Tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao ở đâu?
Vì một lý do nào đó mà lúc sinh ra trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin BCG thì sau đó để hoàn thành mũi tiêm này cho con có rất nhiều điều được các bố mẹ quan tâm như: tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao ở đâu? Giá của vắc xin BCG ngừa lao cho trẻ sơ sinh là bao nhiêu tiền? Những phản ứng thường gặp sau tiêm là gì?
Tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao ở đâu?
Vì một lý do nào đó mà lúc sinh ra trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin BCG thì sau đó để hoàn thành mũi tiêm này cho con có rất nhiều điều được các bố mẹ quan tâm như: tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao ở đâu? Giá của vắc xin BCG ngừa lao cho trẻ sơ sinh là bao nhiêu tiền? Những phản ứng thường gặp sau tiêm là gì?
1. Vắc xin BCG là gì?
Vắc xin BCG (Bacillus Calmette-Guérin) là loại vắc xin được dùng để phòng bệnh lao. Vắc xin BCG lần đầu tiên được sử dụng trong y tế vào năm 1921. BCG nằm trong Danh sách các loại thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra, đây là danh sách các loại thuốc hiệu quả và an toàn nhất cần thiết trong hệ thống y tế.
Ở những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh lao hoặc bệnh phong cao, một liều vắc xin BCG được khuyến cáo dùng cho trẻ khỏe mạnh càng gần thời điểm sinh càng tốt. Ở những khu vực mà bệnh lao không phổ biến thì chỉ những trẻ có nguy cơ cao sẽ được chủng ngừa, còn các trường hợp nghi ngờ bệnh lao được kiểm tra và điều trị riêng lẻ.
Bên cạnh đó người lớn không bị bệnh lao và chưa được chủng ngừa trước đây nhưng thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố phơi nhiễm cũng nên được chủng ngừa. BCG cũng có hiệu quả trong ngăn ngừa nhiễm loét Buruli và vi khuẩn lao không điển hình khác. Ngoài ra vắc xin này đôi khi được sử dụng như một phần của phương pháp điều trị ung thư bàng quang.
2. Đối tượng nào được chỉ định tiêm vắc xin BCG
Vắc xin BCG được chỉ định tiêm để phòng bệnh lao ở trẻ em.
3. Lịch tiêm chủng dành cho vắc xin BCG
Vắc xin BCG được chỉ định tiêm cho trẻ trong vòng 30 ngày từ sau khi trẻ sinh ra và càng sớm càng tốt.
Vắc xin BCG chỉ cần tiêm một liều duy nhất, không phải tiêm nhắc lại.
Theo khuyến cáo, thì những trẻ sinh non, có vấn đề về sức khỏe hoặc nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt, cần đợi khi bé có thể trạng tốt, đủ cân nặng và phát triển ổn định thì mới tiến hành tiêm phòng lao.
4. Đường dùng của BCG
Đây là vắc xin được tiêm trong da, chính xác là ở mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc vai trái.
Nhân viên y tế cần sử dụng bơm kim tiêm riêng cho từng trẻ khi tiêm vắc xin BCG.
5. Các trường hợp chống chỉ định
Không tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ nhỏ có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh AIDS.
6. Lưu ý đến những phản ứng sau tiêm và tính an toàn của vắc xin
Khi tiêm mũi lao, phần lớn trẻ em đều có phản ứng tại chỗ tiêm. Thông thường, ngay sau khi tiêm thường xuất hiện nốt nhỏ tại chỗ tiêm và nốt này sẽ biến mất sau 30 phút. Khoảng 2 tuần sau tiêm, xuất hiện một vết loét đỏ có kích thước bằng đầu bút chì. Sau đó khoảng 2 tuần nữa, vết loét tự lành để lại một sẹo nhỏ có đường kính khoảng 5mm. Nếu có vết sẹo nhỏ này chứng tỏ trẻ đã có miễn dịch.
Những phản ứng không mong muốn khác có thể có:
- Sưng hoặc áp-xe: Có thể nổi hạch ở nách hoặc khuỷu tay, một số trường hợp có áp-xe. Nổi hạch hoặc áp-xe thường xảy ra do sử dụng bơm kim tiêm không được vô trùng đúng cách hoặc tiêm quá nhiều vắc xin, tiêm không đúng kỹ thuật (phổ biến nhất là thay vì tiêm trong da thì lại tiêm dưới da).
- Có rất ít phản ứng nặng sau tiêm BCG: trong đó có khoảng 1/1.000.000 trường hợp bị nhiễm lao sau tiêm BCG. Hiện tượng này hay xảy ra ở những trường hợp nhiễm HIV hoặc những trường hợp suy giảm miễn dịch mắc phải.
7. Điều kiện bảo quản vắc xin BCG
Vắc xin BCG được bảo quản ở nhiệt độ 2°C - 8°C (vắc xin không bị hỏng bởi đông băng nhưng dung môi thì không được để đông băng). Sau khi hoàn nguyên dung dịch tiêm cần được bảo quản ở nhiệt độ 2°C - 8°C trong vòng 6 giờ. Phần còn lại của lọ vắc xin sau mỗi buổi tiêm chủng hoặc sau 6 giờ từ lúc bơm dung môi vào cần phải hủy bỏ.
8. Tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao ở đâu?
Để đảm bảo an toàn cho trẻ trước khi tiêm phòng lao, các bậc phụ huynh cần nắm rõ tình trạng sức khỏe của bé. Nếu trẻ đang có bệnh thì các bạn cần thông báo chi tiết với bác sĩ để bác sĩ quyết định xem bé có cần hoãn tiêm không. Với trẻ có bệnh mãn tính thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đang hỗ trợ điều trị cho trẻ để biết khi nào có thể tiêm chủng và cơ sở y tế tiêm chủng thích hợp cho trẻ để tránh trường hợp trẻ bị phản ứng nghịch với thuốc. Với những trường hợp này tốt nhất là nên tiêm chủng ở những nơi có đủ điều kiện cấp cứu.
Có 2 cách bố mẹ có thể lựa chọn:
- Tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã, phường nơi mình sinh sống theo lịch tiêm chủng mở rộng vào ngày mùng 5 và 20 hàng tháng.
- Tiêm theo chương trình tiêm chủng dịch vụ tại các trung tâm tiêm chủng dịch vụ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ y tế ở nơi gần nhất.
Không nên tiêm chủng cho trẻ tại nhà vì theo quy định của Bộ y tế nghiêm cấm tất cả các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng tại nhà để đảm bảo an toàn tiêm chủng tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Thông tin chi tiết trên đây hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của nhiều bố mẹ đang băn khoăn không biết tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao ở đâu? Các phản ứng của trẻ có thể gặp sau khi tiêm là gì và những thông tin hỗ trợ khác để các bậc phụ huynh có lựa chọn đúng đắn khi tiêm phòng cho trẻ.
Xem thêm:
- Tại sao người lớn cũng nên đi tiêm phòng vacxin sởi
- Những lưu ý dành cho các bà mẹ khi tiêm vắc xin Sởi - Rubella
- Những ai không được tiêm vaccine ngừa quai bị?