Tiêu chảy khi mang thai - Những điều cần biết
Tiêu chảy là một triệu chứng khiến nhiều mẹ bầu lo lắng trong thai kỳ. Tiêu chảy khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân, nếu không xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé. Dưới đây là những điều cần biết dành cho bà bầu khi bị tiêu chảy.
Tiêu chảy khi mang thai - Những điều cần biết
Tiêu chảy khi mang thai do đâu?
Chế độ ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Sức đề kháng cơ thể của các bà mẹ đa phần sẽ giảm sút khi mang thai do vậy không nên sử dụng đồ ăn đồ uống chế biến sẵn, đồ ăn vặt vỉa hè hoặc đồ ăn đã để qua đêm. Nếu ăn uống quá thoải mái, không quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì việc bà bầu bị tiêu chảy xảy ra rất cao. Đặc biệt các loại thức ăn có nguy cơ cao nhiễm khuẩn E.coli, Rota, Salmonella, Norovirus... như thịt bò sống, xúc xích,...dẫn tới ngộ độc thực phẩm mẹ bầu cần cảnh giác.
Tác dụng phụ của vitamin
Các loại vitamin cũng là thủ phạm chính khiến các bà bầu gặp vấn đề về tiêu hóa. Mặc dù các loại vitamin dành cho bà bầu rất tốt cho thai nhi và cơ thể mẹ, nhưng một số thành phần trong vitamin có thể dẫn đến tiêu chảy trong quá trình mang thai.
Nghén ăn
Rất nhiều bà bầu bị nghén ăn, ăn nhiều hơn bình thường và ăn đồ lạ đến mức dạ dày của họ bị rối loạn và dẫn đến tiêu chảy.
Dấu hiệu chuyển dạ
Gần đến ngày sinh nở cũng có thể bị tiêu chảy nhẹ. Đó là do các hormone trong cơ thể thay đổi mạnh mẽ để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ. Nếu bạn gần ngày dự sinh mà bị tiêu chảy đồng thời xuất hiện kèm theo các cơn co thắt thì có thể là một trong những dấu hiệu của chuyển dạ.
Ảnh hưởng tới bà bầu khi bị tiêu chảy
Bà bầu khi bị tiêu chảy sẽ cảm thấy lâm râm đau bụng vùng quanh rốn, đôi khi cũng có thể bị đau dữ dội và mỗi khi cơn đau tới lại mót đi ngoài phân lỏng.
Ngoài ra các bà bầu có thể bị nôn mửa. Đặc biệt, khi tiêu chảy do vi khuẩn tả, số lần đi tiêu và nôn mửa sẽ tăng lên khiến cơ thể mất nước, suy sụp rất nhanh, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tính mạng.
Thời gian tiêu chảy khi mang thai có thể kéo dài từ 1-10 ngày tùy theo nguyên nhân. Khi tiêu chảy kéo dài kèm theo các triệu chứng nguy hiểm trên thì bạn nên đi khám vì tiêu chảy có thể liên quan tới việc sinh non.
Các bà bầu khi mắc tiêu chảy thường bị nặng hơn các trường hợp bình thường và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Ngoài những tác hại đối với cơ thể mẹ, thai nhi trong bụng cũng chịu ảnh hưởng xấu, có thể bị suy dinh dưỡng hay chậm phát triển và nặng hơn nữa có thể là chết lưu.
Những lời khuyên dành cho bà bầu nếu bị tiêu chảy khi mang thai
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy ở các bà bầu sẽ tự hết trong một vài ngày. Mối quan tâm chính của tiêu chảy là giữ nước và điện giải. Để phòng và chữa tiêu chảy các bà bầu nên uống nhiều nước, nước trái cây, và nước canh để bù lượng nước và các chất điện phân mà cơ thể mẹ đã mất. Nước sẽ giúp bổ sung nước bị mất, nước ép trái cây sẽ giúp bổ sung lượng kali và nước canh sẽ bổ sung natri giúp mẹ.
Luôn kiểm tra thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tiêu chảy, vì vậy nên xem kỹ tác dụng phụ khi có ý định dử dụng. Ngoài ra, mẹ không nên dùng bất kỳ loại thuốc chống tiêu chảy, thậm chí dạng không cần toa mà không tư vấn của bác sĩ.
Nên thực hiện một số thay đổi về chế độ ăn uống:
- Tránh các thực phẩm: Nên cắt bỏ hoàn toàn các thực phẩm cay, chiên, chất béo cao, nhiều chất ngọt. Nếu mắc một số bệnh lý như viêm đại tràng mãn, thiếu men lactoza,..thì nên kiêng sữa, thay vào đó nên dùng pho mát hoặc sữa chua... để bổ sung calcium cho thai nhi.
- Chế độ ăn BRAT & CRAM: BRAT (Bananas, Rice, Apple sauce and Toast: chuối, gạo, nước sốt táo và bánh mì nướng) được các bác sĩ khuyến cáo giúp làm dịu hệ thống tiêu hóa. Ngoài những thực phẩm trong chế độ này cần kèm theo những thực phẩm khác sau đây như:
- Các loại rau củ như su su, cà rốt, su hào, củ cải,
- Các thức ăn tinh bột như ngũ cốc, bánh quy, ngô,...
- Thịt nạc
- Cháo gạo, soup mì
- Sữa chua
Các bà bầu cần lưu ý nếu có các biểu hiện sau thì mẹ đến bệnh viện kiểm tra:
- Thời gian tiêu chảy kéo dài từ 2 ngày trở lên.
- Đau bụng dữ dội trong nhiều giờ kèm theo nôn hoặc sốt.
- Đau bụng hoặc đi ngoài lẫn máu.
Cách phòng tránh tiêu chảy khi đang mang thai
- Bà bầu cần có chế độ ăn uống hợp lý và hợp vệ sinh. Chú ý không ăn uống ở những hàng quán không đảm bảo vệ sinh.
- Thực phẩm chế biến xong cần được ăn ngay, không để qua ngày, phải đảm bảo kỹ thuật an toàn và vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm.
- Đọc kĩ các thông tin về các loại thực phẩm gồm thức ăn và đồ uống sử dụng hàng ngày. Tránh nhóm thực phẩm ẩn chứa lượng chất béo vượt ngưỡng cho phép. Loại bỏ những thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc các loại thức ăn bị ẩm, mốc, bốc mùi chua, thiu....
- Các bà bầu cần cung cấp một lượng vitamin và khoáng chất nhất định trong quá trình mang thai. Chất sắt có khả năng ngăn ngừa được hội chứng tiêu chảy khi mang thai. Các loại thực phẩm giàu sắt: các loại hạt, dưa hấu, củ cải đỏ,...
- Nên sử dụng những loại thức ăn đã được nấu chín kỹ.
- Tránh những loại thực phẩm có độ nhiễm khuẩn cao như: tiết canh, lòng lợn, gỏi, rau sống...
- Không sử dụng các loại hoa quả đã bị dập nát hay các loại hạt đã bị biến màu.
- Hạn chế những loại cá biển, tôm, ốc... nếu bạn từng bị đau bụng, tiêu chảy vì sử dụng những loại thực phẩm này..
- Bà bầu không nên coi thường tiêu chảy, cần đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị đúng thuốc, đúng liều lượng và đủ thời gian cho nhanh khỏi bệnh. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc trị tiêu chảy mà không có đơn của bác sĩ chuyên môn vì nhiều loại thuốc điều trị tiêu chảy có thể gây hại cho thai.
Xem thêm:
- Hướng dẫn cách điều trị tiêu chảy khi mang thai
- Uống sữa bầu bị tiêu chảy mẹ bầu phải làm sao?