Thứ tự mọc răng sữa của trẻ sơ sinh
Các bậc cha mẹ cần quan sát và theo dõi thứ tự mọc răng sữa của bé sơ sinh nhà mình, trung bình từ tháng thứ 6 đến khoảng 3 tuổi theo lịch khái quát như sau:
Thứ tự mọc răng sữa của trẻ sơ sinh
Giai đoạn các bé bắt đầu nhú chiếc răng sữa đầu tiên là niềm vui lớn của cả gia đình. Răng sữa hay còn gọi là răng tạm thời, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển sọ mặt. Giai đoạn răng sữa trung bình từ 6 tháng tuổi cho đến lúc hoàn tất vào khoảng 30 tháng tuổi, gồm có 20 chiếc răng với 10 răng trên và 10 răng dưới.
Thời gian mọc răng sữa ở mỗi bé có sự chênh lệch tương đối nhưng hầu như đều có một thứ tự nhất định. Một số bé từ 4 - 5 tháng đã mọc răng, nhưng có nhiều bé khoảng gần 1 tuổi mới bắt đầu xuất hiện chiếc răng đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ cần mọc răng trong vòng 1 năm đầu đời thì vẫn đảm bảo sức khoẻ thể chất và sự phát triển bình thường của bé. Các bậc cha mẹ cần quan sát, theo dõi các giai đoạn và thứ tự mọc răng sữa của các bé sơ sinh nhà mình. Hãy chú ý các dấu hiệu sắp mọc răng để giúp bé đỡ khó chịu hơn, cũng như để chào đón những chiếc răng xinh đầu đời của bé.
1. Thứ tự mọc răng sữa của bé
2/20 - Răng cửa hàm dưới: Trong khoảng 4-7 tháng tuổi, “2 chiếc tiên phong” này có thể xuất hiện cùng một lúc.
4/20 - Răng cửa hàm trên: Xuất hiện tiếp theo là 2 răng cửa hàm trên, thường bắt đầu từ tháng thứ 8 -12.
6/20 - Răng kề răng cửa hàm trên: Trong vòng từ tháng 9 đến tháng thứ 13, bố mẹ có thể nhìn thấy 2 chiếc răng kề bên trái và phải răng cửa của trẻ.
8/20 - Răng kề răng cửa hàm dưới: Bé nhà bạn có thể “tự tin” khoe nụ cười xinh với 8 chiếc răng, mọc đều thành “hàng tiền đạo” ở cả 2 hàm khi ở tháng thứ 10 - 16.
10/20 - Răng hàm đầu tiên ở hàm trên: 2 chiếc răng hàm đầu tiên của hàm trên xuất hiện khi bé độ từ 13 - 19 tháng tuổi. Hai chiếc răng này mọc ở vị trí lùi về phía trong, cách một khoảng so với 4 chiếc răng cửa đã mọc trước đó.
12/20 - Răng hàm đầu tiên ở hàm dưới: Cũng như 2 chiếc răng kia ở hàm trên, 2 răng hàm dưới mọc cách một khoảng so với 4 chiếc răng cửa của hàm dưới khi bé khoảng từ 14 - 18 tháng tuổi.
14/20 - Răng nanh trên: răng nanh được gọi vui ra răng chó. Và “bé cún” yêu của bạn vào khoảng 16 - 22 tháng tuổi, sẽ bắt đầu nhô lên những chiếc “nanh” đầu tiên ở vị trí còn trống cạnh răng cửa hàm trên số 2.
16/20 - Răng nanh dưới: Xuất hiện từ lúc bé được 17 tháng tuổi cho đến 23 tháng tuổi. Nụ cười của bé ở giai đoạn này có thể nói là rạng rỡ nhất, bởi răng sữa của các bé trắng hơn răng vĩnh viễn sau này.
18/20 - Răng hàm thứ 2 (hàm dưới): Hai răng hàm phía dưới tiếp theo được mọc khi bé được khoảng 23 - 31 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, các bé thường không cảm thấy khó chịu khi mọc răng vì mãi “bận rộn” để khám phá nhiều thứ xung quanh.
20/20 - Răng hàm thứ 2 (hàm trên): Trong vòng từ tháng thứ 25 đến 33, những chiếc răng cuối cùng được nhú lên. Trước 3 tuổi, hầu hết các trẻ đã có thể sở hữu bộ 20 chiếc răng sữa xinh xắn để trao những nụ cười lấp lánh đến tất cả mọi người.
2. Chăm sóc răng sữa như thế nào?
Các mẹ dùng gạc quấn chung quanh ngón tay trỏ thấm nước muối pha loãng (thật loãng để tránh làm bé khó chịu), tiến hành lau sạch răng cho trẻ ngay sau khi ăn hoặc bú sữa. Khi trẻ ăn dặm cố gắng không để trẻ ngậm đồ ăn quá lâu. Bố mẹ nên tập cho trẻ làm quen với bàn chải càng sớm càng tốt để trẻ có thói quen sử dụng bàn chải. Không nên dùng bàn chải để giúp trẻ đánh răng, thay vào đó là dạy bé làm sạch răng đúng cách. Cần cho các bé khám răng định kỳ 3 – 6 tháng/ lần, không nên để đến khi trẻ bị đau răng mới cho trẻ đi khám răng (điều này đem đến cho nỗi sợ cho trẻ và gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý về sau).
Dịch và tổng hợp từ nguồn: Baby Center L.L.C , Viện dinh dưỡng quốc gia