Thuốc Amiodaron có tác dụng gì?
Thuốc Amiodaron là một loại thuốc có tác dụng chống loạn nhịp tim mạnh mẽ và hiệu quả nhất. Đây là loại thuốc thường được sử dụng trong việc phòng và điều trị cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp thất và trên thất. Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về tác dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng và các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc Amiodaron.
Thuốc Amiodaron có tác dụng gì?
Thuốc Amiodaron là một loại thuốc có tác dụng chống loạn nhịp tim mạnh mẽ và hiệu quả nhất. Đây là loại thuốc thường được sử dụng trong việc phòng và điều trị cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp thất và trên thất. Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về tác dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng và các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc Amiodaron.
Các thông số kỹ thuật của thuốc Amiodaron
- Nhóm thuốc: Thuốc tim mạch
- Biệt dược: Cordarone, Sedacoron. Một số biệt dược mới: Amiodaron VPC 200, Amiodarone, Adatot-200, Aldarone, Amiodarone, Amiodarone Aguettant 50mg/ml.
- Dạng thuốc và hàm lượng: thuốc Amiodaron được sản xuất dưới 2 dạng là:
- Dạng viên nén có các hàm lượng: 100mg/200mg/400mg.
- Dạng dung dịch tiêm có hàm lượng 150mg/ 3ml.
- Bảo quản: để thuốc chỗ mát, tránh ánh sáng và ẩm.
Tác dụng của thuốc Amiodaron
Thuốc Amiodaron có tác dụng chống loạn nhịp tim nhóm 3 (theo phân loại Vaughan Williams), thuốc ức chế kích thích, kéo dài thời gian điện thế hoạt động và thời gian trơ của mô cơ tim. Thuốc cũng làm giảm sự dẫn truyền nhĩ thất và chức năng của nút xoang. Thuốc Amiodaron có tác dụng làm giảm từ 15-20% nhịp xoang. Thuốc làm chậm nhịp xoang một cách đáng kể hay ngừng nhịp xoang và block dẫn truyền ở tim
Đặc biệt với các liều tiêm tĩnh mạch cấp, Amiodaron có thể gây ra tác dụng âm tính nhẹ lên co thắt cơ tim.
Thuốc Amiodaron được chỉ định trong trường hợp nào?
Thuốc Amiodaron được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
Các bệnh nhân rối loạn nhịp thất
Rối loạn nhịp thất là tình trạng hoạt động điện của tim có rối loạn bất thường xảy ra trong tâm thất (buồng dưới của tim). Các loại rối loạn nhịp thất thường gặp gồm có: ngoại tâm thu thất, nhịp nhanh thất bền bỉ hoặc không bền bỉ, nhịp nhanh thất đơn dạng, đa dạng; nhịp nhanh thất hai chiều, rung thất, cuồng thất, xoắn đỉnh.
Với bệnh nhân rối loạn nhịp thất, thuốc Amiodaron sẽ được sử dụng để:
- Điều trị hoặc dự phòng tái phát cho bệnh nhân bị các rối loạn nhịp thất đe dọa tính mạng đã được chẩn đoán chắc chắn như rung thất tái phát, nhịp nhanh thất có rối loạn huyết động và bệnh nhân không đáp ứng hoặc không dung nạp với các thuốc chống loạn nhịp khác.
- Hỗ trợ cho điều trị cho bệnh nhân bị rung thất hoặc nhịp nhanh thất không đáp ứng với biện pháp hồi sức tim – phổi, kháng lại biện pháp khử rung điện và 01 thuốc co mạch.
- Điều trị cho bệnh nhân bị nhịp nhanh thất đơn dạng và đa dạng không kèm theo các triệu chứng đau thắt ngực, phù phổi hoặc tụt huyết áp. Điều trị cho bệnh nhân bị nhịp nhanh thất nhưng có huyết động ổn định.
- Kiểm soát nhịp nhanh thất đa dạng.
Dự phòng loạn nhịp thất và đột tử do ngừng tim
- Sử dụng thuốc Amiodaron để dự phòng thứ phát với các trường hợp bị loạn nhịp thất nguy hiểm tính mạng (như rung thất tái phát, nhịp nhanh thất có rối loạn huyết động) mà bệnh nhân không đáp ứng với các loại thuốc chống loạn nhịp đã sử dụng trước đây.
- Amiodaron được sử dụng để dự phòng tiên phát nhịp nhanh thất kéo dài, rung thất hoặc ngừng tim đột ngột ở các bệnh nhân nhồi máu cơ tim bị rối loạn nhịp thất không kéo dài.
Các bệnh nhân bị loạn nhịp nhanh trên thất:
- Thuốc Amiodaron được dùng cho các trường hợp bệnh nhân bị rung nhĩ kéo dài ≤ 48 tiếng, bệnh nhân bị hội chứng Wolff – Parkinson – White mà có tình trạng suy tim mạn hoặc rung nhĩ hay cuồng động nhĩ do hội chứng tiền kích thích.
- Thuốc Amiodaron được sử dụng để kiểm soát tần số tim ở các bệnh nhân bị rung nhĩ và suy tim.
- Amiodaron được sử dụng với mục đích dự phòng rung nhĩ sau phẫu thuật tim – lồng ngực.
- Thuốc còn được sử dụng cho bệnh nhân khi có bệnh mạch vành và/hoặc có suy giảm chức năng thất trái/Các bệnh nhân bị loạn nhịp thất và trên thất trong bệnh phì đại cơ tim.
Chống chỉ định của thuốc Amiodaron
- Bệnh nhân bị sốc tim.
- Bệnh nhân bị rối loạn chức năng nút xoang nặng khiến cho nhịp xoang chậm nặng (trừ trường hợp bệnh nhân đã đặt máy tạo nhịp tạm thời).
- Bệnh nhân bị block nhĩ – thất độ 2, độ 3 (trừ trường hợp bệnh nhân đã đặt máy tạo nhịp tạm thời).
- Bệnh nhân bị nhịp tim chậm đã gây ra tình trạng ngất (trừ các trường hợp bệnh nhân đã được đặt máy tạo nhịp tạm thời).
- Bệnh nhân bị loạn chức năng tuyến giáp, bệnh nhân mẫn cảm với iod.
- Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Cần tránh tiêm tĩnh mạch trong trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, trụy mạch hay giảm huyết áp nặng.
- Cần tránh tiêm cả liều một lúc trong trường hợp bệnh nhân bị suy tim sung huyết hay bệnh nhân bị phì đại cơ tim.
- Thuốc Amiodaron có thể gây ra tình trạng xoắn đỉnh - một tình trạng nguy hiểm tới tính mạng.
- Phụ nữ có thai và cho con bú không sử dụng thuốc Amiodaron.
Cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc Amiodaron
Thuốc Amiodaron có độc tính cao, có khả năng gây tử vong, đặc biệt gây nhiễm độc phổi. Do đó thuốc phải dùng trong bệnh viện, bệnh nhân phải được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm.
Khi sử dụng thuốc Amiodaron cần phải chú ý các điều sau đây:
- Khi sử dụng thuốc Amiodaron, bệnh nhân cần tránh phơi nắng.
- Bệnh nhân sử dụng thuốc Amiodaron phải đi khám mắt hàng năm.
- Các bệnh nhân bị suy tim sung huyết, hạ kali máu, suy gan, rối loạn chức năng tuyến giáp, giảm thị lực hay bệnh nhân phải phẫu thuật cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc này.
- Thuốc Amiodaron khi sử dụng liều cao có thể gây chậm nhịp tim và rối loạn dẫn truyền với nhịp tim tự thất, đặc biệt ở các bệnh nhân tuổi cao đang sử dụng thuốc Digitalis.
- Thận trọng khi sử dụng kết hợp với các thuốc chẹn kênh calci hoặc chẹn beta, bởi nguy cơ gây chậm nhịp, block nhĩ thất.
- Việc dùng Amiodaron đường tiêm tĩnh mạch có thể làm cho tình trạng suy tim nặng thêm.
- Khi sử dụng kết hợp với thuốc Digitalis hoặc thuốc chống loạn nhịp tim khác có thể gây rối loạn điện giải và có thể gây ra tình trạng loạn nhịp.
Phụ nữ có thai và cho con bú sử dụng thuốc Amiodaron sẽ như thế nào?
Phụ nữ có thai
- Phụ nữ khi mang thai mà sử dụng thuốc Amiodaron thì thuốc có thể đi qua hàng rào rau thai, gây ra các tác hại tiềm ẩn như làm chậm nhịp tim, tác dụng lên tuyến giáp ở các trẻ sơ sinh.
- Thuốc này có thể gây tác dụng lên chức năng tuyến giáp của thai nhi, khiến cho thai nhi bị nhiễm độc và chậm phát triển.
- Thuốc Amiodaron cũng có thể gây ra bệnh bướu giáp trạng bẩm sinh (cường giáp trạng hoặc thiểu năng giáp trạng).
Do đó phụ nữ có thai không dùng thuốc Amiodaron.
Phụ nữ đang cho con bú
- Các bà mẹ đang cho con bú nếu sử dụng thuốc Amiodaron thì thuốc và các chất chuyển hóa của thuốc sẽ đi vào trong sữa mẹ. Từ đó thuốc có thể làm chậm sự phát triển của bé đang bú mẹ.
- Ngoài ra thuốc có chứa hàm lượng iod cao nên không sử dụng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.
- Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc thì cần phải dừng việc cho con bú. Khi đó cũng cần phải lưu ý đến việc thuốc đào thải chậm ra khỏi cơ thể sau khi đã dừng thuốc.
Các tác dụng phụ của thuốc Amiodaron
Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Amiodaron gồm có:
- Về thần kinh: bệnh nhân có thể bị run, cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, tê cóng hoặc đau nhói ngón tay, ngón chân, bệnh nhân có thể bị hoa mắt, dị cảm, mất điều hòa.
- Về tiêu hóa: bệnh nhân có thể bị buồn nôn hoặc nôn, cảm thấy chán ăn, táo bón.
- Trên tuần hoàn: Bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp sau khi tiêm, có khi bị nhịp tim chậm, loạn nhịp, block nhĩ thất, suy tim.
- Trên hô hấp: bệnh nhân có thể bị viêm phổi kẽ, viêm phế nang lan hỏa hay xơ phổi.
- Trên da: Bệnh nhân có thể bị mẫn cảm với ánh nắng gây ra ban đỏ hay nhiễm sắc tố da.
- Đối với mắt: khi sử dụng thuốc Amiodaron bệnh nhân có thể bị rối loạn thị giác.
- Đối với nội tiết: bệnh nhân có thể bị cường giáp trạng hoặc suy giáp trạng.
- Bệnh nhân cũng có thể gặp các phản ứng khác như thay đổi vị giác, khứu giác, cảm thấy nóng bừng, bị rối loạn đông máu khi sử dụng Amiodaron.
Các tác dụng phụ ít gặp khi sử dụng thuốc Amiodaron bao gồm:
- Đối với toàn thân: bệnh nhân có thể bị rối loạn giấc ngủ, đau đầu.
- Trên hệ thần kinh: bệnh nhân có thể bị các bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh cơ.
- Trên tim mạch: bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim (nhanh hoặc không đều), suy tim ứ huyết, nhịp chậm xoang.
Các tác dụng phụ hiếm gặp khi sử dụng thuốc Amiodaron gồm có:
- Đối với máu: bệnh nhân có thể bị giảm tiểu cầu.
- Trên hệ thần kinh: bệnh nhân có thể bị tăng áp lực nội sọ.
- Trên da: bệnh nhân có thể bị ban da, rụng tóc, lông và ban đỏ sau khi chụp X-quang, bị viêm da tróc vảy.
- Đối với gan: bệnh nhân có thể bị xơ gan, viêm gan.
- Trên mắt: bệnh nhân có thể bị viêm thần kinh thị giác.
- Bệnh nhân có thể gặp các phản ứng quá mẫn như các phản vệ sau khi tiêm tĩnh mạch thuốc Amiodaron.
Khi sử dụng thuốc Amiodaron bệnh nhân có bất kỳ tác dụng phụ nào như trên cần phải báo cho bác sĩ điều trị ngay để có biện pháp xử trí kịp thời.
Liều lượng và cách dùng thuốc Amiodaron cho trẻ em
Cần phải bắt đầu quá trình điều trị tại bệnh viện, có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
- Đường uống:
- Trẻ sơ sinh: liều ban đầu từ 5 - 10 mg/kg cân nặng x 2 lần/ngày, trong vòng 7 - 10 ngày. Sau đó sẽ giảm liều, duy trì với liều 5 - 10 mg/kg/ngày.
- Trẻ từ 1 tháng tuổi - 12 tuổi: liều bắt đầu từ 5 - 10 mg/kg (không quá 200 mg) x 2 lần/ngày, trong vòng 7 - 10 ngày. Sau đó duy trì với liều 5 -10 mg/kg/ngày (không quá 200mg/ngày).
- Trẻ từ 12 - 18 tuổi sử dụng liều 200mg/lần x 3 lần/ngày trong vòng 01 tuần đầu, trong 01 tuần tiếp theo chỉ sử dụng liều 200mg/lần x 2 lần/ngày, tiếp theo thường sử dụng liều 200mg/ngày, liều được điều chỉnh tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân cụ thể.
- Đường tiêm truyền: chỉ sử dụng trong bệnh viện nên chúng tôi xin phép không đề cập ở đây. Với trẻ bị rung thất, nhịp nhanh thất không có mạch và kém đáp ứng với phương pháp sốc điện. Các trường hợp này cần tiêm tĩnh mạch.
Liều lượng và cách dùng thuốc Amiodaron cho người lớn
Vì đường tiêm truyền tĩnh mạch chỉ sử dụng trong bệnh viện nên chúng tôi không đề cập đến trong bài viết này. Sử dụng thuốc Amiodaron cần có chỉ định và giám sát của bác sĩ.
Liều điều trị cho bệnh nhân bị nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung nhĩ, nhịp nhanh thất và flutter nhĩ.
- Trong 01 tuần đầu tiên sử dụng liều: 200mg/lần x 3 lần/ngày.
- Trong 01 tuần tiếp theo sử dụng liều: 200mg/lần x 2 lần/ngày.
- Sau đó bệnh nhân sẽ được cho sử dụng liều duy trì thường là 200 mg/ngày, liều duy trì tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
Điều trị cho bệnh nhân bị loạn nhịp thất đe dọa tới tính mạng
- Sử dụng liều tấn công là 800 - 1000 mg/ngày trong vòng từ 1 - 3 tuần, hoặc cho đến khi bệnh nhân đáp ứng với điều trị.
- Khi đã kiểm soát được tình trạng loạn nhịp hoặc khi xuất hiện tai biến sẽ điều chỉnh liều lượng. Giảm liều dần dần cho tới 600 - 800 mg/ngày trong khoảng thời gian là 1 tháng.
- Liều duy trì giảm xuống 400 - 600 mg/ngày. Thậm chí có thể giảm liều xuống tới 200 mg/ngày nếu được.
Các trường hợp đặc biệt cần phải chú ý
- Bệnh nhân bị suy gan được khuyến cáo là giảm liều.
- Bệnh nhân bị suy thận không cần phải giảm liều.
- Với các bệnh nhân cao tuổi sử dụng liều lượng giống người trẻ, tuy nhiên cần phải thận trọng khi sử dụng. Khi sử dụng liều cao dễ gây ra tình trạng rối loạn dẫn truyền và nhịp tim chậm.
Các triệu chứng xảy ra khi uống quá liều Amiodaron và cách xử trí
Khi sử dụng thuốc Amiodaron quá liều bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như hạ huyết áp, nhịp xoang chậm và/hoặc block tim nhiễm độc gan, sốc do tim. Trường hợp nặng có thể gây tử vong.
Xử trí:
- Nếu bệnh nhân mới uống thuốc, cần phải gây nôn, tiến hành rửa dạ dày rồi dùng than hoạt tính.
- Trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, co giật thì phải tiến hành đặt nội khí quản trước rồi sau đó mới được rửa dạ dày.
- Sau khi quá liều, cần phải theo dõi điện tâm đồ cho bệnh nhân trong vài ngày, đồng thời theo dõi cả huyết áp và nhịp tim.
- Bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị triệu chứng trong bệnh viện.
- Đồng thời phải theo dõi sát men gan.
Tương tác của Amiodaron với các thuốc khác
Hiện tượng tương tác của thuốc Amiodaron với các thuốc khác có thể xảy ra khi phối hợp và có thể xuất hiện cả khi đã ngừng sử dụng Amiodaron một thời gian vì thời gian bán thải của thuốc này dài và thay đổi.
- Thuốc Amiodaron cần tránh phối hợp cùng các thuốc gây xoắn đỉnh như thuốc chống loạn nhịp tim nhóm IA (Quinidin, Hydroquinidin, Disopyramid), nhóm III (Ibutilid, Dofetilid, Sotalol), Cisaprid, Bepridil, Diphemanil, Erythromycin tiêm tĩnh mạch, Pimozid, Loratadin, Mizolastin, Vincamin tiêm tĩnh mạch, Spiramycin tiêm tĩnh mạch, Moxifloxacin, Sultoprid. Nếu phối hợp với các thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ xoắn đỉnh, loạn nhịp thất.
- Thuốc Amiodaron có thể làm tăng tác dụng/nồng độ của các thuốc chẹn beta, thuốc Glycosid trợ tim, Cyclosporin,...
- Thuốc Amiodaron có thể làm giảm tác dụng/nồng độ của các thuốc chống loạn nhịp IA, Codein, dung dịch Iod, Tramadol.
- Thuốc Amiodaron có thể bị tăng tác dụng/nồng độ nếu sử dụng kết hợp với các thuốc chống loạn nhịp nhóm IA, các thuốc chẹn calci, các thuốc ức chế protease,...
- Thuốc Amiodaron có thể bị giảm tác dụng/nồng độ khi sử dụng cùng các thuốc gắn với acid mật, các dẫn chất của Rifamycin,...
- Đặc biệt nước ép bưởi làm tăng nồng độ Amiodaron trong huyết tương do ức chế quá trình chuyển hóa thuốc dạng uống ở niêm mạc ruột. Bởi vậy, bệnh nhân khi đang phải uống thuốc Amiodaron không được uống nước ép bưởi.
Trên đây là các thông tin cơ bản về thuốc Amiodaron mà chúng ta cần phải biết. Mặc dù thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong, nhưng Amiodaron vẫn là một trong các thuốc chống loạn nhịp tim được khuyến cáo sử dụng thường xuyên nhất. Và khi bắt đầu sử dụng loại thuốc này, bệnh nhân nên được theo dõi sát bởi các bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc Amiodaron khi không có chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm:
- Những lưu ý khi dùng thuốc Digoxin trợ tim
- Rối loạn nhịp tim uống thuốc gì?