháng thứ 6 sau khi sinh. Đến 2 hoặc 3 tuổi, trẻ em có đủ bộ răng sữa gồm 20 răng (10 răng hàm trên và 10 răng hàm dưới).
Quá trình mọc răng sữa
Trẻ 6 đến 10 tháng: Chiếc răng đầu tiên xuất hiện,thường là răng cửa ở hàm dưới.
Từ 8 đến 12 tháng: Những chiếc răng cửa ở hàm trên bắt đầu lộ diện. Các bé gái thường mọc răng sớm hơn các bé trai.
Từ 9 đến 13 tháng: Những chiếc răng bên cạnh răng cửa hàm trên xuất hiện.
Từ 10 đến 16 tháng: Những chiếc răng bên cạnh răng cửa của hàm dưới.
Từ tháng thứ 13 và 19: Răng hàm đầu tiên xuất hiện ở hàm trên.
Từ tháng 14 đến 18: Các răng hàm còn lại của hàm dưới đồng thời nổi lên.
Tháng thứ 16 đến 22: Răng nanh phía trên bắt đầu mọc, lấp đầy khoảng trống giữa răng cửa và răng hàm.
Tháng thứ 17 đến 23: Mọc răng nanh hàm dưới.
Tháng thứ 23 đến 31: Mọc răng hàm. Hai răng hàm dưới thường mọc trước hai răng hàm trên.
Nhìn chung, bố mẹ có thể ước lượng số răng sữa của con bằng công thức: Số tháng tuổi – 4. (Ví dụ, trẻ 8 tháng, số răng trẻ có khoảng: 8 – 4 = 4 răng).
Chân răng sữa tiêu dần khi đi đến tuổi thay, răng vĩnh viễn mọc dần lên từ những mầm răng có sẵn trong xương hàm, thế vào vị trí răng sữa.Trẻ em từ 6-11 tuổi hiện diện cả răng sữa và răng vĩnh viển trên cung hàm, gọi là răng hỗn hợp.
Quá trình thay răng (mọc răng vĩnh viễn)
6 đến 7 tuổi: Trẻ bắt đầu thay chiếc răng đầu tiên. Thông thường đó là răng cửa trung tâm của hàm dưới, cũng là chiếc răng mọc lên đầu tiên. Chiếc răng này không tự nhiên rơi ra mà nó bị răng vĩnh viễncứng hơn, lấp ló ở dưới nướu cùng vị trí đẩy lên.
Từ 7 đến 8 tuổi: Hầu hết răng sữa được thay thế theo quy luật: “mọc trước thì rụng trước”. Bắt đầu từ những chiếc răng trung tâm và lan dần ra những chiếc răng bên cạnh.
Từ 9 đến 13 tuổi: Sau khi chia tay những chiếc răng cũ,trẻ sẽ đón nhận những chiếc răng mới to bản hơn lấp những chỗ trống trên hàm răng. Những chiếc răng hàm chiếm nhiều chỗ nhất trong miệng của bé.
Từ 14 đến 23 tuổi: 28 chiếc răng được thay thế một cách hoàn hảo. Đến tuổi này, những chiếc răng khôn bắt đầu mọc lên để đầy đủ 32 chiếc răng đẹp nhất.