Tiêm phòng khi mang thai: Biện pháp hữu hiệu bảo vệ thai kỳ an toàn
Tiêm phòng vaccine trước và trong quá trình mang thai là môt việc làm rất quan trọng và là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu những nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Cùng tìm hiểu những thông tin dưới đây để bảo vệ cho thai kỳ của bạn luôn an toàn.
Tiêm phòng khi mang thai: Biện pháp hữu hiệu bảo vệ thai kỳ an toàn
Tiêm phòng khi mang thai: Cần hay không?
Khi mang thai, ngoài những sự chuẩn bị về mặt tâm lý và tài chính để đón bé yêu, sản phụ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, trong đó có các loại bệnh tật.
Do hệ miễn dịch của người mẹ khi mang thai thường sẽ bị suy giảm do đó, cơ thể người mẹ rất dễ bị nhiễm nhiều loại tác nhân gây bệnh khác nhau. Và chính những virus và vi khuẩn này là nguyên nhân dẫn đến những dị tật bẩm sinh, sinh non, sẩy thai và những hậu quả đáng tiếc cho cả mẹ và bé.
Do đó các chuyên gia khuyên bạn nên phòng ngừa bằng cách tạo miễn dịch chủ động bằng việc tiêm phòng vaccines. Các vaccines khi được tiêm vào cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch và sản sinh kháng thể, giúp cơ thể có thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Hãy tiêm phòng từ khi có ý định có thai
Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) của Trung tâm Kiểm soát và Ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo đối với các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, và dự kiến sẽ mang thai nên tiêm ngừa các bệnh: sởi, quai bị, Rubella và thủy đậu trước khi mang thai vì những loại vaccines này bị chống chỉ định trong thời kỳ mang thai.
Sởi, Quai Bị, Rubella
Phụ nữ trước khi mong muốn có thai muốn tiêm ngừa sẽ được các bác sĩ xác định xem đã có miễn nhiễm với những này hay chưa, bằng cách xét nghiệm máu. Nếu chưa có miễn dịch, người mẹ cần được chủng ngừa vaccine phòng những bệnh này ( còn gọi là vaccines MMR) ít nhất một tháng trước khi mang thai.
Nếu chích ngừa Vaccines này trong giai đoạn đầu của thai có thể gây sẩy thai. Nhiễm Rubella trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể gây ra những dị tật bẩm sinh nặng như: điếc và những dị tật bẩm sinh liên quan đến mắt, tim, và/hoặc não.
Thủy đậu
Cũng giống như việc tiêm phòng vacxin sởi, quai bị và rubella. Nếu được xác định chưa có miễn nhiễm với bệnh thủy đậu, phụ nữ có ý định mang thai nên được tiêm ngừa bệnh trước khi có thai ít nhất 1 tháng.
Nếu bị mắc thủy đậu trong thai kỳ, đặc biệt 3 tháng đầu, sẽ làm tăng nguy cơ bị mắc các dị tật bẩm sinh. Hoặc có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho mẹ như: viêm phổi... trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
Những loại vaccine nào cần tiêm trong quá trình mang thai?
Bệnh cúm
Chủng ngừa cúm theo mùa được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ đang hoặc dự định có thai trong mùa cúm (CDC khuyên nên chủng ngừa vào cuối tháng 10 vì tiêm vào thời điểm này giúp bảo vệ mẹ trước khi hoạt động của cúm bắt đầu tăng lên). Phụ nữ khi mang thai bị cúm có thể bị các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp... Với thai nhi, bé có thể bị mắc các dị tật bẩm sinh .nếu người mẹ mắc cúm trong ba tháng đầu thai kỳ. Loại vaccine này không gây hại cho thai nhi, mà còn giúp bảo vệ bé khỏi bị nhiễm bệnh cúm trong 6 tháng đầu sau sinh, trước khi bé được tiêm phòng nhắc lại loại vaccines này sau sinh.
Bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván (Tdap)
Loại vaccine này được khuyến cáo cho phụ nữ trong mỗi lần mang thai, và nên được tiêm phòng trong khoảng tuần thứ 27 và tuần 36 khi mang thai, để giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh ho gà, uốn ván rốn và bạch hầu.
Bệnh ho gà
Bệnh này đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh. Các thống kê cho thấy có khoảng 20 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm do bệnh gây ra tại Hoa Kỳ. Bệnh rất khó phát hiện do nhiều trẻ bị mắc bệnh có thể không có triệu chứng: ho, khò khè. Tuy nhiên trẻ có thể biểu hiện dấu hiệu nặng như: ngừng thở, tím tái. Do vậy, việc tiêm phòng ho gà khi mang thai sẽ giúp bé có kháng thể chống lại bệnh cho đến khi phải đợi đến mũi tiêm nhắc lại lúc bé 2 tháng tuổi.
Bệnh uốn ván
Uốn ván là một căn bệnh rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Phụ nữ mang thai có thể bị uốn ván trong khi chuyển dạ, do vi khuẩn gây bệnh uốn ván từ những nguồn tiếp xúc bên ngoài ( ví dụ: dụng cụ đỡ sanh không an toàn... )sẽ đi theo đường sinh dục và tấn công vào tử cung. Ngoài ra, trẻ sinh ra cũng có nguy cơ bị uốn ván rốn, do có thể nhiễm vi khuẩn từ những dụng cụ cắt rốn. Những nguy cơ này có thể lên đến 95%. Do đó các bác sĩ khuyến cáo sản phụ nên được tiêm phòng uốn ván trong quá trình mang thai
Lịch tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai được khuyến cáo như sau:
Đối với trường hợp mang thai lần đầu: Sản phụ sẽ được tiêm 2 mũi. Mũi đầu tiên diễn ra vào thời điểm khi biết tin đã có thai. Mũi sau cách mũi đầu ít nhất 1 tháng nhưng cũng phải trước ngày dự sinh ít nhất là 30 ngày. Hiện nay, việc tiêm phòng uốn ván cho thai phụ thường được thực hiện trong 3 tháng giữa thai kỳ. Vì có khả năng gây sảy thai cao trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Trường hợp mang thai lần 2: Với những người đã tiêm đủ 2 mũi, lịch tiêm sẽ như sau:
- Nếu lần tiêm trước < 5 năm: chỉ cần tiêm 1 mũi.
- Nếu lần tiêm trước > 5 năm: phải tiêm 2 mũi.
Với người đã tiêm được 3 mũi hoặc 4 mũi, chỉ cần tiêm nhắc lại một mũi.
Nếu trước đây đã đủ 5 mũi tiêm uốn ván và mũi cuối cùng cách thời điểm mang thai dưới 10 năm thì mẹ bầu không cần tiêm phòng lại nữa. Còn nếu mũi cuối cùng đã hơn thời điểm mang thai hiện tại 10 năm thì mẹ bầu cần được tiêm 1 mũi uốn ván lại.
Những loại vaccine chỉ chỉ tiêm cho phụ nữ mang thai khi có chỉ định bác sĩ
Thường những mũi tiêm phòng này được thực hiện khi thai phụ di chuyển đến những khu vực đang có dịch hoặc những nơi tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Viêm gan A
Đây là một loại virus có thể gây ra bệnh nặng ở phụ nữ có thai và có thể được truyền sang bào thai. Loại vaccines này được xác định là không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Viêm gan B
Thai phụ mắc bệnh này có thể đã diễn tiến nặng. Do đó vaccine phòng bệnh viêm gan B được khuyến cáo cho những thai phụ có nguy cơ mắc bệnh cao (những người chưa có kháng thể với virus hoặc đang ở cùng với người mắc bệnh viêm gan B). Vaccine này không gây hại cho sự phát triển của thai nhi.
Phế cầu
Nhiễm vi khuẩn phế cầu có thể gây ra các bệnh như: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não ở phụ nữ mang thai. Do đó thai phụ cần được tiêm ngừa phế cầu. Lý tưởng nhất là tiêm trước khi mang thai. Tuy nhiên, các khuyến cáo cho thấy việc tiêm loại vaccine này an toàn hơn khi dùng trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba
Sốt vàng
Đây là một bệnh do virus truyền qua muỗi. Bệnh sẽ gây ra tổn thương ở gan và thận hoặc xuất huyết, và đặc biệt nguy hiểm với thai phụ do thường dẫn đến tử vong. Bệnh thường xảy ra ở các các nước nhiệt đới Nam Mỹ và sa mạc Sahara Châu Phi. Do dó phụ nữ khi mang thai nên tránh đi đến những khu vực này. Nếu không thể tránh được, thai phụ nên tham khảo ý kiến các bác sĩ về việc tiêm phòng bệnh này.
Bại liệt
Virus bại liệt có thể gây ra tình trạng liệt vĩnh viễn. Do đó các thai phụ nên tránh đi du lịch hoặc công tác đến những vùng đang có dịch. Việc tiêm vacxin ngừa bại liệt trong thời gian mang thai này thường không được khuyến cáo bởi thông tin về tính an toàn của thuốc chủng ngừa vẫn thực sự chưa đủ.
Các loại chủng ngừa khác
Một số căn bệnh nhiễm trùng khác như: viêm màng não, viêm não Nhật Bản, dại,thương hàn... Cần tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc chủng ngừa trong thời gian mang thai.
Lưu ý khi tiêm ngừa đối với phụ nữ có thai
- Nên tham khảo ý kiến với các bác sĩ trước khi chủng ngừa.
- Báo cho các bác sĩ biết trước tình trạng dị ứng thuốc, thức ăn... hoặc đang điều trị bằng kháng viêm corticoid hay các loại thuốc ức chế sự miễn dịch cũng như đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp gây sốt.
- Thai phụ cần theo dõi biểu hiện thể lý trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi tiêm chủng.
- Đối với những loại vacxin cần tiêm trước khi mang thai, cần tránh thai an toàn trong khoảng thời gian tiêm phòng để hạn chế những nguy hiểm cho bé. Nếu bị vỡ kế hoạch bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ
- Ghi chép lại chính xác các thông tin về việc chủng ngừa của thai phụ và cung cấp những thông tin này với bác sĩ trước khi muốn có thai và trước khi sinh sẽ giúp các bác sĩ xác định loại vacxin nào mẹ cần tiêm và an toàn trong thai kỳ của bạn
Tiêm phòng khi mang thai là một biện pháp cực kỳ quan trọng, không chỉ để bảo vệ sức khỏe cho mẹ mà còn an toàn cho sức khỏe của bé trong suốt quá trình mang thai nhằm chống lại các bệnh tật và những dị tật bẩm sinh cho bé. Do đó hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ đúng lịch tiêm chủng khi mang thai để có một thai kỳ an toàn và giúp hạn chế những hậu quả đáng tiếc cho mẹ và bé.
Xem thêm:
- Tiêm phòng trước khi mang thai có cần thiết không?
- Tiêm phòng uốn ván có ảnh hưởng tới thai nhi hay không?
- Lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần hai đầy đủ và chính xác nhất