Tiêm vắc xin đầy đủ, vì sao vẫn mắc bệnh?

Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm có hoặc không có biến chứng hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Vẫn có một số lý do sau khiến việc tiêm vắc xin đầy đủ nhưng vẫn mắc bệnh kể cả người lớn hay trẻ nhỏ.

Tiêm vắc xin đầy đủ, vì sao vẫn mắc bệnh? Tiêm vắc xin đầy đủ, vì sao vẫn mắc bệnh?

1. Cơ thể không đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm vắc xin

Do đáp ứng miễn dịch của cơ thể sau khi tiêm vắc xin không có hoặc chưa đủ mạnh nên vẫn có thể mắc bệnh, mặc dù hiếm gặp và thông thường các triệu chứng thường nhẹ hơn người không tiêm vắc xin.

Khả năng miễn dịch của cơ thể còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, bệnh lý, di truyền... Do đó, một vài trường hợp tiêm vắc xin không mang lại hiệu quả cao như đối tượng người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch do mắc các bệnh khác.

Chương trình tiêm chủng mở rộng trước đây, chỉ cần tiêm một liều vắc xin sởi đủ tạo ra miễn dịch cao và bền vững. Tuy nhiên, khi số ca mắc sởi tăng lên, một số nơi xuất hiện ổ dịch, vài trường hợp đã tiêm vắc xin nhưng cơ thể vẫn không đáp ứng đủ miễn dịch bảo vệ.

vicare.vn-tiem-vac-xin-day-du-vi-sao-van-mac-benh-body-1

2. Chưa đủ thời gian để cơ thể tạo ra đáp ứng miễn dịch

Cơ thể mất khoảng 2 tuần hoặc nhiều hơn để xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sau khi được tiêm vắc xin. Vì vậy, bạn vẫn có khả năng mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc các tác nhân gây bệnh dù mới được tiêm ngừa.

3. Miễn dịch của cơ thể có giới hạn

Miễn dịch trong cơ thể do đáp ứng với vắc xin không duy trì được mãi mãi mà sẽ yếu dần theo thời gian và có khi thấp dưới ngưỡng bảo vệ cơ thể. Cần phải tiêm một vài liều vắc xin nhắc lại để kích thích hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.

Mỗi loại vắc xin sẽ được khuyến cáo tiêm nhắc lại sau những khoảng thời gian cố định khác nhau.

4. Tác nhân gây bệnh luôn biến đổi theo thời gian

Môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, vi khuẩn kháng thuốc... góp phần giúp các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm biến đổi không ngừng. Như vi rút cúm gây bệnh cúm hầu như biến đổi hằng năm và theo mùa với nhiều chủng loại khác nhau.

Ngoài bệnh cúm, còn nhiều bệnh có đa chủng loại vi rút gây bệnh khác nhau như: viêm màng não mô cầu, viêm gan siêu vi... do đó vẫn có khả năng mắc bệnh bởi các chủng vi rút khác dù đã tiêm ngừa.

5. Tiêm đầy đủ các loại vắc xin nhưng chưa đủ liều được khuyến cáo

Mặc dù bạn đã tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh nhưng với tâm lý chủ quan hoặc đôi khi quên lịch tiêm nhắc lại dẫn đến việc tiêm không đủ liều. Làm giảm hiệu quả miễn dịch bảo vệ cơ thể trước căn bệnh đó.

Thường sau mũi 1 sẽ tiêm nhắc lại những mũi tiếp theo trong khoảng gian ngắn sau đó (có thể 1 tuần, 1 tháng hoặc vài năm... tùy theo loại vắc xin). Việc tiêm đủ liều sẽ giúp hệ miễn dịch tái sản xuất lượng kháng thể mà trước đó đã được tạo ra sau đợt tiêm ngừa đầu tiên.

vicare.vn-tiem-vac-xin-day-du-vi-sao-van-mac-benh-body-2

6. Mắc bệnh trước hoặc ngay khi vừa tiêm vắc xin

Một số trường hợp trẻ đã tiêm vắc xin mà vẫn mắc bệnh có thể do trẻ đang trong giai đoạn dùng một số thuốc ức chế miễn dịch (Corticoid) để điều trị các bệnh mãn tính như hen suyễn, hội chứng thận hư, bệnh lý về khớp... hoặc đang mắc các bệnh cấp tính như sốt cao, ho nhiều, nhiễm vi rút nặng khiến việc tiêm vắc xin tạo miễn dịch không hiệu quả.

7. Bảo quản và tiêm vắc xin không đúng cách

Nếu điều kiện bảo quản vắc xin không đảm bảo và cách tiêm cùng thời điểm tiêm không đúng, cũng khiến việc tiêm phòng không đạt hiệu quả.

Như việc tiêm ngừa bệnh lao: trong vòng ba ngày đầu sau sinh,trẻ được tiêm vắc xin BCG ngừa bệnh lao để đáp ứng miễn dịch tốt nhất, tiêm sau thời điểm này có thể hiệu quả sẽ giảm dẫn đến việc vẫn có trẻ mắc lao sau khi đã được tiêm ngừa.

Hầu hết các vắc xin đều không thể đảm bảo 100% khả năng bảo vệ cơ thể khỏi mắc bệnh. Vẫn có một tỷ lệ khá nhỏ không đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm vắc xin. Nhưng so với lợi ích trong việc điều trị khi đã mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra thì tiêm vắc xin vẫn là một việc làm cần thiết.

Xem thêm:

  • Có phải tiêm vắc-xin khi còn nhỏ an toàn không?
  • Tiêm nhiều hơn một mũi vắc xin có gây quá tải hệ thống miễn dịch không?
  • Lịch tiêm chủng Vắc-xin cho trẻ năm 2018 có gì mới