Thực phẩm giảm đau cho người đau dạ dày
Chế độ ăn uống có liên quan và tác động trực tiếp đến bệnh lý đau dạ dày. Ăn uống đúng cách thôi chưa đủ, hãy ăn những loại thực phẩm giúp giảm các cơn đau dạ dày. Nhờ những thức ăn này mà tình trạng đau dạ dày được cải thiện tốt hơn, phục hồi nhanh, hạn chế tái phát. Chúng tôi xin đưa ra một vài gợi ý những đồ ăn giảm đau cho dạ dày để bạn tham khảo.
Thực phẩm giảm đau cho người đau dạ dày
Nhịp sống hiện đại, môi trường làm việc nhiều căng thẳng khiến cho tỷ lệ người mắc các bệnh lý về đau dạ dày ngày một gia tăng. Đau dạ dày (hay còn gọi là đau bao tử) là tình trạng dạ dày viêm, loét hoặc sưng do các tổn thương bên trong dạ dày gây ra. Các cơn đau dạ dày như triệu chứng điển hình và người bệnh phải sống chung với cảm giác đau nếu chưa được chữa khỏi.
Đau dạ dày ngoài sự tấn công của vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) thì chế độ ăn uống là yếu tố tác động nhiều nhất. Do vậy, cần phải nắm rõ những loại thực phẩm ăn vào giúp giảm đau, những thực phẩm “đại kỵ” nên tránh và duy trì một chế độ ăn uống khoa học.
1. Những thực phẩm người đau dạ dày nên ăn
Chuối
Chuối không còn xa lạ đối với đa số người Việt Nam bởi mức độ phổ biến, dễ trồng và giá rẻ. Trong chuối có hàm lượng chất kali và pectin cực kỳ tốt cho hệ tiêu hóa. Ăn mỗi ngày từ 1- 2 quả chuối chín sẽ kích thích sản sinh ra các chất bảo vệ niêm mạc và thành dạ dày. Đồng thời ngăn ngừa vấn đề nhiễm trùng đường ruột, giảm hiện tượng chướng bụng, khó tiêu, ... Khả năng cân bằng nồng độ acid trong dạ dày cũng là một trong công dụng từ quả chuối mang lại.
Cần lưu ý, ăn chuối sau khi ăn cơm nửa tiếng hoặc khi bụng no để chuối phát huy tác dụng tốt nhất đối với dạ dày. Ngoài ra, người bị bệnh đau dạ dày chỉ nên ăn chuối ngự, chuối cau, ... Nhiều người lấy chuối tiêu xanh cắt lát mỏng, phơi khô, nghiền thành bột mịn uống cùng mật ong như bài thuốc trị dạ dày hiệu quả.
Đu đủ
Hàm lượng khoáng chất (canxi, kali, magiê, sắt, kẽm) và dinh dưỡng cao trong quả đu đủ chín rất tốt cho người đau dạ dày. Các hoạt chất papain và chymopapain giúp kháng khuẩn bên trong bao tử, hỗ trợ quá trình làm lành vết thương trên thành dạ dày. Thường xuyên ăn đu đủ chín khiến các acidic lành mạnh được sản sinh giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn, cải thiện triệu chứng khó tiêu và nhuận tràng, hạn chế chứng táo bón, thuyên giảm các cơn đau.
Người đau dạ dày có thể ép đu đủ chín lấy nước uống đều đặn mỗi ngày. Bên cạnh đó có thể sắc đu đủ chín 40g cùng táo tây 40g uống thay nước hằng ngày cực kỳ tốt cho dạ dày. Không nên ăn đu đủ xanh và ăn khi đói. Ăn sau khi dùng cơm 30 phút là thời gian lý tưởng nhất.
Sữa chua
Đây là thực phẩm tốt cho người đau dạ dày. Probiotic có trong sữa chua là lợi khuẩn giúp hỗ trợ khôi phục lại hệ tiêu hóa. Theo một số nghiên cứu gần đây, sự chuyển hóa từ sữa chua tạo nên acid lactic có tác dụng cản trở sự phát triển của vi khuẩn HP gây bệnh dạ dày. Ăn sữa chua sau bữa ăn 30 phút tăng khả năng tiêu hóa thức ăn, giảm đầy bụng, khó tiêu. Tuyệt đối không nên hâm nóng sữa chua vì sẽ làm mất đi công dụng có trong nó.
Gừng
Với những công dụng trong hỗ trợ điều trị và kiểm soát các triệu chứng đau dạ dày tốt, gừng được xem như “thần dược”. Các cơn đau dạ dày sẽ giảm rõ rệt nhờ vào tách trà gừng tươi uống đều đặn vào mỗi sáng hoặc tối. Nhờ xoa dịu tình trạng kích ứng của dạ dày, chống viêm và oxy hóa (gingerols và shogaolong), tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất mà gừng được sử dụng rất nhiều cho người bị đau dạ dày.
Nhằm tăng hiệu quả giảm đau từ gừng, có thể sử dụng kết hợp cùng chanh và mật ong hoặc ngâm giấm để ngậm khi lên cơn đau dạ dày đều rất tốt. Mỗi ngày chỉ nên sử dụng tối đa 4g gừng để tránh không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bánh mì nướng
Một vài miếng bánh mì nướng sẽ làm dịu các cơn đau dạ dày. Ăn bánh mì giúp giảm thiểu lượng acid tiết ra trong dạ dày đồng thời bảo vệ lớp niêm mạc khỏi sự phá hủy của acid. Lời khuyên được đưa ra là bạn chỉ nên ăn bánh mì không, không nên ăn kèm bơ hoặc mứt.
Các loại ngũ cốc và thực phẩm thô
Theo khuyến cáo, trong thực phẩm thô, các loại ngũ cốc như gạo lức, ngô, các loại đậu, hạt điều, mè, ... chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ lớp màng tế bào của thành dạ dày. Bên cạnh đó là một lượng lớn carbohydrate được sản sinh khi ăn bột làm từ ngũ cốc và thực phẩm thô giúp làm dịu viêm loét dạ dày, bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho người bị rối loạn tiêu hóa.
Bắp cải
Nước ép bắp cải hoặc nước dưa cải muối có vai trò giảm các cơn đau bụng và loét dạ dày. Các axit amin, Gefarnate, L-glutamine và vitamin U có trong bắp cải bảo vệ niêm mạc dạ dày, hạn chế hình thành các vết loét mới, tăng cường tiết dịch nhầy. Tuy nhiên, bạn nên ăn bắp cải với số lượng vừa phải để không bị đầy hơi.
2. Những thực phẩm kiêng kỵ với người đau dạ dày
Bên cạnh những thức ăn giúp hỗ trợ chữa lành nhanh các vết viêm, loét và giảm cơn đau cũng có những thực phẩm mà người đau dạ dày tuyệt đối không nên ăn. Nhóm thực phẩm được liệt kê dưới đây không tốt cho hệ tiêu hóa đang bị tổn thương và sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, kéo dài thời gian điều trị:
- Những loại nước uống kích thích niêm mạc dạ dày như: rượu, bia, nước uống có ga, cà phê, nước chè, ... Cần thận trọng khi ăn trái cây có hàm lượng acid cao tự nhiên: cam, chanh, quýt, bưởi, cóc, xoài, ... Tác động tiêu cực, gây bất lợi cho dạ dày của nhóm thức uống và hoa quả này là không nhỏ. Tăng nồng độ acid, tăng tiết dịch vị trong dạ dày, ... dẫn đến niêm mạc dạ dày khó lành và khả năng bệnh đau dạ dày tái phát cao.
- Nhóm thực phẩm khó tiêu: khi bị đau bao tử, chức năng của dạ dày bị suy giảm như một hệ lụy tất yếu. Vì vậy, bạn không nên để dạ dày làm việc “quá tải”, hoạt động liên tục nhằm tiêu hóa thức ăn. Hạn chế tiêu thụ thức ăn chiên xào, dầu mỡ nhiều, chế biến sẵn, chế phẩm từ sữa, ... Chất béo và tinh bột có thể tích tụ tại dạ dày và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, kèm theo đó là chứng táo bón do thiếu hụt chất xơ.
- Nhóm thực phẩm cay: người bị đau dạ dày cần hạn chế tối đa ăn gia vị cay như: ớt, tiêu, ... Bởi đây là “sát nhân” thầm lặng gây ra những cơn đau, viêm loét, chảy máu dạ dày ngày càng tăng. Ngoài ra, ăn khi thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh đều không tốt cho dạ dày. Món ăn lạnh sẽ làm mạch máu trong dạ dày co lại, hoạt động co bóp của dạ dày bị suy giảm, gây rối loạn tiêu hóa. Thức ăn nóng dễ làm dạ dày bị xung huyết.
- Thực phẩm còn sống: việc ăn chín, uống chín đối với người đau dạ dày là rất quan trọng. Những món ăn như rau sống, sushi cá hồi sống, gỏi cá sống, ... nên hạn chế đối với bệnh lý đau dạ dày để tránh nguy hại cho sức khỏe. Nhiễm giun sán (chúng có thể tấn công cơ quan khác qua các vết loét dạ dày), tiêu chảy, nôn ói khi thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Dạ dày không thể chuyển hóa thức ăn dẫn đến triệu chứng khó chịu: đầy bụng, khó tiêu.
3. Lời khuyên về chế độ ăn uống đúng cách cho người đau dạ dày
Bên cạnh những loại thực phẩm tốt giúp giảm đau thì chế độ ăn uống đúng cách cũng là một trong những yếu tố giúp bệnh đau dạ dày nhanh khỏi. Người bị đau dạ dày nên luyện tập thói quen ăn uống đúng giờ, ăn đầy đủ 3 bữa chính, có thể chia làm nhiều bữa nhỏ để tiêu hóa tốt hơn. Tuyệt đối không bỏ bữa sáng, không ăn khuya hoặc vừa ăn vừa làm việc. Không nên chạy nhảy, vận động, làm việc nặng sau khi ăn.
Ăn chậm, nhai kĩ. Khi ăn nên nhai kỹ và chậm để thức ăn được nghiền nhỏ, giúp dạ dày co bóp và tiêu hóa đồ ăn dễ dàng hơn. Các món ăn nên được chế biến chín và mềm để dễ ăn, tốt cho dạ dày. Đặc biệt, không nên ăn quá no hoặc để quá đói mới ăn.
Không nên uống nhiều nước khi ăn. Có thể ăn kèm một chút canh để thức ăn dễ tiêu hóa.
Xem thêm:
- Đau dạ dày bạn đã biết cách điều trị đúng hay chưa
- Người bị đau dạ dày có nên ăn chuối tiêu không?