Thuốc phosphalugel dùng để chữa bệnh gì?
Phosphalugel được dùng khá phổ biến hiện nay và được nhiều người biết đến là thuốc chữa bệnh dạ dày “hình chữ P”. Vậy cách dùng phosphalugel như thế nào và hiệu quả của nó ra sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Thuốc phosphalugel dùng để chữa bệnh gì?
Phosphalugel được dùng khá phổ biến hiện nay và được nhiều người biết đến là thuốc chữa bệnh dạ dày “hình chữ P”. Vậy cách dùng phosphalugel như thế nào và hiệu quả của nó ra sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Giới thiệu chung về thuốc phosphalugel
Nhà đăng kí: Boehringer Ingeheim
Sản xuất tại: Công ty Pharmatis, Pháp
Dạng bào chế: Hỗn dịch uống
Đóng gói: Hộp 26 gói x 20g.
Mỗi gói phosphalugel chứa Colloidal aluminium phosphate (nhôm phosphat) gel 20%, 12,380g. Ngoài thành phần chính trên, mỗi gói còn gồm các tá dược: Calcium sulphate dihydrate, pectin, agar 800, hương cam, kali sorbate, dung dịch sorbitol (không tinh thể), nước tinh khiết vừa đủ để tạo thành gói 20 g. Phosphalugel không chứa sucrose (đường).
Tác dụng và chỉ định của phosphalugel
Phosphalugel là một thuốc kháng axit.
Nhôm phosphat trong thuốc làm giảm acid dịch vị dư thừa để làm giảm độ acid trong dạ dày, từ đó làm giảm các triệu chứng trong viêm loét dạ dày tá tràng, ợ chua, ợ nóng, đầy bụng hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Lớp màng bảo vệ từ nhôm phosphat phân tán mịn làm nhanh liền ổ viêm loét, bảo vệ niêm mạc dạ dày chống lại tác động bên ngoài và làm người bệnh dễ chịu nhanh chóng.
Chỉ định của phosphalugel
- Làm dịu các triệu chứng do tăng acid dạ dày (chứng ợ nóng, chua, đầy bụng khó tiêu do tăng acid).
- Điều trị tăng acid dạ dày trong loét dạ dày tá tràng.
- Phòng và điều trị loét và xuất huyết dạ dày tá tràng do stress.
- Điều trị các biểu hiện bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Phosphalugel không được dùng cho đối tượng bệnh nhân nào?
Không được dùng phosphalugel cho những bệnh nhân bị dị ứng với nhôm hoặc chế phẩm chứa nhôm; hay dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc.
Những bệnh nhân bị bệnh thận nặng cũng không được dùng thuốc này.
Cách dùng và liều dùng phosphalugel
Dùng thuốc phosphalugel lúc có cơn đau hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Liều dùng: uống 1-2 gói/ lần, uống 2-3 lần/ ngày. Không dùng quá 6 gói/ ngày.
Việc uống thuốc phosphalugel trước hay sau bữa ăn tùy vào chỉ định của bác sĩ.
Thận trọng khi sử dụng phosphalugel
- Tránh điều trị liều cao lâu dài phosphalugel ở người bệnh suy thận.
- Nếu điều trị phosphalugel trong vòng 2 tuần mà không đỡ các triệu chứng như đầy bụng, ợ nóng, ợ chua thì phải đến cơ sở y tế để khám bệnh.
- Không nên dùng thuốc với bệnh nhân mắc bệnh di truyền hiếm gặp không dung nạp fructose. Thuốc chứa sorbitol nên có thể ảnh hưởng nhẹ trên đường tiêu hóa (tiêu chảy).
Phụ nữ có thai và cho con bú dùng phosphalugel có an toàn không?
Phosphalugel được coi là an toàn với phụ nữ có thai, miễn là tránh dùng lâu dài với liều cao.
Với phụ nữ đang cho con bú, mặc dù một lượng nhỏ nhôm được đào thải qua sữa, nhưng nồng độ không đủ gây tác hại đến trẻ bú mẹ.
Tuy vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú.
Tác dụng phụ của phosphalugel
Tác dụng phụ hay gặp nhất của phosphalugel là táo bón, đặc biệt ở người già.
Để hạn chế điều này bệnh nhân cần uống nhiều nước, hoặc nếu tình trạng nặng, có thể dùng xen kẽ hoặc chuyển sang dùng thuốc kháng acid chứa magnesi.
Hãy thông báo cho bác sĩ biết bệnh nhân gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng phosphalugel.
Tương tác của phosphalugel với thuốc khác
- Tất cả các thuốc kháng acid đều có thể làm tăng hoặc giảm tốc độ và mức độ hấp thu của các thuốc dùng đồng thời. Vì vậy dùng các thuốc khác phải cách 1 - 2 giờ trước hoặc sau khi dùng phosphalugel.
- Thuốc này làm giảm hấp thu các thuốc: digoxin, indomethacin, muối sắt, isoniazid, clodiazepoxid, naproxen.
- Làm tăng hấp thu 1 số thuốc như dicumarol, pseudoephedrin, diazepam.
- Làm tăng pH nước tiểu, làm giảm đào thải các thuốc là base yếu (amphetamin, quinidin), tăng đào thải các thuốc là acid yếu (aspirin là acid yếu).
Trước khi uống phosphalugel, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những thuốc bạn đang dùng.
Bảo quản phosphalugel như thế nào?
Bảo quản thuốc phosphalugel nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 30 oC, tránh ánh sáng; tránh thuốc bị biến đổi tính chất ảnh hưởng hiệu quả điều trị và sức khỏe bệnh nhân.
Uống quá nhiều phosphalugel sẽ gây ra vấn đề gì?
Uống quá nhiều thuốc có thể gây táo bón hoặc nghiêm trọng hơn là tắc ruột.
Quá liều thường gây ảnh hưởng trên những bệnh nhân suy chức năng thận.
Nếu bạn dùng liều quá cao phosphalugel, hãy đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Mua thuốc phosphalugel ở đâu?
Phosphalugel là thuốc có ở nhiều cơ sở y tế và bán khá phổ biến tại các nhà thuốc, quầy thuốc trên toàn quốc. Tuy nhiên, để tránh mua phải thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng, bạn nên chọn mua tại các nhà thuốc lớn, có uy tín. Hãy kiểm tra kỹ nhãn mác và các thông tin trước khi nhận thuốc.
Hiện tại, giá 1 hộp phosphalugel 26 gói x 20g dao động trong khoảng 95.000 – 110.000 đồng.
Thuốc phosphalugel có tốt không?
Phosphalugel được nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn trong điều trị bệnh về dạ dày. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của thuốc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cách sử dụng của bệnh nhân, mức độ bệnh, đáp ứng điều trị của bệnh nhân...
Một số ưu điểm của phosphalugel so với thuốc chữa bệnh dạ dày khác như:
- Dạng hỗn dịch dễ uống, tiện lợi.
- Tác dụng nhanh, dùng nhiều để cắt cơn đau, giảm triệu chứng khó tiêu, đầy bụng.
- Phosphalugel còn không làm ảnh hưởng đến sự hấp thu phosphat của đường ruột so với thuốc khác trong nhóm antacid ví dụ nhôm hydroxid.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm hạn chế của thuốc:
- Khả năng trung hòa acid dịch vị chỉ bằng một nửa nhôm hydroxyd.
- Có tác dụng ngắn, thường chỉ kéo dài trong khoảng 3 giờ.
- Dễ gây tác dụng phụ là táo bón.
- Tương tác với nhiều thuốc khác gây khó khăn trong điều trị nếu có bệnh mắc kèm.
Để dùng thuốc phosphalugel chữa các bệnh về dạ dày đạt hiệu quả nhất, bạn hãy nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ và mua thuốc tại các cơ sở uy tín.
Xem thêm:
- Phụ nữ mang thai có được sử dụng thuốc Phosphalugel không?
- Gợi ý thuốc điều trị xuất huyết dạ dày