Tiêu chảy không nên ăn gì?
Có rất nhiều người bị tiêu chảy mặc dù đã đi khám bác sĩ và được uống thuốc nhưng vẫn không thấy bệnh thuyên giảm. Khi đi tìm hiểu nguyên nhân thì mới biết là do mình ăn những thực phẩm “khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn”. Vì vậy, khi bị tiêu chảy, chúng ta cần nắm rõ những thực phẩm không nên ăn khi bị tiêu chảy.
Tiêu chảy không nên ăn gì?
Thực phẩm có nguồn gốc từ bơ và sữa
Trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ bơ sữa có chứa một loại đường có tên gọi là lactose. Khi đi vào cơ thể, đường lactose sẽ được tiêu hóa nhờ enzyme lactase. Tuy nhiên, khi tiêu chảy, số lượng enzyme lactase trong cơ thể sẽ suy giảm. Do đó, những người bị tiêu chảy thường gặp khó khăn trong việc tiêu hóa các thực phẩm này và gây nên các triệu chứng: đau bụng, đầy hơi, buồn nôn và tiêu chảy. Chính vì thế, khi bị tiêu chảy, bạn không nên ăn các thực phẩm: phô mai, bơ, kem,..Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ăn được sữa chua. Bởi vì sữa chua rất giàu vi khuẩn lactic giúp phân giải các chất khó tiêu đồng thời diệt các vi khuẩn gây hại cho hệ tiêu hóa, từ đó giúp hệ tiêu hóa ổn định hơn.
Đồ ăn giàu chất béo có hại
Người bị tiêu chảy tuyệt đối không nên ăn các loại đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ như: gà rán, tôm chiên, mỡ lợn, mỡ gà, da của các loại gia cầm. Những đồ ăn sẽ kích thích những cơn co thắt ruột, khiến ruột phải làm việc nhiều hơn, và làm cho các triệu chứng của tiêu chảy trở nên nặng nề hơn.
Các loại thủy sản
Nhìn chung, các loại thủy sản (tôm, cua, cá,..) đều rất giàu dinh dưỡng, giàu đạm, nhiều canxi. Tuy nhiên, thủy sản không tốt cho người bị tiêu chảy. Thứ nhất, thành phần của thủy sản có chứa các phân tử protein gây kích ứng . Các phân tử này có thể dễ dàng đi qua hàng rào đường ruột, lọt vào máu và gây nên phản ứng dị ứng thực phẩm và khiến người bị tiêu chảy, đặc biệt là trẻ em bị đau bụng và nôn trớ. Thứ hai, những thực phẩm này có bề mặt chứa chất nhầy và có mùi tanh nên rất dễ hấp dẫn các loại vi khuẩn đường ruột salmonella, shigella xâm nhập vào. Những vi khuẩn này là một trong những nguyên nhân gây nên tiêu chảy. Nếu quá trình chế biến không đúng cách, thực phẩm chưa được nấu chín, người bệnh bị tiêu chảy ăn vào sẽ được nạp thêm một lượng vi khuẩn salmonella, shigella và càng làm tiêu chảy nặng hơn.
Thực phẩm gây đầy hơi
Các thực phẩm dễ gây tình trạng đầy hơi như: đậu, bắp cải, súp lơ xanh và hành tây, quả đào, lê, mận, các loại trái cây sấy khô có khả năng làm tăng lượng khí hơi trong ruột, khiến người bệnh bị đầy hơi, không tốt cho việc điều trị tiêu chảy.
Các loại rau sống
Các loại rau sống, rau chân vịt, rau cần, rau hẹ, giá đỗ, những món ăn giàu xenlulo và nhiều bã. Thứ nhất, xenlulo rất khó tiêu và gây ra kích thích cơ học đối với dạ dày. Thứ hai, thức ăn thô và nhiều bã sẽ làm tăng lượng phân và khi phân bị hấp thụ nước sẽ bị trương ra, khiến ruột phải co bóp nhiều hơn để tiêu hóa và dẫn đến tiêu chảy nặng hơn.
Tiêu chảy không nên ăn ớt
Ớt có thể làm bệnh tiêu chảy nặng hơn. Trong quả ớt có chứa capsaicin - một hợp chất có thể gây nên tiêu chảy. Ớt đi vào dạ dày sẽ làm kích thích lớp niêm mạc dạ dày, dẫn đến hiện tượng nóng bỏng trong dạ dày và tiêu chảy. Bên cạnh đó, ớt có thể làm cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa khi nó đang bị yếu, giảm đề kháng do tiêu chảy.
Các chất thay thế đường
Những vị ngọt nhân tạo như sorbitol, mannitol và xylitol, thường có trong kẹo cao su, bánh kẹo và thuốc là một trong những thủ phạm gây nên bệnh tiêu chảy. So với đường ăn trực tiếp, những vị ngọt nhân tạo này được hấp thụ chậm hơn. Chúng có xu hướng hấp thu đến ruột già mà không được tiêu hóa, rồi gây ra tiêu chảy. Ngoài ra, các chất đường thay thế có thể kích thích dạ dày sinh ra khí nhiều hơn, gây đầy hơi và không có lợi cho việc điều trị bệnh tiêu chảy.
Các chất kích thích
Khi bị tiêu chảy, bạn không nên sử dụng những thực phẩm, đồ uống có khả năng kích thích hệ bài tiết, khiến bạn đi tiểu nhiều lần và dẫn đến bị mất nước. Khi bị tiêu chảy, cơ thể người bệnh thường gặp phải tình trạng mất nước. Trong khi đó, bia, rượu, caffeine có cơ chế hoạt động như thuốc lợi tiểu nên dễ gây mất nước đồng thời có thể làm bệnh tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh tiêu chảy không nên sử dụng những loại đồ uống này.
Thực phẩm ôi, thiu, không đảm bảo vệ sinh
Những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không được chế biến đúng cách, các loại thịt để trong tủ lạnh lâu ngày (>7 ngày), đồ ăn chín để nhiều ngày có chứa rất nhiều vi khuẩn không có lợi và các chất độc hại. Khi đi vào cơ thể, chúng có thể khiến hệ tiêu hóa bị đảo lộn. Đặc biệt, sức đề kháng của người bệnh bị tiêu chảy sẽ suy giảm đáng kể khi bị bệnh và tạo điều kiện cho các vi khuẩn, chất độc hại từ các thực phẩm này dễ xâm nhập rồi gây bệnh và làm cho bệnh tiêu chảy càng nặng.
Xem thêm:
- Bệnh tiêu chảy là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
- Thực phẩm tốt cho người bị tiêu chảy
- Tiêu chảy cấp là gì? Đừng tử vong vì thiếu hiểu biết